Thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua nửa đầu tháng 5 với những biến động khó lường. Tâm điểm là vòng đàm phán thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc hòng đưa đến một thỏa thuận thương mại, vốn đang gây ám ảnh lên nền kinh tế thế giới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không thể đứng ngoài các tác động đó, mặc dù vẫn có những phân tích từ lâu, rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên những gì mà thị trường chứng khoán đang thể hiện lại cho thấy một bức tranh khác: Lợi ích còn xa mới tới, trong khi thiệt hại đã ngay trước mắt.

VN-Index sụt giảm mạnh nhất thế giới

 Không chịu tác động trực tiếp của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam lại có mức tăng trưởng kém cỏi. Kể từ khi lập đỉnh 2019 hồi giữa tháng 3, đến giữa tháng 5, chỉ số VN-Index đã sụt giảm gần 6%, trở thành một trong những thị trường yếu nhất thế giới. Trong cùng thời gian này, các thị trường khác vẫn có tăng trưởng và chỉ quay đầu sụt giảm ở tuần diễn ra đàm phán thương mại giữa hai nước. Cũng trong tuần đàm phán đó, VN-Index giảm 2,2%, cũng thuộc nhóm thị trường giảm mạnh nhất thế giới.

Tại sao một thị trường không liên quan nhiều đến cuộc đàm phán thương mại quốc tế lại có phản ứng xấu hơn các thị trường khác? Rất khó để phán đoán suy nghĩ của giới đầu tư, nhưng những gì biểu hiện trên thị trường đều cho thấy các nhà đầu tư rất lo lắng về sự leo thang căng thẳng của cuộc chiến thương mại này. Trước khi lợi ích của cuộc chiến đối với Việt Nam được nhìn thấy và đo đếm bằng con số, thị trường chứng khoán thường chiết khấu trước những rủi ro.

Yếu tố đầu tiên là thanh khoản suy giảm nghiêm trọng. Thanh khoản của thị trường chứng khoán liên quan đến dòng tiền mà giới đầu tư bỏ ra để giao dịch. Thanh khoản càng thấp tức là lo ngại càng cao và nhà đầu tư không muốn mất tiền. Suốt từ đầu tháng 5, chưa có phiên giao dịch nào mà giá trị khớp lệnh hàng ngày vượt quá được mốc 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó thời điểm tháng 2 và nửa đầu tháng 3, giá trị giao dịch thường xuyên vượt 4.000 tỷ đồng và nhiều phiên vượt 5.000 tỷ đồng.

Quy mô giao dịch của thị trường luôn là thước đo chính xác nhất mức độ tự tin và kỳ vọng của nhà đầu tư. Cũng giống như thời kỳ giáp hạt, mỗi đồng vốn trong bối cảnh khó khăn sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng hơn, mỗi cơ hội được xem xét cẩn trọng hơn.

Yếu tố thứ hai là bất ổn của dòng vốn nước ngoài. Hai yếu tố liên quan trực tiếp đến dòng vốn ngoại trên thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại, là triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể bùng nổ ở cấp độ tối đa. Việc nâng hạng là tích cực và sẽ thu hút thêm dòng vốn mới, nhưng yếu tố thứ hai có thể khiến dòng vốn đầu tư co cụm lại. Sự dịch chuyển dòng vốn gián tiếp trên thị trường chứng khoán vẫn chưa rõ ràng, nhưng trong tuần Mỹ - Trung đàm phán, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 593 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên thị trường Việt Nam.

Nếu dòng vốn ngoại thay đổi, động thái đầu tiên dễ nhận nhất là vị thế chung của khối này chuyển từ mua ròng sang bán ròng. Tiếp đến là các quỹ đầu tư mở của nước ngoài hoặc nhận vốn nước ngoài sẽ bị rút vốn. Một tương lại khó đoán và rủi ro sẽ khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển dần sang các kênh đầu tư an toàn hơn.

Tương lai khó đoán của cuộc chiến

Các phân tích nghiêng về hướng Việt Nam sẽ hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại thường đề cập tới hai lớn ích chính: Việt Nam sẽ là đích đến của dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc sang; và cơ hội mở rộng thị trường, thay thế hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Hai yếu tố này về lý thuyết thì rất dễ phân tích, nhưng hiệu quả trên thực tế lại cần thời gian để chứng minh. Cũng đã có thông tin về sự dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng vẫn chỉ là kế hoạch. Chưa có báo cáo chi tiết nào về con số cũng như tiến độ các dự án như vậy. Bao lâu để có thể dịch chuyển một nhà máy sản xuất và hoạt động? Bao nhiêu dự án là sự dịch chuyển mượn danh nghĩa nguồn gốc xuất xứ để né thuế? Một số liệu đáng chú ý là chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nổi lên giữ vị trí số một về số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký cấp mới là 1,3 tỷ USD, số dự án cấp mới là 187 dự án.

