TÓM TẮT:

Luật Cạnh tranh 2018 đã thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế. Số lượng giao dịch tập trung kinh tế tăng lên. Cơ quan cạnh tranh được trao công cụ để có những đánh giá sâu hơn, toàn diện hơn đối với một giao dịch tập trung kinh tế. Tuy nhiên, cũng xuất hiện những khó khăn, thách thức mới đối với cơ quan thực thi trong quá trình thực hiện việc kiểm soát các giao dịch này. Do vậy, bài viết sẽ nêu rõ các thuận lợi và thách thức đối với cơ quan cạnh tranh và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các quy định mới về kiểm soát tập trung kinh tế.

Từ khóa: Luật Cạnh tranh 2018, tập trung kinh tế, cơ quan cạnh tranh.

1. Những thay đổi trong cách thức tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế

Sau gần 15 năm thực thi, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã được thay thế bởi Luật Cạnh tranh năm 2018 với nhiều thay đổi cơ bản về cách thức tiếp cận và điều chỉnh đối với các vấn đề về cạnh tranh. Một trong những chế định có sự thay đổi đáng kể nhất là chế định về kiểm soát tập trung kinh tế.

Luật Cạnh tranh 2004 đã gặp trở ngại lớn về vấn đề ngưỡng thông báo tập trung kinh tế và cách thức kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế. Theo đó, tiêu chí thị phần được sử dụng để làm cơ sở xác định một giao dịch tập trung kinh tế có thuộc diện bị cấm hay không, hay ở mức độ thấp hơn là có thuộc diện phải thông báo với cơ quan cạnh tranh để đánh giá hay không. Với việc quy định các ngưỡng thị phần cố định làm cơ sở xác định cấm hay kiểm soát đối với các giao dịch tập trung kinh tế, các doanh nghiệp (DN) có cơ sở để cho rằng bản thân DNkhông xác định được thị phần của mình hoặc tự xác định mức thị phần thấp hơn ngưỡng cấm hay ngưỡng thông báo, theo đó không thông báo với cơ quan cạnh tranh mà mặc nhiên thực hiện giao dịch. Về phía cơ quan cạnh tranh, mặc dù có thể dự báo một giao dịch tập trung nào đó có tác động tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan không thực hiện thủ tục thông báo, nhưng cơ quan cạnh tranh cũng khó có thể truy cứu trách nhiệm trong các trường hợp này. Chính vì vậy, số lượng các vụ việc tập trung kinh tế được thông báo đến cơ quan cạnh tranh để xem xét, đánh giá trong những năm vừa qua là không nhiều. Theo báo cáo kết quả 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh của Việt Nam, từ năm 2005 đến năm 2015 chỉ có 28 vụ việc tập trung kinh tế được thông báo chính thức đến cơ quan cạnh tranh, ngoài ra có thêm 44 vụ việc tham vấn. Vai trò của Luật Cạnh tranh trong việc kiểm soát giao dịch tập trung kinh tế, hạn chế các rủi ro cho thị trường không được thể hiện rõ.

Năm 2018, Luật Cạnh tranh mới được ban hành đã khắc phục cơ bản những vướng mắc nêu trên. Theo đó, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế không chỉ còn là thị phần mà bao gồm cả giá trị giao dịch, tổng tài sản hay tổng doanh thu của các bên liên quan trên thị trường. Các ngưỡng này được quy định cụ thể tại Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cạnh tranh:

Bảng 1. Các ngưỡng thông báo tập trung kinh tế tại Nghị định số 35/2020/NĐ-CPCác ngưỡng thông báo tập trung kinh tế tại Nghị định số 35/2020/NĐ-CP

Không chỉ thay đổi về quy định ngưỡng thông báo, Luật cũng có những quy định mới về cách thức đánh giá các giao dịch tập trung kinh tế và cả quy trình đánh giá của cơ quan cạnh tranh.

Về cách thức đánh giá, cơ quan cạnh tranh không chỉ đánh giá ngưỡng số liệu một cách đơn thuần để quyết định giao dịch có thuộc diện bị cấm hay không mà sẽ đánh giá tác động tổng thể của một giao dịch tập trung kinh tế dựa trên các tiêu chí khác nhau. Theo quy định mới, một giao dịch tập trung kinh tế có thể gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể nhưng sẽ được chấp thuận thực hiện nếu kèm theo một số điều kiện nhất định. Các biện pháp này được quy định rõ tại Điều 42. Theo quy trình mới, cơ quan cạnh tranh sẽ thực hiện trước bước sàng lọc ban đầu đối với các giao dịch tập trung kinh tế được thông báo, hay còn gọi là thẩm định sơ bộ. Trường hợp giao dịch không có vấn đề sẽ được thông qua, còn nếu nghi ngại có vấn đề về cạnh tranh sẽ chuyển sang giai đoạn thẩm định chính thức.

