Thông tư mới về các biện pháp phòng vệ thương mại

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư mới trong việc quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngày 29/11/2019 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 37/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại. Thông tư mới thay thế cho Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20/4/2018 và sẽ chính thức áp dụng kể từ ngày 15/1/2020.

Theo đó, