Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Định hướng chính sách hợp tác win - win trong ngành phân phối giữa Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ Công Thương Việt Nam và Viện Phát triển Cải cách Hàn Quốc (ReDI) phối hợp tổ chức sáng 4/9/2019 tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác thực hiện Dự án Xây dựng năng lực nhằm phát triển toàn diện ngành công nghiệp phân phối của Việt Nam (Dự án KOICA - LOTTE) giữa Bộ Công Thương Việt Nam và ReDI.

Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh do lợi thế dân số đông trên 90 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao, ngoài ra nền kinh tế đang trên đà hồi phục với tốc độ tăng trưởng nhanh.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hóa

Cùng với sự hội tụ của công nghệ vào lĩnh vực bán lẻ, thị trường bán lẻ hiện đại ngày tại Việt Nam ngày càng càng trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn với sự xuất hiện những xu hướng mới như bán hàng trực truyến, bán bán hàng đa kênh,… gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) được công bố bởi Công ty tư vấn A.T Kearney (Mỹ), Việt Nam xếp vị trí thứ 6 và nằm trong top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.

Trong bối cảnh đó, ngành phân phối đang dẫn dắt sự tăng trưởng của toàn ngành thương mại, tạo sự ổn định vật giá và thoải mái cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp nhiều sự lựa chọn phong phú hơn.

Ông Cho Young Shin - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường hạng trung (Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc)
Ông Cho Young Shin - đại diện Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết các doanh nghiệp phân phối Hàn Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam

Đại diện Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, ông Cho Young Shin - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường hạng trung cho biết, qua gần 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác, Hàn Quốc hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai, và là quốc gia có đầu tư tại Việt Nam lớn nhất.

Các doanh nghiệp phân phối của Hàn Quốc, trong đó có LOTTE Mart đã đầu tư vào Việt Nam từ 10 năm trước với quy mô 1 tỷ USD, và đến nay vẫn đang tiếp tục có sự đầu tư mạnh mẽ.

“Nhiều siêu thị cỡ lớn đã tiến vào thị trường Việt Nam, trở thành các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành phân phối tại Việt Nam”, đại diện Hàn Quốc nhấn mạnh.

Đặc biệt, LOTTE đã và đang triển khai dự án về phân phối và logistics tại Việt Nam với kinh nghiệm của mình ở thị trường Hàn Quốc, thực hiện các nghiên cứu về chính sách nhằm tạo ra sự hợp tác, đồng phát triển giữa đại siêu thị và chợ truyền thống, qua đó có những đóng góp thiết thực trong việc xây dựng chính sách, thị trường phân phối của Việt Nam.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 của Việt Nam đạt quy mô khoảng 4,4 triệu tỷ đồng (tương đương với 190 tỷ USD), với mức tăng trưởng là 11,7% so với năm 2017.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm khoảng 75% tổng mức, duy trì tốc độ tăng trưởng khá (tăng 12% so với năm 2017).

Sẽ phát triển hơn nếu có sự cân bằng truyền thống - hiện đại

Báo cáo của Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chỉ ra, những yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm (2014 – 2018) dẫn đầu là yếu tố tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực (60,7%), theo sau là sự mở rộng thị trường hiện có (42,9%) và cải thiện cơ sở hạ tầng (39,3%).

Trong khi đó, mới đây, trong khuôn khổ hợp tác thực hiện Dự án Xây dựng năng lực nhằm phát triển toàn diện ngành công nghiệp phân phối của Việt Nam giữa Bộ Công Thương và ReDI, nhóm các nhà nghiên cứu từ Hàn Quốc và Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu để xác định các vấn đề khẩn cấp và nghiêm trọng nhất liên quan đến tốc độ phát triển thị trường phân phối Việt Nam.

Dựa trên kết quả và kinh nghiệm của thị trường phân phối Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu cho rằng xung đột giữa phân phối quy mô lớn và hiện đại và chợ truyền thống là vấn đề cốt lõi.

Do vậy, để phát triển và quản lý ngành phân phối, bên cạnh việc tìm giải pháp dung hòa về tăng trưởng giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng cần phát huy được vai trò của chợ truyền thống trong tập quán tiêu dùng của người Việt Nam.

Hội thảo Định hướng chính sách hợp tác win - win trong ngành phân phối giữa Việt Nam - Hàn Quốc

Hội thảo Định hướng chính sách hợp tác win - win trong ngành phân phối giữa Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ Công Thương phối hợp với ReDI tổ chức

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nói chung và thương mại nội địa nói riêng, Bộ Công Thương cũng xác định việc cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa ngành phân phối là yêu cầu thiết yếu, tuy nhiên cần phát triển cân bằng giữa các kênh phân phối hiện đại và kênh phân phối truyền thống.

Bên cạnh giải quyết sự mâu thuẫn của phân phối hiện đại và phân phối truyền thống, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ nghiên cứu, triển khai các giải pháp giải quyết sự phát triển hài hòa giữa doanh nghiệp lớn với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp FDI với hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, phát triển hài hòa giữa kinh doanh trực tuyến và phi trực tuyến trong bối cảnh các hoạt động trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ truyền hình, điện thoại ngày càng phát triển với tốc độ rất cao.

Đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, việc cân bằng giữa các yếu tố trên cần được đặt trong mâu thuẫn cũng như yêu cầu nội tại của nền kinh tế Việt Nam, đó là tổ chức tiêu thụ hàng hóa trong một đất nước phần lớn là nông nghiệp và đi lên từ nông nghiệp.