Thị trường xe điện hai bánh Việt Nam: Nhu cầu, đặc điểm và thực trạng

TRỊNH THU THỦY và PHẠM THỊ THANH HỒNG và PHẠM THỊ KIM NGỌC (Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, nhu cầu về xe điện hai bánh (xe máy điện và xe đạp điện) ngày càng gia tăng tại các đô thị Việt Nam. Bài viết này cung cấp cái nhìn tổng quan về nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân nói chung và nhu cầu sử dụng xe điện hai bánh nói riêng. Số liệu điều tra tại thành phố Hà Nội cho thấy, xe điện hai bánh được sử dụng chủ yếu trong học sinh, sinh viên. Người sử dụng đã có nhận thức và thái độ tích cực hơn đối với xe điện hai bánh, chú trọng nhất đến yếu tố an toàn, tiếp theo là kích thước xe. Yếu tố kiểu dáng và tốc độ ít được coi trọng hơn. Sự thuận tiện trong tiếp nhiên liệu và chạy êm được đánh giá cao hơn về tính thời trang và tốc độ.

Từ khóa: Xe điện hai bánh, thị trường, thuộc tính, thái độ.

1. Giới thiệu chung

1.1. Nhu cầu phương tiện cá nhân

Mặc dù tăng trưởng kinh tế giảm so với thời kỳ trước, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,6% và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.300 USD/người/năm vào năm 2015 (GSO, 2016) và tiếp tục quá trình cải cách kinh tế - xã hội trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu. Với qui mô dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng.

Sự phát triển kinh tế làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu di chuyển và sở hữu phương tiện cá nhân của người dân. Cả nước có khoảng 2,4 triệu xe ô tô cá nhân và 43 triệu xe máy đăng ký sử dụng. Số lượng phương tiện sở hữu bình quân là 20 ô tô/1.000 dân và 487 xe máy/1.000 dân (UBATQG, 2015). Tốc độ gia tăng các loại phương tiện động cơ cá nhân tương đối cao, tăng trưởng bình quân 7,3% đối với xe máy và 6,3% đối với ô tô. Trung bình mỗi năm, khoảng 300.000 ô tô và hơn 3 triệu xe máy mới được đăng ký, hay 850 xe ô tô và 9.000 xe máy được đăng ký mới mỗi ngày (Cục Đăng kiểm, 2015). Giao thông công cộng mới đáp ứng được 10% nhu cầu di chuyển của người dân Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Các phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy vẫn đóng vai trò quan trọng, thông dụng và thuận tiện nhất đối với người dân thành thị. Xe máy chiếm 80 - 90% tổng số chuyến đi bằng phương tiện cơ giới (Vũ Anh Tuấn, 2016).

Tính đến cuối năm 2015, số lượng xe máy đăng ký tại Hà Nội là 4,9 triệu chiếc (Tiến Thành, Bá Đô, 2015) và tại TP. Hồ Chí Minh là 7,43 triệu xe máy đang lưu thông (Ngọc Ẩn, 2016). Nếu tính cả các xe ngoại tỉnh thì con số này tại Hà Nội khoảng 6 triệu và tại TP. Hồ Chí Minh là 8 triệu xe máy đang lưu thông (VOA, 2016).

Tới năm 2020, phương tiện cá nhân ước tính vẫn chiếm 75% - 80% nhu cầu di chuyển của người dân, phương tiện giao thông công cộng chiếm 20% - 25% nhu cầu vận chuyển (Tramoc, 2016). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ô tô và xe máy cá nhân là 17% và 11%, cao hơn 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội (Võ Hải, 2016). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của phương tiện cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh là 10% - 15% (VOH, 2016). Số lượng phương tiện cá nhân đã vượt quá qui hoạch dự kiến tới năm 2020 (QĐ số 365 của Thủ tướng Chính phủ, 2013). Như vậy, phương tiện cá nhân hai bánh vẫn là loại hình phương tiện di chuyển chính yếu nhất được người dân đô thị sử dụng. Dự báo đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy (Lý Trực Dũng, 2016).

