Thị trường chứng khoán đối diện thời kỳ khó khăn: Tâm điểm căng thẳng thương mại và lãi suất

Thị trường chứng khoán đang đi về những ngày cuối cùng của năm 2018 với nhiều mối lo ngại và bối rối.

Kể từ sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung đạt mục tiêu hoàn hoãn, giảm căng thẳng thương mại ngày 2/12, các thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến đầy xáo trộn và không hề tỏ ra hào hứng hay có xu hướng rõ ràng.

Chứng khoán Mỹ qua lăng kính của chỉ số S&P 500 từ sau cuộc gặp nói trên lại sụt giảm tới gần 6%, Chứng khoán Nhật giảm hơn 4%, Chứng khoán Trung Quốc tăng 0,2%, Chứng khoán Hồng Kông giảm gần 2%. Chứng khoán Việt Nam qua chỉ số VN-Index tăng 2,8%.

Diễn biến không đồng nhịp giữa các thị trường phản ánh mối lo ngại chủ yếu lúc này của các nhà đầu tư là sự bất ổn. Thị trường chứng khoán ghét nhất sự bất ổn vì nó không rõ ràng. Một xu hướng tăng giúp sinh lời tốt, một xu hướng giảm cũng có thể kiếm lợi nhuận, nhưng một thị trường bất ổn nay tăng mai giảm không rõ ràng thì luôn là điều tệ nhất.

Căng thẳng thương mại chưa có hồi kết

 

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã chào đón thỏa thuận đình chiến thương mại hôm 2/12 bằng một phiên giao dịch tăng rất mạnh. Tuy nhiêu sau đó lại là những diễn biến lộn xộn vì hóa ra thỏa thuận đó không đi đến điều gì cụ thể. Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục thiếu ổn định và mỗi khi xuất hiện một dòng Tweet từ Tổng thống Mỹ hay có sự kiện đột ngột như vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei thì cả thị trường thế giới đều nháo nhào.

Trên tất cả các thị trường chứng khoán, tháng 12 là thời điểm dự phóng cho kết quả kinh doanh cả năm của doanh nghiệp, là thời điểm chia thưởng, hưởng thành quả. Trừ những thời kỳ khủng hoảng, năm nào tháng 12 cũng xuất hiện một chu kỳ tăng trưởng tốt, thậm chí được đặt tên là “Santa Claus rally”, nghĩa là một đợt tăng trưởng đúng vào dịp lễ Noel. Thế nhưng lúc này đến tận giữa tháng 12 mà các thị trường vẫn còn đang cắm đầu giảm, khiến giới đầu tư cho rằng cuối cùng thì “Santa Clause rally” vẫn chỉ là câu chuyện trẻ con.

Nguyên nhân của hiện tượng trái ngược này không phải là lợi nhuận kinh doanh sụt giảm, cũng không phải là nền kinh tế suy thoái, mà là sự bất định. Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra và trong vòng 3 tháng tới chưa rõ kết quả sẽ như thế nào. Ngày 15/12, Mỹ chính thức ấn định thời điểm dự kiến nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc là vào ngày 2/3/2019. Như vậy cuộc đàm phán vẫn diễn ra dưới “họng súng” và đó là điều thị trường chứng khoán lo ngại. Kể cả trong trường hợp tốt nhất là một thỏa thuận thương mại được xác lập, bối cảnh thương mại cũng sẽ không bao giờ như trước mà thị trường chứng khoán không thể dự đoán được cho tới khi có các điều khoản rõ ràng. Do đó 3 tháng tới vẫn là thời gian thị trường phập phồng lo ngại, dự đoán và chiết khấu rủi ro.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, chiến tranh thương mại vẫn được cho là có lợi nhờ gia tăng đơn hàng trong ngắn hạn và thu hút dòng vốn đầu tư mới tránh thị trường Trung Quốc. Lợi ích có thể nhìn thấy được ngay và đã xảy ra, là dệt may, da giày, đồ gỗ đang xuất khẩu mạnh hơn. Điều ngược lại và tạo bất lợi còn lớn hơn là nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc khiến nhu cầu nhập khẩu sụt giảm, hàng hóa dư thừa lớn. Thép là lĩnh vực tiêu biểu đang chịu tác động mạnh.

