Thông cáo báo chí số 13, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Thứ Tư, ngày 08/6/2022, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 13 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Theo Chương trình, Quốc hội dành cả ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, lĩnh vực tài chính, lĩnh vực ngân hàng.
quoc hoi
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, ngày 08/6/2022

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Buổi sáng

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tham gia phát biểu làm rõ nội dung liên quan có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề chiến lược, là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì vậy thu hút sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước, sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội. Đã có 53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn; trong đó 34 đại biểu đã thực hiện chất vấn; 04 ý kiến đăng ký tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đã đặt ra, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm cao.

Các đại biểu Quốc hội nêu vấn đề chất vấn ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào những vấn đề cốt lõi vừa có tính cơ bản, chiến lược lâu dài, vừa mang tính thời sự và cấp bách mà nhân dân và cử tri, nhất là nông dân đang rất quan tâm.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nhưng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng đã cho thấy nắm rõ tình hình thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra và bảo đảm quy định về thời gian; đồng thời đã gợi mở rất nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

Tiếp đó, dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã tập trung chất vấn về những vấn đề sau: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; tình trạng xe biếu, tặng thời gian qua; biện pháp đột phá trong việc luân chuyển cán bộ ngành tài chính; thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp do Bộ Tài chính quản lý; giải pháp tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; việc mua sắm tài sản công; giải pháp khắc phục tiêu cực trong thẩm định giá; vấn đề giá sách giáo khoa, giá xăng dầu; trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc đấu giá tài sản; giải pháp kiểm soát lạm phát trong thời gian tới; chính sách bảo hiểm nông nghiệp; vấn đề kiểm toán độc lập; việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số; biện pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá; tính bền vững của việc tăng thu ngân sách nhà nước; giải pháp ngăn chặn vi phạm pháp luật của công chức ngành tài chính; các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; vấn đề triển khai hóa đơn điện tử ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; kinh phí thanh toán cho trọng tài tại SEA GAMES 31…

Buổi chiều

Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính. Tham gia phát biểu làm rõ nội dung liên quan có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Mạnh Hùng.

Sau đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó nhấn mạnh: Tài chính là lĩnh vực đa ngành, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy việc lựa chọn lĩnh vực này để chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Đã có 72 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn; trong đó 27 đại biểu đã thực hiện chất vấn; 09 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng; câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội Quốc hội. Mặc dù lần đầu trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tự tin, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực ngân hàng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu tập trung chất vấn về những vấn đề sau: việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; tín dụng, lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tài chính vi mô; tình hình hoạt động của các ngân hàng 0 đồng; thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng; giải pháp về chính sách tiền tệ bảo đảm phát triển thị trường bất động sản; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; hành lang pháp lý đối với tình trạng cho vay qua trang web; giải pháp để người dân được dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tình hình triển khai mobile money thời gian qua; việc phân bổ hạn mức tín dụng…

Thứ Năm, ngày 09/6/2022: Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn 02 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực giao thông vận tải. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình  Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.