Hình 1: Số lượng xe sở hữu cá nhân tại Hà Nội   Hình 2: Số lượng xe sở hữu cá nhân tại TP.HCM
   Nguồn: Tiến Thành và Bá Đô, 2015.                     Nguồn: Sở Giao thông TP.Hồ Chí Minh, 2016.

Cùng với xe máy - phương tiện nổi trội nhất tại Việt Nam, sự xuất hiện của xe điện hai bánh (xe máy điện và xe đạp điện) ngày càng thu hút và được sử dụng rộng rãi trong giới trẻ tại các đô thị Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm mục đích (i) Tổng quan về nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân tại Việt Nam; (ii) Đánh giá thị trường xe điện hai bánh tại Việt Nam; (iii) Thực trạng sử dụng xe điện hai bánh, cụ thể là xe đạp điện tại TP. Hà Nội.

1.2. Phương pháp nghiên cứu và thu thập số liệu

Nghiên cứu vận dụng phương pháp nghiên cứu định tính tại bàn, thu thập dữ liệu thứ cấp từ các nguồn khác nhau: Mạng internet, Tổng cục Thống kê, tạp chí nghiên cứu liên quan, báo cáo phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp chuyên sâu các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh xe điện hai bánh; phỏng vấn trực tiếp nhóm tập trung người sử dụng xe điện.

Nghiên cứu tiến hành điều tra bằng bảng hỏi chi tiết người sử dụng xe đạp điện (180 người) tại TP. Hà Nội nhằm hiểu rõ thực trạng sử dụng và thái độ người sử dụng đối với xe đạp điện.

2. Thị trường xe điện hai bánh tại Việt Nam

2.1. Khái niệm xe điện hai bánh

Xe điện hai bánh cá nhân được sử dụng ở các đô thị Việt Nam gồm xe máy điện và xe đạp điện. Khái niệm về xe máy điện, xe đạp điện và các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được ban hành theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xe đạp điện của Bộ Giao thông Vận tải (số 30/2013/TT-BGTVT ngày 1/11/2013).

Xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều. Xe máy điện là xe mô tô hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều.

Sự phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện chủ yếu dựa vào các tiêu chí: Công suất động cơ, tốc độ xe chạy cũng như xe đó có bàn đạp hay không.

2.2. Đặc điểm sản phẩm

Trên thị trường, xe điện hai bánh gồm xe máy điện và xe đạp điện. Xe máy điện là dòng xe máy tay ga, có hai dòng kiểu dáng: (i) kiểu dáng zoomer kích thước và khối lượng nhỏ gọn hơn xe máy; (ii) kiểu dáng xe máy tay ga kích thước và khối lượng tương tự xe máy.

Xe đạp điện cũng có hai dòng kiểu dáng: (i) kiểu dáng tương tự xe đạp truyền thống, có pedal, được gắn thêm ắc quy và động cơ điện (mô tơ điện), có thể sử dụng đồng thời cả hai chức năng; (ii) kiểu dáng xe tay ga, chủ yếu vận hành bằng động cơ điện. Dòng xe đạp này cũng có pedal nhưng nhỏ và ít khi được dùng đến, chủ yếu dùng mô tơ điện công suất lớn.

Bảng 2.2. Phân loại xe điện hai bánh trên thị trường Việt Nam
Nguồn: Tác giả, 2017