Khả năng thay thế hàng Trung Quốc, tranh giành thị trường cũng nói dễ hơn làm. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam lâu nay vẫn xuất khẩu tốt vào Mỹ dù có chiến tranh thương mại hay không, nhưng các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh thì dù muốn cũng khó có thể thay thế hàng Trung Quốc. Câu chuyện không đơn giản là “đi chợ” khi nhà nhập khẩu Mỹ không mua được từ Trung Quốc thì sẽ sang mua ở Việt Nam.

Theo báo cáo đánh giá của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, một số ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể được hưởng lợi. Những mặt hàng đó chủ yếu là hàng tiêu dùng, nhất là hàng may mặc, giày dép, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện …

Đối với các mặt hàng tư liệu sản xuất, hàng công nghiệp, sắt thép các loại; đây cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn bởi thuế suất 25%. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu những hàng hóa này của Việt Nam sang Mỹ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chỉ khoảng 0,5-1,5% tổng nhập khẩu những mặt hàng này của Mỹ).Do đó việc áp thuế mới này ảnh hưởng không nhiều tới hoạt động xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ.

Trong khi đó, các báo cáo đánh giá của những tổ chức đầu tư hàng đầu thế giới đều lo lắng về những tổn hại mà cuộc chiến thương mại ở cấp độ tối đa có thể tạo ra. Mỹ đã chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc và dự kiến sẽ bắt đầu quy trình đánh thuế 25% với 325 tỷ USD hàng nhập khẩu còn lại. Điều đó nghĩa là toàn bộ hàng nhập từ Trung Quốc và Mỹ sẽ bị đánh thuế cao. Tiếp đó Trung Quốc cũng sẽ có các biện pháp trả đũa. Đó là “cuộc chiến thuế” theo thang lên cấp độ toàn diện.

Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Moody cho rằng “việc tăng thuế sẽ dẫn đến việc định giá lại tất cả các tài sản rủi ro trên quy mô toàn cầu, thu hẹp khả năng đầu tư và làm chậm tăng trưởng. Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực lên xuất khẩu, làm giảm tốc tăng trưởng, tăng độ bất ổn và làm giảm nhu cầu đầu tư tại quốc gia này. Đối với các quốc gia xuất khẩu vào Trung Quốc, việc giảm nhu cầu tại Trung Quốc sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế.”

Thị trường chứng khoán Việt Nam không đứng ngoài các tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

 

Một ngân hàng đầu tư toàn cầu khác là Morgan Stanley cho rằng cuộc chiến thuế đã tạo ra “rủi ro không thể lường hết được đối với các thị trường toàn cầu, bao gồm cả thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, các nền kinh tế nói chung”. Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch của Mỹ cũng nhận định các thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới sẽ đối diện với thời kỳ rất khó khăn.

Tựu trung lại, trong các báo cáo phân tích của các tổ chức đầu tư hàng đầu thế giới chỉ ra các điểm tác động chính của cuộc chiến thương mại thì ngoài vấn đề liên quan tới doanh nghiệp hai nước, điểm quan trọng còn lại là “tàn phá các quốc gia phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc”. Theo số liệu 2018 thì Trung Quốc vẫn là đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 106,7 tỉ đô la, chiếm 22,7% tổng giá trị xuất nhập khẩu, trong đó riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,3 tỷ USD. Các nước xếp sau có khoảng cách khá xa: như Hàn Quốc chiếm 13,7% hay Hoa Kỳ chiếm 12,6%.

Mặt khác, với một thị trường dư thừa năng lực sản xuất, các mặt hàng có tính tương đồng cao, sức ép từ hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, kết hợp với các biện pháp kích thích trong nước để hỗ trợ chi phí, sẽ khiến thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp trong nước khi chưa kịp tận dụng lợi thế để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu thì có thể đã phải loay hoay đối phó ngay trên sân nhà.

Thị trường chứng khoán đang phản ánh những lo ngại trước mắt hơn là chú ý tới những lợi ích sẽ đến trong vài năm nữa. Kỳ vọng luôn đi trước một nhịp với chuyển động kinh tế.