Thị trường nông sản thế giới phục hồi, nhu cầu về đậu tương và ngô tăng lên

Thị trường nông sản thế giới đã có tuần hồi phục khá tốt sau đà bán tháo mạnh trong tuần trước. Giá đậu tương và ngô tiếp tục được nâng đỡ nhờ nhu cầu về hai loại nông sản này tăng lên. Trong khi đó, đà tăng của giá lúa mì chủ yếu nhờ rủi ro sụt giảm nguồn cung.
Giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tháng 12/2021 trên sàn CBOT trong vòng 6 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) nhích tăng 3 cents lên mức 5,53 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô). Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 11/202 giảm nhẹ 3 cents xuống mức 13,2325 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương) và giá lúa mì giao tháng 9/2021 giảm 6,75 cents xuống còn 7,32 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì).

Thị trường nông sản thế giới đã có tuần hồi phục khá tốt sau đà bán tháo mạnh trong tuần trước. Tính chung cả tuần này, giá ngô đã tăng 3,26%, giá đậu tương tăng 2,39% và giá lúa mì tăng 1,7%.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn phái sinh hàng hoá tại Việt Nam, nhận định các lực mua kỹ thuật là trụ đỡ cho thị trường trong những phiên giao dịch đầu tuần vừa qua. Tuy nhiên, càng đến gần thời điểm diễn ra Hội nghị tài chính Jackson Hole vào cuối tuần này thì thị trường có xu hướng chùng xuống và giằng co trước thời điểm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) ông Jerome Powell đưa ra bài phát biểu quan trọng về thu hẹp quy mô chương trình kích thích kinh tế của Hoa Kỳ vào trưa ngày 27/8 (theo giờ địa phương).

Về cơ bản, giá đậu tương và giá ngô trên thị trường tiếp tục được hỗ trợ nhờ nhu cầu về hai loại nông sản này tăng lên. Đặc biệt, Hoa Kỳ hiện đang ghi nhận nhiều lô hàng xuất khẩu ngô lớn sang Mexico. Trong khi đó, giá lúa mì đang được nâng đỡ bởi triển vọng sản lượng lúa mì sẽ ở mức thấp và Nga sẽ tăng mạnh thuế xuất khẩu lúa mì kể từ tuần sau.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường nông sản thế giới tuần vừa qua của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

tiến độ cây trồng
 Mức đánh giá cây trồng từ tốt đến tuyệt vời tại Hoa Kỳ (Nguồn: Công ty Cổ phần Saigon Futures) 

Tại Hoa Kỳ, dữ liệu mới nhất cho thấy, tính đến tuần kết thúc vào ngày 23/08, chỉ có 60% diện tích gieo trồng ngô được đánh giá ở mức tốt đến mức tuyệt vời, đối với đậu tương là 56% diện tích canh tác. Các con số này đều giảm xuống so với 1 tuần trước đây và thấp hơn đáng kể đối với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là đối với mặt hàng đậu tương. Dự kiến hoạt động thu hoạch ngô và đậu tương niên vụ mới của Hoa Kỳ sẽ diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 tới đây.

Hoa Kỳ hiện tiếp tục ghi nhận các đơn hàng tư nhân thu mua lượng lớn đậu tương từ Trung Quốc trong tuần vừa qua với tổng khối lượng đạt 394.000 tấn, tất cả các đơn hàng này đều mua đậu tương niên vụ mới 2021/2022. Công ty Cổ phần Saigon Futures nhận định thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu thiếu hụt lượng đậu tương tồn trữ và khó đáp ứng nhu cầu sử dụng đậu tương tăng lên trong tháng 9 và tháng 10 tới đây.

Đậu tương Trung Quốc
 Diễn biến tồn kho đậu tương, khô đậu tương, dầu đậu tương và sản lượng ép dầu đậu tương tại Trung Quốc tính đến ngày 22/8/2021 (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Tập đoàn thực phẩm quốc doanh Trung Quốc Sinograin vừa qua đã bán thành công toàn bộ 294.892 tấn đậu tương thông qua đấu giá. Đây là lượng đậu tương được Sinograin nhập khẩu trong năm 2019. Một số chuyên gia nhận định tổng khối lượng đậu tương được Trung Quốc đấu giá bán ra trong năm nay có thể đạt tới 2 triệu tấn, tăng đáng kể so với mức 1,5 triệu tấn trong năm ngoái.

Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) cho biết, tính đến tuần kết thúc vào ngày 22/8, sản lượng ép dầu đậu tương của nước này đạt 2,01 triệu tấn, tăng hơn 130.000 tấn so với mức trung bình 3 năm gần đây. Đây cũng là mức cao nhất kể từ hồi tháng 6/2021. Tồn kho dầu đậu tương của nước này cũng giảm 20.000 tấn xuống còn 870.000 tấn nhờ vào các hoạt động sản xuất thực phẩm cho dịp Tết Trung thu tới đây.

Xem thêm các phân tích thị trường nông sản thế giới tại đây.

Đối với Brazil, việc giá ngô và đậu tương tăng cao trong giai đoạn vừa qua đã kích thích nông dân nước này mở rộng diện tích canh tác trong niên vụ 2021/2022. Theo đó, diện tích trồng đậu tương sẽ tăng từ 4% - 5% lên 40,5 triệu ha và diện tích trồng ngô tăng từ 5% - 6% lên 20,8 triệu ha. Điều này sẽ giúp sản lượng ngô và đậu tương của Brazil tăng lên đáng kể trong niên vụ tới.

Sản lượng ngô Brazil
 Diễn biến sản lượng ngô và đậu tương của Brazil trong các niên vụ gần đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Dữ liệu cho thấy Brazil đã xuất khẩu được 5 triệu tấn đậu tương trong 3 tuần đầu tiên của tháng 8/2021 và ước tính xuất khẩu được 5,98 triệu tấn đậu tương trong cả tháng 8/2021, thấp hơn so với mức ước tính 6,24 triệu tấn được đưa ra trong tuần trước.

Tại Nga, năng suất trung bình lúa mì đang giảm nhanh khi tình hình thời tiết cực đoan diễn ra tại hai khu vực gieo trồng lúa mì chính của nước này là thung lũng Volga và Urals. Hiện tại, năng suất lúa mì tại các khu vực trên chỉ đạt 3,2 tấn/ha, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Giá lúa mì
 Diễn biến giá lúa mì xuất khẩu của Nga từ đầu năm đến nay (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Giá lúa mì trên thị trường nội địa Nga hiện đang ở mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Nga cũng vừa tăng mạnh mức thuế xuất khẩu lúa mì kể từ tuần sau. Điều này đã khiến hãng tư vấn thị trường hàng hoá SovEcon (Nga) hạ dự báo xuất khẩu lúa mì của nước này trong niên vụ 2021/2022 xuống còn 33,9 triệu tấn, giảm gần 9% so với mức dự báo trước đó và chạm mức thấp nhất kể từ niên vụ 2016/2017.

Công ty Cổ phần Saigon Futures (https://saigonfutures.com) là thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) – Sở giao dịch hàng hoá được cấp phép chính thức bởi Bộ Công Thương. Năm 2020, Saigon Futures vinh dự nhận giải thưởng “Thành viên kinh doanh xuất sắc của MXV”. Saigon Futures cung cấp báo cáo ngành độc quyền định kỳ, giảm phí phần mềm và hoàn phí dữ liệu cho khách hàng đủ điều kiện giao dịch.

Quang Đặng