2.3. Thị trường xe điện hai bánh

Năm 2015, trên thị trường có khoảng hai triệu xe máy điện và xe đạp điện đang sử dụng (Đoàn Loan, 2015), trong đó, 70% là xe máy điện và 30% là xe đạp điện (UBATQG, 2015). Con số này bằng với số lượng xe máy bùng nổ trong thời kỳ đầu thị trường xe máy phát triển năm 1990. Nhu cầu sử dụng xe điện hai bánh tăng, số lượng nhà sản xuất tăng theo. Hiện nay, có hơn 70 nhà sản xuất xe điện hai bánh trên khắp cả nước. Số lượng xe sản xuất ước tính 400.000 chiếc/năm, xe đạp điện chiếm khoảng 30%. Phần lớn các nhà máy sản xuất tập trung ở các tỉnh phía Bắc (Hưng Yên, Thanh Oai, Thường Tín, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lạng Sơn) (tác giả, 2016). Thị trường xe điện hai bánh ngày càng cạnh tranh, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc và nhãn hiệu. Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn phù hợp với thị hiếu và nhu cầu.

Trên thị trường hiện tại có xe điện Trung Quốc, xe điện hãng sản xuất nước ngoài (Yamaha, Asama, Bridgestone, Songtian, Giant, Five Stars v.v), xe điện các doanh nghiệp truyền thống trong nước sản xuất (Thống Nhất - Công ty Thống Nhất, Delta - Công ty Cơ điện Delta), doanh nghiệp tư nhân (Detech, Sunfat, Abaco, HK-bike v.v). Giá xe điện được chia làm ba mức độ khác nhau: cao, trung bình và thấp.

Sự đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, với các mức giá phù hợp đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn. Các hãng xe được ưa chuộng là Asama, Yamaha, Honda của Nhật và Giant của Đài Loan với mức giá trung bình 6 - 8 triệu đồng/chiếc. Giá xe phổ biến nhất ở mức trên dưới 10 triệu đồng/chiếc, những xe có chất lượng cao hơn có giá khoảng 12-15 triệu đồng/chiếc. Một số xe nhập khẩu hoàn toàn có mức giá lên tới 20 triệu đồng/chiếc. Mức giá xe điện phù hợp với đại bộ phận các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình và trung bình khá, đáp ứng nhu cầu di chuyển hàng ngày hoặc cho học sinh, sinh viên với khoảng cách di chuyển không quá xa.

3. Thực trạng sử dụng xe đạp điện tại Hà Nội

3.1. Đối tượng và mục đích sử dụng xe đạp điện

* Đối tượng sử dụng

Kết quả khảo sát điều tra 180 học sinh, sinh viên sử dụng xe đạp điện tại Hà Nội cho thấy, tỉ lệ nữ giới sử dụng xe đạp điện là 71,7%, cao hơn nhiều so với nam giới là 28,3%. Độ tuổi sử dụng từ 18 - 22 chiếm tỉ trọng cao nhất (80,4%), tiếp đến là độ tuổi dưới 18 (8%). Xe đạp điện được sử dụng chủ yếu bởi học sinh phổ thông, PTTH, đại học và cao đẳng. Những người cao tuổi và nghỉ hưu, tỉ lệ sử dụng rất thấp (1%). Học sinh, sinh viên là nhóm người sử dụng xe đạp điện đông nhất (90%), tiếp đó là khối văn phòng, công nhân, nội trợ có tỉ lệ sử dụng tương đương nhau (3%).

* Mục đích sử dụng

84% số người trả lời sử dụng xe đạp điện thường xuyên cho di chuyển hàng ngày so với 16% sử dụng không thường xuyên.

74,5% số người được hỏi sử dụng xe đạp điện đi học; 29,2% đi làm; 43,10% đi mua sắm giải trí. Đi tập thể dục và các hoạt động khác chiếm tỉ lệ nhỏ.

Xe đạp điện chủ yếu được sử dụng trong nhóm đối tượng trẻ tuổi, đang còn đi học hoặc đi làm công sở. Đây cũng là những đối tượng có nhu cầu mua sắm giải trí thường xuyên. Nhóm đối tượng trẻ tuổi là những người ưa thích tìm tòi, khám phá và sẵn sàng chấp nhận công nghệ mới sáng tạo. Họ cũng là những người sẵn sàng chịu rủi ro công nghệ mới. Ngoài ra, xe đạp điện phù hợp với khoảng cách di chuyển đi học, đi mua sắm cự li gần.