Kỳ vọng dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng đang phản ánh qua diễn biến tăng giá của cổ phiếu các khu công nghiệp. Tuy nhiên đó cũng chỉ là lợi ích của một nhóm nhỏ doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Dịch chuyển sản xuất không phải là điều có thể diễn ra ngay lập tức trong vài tháng. Áp lực cạnh tranh sẽ tăng lên ngay trên sân nhà đối với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Mặt khác, thị trường chứng khoán có tính liên thông rất cao. Khi các thị trường chứng khoán quan trọng phản ứng xấu với chiến tranh thương mại và sụt giảm, thị trường chứng khoán Việt Nam rất khó để đi một đường riêng, vì đây là thị trường của hơn 700 công ty, chứ không phải của riêng một số công ty đang hưởng lợi ngắn hạn. Vì vậy chừng nào căng thẳng thương mại chưa được giải quyết, cơ hội để tăng trưởng của thị trường chứng khoán còn gặp rất nhiều rào cản.

Bình thường hóa lãi suất - sức ép chồng sức ép

 

Chiến tranh thương mại đang là tâm điểm chú ý, phần nào làm mờ nhạt yếu tố bất lợi khác đối với thị trường chứng khoán đã xuất hiện trước đó: Xu hướng bình thường hóa lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.

Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn từ đầu năm 2018 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất 4 lần liên tiếp trong năm. 3 đợt tăng đã diễn ra và thị trường chứng khoán đang chờ đợi quyết định cuối cùng vào cuối tháng 12 này. Giữa tháng 12, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã quyết định chấm dứt chương trình mua trái phiếu trị giá hàng ngàn tỷ USD từ cuối tháng 12. Chương trình mua tài sản của ECB - mua hơn 2.6 ngàn tỷ Euro (tương ứng 2.9 ngàn tỷ USD) - được đưa ra trong tháng 3/2015 nhằm vực dậy nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khỏi tình trạng giảm phát.

fed
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất 4 lần liên tiếp trong năm 2018

 

 

Nhìn chung các chương trình nới lỏng hậu khủng hoảng 2008 đều có chung mục đích là kích thích kinh tế thông qua bơm tiền, tăng đầu tư. Sau 10 năm các nền kinh tế đã phục hồi thì các chương trình nói trên bắt đầu được rút lại. Đó là một tiến trình bình thường, nhưng lại khiến thị trường chứng khoán lo ngại vì tốc độ và quy mô thay đổi bao nhiêu là hợp lý để không gây sốc? Lấy ví dụ thị trường chứng khoán Mỹ tháng 2/2018 giảm đột biến mạnh chỉ trong vài ngày vì lợi suất trái phiến 10 năm tăng vọt lên trên 3% và dự kiến FED sẽ thực hiện tới 4 lần tăng lãi suất chứ không phải 3 như thị trường mong muốn.

Hay như thời điểm 2019, thị trường mong muốn FED chỉ tăng 1 lần, nhưng các phát ngôn hồi giữa năm 2018 từ FED thì lại có thể tới 3 lần. Hiện căng thẳng thương mại và các dự báo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến thị trường chờ đợi FED sẽ không tăng lãi suất lần thứ 4 trong tháng 12 và điều chỉnh kế hoạch tăng lãi suất 2019. Thế nhưng đó chỉ là mong muốn của thị trường, nếu FED hành động khác đi, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ lại phản ứng mạnh.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, câu chuyện FED tăng lãi suất không còn là vấn đề của bên kia Thái Bình Dương nữa. Giữa tháng 12, chỉ số giá USD thế giới lên cao nhất 19 tháng. Tỷ giá trong nước biến động không mạnh nhưng xu hướng tăng là khó tránh khỏi, chưa kể còn liên quan đến các vấn đề xuất khẩu. Lãi suất huy động tiết kiệm đang tăng lên và lãi suất cho vay cũng bắt đầu được điều chỉnh tới doanh nghiệp. Đây là hệ quả bình thường của một xu hướng thay đổi lãi suất, tiền tệ.

Lãi suất, tỷ giá lúc này chưa phải là “kẻ thù” của thị trường chứng khoán, mà mới quay lại trạng thái bình thường cao hơn những gì thị trường được chứng kiến suốt 10 năm qua. Vấn đề là sức ép chồng lên sức ép ở thời điểm hiện tại: Chiến tranh thương mại chưa qua thì sức ép lãi suất, tiền tệ lại xuất hiện. Vì vậy thị trường chứng khoán gặp nhiều trở ngại là điều không tránh khỏi, ít nhất là tới khi câu chuyện căng thẳng thương mại trở nên rõ ràng.

Hoàng Nguyên