Thấy gì từ việc giá thép giảm?

Trước mắt việc kiểm tra của đoàn liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì sẽ giúp các cơ quan quản lý xác định bằng công cụ nào, để chuỗi cung ứng có đường đi ngắn nhất, để thị trường thép trong nước lành mạnh nhất.
Dây chuyền sản xuất thép
Dây chuyền sản xuất thép

Ngày hôm qua 21/6, các thương hiệu thép trong nước đồng loạt hạ giá bán sản phẩm. Thép cây được điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn; thép cuộn các loại giảm 600.000 đồng/tấn. Đáng lưu ý là giá thép giảm đồng loạt ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.

Một trong những nguyên nhân khiến giá thép trong nước giảm, theo nhận định của các chuyên gia là do Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới đẩy mạnh chiến dịch kiềm chế giá hàng hóa trong bối cảnh chi phí nguyên liệu thô tăng cao.

Trước đó, Bộ Công Thương đã thành lập một đoàn làm việc với doanh nghiệp thép. Thành phần đoàn bao gồm Bộ Công Thương cùng các cơ quan có liên quan khác như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế, Hiệp hội Thép Việt Nam, …

Đối tượng làm việc sẽ cơ bản là những doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường. Thời gian kết thúc kiểm tra còn phụ thuộc nhiều vào diễn dịch COVID-19. Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Công Thương trao khi trao đổi bên lề cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 17/6 cho biết “sẽ cố gắng hoàn thành sớm trong khoảng một tháng”.

Cũng tại cuộc họp báo này, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Đoàn công tác sẽ làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp thép nhằm nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, cung cầu  nguyên liệu đầu vào, thành phẩm thép  đầu ra, trong thời gian qua, cũng như dự báo trong thời gian tới.

Cuộc làm việc cụ thể với các doanh nghiệp sẽ cho thấy  ngoài các yếu tố chính của giá nguyên liệu  tăng cao trong thời gian qua, còn có những nguyên nhân nào khác tác động vào giá thép nữa không.

Theo các chuyên gia, sản xuất thép bằng công nghệ lò cao (hiện chiếm khoảng 60% sản lượng thép thô nước ta) có nguyên liệu chính là quặng sắt, thì trong nước mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu; 80% còn lại nhập khẩu. Đối với sản xuất thép bằng công nghệ lò điện, chiếm khoảng 40% sản lượng thép thô, nguyên liệu chính đầu vào là thép phế liệu, hiện trong nước mới đáp ứng 30%-40% nhu cầu, 60% còn lại nhập khẩu.

Trước mắt việc kiểm tra của đoàn liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì sẽ cho một bức tranh cụ thể hơn, rộng lớn hơn để các cơ quan quản lý xác định được sẽ tác động vào đâu, và bằng công cụ nào, để chuỗi cung ứng có đường đi ngắn nhất,  để thị trường thép trong nước lành mạnh nhất.

Về lâu dài, việc kiểm tra sẽ làm rõ những nội dung, cũng như thu thập số liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, đề xuất các “công cụ” mới như xây dựng chiến lược, định hướng phát triển ngành thép trong giai đoạn tiếp theo; nghiên cứu đề xuất xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoặc phòng thí nghiệm  để sản xuất ra các mặt hàng thép đặc biệt… như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ tại cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành thép ngày 27/5 vừa qua.

Tại khu vực miền Bắc, Tập đoàn Hòa Phát thông báo giảm mạnh giá bán, hiện thép cuộn CB240 ở mức 16.600 đồng/kg; thép D10 CB300 có giá 16.900 đồng/kg; Thép Việt Ý, dòng thép cuộn CB240 giảm xuống mức 16.700 đồng/kg; thép D10 CB300 có giá 16.850 đồng/kg; Thép Việt Đức cũng thông báo giảm mạnh giá bán, thép cuộn CB240 ở mức 16.650 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.980 đồng/kg.

Tại miền Trung, Thép Việt Đức, dòng thép cuộn CB240 giảm mạnh xuống mức 17.000 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 17.360 đồng/kg; Thép Pomina, dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 16.290 đồng/kg; thép D10 CB300 hiện có giá là 17.150 đồng/kg.

Tại miền Nam, Thép Pomina, dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 16.140 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 17.000 đồng/kg; Thép Tung Ho, hiện thép cuộn CB240 giảm mạnh xuống mức 16.500 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 16.650 đồng/kg; Thép Miền Nam, dòng sản phẩm thép cuộn CB240 đang ở mức 16.850 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.10 0 đồng/kg…

Nguyễn Văn