3.2. Đặc tính của xe

* Nhãn hiệu

48,6% số người trả lời sử dụng xe đạp điện trong nước, 44,9% sử dụng xe nước ngoài, 6,5% không nắm rõ xuất xứ sản xuất. Số lượng xe trong nước và nước ngoài tương đương nhau. Điều này có thể do hầu hết các xe sản xuất trong nước đều nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về lắp ráp. Xe nhập khẩu thực chất là nhập khẩu 100% linh kiện đồng bộ từ nước ngoài về lắp ráp trong nước.

Nhãn hiệu xe được sử dụng nhiều nhất là: Giant, HkBike, Honda, Yamaha, Ninja và Bridgestone. Các thương hiệu có tiếng hoặc có độ bao phủ thị trường được ưa chuộng nhiều hơn. Xe Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản là những thương hiệu lâu năm được người tiêu dùng ưa chuộng.

* Mức giá

Xe đạp điện có mức giá 8-12 triệu đồng chiếm 60,1%. Mức giá 12-15 triệu đồng chiếm 17,4% và trên 15 triệu đồng chiếm 10,1%. Xe đạp điện với mức giá dưới 8 triệu đồng chỉ chiếm 11,6%. Như vậy, người tiêu dùng Hà Nội chủ yếu sử dụng xe có chất lượng khá trở lên. Thường giá xe đi liền với chất lượng và dịch vụ bảo hành. Người tiêu dùng Hà Nội đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng. Những xe có chất lượng tốt, mức giá 12 triệu đồng trở lên có 27,5% người trả lời sử dụng. Dù chất lượng tốt hơn, nhưng giá cao sẽ chỉ phù hợp với hộ gia đình có mức thu nhập khá trở lên. Xe có chất lượng tốt ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn.

* Thời gian sử dụng xe

Thời gian sử dụng xe đạp điện của những người được hỏi phổ biến từ 6 tháng đến 3 năm. 7,2% người được hỏi sử dụng trên 3 năm. Số lượng người sử dụng từ 6 tháng đến một năm là 23%, 1 - 2 năm 25% và 2 - 3 năm là 20%, dưới 6 tháng là 24%. Như vậy, xe đạp điện mới chỉ được quan tâm và chú ý nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây. Đây cũng là thời kỳ bùng nổ của thị trường xe điện hai bánh tại Hà Nội. Số lượng xe gia tăng hàng năm là tương đối ổn định. Điều này có thể do sự ổn định tốc độ gia tăng số lượng học sinh, sinh viên hàng năm.

* Phân biệt xe đạp điện và xe máy điện

90,6% số người trả lời biết phân biệt xe đạp điện và xe máy điện, chỉ có 9,4% người được hỏi không nắm rõ cách phân biệt.

Số người dựa vào tốc độ để phân biệt chiếm tỉ lệ 45,9%, dựa vào công suất chiếm 42% và bàn đạp là 40,2%. Ngoài ra, một vài người dựa vào kiểu dáng bên ngoài để phân biệt. Người tiêu dùng đã quan tâm đến sự khác biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện, quan tâm nhiều nhất đến tốc độ xe và công suất xe. Đây là điều nhà sản xuất và nhà quản lý cần chú ý trong việc chế tạo, kiểm soát xe đạp điện và xe máy điện.

