Giá nhiều loại nông sản thế giới tăng mạnh

Giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tháng 12/2021 trên sàn CBOT trong 6 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 13/8), giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) giảm không đáng kể 0,25 cents xuống mức 5,73 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô). Giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 24 cents tương ứng 1,79% lên 13,65 USD/giạ  (27,2 kg/giạ đậu tương) và giá lúa mì giao tháng 9/2021 tăng 8,75 cents tương ứng 1,16% lên 7,6225 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì).

Báo cáo Ước tính cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 8/2021 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố ngày 12/8 cho thấy triển vọng nông vụ, đặc biệt là lúa mì và ngô tiêu cực hơn so với các dự báo của thị trường cũng như so với báo cáo WASDE hồi tháng 7 trước đó.

Điều này khiến thị trường lo ngại tình hình thiếu hụt nguồn cung ngô và lúa mì sẽ trở nên trầm trọng hơn trong thời gian tới; qua đó, đẩy giá hai mặt hàng này tăng cao. Tính chung cả tuần này, giá ngô đã tăng 3,9% và giá lúa mì tăng tới 7,2%.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Saigon Futuresđơn vị tư vấn phái sinh hàng hoá tại Việt Nam cho biết việc dữ liệu từ WASDE cho thấy sản lượng và tồn kho đậu tương niên vụ 2020/2021 tương đối tốt so với niên vụ trước đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, giá giằng co trong biên độ rộng tại thời điểm USDA công bố dữ liệu. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ liên tục ghi nhận các đơn đặt hàng đậu tương lớn từ Trung Quốc và một số khu vực khác đã giúp nâng đỡ giá đậu tương tăng 2,65% trong cả tuần này.

Xem chi tiết về báo cáo thị trường nông sản thế giới tuần này của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

USDA nhận định bất chấp tình trạng khô hạn tại một số khu vực thuộc vùng Vành đai canh tác ngô (Corn Belt) của nước này, sản lượng ngô của Hoa Kỳ trong năm nay sẽ đạt 14,75 tỷ giạ, tăng 4% so với năm ngoái và sản lượng đậu tương đạt 4,34 tỷ giạ, tăng 5% so với năm trước. Đây đều là những mức sản lượng cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Ngược lại, sản lượng lúa mì sẽ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây do tình trạng khô hạn.

Dự báo diễn biến giá nông sản thế giới trong thời gian tới

Thị trường hiện vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết tại Hoa Kỳ khi các rủi ro về tình trạng khô hạn vẫn tiếp tục đe doạ hoạt động canh tác ngô và đậu tương của nước này. Giới phân tích nhận định nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi cao tại Hoa Kỳ sẽ đảm bảo việc tiêu thụ ngô và đậu tương trong năm nay diễn ra thuận lợi.

Các nhà kinh tế học của USDA nhận định mức giá trung bình đối với ngô, đậu tương, lúa mì trong năm nay sẽ đạt ngưỡng cao nhất kể từ khi đợt bùng nổ giá hàng hoá nông sản kéo dài từ năm 2005 đến năm 2013.

Xuất khẩu đậu tương
 Diễn biến xuất khẩu đậu tương của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong thời gian gần đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với thị trường đậu tương, Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết sau giai đoạn tăng liên tục trong tháng 7 vừa qua thì lượng tồn kho dầu đậu nành tại Trung Quốc hiện đã giảm xuống chỉ còn 910.000 tấn, thấp hơn mức 1,02 triệu tấn - trung bình 3 năm gần đây. Mức tồn kho dầu đậu tương của nước này cũng giảm nhẹ xuống còn 910.000 tấn. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

USDA đã hạ dự báo nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc niên vụ 2020/2021 xuống mức 98,6 triệu tấn, giảm 1,84 triệu tấn so với dự báo trước đó. Nguyên nhân chủ yếu do biên lợi nhuận từ việc nghiền đậu tượng tại nước này đã giảm xuống kể từ tháng 7 vừa qua.

Bên cạnh đó, việc biên lợi nhuận của ngành chăn nuôi lợn tại Trung Quốc giảm cũng khiến nhu cầu sử dụng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi suy yếu; nhiều hãng chăn nuôi tại nước này đang tiếp tục sử dụng lúa mì thay vì đậu tương, ngô làm thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí.

Hoạt động xuất khẩu đậu tương của Hoa Kỳ đang bắt đầu tăng lên khi vụ thu hoạch đậu tương mới đang đến gần. Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng huỷ các đơn hàng đậu tương vụ cũ và tăng cường mua các lô đậu tương vụ mới.

Xem các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá của của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây

Đối với thị trường ngô, Cơ quan Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB) vừa cho biết sản lượng ngô niên vụ 2020/2021 của nước này dự kiến sẽ chỉ đạt 86,7 triệu tấn, giảm tới 16% so với niên vụ trước do tình trạng thời tiết diễn biến cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động canh tác của nước này. Xuất khẩu ngô của niên vụ 2020/2021 dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 23,5 triệu tấn và giá ngô nội địa được nhận định sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Từ một nước xuất khẩu ròng ngô lớn trên thế giới, Brazil đã phải tăng cường nhập khẩu ngô liên tục trong thời gian gần đây do thiếu hụt nguồn cung nội địa. Trong 7 tháng đầu năm, lượng ngô được nước này nhập khẩu đạt 1,08 triệu tấn, tăng hơn 112% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dưới đây là một số dự báo của USDA về sản lượng, mức tiêu thụ và mức tồn kho cuối kỳ của đậu tương, ngô và lúa mì tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới:

Sản lượng đậu tương
 Dự báo sản lượng, mức tiêu thụ, tồn kho cuối niên vụ của đậu tương tại Hoa Kỳ và trên thế giới trong niên vụ 2021/2022 (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)
Sản lượng ngô
 Dự báo sản lượng, mức tiêu thụ, tồn kho cuối niên vụ của ngô tại Hoa Kỳ và trên thế giới trong niên vụ 2021/2022 (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)
Sản lượng lúa mì
 Dự báo sản lượng, mức tiêu thụ, tồn kho cuối niên vụ của lúa mì tại Hoa Kỳ và trên thế giới trong niên vụ 2021/2022 (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Công ty Cổ phần Saigon Futures (https://saigonfutures.com) là thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) – Sở giao dịch hàng hoá được cấp phép chính thức bởi Bộ Công Thương. Năm 2020, Saigon Futures vinh dự nhận giải thưởng “Thành viên kinh doanh xuất sắc của MXV”. Hiện Saigon Futures cung cấp các báo cáo phân tích thị trường định kỳ và miễn phí 100% phí cố định phần mềm giao dịch cho khách hàng mới.