Thị trường nông sản thế giới hạ nhiệt dưới áp lực giảm kỹ thuật và chốt lời

Thời tiết khô hạn tại Hoa Kỳ cũng như diễn biến thời tiết cực đoan tại nhiều nơi trên thế giới tiếp tục là tâm điểm của thị trường nông sản thế giới tuần này. Tuy nhiên, áp lực giảm kỹ thuật và làn sóng chốt lời đã đẩy giá ngô, đậu tương và lúa mì giảm xuống.

Áp lực giảm kỹ thuật và làn sóng chốt lời

Sau nhiều phiên tăng giá liên tục, thị trường nông sản Hoa Kỳ chịu áp lực giảm sau thông tin dự báo thời tiết cho thấy tình trạng khô hạn tại Vùng vành đai canh tác ngô (Corn Belt) của Hoa Kỳ sẽ không kéo dài quá lâu như các nhận định trước đây. Thậm chí, dự báo mới nhất nhận định mưa có thể diễn ra trên một số khu vực thuộc Vùng vành đai canh tác Ngô vào đầu tháng 8 tới đây.

Vùng vành đai canh tác ngô là nơi tập trung các khu vực gieo trồng ngô và đậu tương lớn nhất Hoa Kỳ. Nơi này hiện đang trải qua tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng thu hoạch.

Giá ngô
Diễn biến giá ngô giao tháng 12/2021 trên sàn CBOT trong 1 tháng trở lại đây
(Đồ hoạ: NASDAQ)

Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) giảm mạnh 18,25 cents xuống còn 5,43 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô). Giá đậu tương giao tháng 10/2021 giảm 10,25 cents xuống mức 13,175 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương). Giá lúa mì giao tháng 9/2021 cũng giảm 8,25 cents, còn 6,84 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì)

Tính chung cả tuần này, áp lực trượt giảm kỹ thuật cùng với làn sóng chốt lời đã khiến giá ngô giảm 1,7%; giá đậu tương giảm 4,02% và giá lúa mì giảm 1,9%. Giới đầu tư hiện tập trung theo dõi chặt chẽ biến động dự báo thời tiết nông vụ tại Vùng vành đai canh tác ngô để đánh giá diễn biến thị trường trong tuần sau.

Lịch sử giao dịch từ tháng 1/2021 đến nay cho thấy giá các loại nông sản trên sàn CBOT có xu hướng giảm xuống trong tuần cuối cùng của tháng.

Diễn biến thị trường trong thời gian tới

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn phái sinh hàng hoá tại Việt Nam, cho biết giá ngô và đậu tương đang chịu áp lực giảm mạnh khi nhu cầu nhập khẩu và sử dụng thức ăn chăn nuôi gia súc của Trung Quốc suy yếu.

Đối với mặt hàng ngô, tình trạng mưa lũ kỷ lục “nghìn năm có một” tại tỉnh Hà Nam, khu vực chăn nuôi lợn lớn thứ hai tại Trung Quốc, đang gây gián đoạn nghiêm trọng đến hoạt động chăn nuôi lợn tại đây. Điều này sẽ làm suy giảm nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi lợn.

Giá ngô Trung Quốc
 Diễn biến giá ngô và giá lúa mì trên thị trường nội địa Trung Quốc từ tháng 01/2014 đến nay (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường nông sản thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi lợn tại Trung Quốc có thể tiếp tục xu hướng sử dụng lúa mì thay tạm ngô làm thức ăn chăn nuôi, theo Công ty Cổ phần Saigon Futures. Giá lúa mì hiện thấp hơn đáng kể so với giá ngô trên thị trường nội địa Trung Quốc. Đồng thời, giá thịt lợn tại nước này hiện đang ở mức rất thấp, khiến biên lợi nhuận của việc chăn nuôi lợn giảm mạnh.

Ngoài ra, giới chuyên gia cảnh báo mưa lũ sẽ làm gia tăng rủi ro tái bùng phát dịch tả lợn Châu Phi (ASF) tại Trung Quốc. Ngành chăn nuôi lợn tại nước này vừa mới phục hồi sau đợt dịch ASF giai đoạn 2018 - 2020 vốn gây thiệt hại tới 60% tổng đàn lợn.

Tuy nhiên, giá ngô Hoa Kỳ cũng đang có lợi thế lớn khi sản lượng vụ ngô Safrinha của Brazil được dự báo sẽ giảm mạnh do tình trạng sương giá. Cơ quan giám sát nguồn cung nông sản Brazil (CONAB) vừa điều chỉnh giảm dự báo sản lượng ngô của Brazil trong niên vụ 2020/2021 xuống còn 93,38 triệu tấn so với mức dự báo 96,39 triệu tấn hồi tháng 6/2021. Đây là mức sản lượng ngô thấp nhất của Brazil kể từ niên vụ 2017/2018.

Đối với mặt hàng đậu tương, việc biên lợi nhuận của ngành chăn nuôi lợn và biên lợi nhuận của việc ép dầu đậu tương tại Trung Quốc suy giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhập khẩu đậu tương của nước này trong nửa cuối năm nay. Dữ liệu cũng cho thấy tồn kho khô đậu tương và đậu tương tại nước này cũng đang tăng lên.

Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc
Diễn biến nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Brazil và Hoa Kỳ kể từ tháng 1/2020 đến nay (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Ngược lại, triển vọng đối với mặt hàng lúa mì tương đối tích cực. Tỉnh Hà Nam hiện là khu vực canh tác lúa mì lớn nhất Trung Quốc. Mặc dù vụ lúa mì tại đây đã được thu hoạch xong nhưng mưa lũ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng lúa mì và buộc Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu thay thế. Đồng thời, xu hướng sử dụng lúa mì thay thế ngô và đậu tương làm thức ăn chăn nuôi lợn sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ lúa mì.

Trong khi đó, hoạt động canh tác lúa mì tại Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến thời tiết cực đoan. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng lúa mì của Nga trong năm nay xuống mức 85 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với dự báo trước đó. Sản lượng lúa mì của Canada, quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới, cũng có thể giảm xuống khi nước này đang trải qua tình trạng khô hạn kéo dài.

Công ty Cổ phần Saigon Futures (https://saigonfutures.com) là thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) – Sở giao dịch hàng hoá được cấp phép chính thức bởi Bộ Công Thương. Năm 2020, Saigon Futures vinh dự nhận giải thưởng “Thành viên kinh doanh xuất sắc của MXV”. Hiện Saigon Futures cung cấp các báo cáo phân tích thị trường định kỳ và miễn phí 100% phí cố định phần mềm giao dịch cho khách hàng mới.

Quang Đặng