2. Những thuận lợi trong quá trình thực thi quy định mới về kiểm soát tập trung kinh tế

Thời gian gần đây, các ngành chủ yếu thu hút các thương vụ M&A tại Việt Nam là bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ. Bên cạnh đó, những lĩnh vực có thương vụ đáng chú ý bao gồm logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng. Bên cạnh đó, các thương vụ M&A được thực hiện trong khá nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, như: bia, nước giải khát, sữa, giấy, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, thủy sản, vật liệu xây dựng,... 

Với việc áp dụng nhiều tiêu chí khác nhau, việc nhận diện các giao dịch thuộc diện phải thông báo với cơ quan cạnh tranh trở nên rất rõ ràng. Theo đó, cộng đồng DNsẽ thuận lợi trong việc tuân thủ pháp luật, cơ quan quản lý cũng không gặp khó khăn trong công tác giám sát, quản lý các giao dịch tập trung kinh tế trên thị trường. Quy định này đã cho thấy tính hiệu quả với việc số lượng các thông báo tập trung kinh tế gửi đến cơ quan cạnh tranh đã gia tăng đáng kể từ thời điểm Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực thi hành. Chỉ trong 2 năm đầu thực thi Luật Cạnh tranh 2018, đã có 125 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế gửi đến cơ quan cạnh tranh, gấp 3 lần tổng số hồ sơ trong 14 năm thực thi Luật Cạnh tranh 2004.

Việc quy định rõ các thời hạn, quy trình, đặc biệt là có giai đoạn sàng lọc sơ bộ, cũng giúp cơ quan cạnh tranh thuận lợi hơn trong quá trình tiếp nhận, xem xét các giao dịch tập trung kinh tế một cách hiệu quả. Theo đó, các giao dịch có ít nguy cơ gây tác động hạn chế cạnh tranh sẽ được xem xét một cách nhanh chóng, thông qua nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian công sức cho cả cơ quan cạnh tranh và DN liên quan. Trong khi đó, các giao dịch có nguy cơ cao hơn sẽ được chọn lọc để đánh giá chi tiết, cụ thể hơn. Theo đó, cơ quan cạnh tranh sẽ chủ động trong việc bố trí nguồn lực, các vụ việc cần được đánh giá sẽ được đánh giá một cách kĩ lượng và có trọng tâm hơn.

Cơ chế đánh giá theo Luật Cạnh tranh 2018 cũng giúp cơ quan cạnh tranh có nhiều quyền chủ động hơn trong việc đánh giá tác động của một giao dịch tập trung kinh tế. Theo đó, các vụ việc không được đánh giá một cách đơn thuần dựa trên số liệu đã được đánh giá trên cơ sở nhiều tiêu chí tổng thể khác nhau, từ đó đưa ra nhận định về tác động tổng thể của giao dịch, bao gồm cả tác động tích cực và tác động hạn chế cạnh tranh. Đồng thời, cơ quan cạnh tranh cũng có sự chủ động nhất định trong việc quyết định các điều kiện kèm theo các giao dịch tập trung kinh tế có thể có tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.

3. Những thách thức trong quá trình thực thi quy định mới về kiểm soát tập trung kinh tế

3.1. Đánh giá tác động của giao dịch tập trung kinh tế dựa trên các tiêu chí định tính

Việc Luật Cạnh tranh giao quyền chủ động đánh giá cho cơ quan cạnh tranh là một thuận lợi nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn trong việc đưa ra các nhận định về tác động tiềm năng của các giao dịch tập trung kinh tế.

Các yếu tố được sử dụng làm tiêu chí đánh giá một giao dịch tập trung kinh tế tại khoản 1 Điều 31 Luật Cạnh tranh gồm nhiều tiêu chí, bên cạnh một số tiêu chí định lượng còn có nhiều tiêu chí định tính như mối quan hệ của các DNtham gia tập trung kinh tế, lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại, khả năng DNsau tập trung kinh tế tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể,…

Các yếu tố đánh giá tác động tích cực của giao dịch tập trung kinh tế tại khoản 1 Điều 32 Luật Cạnh tranh cũng bao gồm các yếu tố định tính, như: tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước; tác động tích cực đến việc phát triển DNnhỏ và vừa; tăng cường sức cạnh tranh của DNViệt Nam trên thị trường quốc tế.

Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh cũng không định lượng cụ thể các yếu tố này. Như vậy, việc hiểu và đánh giá dựa trên các tiêu chí này phụ thuộc nhiều vào quan điểm, góc nhìn của cơ quan cạnh tranh.

Với việc đa số các tiêu chí đánh giá “có tác động hoặc có khả năng gây tac động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể” không được định lượng cụ thể mà chỉ là các tiêu chí định tính, cơ quan cạnh tranh sẽ phải đảm bảo đánh giá của mình đối với giao dịch là chính xác, khách quan và đủ thuyết phục. Trường hợp cho rằng quyết định của cơ quan cạnh tranh không chính xác, trái pháp luật và xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên tham gia giao dịch tập trung kinh tế có thể khiếu nại theo pháp luật về khiếu nại hành chính. Trong trường hợp này, cơ quan cạnh tranh không còn là người chủ động quyết định mà phải đưa ra lập luận để bảo vệ quan điểm của mình và điều này sẽ không dễ dàng khi chỉ dựa trên cơ sở các nhận định thiếu tính định lượng cụ thể.

3.2. Xác định điều kiện kèm theo giao dịch tập trung kinh tế có điều kiện

Như đã nêu ở trên, Luật Cạnh tranh 2018 đã có cách tiếp cận rất tiến bộ, được sử dụng phổ biến trong pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, đó là cho phép thực hiện giao dịch tập trung kinh tế gắn với những điều kiện nhất định. Theo đó, để tạo điều kiện cho các DNđạt được mong muốn của mình nhằm tối đa hóa lợi ích, một giao dịch tập trung kinh tế được xác định là có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể nhưng vẫn được thực hiện nếu kèm theo các biện pháp, hay còn gọi là các điều kiện, nhằm làm suy giảm hay loại bỏ tác động tiêu cực đó.

Cũng như các tiêu chí đánh giá một giao dịch tập trung kinh tế, các điều kiện kèm theo giao dịch tập trung kinh tế có điều kiện này cũng được quy định một cách định tính và việc cụ thể hóa các điều kiện này phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan cạnh tranh. Luật chỉ quy định mục đích của các giải pháp, còn giải pháp cụ thể thế nào lại do cơ quan cạnh tranh toàn quyền xác định và quyết định. Theo đó, nếu không cẩn trọng, cơ quan cạnh tranh có thể sẽ đưa ra các điều kiện không đủ chặt chẽ, dẫn đến việc cho phép thực hiện giao dịch tập trung kinh tế, nhưng sau đó thị trường lại xảy ra các vấn đề hạn chế cạnh tranh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

3.3. Áp lực về thời gian

Việc đánh giá một giao dịch kinh tế dựa trên các yếu tố định tính như trên đã là một thách thức với cơ quan thực thi. Bên cạnh đó, quy định hạn chế về thời gian giải quyết cũng là một thách thức rất lớn.

Nhiều quốc gia trên thế giới không quy định thời hạn cho việc xem xét một giao dịch tập trung kinh tế của cơ quan cạnh tranh. Tuy nhiên, với thông lệ, các thủ tục phải được quy định rõ ràng về quy trình và thời hạn nhằm hạn chế nguy cơ tùy tiện của cơ quan thực thi, pháp luật Việt Nam đặt ra những giới hạn về thời gian rất hạn chế cho việc giải quyết vấn đề này.

Theo quy định, thời gian cho giai đoạn thẩm định sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Thời gian thẩm định chính thức là 90 ngày và trong trường hợp phức tạp có thể gia hạn thêm 60 ngày. Nếu nhìn nhận dưới góc độ giải quyết thủ tục hành chính đơn thuần, các thời hạn này có vẻ như khá dài. Tuy nhiên, việc đánh giá một giao dịch tập trung kinh tế thực sự rất phức tạp và cần nhiều thời gian. Không chỉ xem xét hồ sơ do DNcung cấp, cơ quan cạnh tranh còn phải tiến hành nhiều biện pháp khác phục vụ cho quá trình thẩm định như thu thập số liệu thị trường, làm việc với các bên liên quan, tham vấn ý kiến các chuyên gia,…

Các thời hạn này sẽ trở nên càng áp lực hơn khi số lượng hồ sơ thông báo tập trung kinh tế tăng lên trong những thời điểm nhất định.