* Thuộc tính quan trọng

Người sử dụng coi trọng nhất yếu tố an toàn, tiếp theo là kích thước. Yếu tố kiểu dáng và tốc độ ít được chú trọng nhất. Đối tượng trẻ tuổi là những người ưa chuộng tính thời trang, thích mạo hiểm tốc độ cũng đã chú trọng nhất đến tính an toàn của xe. Nhận thức về an toàn giao thông trong giới trẻ khi sử dụng xe điện đã được nâng cao, đồng thời nhận thức về sức khỏe, tính linh hoạt và cơ động của xe thông qua yếu tố kích thước nhỏ gọn ngày càng được chú trọng. Kiểu dáng và tốc độ ít được quan tâm. Người tiêu dùng đã có những kiến thức nhất định về hạn chế tốc độ của xe đạp điện, nên không coi trọng yếu tố tốc độ. Hạn chế tốc độ thường đồng thời với cải thiện sự an toàn. Sự thuận tiện trong tiếp nhiên liệu và chạy êm được đánh giá cao hơn về tính thời trang và tốc độ.

* Hạn chế khi sử dụng xe điện

Người sử dụng xe đạp điện cho rằng, hạn chế lớn nhất đối với xe đạp điện là trời mưa và đường ngập nước, không thuận tiện khi không có điểm sạc pin công cộng hay cơ sở hạ tầng cho xe đạp điện, phải thường xuyên nạp pin và ùn tắc giao thông làm pin chóng hết. Đồng thời, cơ sở hạ tầng yếu kém, xảy ra ngập lụt hoặc ùn tắc giao thông cũng làm giảm thái độ tích cực của người tiêu dùng đối với xe đạp điện.

* Phương tiện thay thế xe đạp điện

64,5% số người trả lời sẽ lựa chọn sử dụng xe máy làm phương tiện thay thế nếu không có xe đạp điện, tỷ lệ lựa chọn xe buýt là 25,4% và xe đạp 10,1%. Khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sử dụng xe máy nhiều hơn (51%). Như vậy xe máy vẫn có lợi thế hơn xe đạp điện do công suất động cơ, tốc độ cao hơn, vận chuyển tải trọng lớn hơn, bền hơn xe đạp điện và có thể tiếp nhiên liệu thuận lợi, dễ dàng tại mọi thời điểm.

* Giá nhiên liệu

87,7% người sử dụng cho biết giá xăng giảm họ vẫn sẽ tiếp tục sử dụng xe đạp điện. Giá nhiên liệu (xăng dầu) không có tác động đáng kể tới nhu cầu sử dụng xe điện hai bánh.

4. Kết luận

Nhu cầu sử dụng xe đạp điện nói riêng và xe điện hai bánh nói chung ngày càng gia tăng trong lứa tuổi học sinh, sinh viên do đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, mức giá phù hợp cũng như sự thuận tiện và tính cơ động. Người sử dụng đã nhận thức và có thái độ ngày càng tích cực hơn đối với xe đạp điện, phân biệt rõ được sự khác biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện. Người sử dụng chú trọng cao nhất đến tính an toàn, tiếp theo là kích thước xe. Kiểu dáng và tốc độ ít được coi trọng nhất. Sự thuận tiện trong tiếp nhiên liệu và chạy êm được đánh giá cao hơn về tính thời trang và tốc độ.

Dù xe đạp điện còn một số hạn chế nhưng nhìn chung ngày càng được sử dụng rộng rãi trong giới trẻ, những người luôn sẵn sàng thích ứng và chấp nhận công nghệ mới.

Hiểu được thực trạng sử dụng và nhu cầu thị trường xe điện hai bánh nói chung và xe đạp điện nói riêng sẽ giúp nhà sản xuất cải tiến, đổi mới sản phẩm, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng, vận dụng các chính sách marketing phù hợp để tiếp cận và mở rộng thị phần.

Đối với cơ quan quản lý chức năng, hiểu được nhu cầu sử dụng xe điện hai bánh sẽ giúp nhà quản lý trong việc hoạch định và ban hành các qui chuẩn chính sách liên quan tới sản xuất, sử dụng và quản lý xe điện hai bánh một cách hữu hiệu, phù hợp với lợi ích của người tiêu dùng và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Để khuyến khích sử dụng xe điện nhằm giảm thiểu khí thải, tiết kiệm năng lượng, chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp cho các nhà sản xuất và thị trường xe điện phát triển.

