Thiếu chính sách hỗ trợ khiến ngành Nhựa Việt Nam kém cạnh tranh

Ngành Nhựa tuy là một trong những ngành có tốc độ phát triển khá nhanh, có kim ngạch xuất khẩu lớn và là một ngành công nghiệp hỗ trợ quan trọng của nền công nghiệp Việt Nam nhưng hiện vẫn chưa có một

Việc thiếu hụt các chính sách phát triển dành riêng cho ngành Nhựa đang khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn khi mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng; làm suy giảm sức cạnh trạnh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực, thế giới.

Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với nhiều mục tiêu lớn trong năm 2011. Theo Quy hoạch, ngành Nhựa Việt Nam được phát triển theo hướng đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm cuối cùng, xử lý phế liệu nhựa về chế biến thành nguyên liệu, tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước để trở thành ngành công nghiệp tự chủ.

Quy hoạch ngành cũng đưa ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành Nhựa theo hướng sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng tỷ trọng nhóm sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật.

Ngành Nhựa tiếp tục được khẳng định tầm quan trọng đối với nền công nghiệp Việt Nam khi là một trong ba lĩnh vực ưu tiên phát triển theo Quyết định số 9028/QĐ – BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ban hành ngày 8/10/2014.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, bao gồm các linh kiện phụ tùng nhựa sẽ được hưởng các chính sách khuyến khích, ưu đãi theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và các chính sách khuyến khích, ưu đãi có liên quan.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được hưởng các chương trình hỗ trợ theo Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”.

Tuy nhiên, các ưu đãi, chính sách hỗ trợ trên chỉ mới tập trung vào một số sản phẩm của ngành Nhựa chứ chưa có chính sách hỗ trợ riêng biệt cho toàn ngành Nhựa; chưa có cơ chế dành riêng cho phát triển ngành Nhựa. Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì các ưu đãi nêu trên chưa rõ ràng và đang dưới hình thức cào bằng.

Với đặc điểm là có tới 80% số doanh nghiệp ngành Nhựa trên tổng số 2.000 doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp này là vốn và công nghệ sản xuất.

Năng lực tài chính yếu cùng với các khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thiếu hụt vốn đầu tư do cơ chế chính sách chưa phù hợp đã tạo thành rào cản đổi mới công nghệ sản xuất. Mặt bằng trình độ công nghệ, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất của ngành Nhựa Việt Nam hiện còn tương đối lạc hậu so với mặt bằng chung trên thế giới, chủ yếu là các trang thiết bị xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc… Công nghệ yếu kém khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể sản xuất được các loại sản phẩm nhựa có hàm lượng kỹ thuật cũng như giá trị gia tăng cao như các sản phẩm thuộc nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong cơ cấu ngành Nhựa thì ngành nhựa gia dụng vốn không đòi hỏi trình độ công nghệ cao, vốn đầu tư ít hiện chiếm tới 40%, nhựa bao bì chiếm 35% trong khi ngành nhựa kỹ thuật cao chỉ chiếm 13% và 11% đối với nhóm ngành nhựa xây dựng.

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI về sản xuất nhựa đang xuất hiện tại Việt Nam ngày càng nhiều với tiềm lực tài chính lớn, công nghệ hiện đại của các nước như Mỹ, châu Âu đang tạo ra sức ép cạnh tranh lớn lên các doanh nghiệp Việt Nam, ngành Nhựa Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà nếu không nhanh chóng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các loại sản phẩm kỹ thuật cao. Theo đánh giá của Công ty Toda Industries - doanh nghiệp FDI Nhật Bản, chuyên sản xuất sản phẩm nhựa công nghiệp, nhu cầu về sản phẩm nhựa công nghiệp tại Việt Nam hiện tăng trưởng trung bình 20%/năm. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất, chỉ có một vài doanh nghiệp nội địa lớn như Nhựa Bình Minh, Thiếu Niên Tiền Phong, Nhựa Đông Á là sản xuất được các một số mặt hàng nhựa công nghiệp, còn lại phần lớn thị trường được bỏ ngỏ cho các sản phẩm nhựa công nghiệp nhập khẩu hoặc do các nhà sản xuất nhựa FDI cung ứng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa công nghiệp Việt Nam trong năm 2014 chỉ chiếm 6% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa; chiếm tuyệt đại đa số kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa là các loại bao bì nhựa với hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Thiếu cơ chế hỗ trợ vốn phù hợp đã hạn chế khả năng chuyển đổi công nghệ, tiếp cận các công nghệ hiện đại của ngành Nhựa Việt Nam, ảnh hưởng chung đến quá trình phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nước nhà.

Bên cạnh đó, các chính sách cũng chưa giải quyết được bài toàn về nguyên liệu cho ngành Nhựa Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu nhựa. Theo đánh giá của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hơn 80% nguyên liệu của ngành Nhựa vẫn phải nhập khẩu; giá nguyên liệu của ngành phụ thuộc vào giá dầu, vốn đang rất thất thường và khó đoán. Điều này dẫn đến việc không những giá thành kém cạnh tranh, nhập siêu nguyên liệu mà còn khiến lượng giá trị gia tăng thực thụ của ngành Nhựa Việt Nam gần như không đáng kể.

Việc phát triển ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam, bao gồm cả sản xuất nguyên liệu nhựa còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi thời gian phát triển lâu dài, phụ thuộc nhiều vào sự phân bổ vốn đầu tư cũng như quyết tâm của Chính phủ. Trong khi đó, vẫn chưa có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển đầu tư xây dựng ngành công nghiệp tái chế nhựa trong nước để tạo nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh.

PV