3.4. Hạn chế về nguồn nhân lực

Bên cạnh áp lực về nội dung đánh giá và áp lực về thời gian, vấn đề nguồn nhân lực cũng là một khó khăn đối với cơ quan cạnh tranh. Trong bối cảnh số lượng hồ sơ thông báo tập trung kinh tế ngày càng tăng, nhưng số lượng cán bộ thực hiện công tác này không tăng lên tương ứng, việc giải quyết tất cả các hồ sơ, đảm bảo chất lượng và thời hạn sẽ là một thách thức lớn lao.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát tập trung kinh tế

Luật Cạnh tranh đã được sửa đổi và ban hành mới vào năm 2018. Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đã được ban hành vào năm 2020. Như vậy, các quy định pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế đều mới được ban hành và sẽ phải trải qua khoảng thời gian nhất định để thực thi trước khi tính đến việc sửa đổi, bổ sung hay hoàn thiện. Do đó, các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế chủ yếu tập trung vào khâu thực thi. Theo tác giả, cơ quan cạnh tranh cần tập trung vào một số giải pháp sau đây để đảm bảo và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Thứ nhất, ban hành một hướng dẫn chung về cách thức đánh giá một giao dịch tập trung kinh tế.

Hiện nay, các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế chỉ có ở các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp độ luật và nghị định. Tuy nhiên, như đã nêu trên, các văn bản này chỉ quy định các tiêu chí định tính, không có các tiêu chí định lượng cụ thể làm cơ sở để cơ quan cạnh tranh đánh giá các giao dịch tập trung kinh tế diễn ra dưới nhiều quy mô và hình thức khác nhau. Do đó, để đảm bảo một cách hiểu và áp dụng thống nhất, cơ quan cạnh tranh nên ban hành một hướng dẫn trong đó nêu rõ quan điểm của cơ quan cạnh tranh trong việc sử dụng các tiêu chí đã được quy định trong luật và nghị định để đánh giá các vụ việc. Ví dụ, trong việc tính toán mức độ tập trung thị trường, cơ quan cạnh tranh có thể sử dụng những phương pháp nào, tham khảo những phương pháp nào, các chỉ số định lượng trong các phương pháp đó được sử dụng như thế nào.

Hướng dẫn này tồn tại ở dạng văn bản chuyên môn của cơ quan cạnh tranh, không mang tính chất ràng buộc pháp lý. Nội dung của hướng dẫn không cố định mà có thể được cập nhật, sửa đổi theo thời gian để phù hợp với thực tiễn, đa dạng hóa các trường hợp và cập nhật theo sự thay đổi của pháp luật.

Một hướng dẫn như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp, giới chuyên gia, tư vấn có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế đến cơ quan cạnh tranh một cách thuận lợi, thống nhất. Các chuyên gia trong lĩnh vực này hoàn toàn có thể có ý kiến góp ý để cơ quan cạnh tranh sửa đổi, hoàn thiện hướng dẫn, phục vụ cho lợi ích chung của cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Trên thế giới, có nhiều cơ quan cạnh tranh đã ban hành các hướng dẫn tương tự và đã phát huy giá trị to lớn trong quá trình thực thi pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế.

Thứ hai, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả với các bên liên quan trong quá trình đánh giá giao dịch tập trung kinh tế.

Để tiết kiệm thời gian và đảm bảo tính đúng đắn, chính xác của các nhận định, đánh giá về các giao dịch tập trung kinh tế, cơ quan cạnh tranh cần nhờ đến sự trợ giúp của các bên liên quan trong từng vụ việc nhất định.

Giao dịch tập trung kinh tế diễn ra ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Do đó, để đánh giá mỗi giao dịch, cơ quan cạnh tranh cần tham khảo ý kiến chuyên môn của cơ quan quản lý chuyên ngành. Đây là vấn đề rất quan trọng, giúp cho cơ quan cạnh tranh hiểu đúng, hiểu rõ về các lĩnh vực chuyên ngành, từ đó có các đánh giá, nhận định chính xác về tác động của các giao dịch tập trung kinh tế trong lĩnh vực đó. Ví dụ, khi xem xét một giao dịch tập trung kinh tế giữa các DN trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan cạnh tranh cần làm việc với các cơ quan chuyên môn về ngân hàng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để tìm hiểu về tính chất và các vấn đề đặc thù của ngành ngân hàng.