5. Lời cảm ơn

Nghiên cứu được thực hiện dưới sự tài trợ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là một phần của đề tài T2016-PC-179. Xin chân thành cảm ơn Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Kinh tế và Quản lý đã hỗ trợ nhóm tác giả trong quá trình nghiên cứu n

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tiến Thành, Bá Đô (2015), http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/chuyen-gia-giao-thong-5-10-nam-nua-ha-noi-moi-co-the-han-che-xe-ca-nhan-3335442

2. Bộ Giao thông Vận tải (2013), “Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện số 39/2013/TT-BGTVT” ngày 1/11/2013.

3. Đoàn Loan (2015), http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/bo-giao-thong-kien-nghi-lui-thoi-diem-phat-xe-may-dien-khong-bien-so-3240911.html

4. Nguyễn Sơn (2013) http://tienphong.vn/Kinh-Te/657141/Doanh-nghiep-Viet-noi-dia-hoa-xe-dap-dien-tpov.html.

5. http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dan-viet-so-huu-xe-may-nhieu-thu-2-the-gioi-252388.html

6. Linh Lê (2017), http://vietnambiz.vn/ty-le-dien-tich-giao-thong-cua-ha-noi-va-tp-hcm-thap-hon-cac-thanh-pho-trong-khu-vuc-12776.html

7. Lý Trực Dũng (2016), http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/313856/cam-xe-may-hien-thuc-hay-ao-tuong.html

8. Nguyễn Hạnh (2016), http://baocongthuong.com.vn/ha-noi-phan-dau-giai-doan-2016-2020-tang-truong-grdp-binh-quan-dat-85-9.html

9. Nguyễn Hoàng Hải (2013), http://www.tapchigiaothong.vn/van-tai-hanh-khach-cong-cong-bang-xe-buyt-cua-thu-do-ha-noi-sau-5-nam-ve-dieu-chinh-dia-gioi-hanh-chinh-d3851.html, 27/11/2013)

10. Quang Phong (2015), http://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-gan-150-trieu-dong-nam-2020-20151101153013425.htm

11. Thu Ngân (2015), http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/kinh-doanh-xe-dien-nhieu-tiem-nang-tai-viet-nam-3320013.html)

12. Viet Chung (2016), “Tiem nang hoi nhap, thach thuc hoa nhap”, http://enternews.vn/kinh-te-viet-nam-2015-tiem-nang-hoi-nhap-thach-thuc-hoa-nhap.html

13. Võ Hải (2016), http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ha-noi-than-trong-trien-khai-de-an-han-che-phuong-tien-ca-nhan-3365798.html

14. VOA (2016), http://vovgiaothong.vn/van-hoa-giao-thong/bao-dong-o-nhiem-khi-thai-tu-cac-phuong-tien-giao-thong-/124003

15. Xuân Hinh, Đông Nghi (2017), “Báo động ô nhiễm môi trường từ xe máy cũ nát”, http://petrotimes.vn/bao-dong-o-nhiem-moi-truong-tu-xe-may-cu-nat-493810.html

VIETNAM'S TWO-WHEELED ELECTRIC VEHICLE MARKET:

DEMAND, CHARACTERISTICS AND REALITY

TRINH THU THUY - PHAM THI THANH HONG - PHAM THI KIM NGOC

School of Economics and Management

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

In recent years, the demand for two-wheeled electric vehicles (electric motorcycles and electric bicycles) has increased in the urban are of Vietnam. This article provides an overview of the demand for personal vehicles in general and the needs of using two-wheel vehicles in particular. Survey data collected in Hanoi shows that two-wheeled electric vehicles are used mainly by pupils and students. Users are more aware and more attentive to the two-wheeled electric vehicle, with the emphasis on safety, followed by vehicle size. Design elements and speed are less important. The comfort of refueling and running smoothly is more appreciated than fashion and speed.

Keywords: Two-Wheeler, Market, Attributes, Attitude.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây