Thị trường việc làm Hoa Kỳ ảm đạm, làn sóng sa thải vĩnh viễn tăng cao

Các dữ liệu mới cho thấy bức tranh ảm đạm về thị trường lao động Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới khi tốc độ tăng trưởng việc làm mới suy giảm và làn sóng sa thải vĩnh viễn đang tăng cao. Hoa Kỳ có thể mất nhiều năm mới có thể khôi phục được thị trường lao động sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Những con số ảm đạm

Biểu tình tại Hoa Kỳ
Những người biểu tình tại Hoa Kỳ đòi tái mở cửa nền kinh tế để duy trì công việc thay vì áp dụng các biện pháp hạn chế để phòng ngừa lây lan của đại dịch Covid-19 (Ảnh: CPJ.org)

Các dữ liệu mới được Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố cuối tuần qua cho thấy một bức tranh ảm đảm về thị trường lao động nước này. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9/2020 đã giảm xuống nhưng tốc độ tăng trưởng việc làm mới cũng giảm theo và nhiều người lao động trước đây chỉ ở trạng thái thất nghiệp tạm thời nhưng nay đã chuyển sang tình trạng thất nghiệp dài hạn.  

Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết đã có 661.000 việc làm mới được tạo ra vào tháng 9/2020. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9/2020 ở mức 7,9%, giảm so với mức 8,4% trong tháng 8/2020 và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần 15% hồi tháng 4/2020.

Điều này cho thấy thị trường lao động của nước này tiếp tục phục hồi trước các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng tốc độ phục hồi ở mức thấp hơn nhiều so với những tháng mùa hè vừa qua. Lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020, số việc làm mới được tạo ra trong tháng 9/2020 ở dưới ngưỡng 1 triệu việc làm. Kể từ thời điểm đại dịch bùng phát mạnh tại Hoa Kỳ vào tháng 3 – tháng 4/2020, thị trường lao động Hoa Kỳ đã bị mất 22 triệu việc làm và mới chỉ cố 11,4 triệu làm mới được tạo ra để bù đắp. Số lượng người bị sa thải vĩnh viễn đã tăng lên và nhiều người đang từ bỏ tìm việc do nhu cầu tuyển dụng ít hoặc trách nhiệm chăm sóc con cái.

Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Hoa Kỳ trong tuần trước là báo cáo cuối cùng trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 diễn ra. Cuộc bầu cử lần này đối mặt với các nguy cơ bất ổn mới sau khi đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump có xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trong các chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump và ứng cử viên Tổng thống Joe Biden đều hứa sẽ tạo ra hàng triệu việc làm để thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Làn sóng sa thải lao động quy mô lớn đang lan rộng tại các doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ. Tuần qua, Walt Disney thông báo sa thải vĩnh viễn 28.000 nhân viên công viên giải trí những người vốn đã phải tạm thời nghỉ việc khi dịch bệnh bùng phát. Hai hãng hàng không lớn nhất Hoa Kỳ là American Airlines và United Airlines cũng thông báo sẽ cho nghỉ không lương 32.000 nhân viên sau khi các nhà lập pháp Hoa Kỳ chưa đạt đồng thuận về một gói cứu trợ kinh tế quy mô lớn. Dữ liệu mới nhất của Bộ Lao động Hoa Kỳ chưa bao gồm các thông báo sa thải này do báo cáo việc làm chỉ tính đến nửa đầu tháng 9/2020.

Nhà kinh tế lao động Marianne Wanamaker tại Đại học Tennessee (Hoa Kỳ) nhận định “Tốc độ phục hồi việc làm cho thấy sẽ mất nhiều năm, chứ không phải tháng hay quý để (thị trường lao động) phục hồi hoàn toàn. Việc làm sẽ không phục hồi nhanh như hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua.”

Sa thải vĩnh viễn

Lao động thất nghiệp tại Hoa Kỳ
 Hàng dài người xếp hàng chờ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hồi tháng 4/2020 tại Chelsea, tiểu bang Massachusetts (Ảnh: AP Photo)

Số người thất nghiệp bị sa thải tạm thời trong tháng 9/2020 đã giảm xuổng. Vào tháng 4/2020 – tháng tồi tệ nhất của đợt suy thoái kinh tế hiện nay, 88% người lao động Hoa Kỳ bị mất việc cho biết họ chỉ bị sa thải tạm thời, nghĩa là họ dự kiến sẽ quay trở lại công việc cũ trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, con số này trong tháng 9 vừa qua đã giảm xuống chỉ còn 51%.

Điều này cho thấy tình trạng sa thải vĩnh viễn đang tăng lên trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều bất ổn và mức này vẫn ở mức cao so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Dữ liệu cho thấy số người lao động cho biết hộ bị sa thải vĩnh viễn trong tháng 9/2020 đã tăng lên mức 3,8 triệu người, tăng so với mức 2 triệu người trong tháng 4/2020. Nhiều người lao động tại Hoa Kỳ đang vật lộn để tìm việc. Trong tháng 9/2020, 58% người thất nghiệp đã mất việc ít nhất 3 tháng, bao gồm 19% nghỉ việc ít nhất 6 tháng, và những người được coi là thất nghiệp dài hạn.

Nhà kinh tế học Michael Hicks tại Đại học Ball State (Hoa Kỳ) nhận định quỹ thời gian phục hồi việc làm của những người mất việc tạm thời đã gần cạn kiệt. Theo ông Michael Hicks “Phần lớn tình trạng thất nghiệp sẽ không được giải quyết và sự sụt giảm ở mức cao kỷ lục trong lực lượng lao động sẽ là những rào cản đáng kể đối với sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ.”

Trong khi đó, bà Beth Ann Bovino, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Ratings, cho biết việc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là lý do khiến tình trạng mất việc tạm thời chuyển thành mất việc vĩnh viễn. “Trong cuộc suy thoái giai đoạn 2007 – 2009, mọi người đã phải mất thời gian dài để quay lại công việc. Điều này có thể ảnh hưởng đến lòng tin và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Thất nghiệp kéo dài thường đi kèm với sự nghi ngờ từ phía nhà tuyển dụng. Các doanh nghiệp nghi ngờ rằng phải có vấn đề gì đó xảy ra với những người không có việc làm trong sáu tháng”, bà Beth Ann Bovino cho biết.

Austin Halliday (Cleveland, tiểu bang Tennessy), bị sa thải khỏi vai trò tư vấn tại một công ty phân tích dữ liệu vào tháng 6/2020 sau gần một năm làm việc. Khi mới thất nghiệp, Halliday rất lạc quan về việc sẽ sớm tìm được công việc mới. Tuy nhiên, anh nhanh chóng nhận ra rằng cũng nhiều người khác đang mất việc làm. Kể từ khi mất việc đến nay, Halliday đã nộp 250 đơn xin việc cho cả các công việc cấp thấp và các công việc yêu cầu nhiều kinh nghiệm hơn. Anh đã có một vài cuộc gọi phỏng vấn nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Halliday, 23 tuổi, hiện vẫn đang nhận trợ cấp thất nghiệp khi ở tại nhà cùng với bố mẹ mình.

Các nhà kinh tế cho biết, các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đã thuê lại một phần nhỏ nhân viên khi các bang dỡ bỏ các hạn chế. Tuy nhiên, đối với nhiều đơn vị, doanh số vẫn giảm do hoạt động trong điều kiện hạn chế về năng lực.

Andrew Fritz, đồng chủ sở hữu nhà hàng Citizen Public House tại Scottsdale (tiểu bang Arizona) đã giảm thời gian mở cửa và quy mô phục vụ khách vào tháng 7/2020 khi tiểu bang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao đột ngột. Một tháng sau đó, ông đã tăng số giờ hoạt động trở lại và thuê lại nhân viên nhưng đến nay nhà hàng của ông vẫn chỉ hoạt động với chưa đến 50% lượng nhân viên so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. Doanh số 2 tháng qua của nhà hàng chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm trước.

"Chúng tôi đang lỗ mỗi tuần", ông Andrew Fritz cho biết. Ông hy vọng nhà hàng có thể hòa vốn nếu doanh thu tăng thêm từ 5.000 đến 10.000 USD một tuần. “Nhưng việc hoà vốn thực sự là một điều đáng xấu hổ do chúng tôi đạt được điều này bằng cách cắt giảm tiền lương, tiền công và giờ làm của các nhân viên”, ông Andrew Fritz nói.

Quang Đặng (Theo Wall Street Journal)