Quá trình xem xét một giao dịch tập trung kinh tế, cơ quan cạnh tranh cũng cần tham khảo các số liệu của các cơ quan chuyên về số liệu thống kê như Tổng cục Thống kê, cơ quan hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh. Các cơ quan này sẽ giúp cơ quan cạnh tranh đánh giá tính chính xác của các số liệu phục vụ cho việc đánh giá một giao dịch tập trung kinh tế.

Do đó, việc xây dựng một cơ chế phối hợp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc vận hành quy trình xem xét, đánh giá tác động của một giao dịch tập trung kinh tế, nhất là trong bối cảnh cơ quan cạnh tranh bị giới hạn bởi thời gian thực hiện thủ tục do luật định.

Thứ ba, hoàn thiện tổ chức và bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực cơ quan cạnh tranh.

Như đã nêu trên, nguồn nhân lực thực hiện công tác kiểm soát tập trung kinh tế của cơ quan cạnh tranh khá hạn chế, trong khi việc giải quyết các hồ sơ tập trung kinh tế chịu sự giới hạn về thời gian luật định. Do đó, việc tuyển dụng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế của cơ quan cạnh tranh là hết sức cần thiết.

Theo đó, quá trình xây dựng và hoàn thiện tổ chức, nhân sự của cơ quan cạnh tranh, cần xây dựng bộ phận kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế một cách chuyên nghiệp, có quy mô đáp ứng nhu cầu giải quyết các hồ sơ tập trung kinh tế với số lượng lớn.

Cơ quan cạnh tranh cũng cần chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thực hiện công tác kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc đánh giá các vụ việc phức tạp. Đặc biệt, cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, đã có quá trình triển khai công tác kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế nhiều năm như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Australia. Cơ quan cạnh tranh có thể xem xét đến việc cử cán bộ trực tiếp sang thực tập dài hạn tại cơ quan cạnh tranh của các quốc gia này nhằm nắm bắt không chỉ các quy định pháp luật mà còn là kỹ năng phân tích, đánh giá các giao dịch tập trung kinh tế tại các quốc gia đó.

Ngoài ra, để có thể vận hành một cơ chế kiểm soát tập trung kinh tế hiệu quả, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng DNvề pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế cũng là một vấn đề quan trọng cần tính đến. Trước tiên, DNcần biết các trường hợp tập trung kinh tế bị cấm hoặc phải thông báo đến cơ quan cạnh tranh để tránh các vi phạm vô ý. Đồng thời, việc DNcó nhận thức đầy đủ, đúng đắn về pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế sẽ giúp cho các hồ sơ thông báo tập trung kinh tế có chất lượng tốt, số liệu chuẩn xác, tin cậy, giúp cơ quan cạnh tranh thuận lợi trong việc xác minh thông tin, số liệu, đánh giá thông tin và đưa ra quyết định.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2018). Luật số 23/2018/QH14: Luật Cạnh tranh, ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2018.
  2. Chính phủ (2020). Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.
  3. Bộ Công Thương (2017). Báo cáo kết quả 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh của Việt Nam. Hà Nội.
  4. Dự án hoàn thiện môi trường kinh doanh VIE/97/016, (2001). Các vấn đề pháp lý và thể chế về chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền kinh doanh.
  5. Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), (2004). Khuôn khổ cho việc xây dựng và thực thi Luật và chính sách cạnh tranh.
  6. Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A - MAF Research, Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán doanh nghiệp CMAC (2021), 50 thương vụ đầu tư và M&A Việt Nam 2019 - 2020.

CHANGES IN ECONOMIC

CONCENTRATION MANAGEMENT APPROACH:

ADVANTAGES AND NEW CHALLENGES FOR

THE VIETNAM COMPETITION AND CONSUMER AUTHORITY

• PHAM VAN CAO, MBA

Vietnam Competition and Consumer Protection Authority

Ministry of Industry and Trade

ABSTRACT:

The Law on Competition which is enacted in 2018 introduces a new approach on reviewing economic concentration and the number of mergers and acquisitions has increased. The law also arms the competition authority more tools to fully consider and manage mergers and acquisitions. However, the law’s new approach also causes new challenges for the Vietnam Competition and Consumer Authority in controlling economic concentration transactions. This paper points out advantages and challenges for the competition authority in managing economic concentration transactions, and proposes some solutions to improve the laws enforcement efficiency.

Keywords: the 2018 Law on Competition, economic concentration, competition authority.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]