Thêm 20 tấn nhãn Hưng Yên có mặt tại thị trường Mỹ

Tính riêng trong ngày 15/8/2018, đã có thêm 30 tấn nhãn Khoái Châu (Hưng Yên) được xuất khẩu ra thị trường các nước. Trong đó, nhãn xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm 20 tấn và 10 tấn nhãn còn lại được

Chia sẻ riêng với phóng viên Tạp chí Công Thương, ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, tính riêng trong ngày 15/8/2018, huyện Khoái Châu (Hưng Yên), đã xuất khẩu được hơn 30 tấn nhãn sang thị trường các nước. Trong đó, 20 tấn nhãn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ khó tính và 10 tấn nhãn còn lại được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

“Đây là tín hiệu rất vui đối với bà con trồng nhãn Hưng Yên. Việc quả nhãn Hưng Yên chinh phục được thị trường Mỹ khó tính đã khuyến khích người trồng nâng cao chất lượng mặt hàng này. Nhãn xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải đáp ứng các điều kiện hết sức nghiêm ngặt như: Vườn trồng phải lập hồ sơ đăng ký, được cấp mã số vùng trồng, kiểm soát sinh vật gây hại, sản xuất theo đúng quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện chiếu xạ, quy cách đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc..., ông Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh.

Quả nhãn xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải đáp ứng các điều kiện hết sức nghiêm ngặt, cả về nguồn gốc, mẫu mã, chất lượng và quy trình đóng gói...

Trước đó, tại “Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên” vừa diễn ra, chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu nhãn lồng Hưng Yên sang thị trường Mỹ đã được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T (Vina T&T Group) thực hiện. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, năm nay là năm thứ 2 Công ty xuất khẩu nhãn lồng Hưng Yên sang Mỹ.

Để hỗ trợ vùng trồng, Vina T&T Group đã cử một tổ cán bộ kỹ thuật ra hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cách cách thu hái, cắt tỉa và đóng nhãn theo quy định của Công ty, sau khi đã thu hoạch xong cần tỉa bỏ hết những quả bị bệnh, quả nhỏ bị dập sau đó cho vào thùng để vận chuyển đảm bảo đúng quy cách sản phẩm để xuất khẩu.

“Toàn bộ sản phẩm nhãn sau khi thu hoạch được Vina T&T Group xử lý theo đúng quy trình nhằm đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt từ các nhà nhập khẩu, trong đó có khâu quan trọng là chiếu xạ trên quả nhãn và bao gói đúng quy cách, đến vận chuyển...”, đại diện Vina T&T Group cho biết.

Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên, năm 2018, diện tích trồng nhãn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.823 ha, sản lượng ước đạt 41.000 tấn, được trồng chủ yếu tại các địa phương: Tp. Hưng Yên 1.000 ha, huyện Khoái Châu 1.500 ha, huyện Kim Động 370 ha, huyện Tiên Lữ 370 ha, huyện Phù Cừ 510 ha và huyện Ân Thi 380 ha.

Trong đó, diện tích trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP 1.900 ha; 02 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã Hồng Nam - thành phố Hưng Yên và xã Hàm Tử - huyện Khoái Châu; 04 khu vực được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý gồm: Thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động và huyện Tiên Lữ.

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đến nay, nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn, chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục mở rộng, phát triển các thị trường mới có tiềm năng đưa nhãn lồng Hưng Yên tới phục vụ người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh cây nhãn, tỉnh Hưng Yên cũng chú trọng phát triển một số mặt hàng nông sản chủ lực khác như: Cam và các loại cây có múi (2.600 ha với sản lượng ước đạt 57.200 tấn), chuối tiêu hồng (khoảng 2.000 ha, năm 2018 sản lượng khoảng 47.500 tấn); vải lai u, vải trứng (tổng diện tích cho thu hái năm 2018 khoảng 950 ha, sản lượng khoảng 11.000 tấn); sản lượng nghệ (tổng diện tích trên 200ha, sản lượng khoảng 7.000 tấn)...

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thơ dự báo, mùa nhãn 2018, ngoài thị trường lớn là Trung Quốc, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục kết nối, quảng bá và thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các thị trường đã giới thiệu thành công như: Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…

Tại Hội nghị, Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm cho biết, năm 2017 nước này nhập trái cây của Việt Nam với giá trị khoảng 700 triệu USD. Việt Nam hiện là nguồn cung lớn nhất của Trung Quốc về dưa hấu, vải, thanh long…

Việt Nam là thị trường xuất khẩu nhãn lớn thứ 2 vào Trung Quốc

Riêng mặt hàng nhãn, năm 2017, giá trị nhập khẩu là 190 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu nhãn đứng thứ 2 vào Trung Quốc, chỉ sau Thái Lan.

Ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định nhãn Hưng Yên có chất lượng tốt, có danh tiếng và được người Trung Quốc ưa thích. Để giải quyết tình trạng hàng trái cây ùn tắc ở cửa khẩu trong mùa, tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (nơi có cửa khẩu nhập khẩu trái cây từ Việt Nam) đã xây dựng tuyến đường xanh chuyên chở hàng nông sản Việt Nam, kéo dài thời gian thông quan, mở rộng diện tích kho bãi cửa khẩu tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng nông sản.

Bên cạnh “Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên” năm 2018, nhiều hoạt động xúc tiến khác cho trái nhãn cũng sẽ diễn ra ngay trong tháng 8/2018, bao gồm: Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2018; Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội từ ngày 17 - 24/8 tại Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội); Phiên chợ nhãn lồng Hưng yên tại Khu đô thị Ecopark từ ngày 25 - 26/8...

Huy Tưởng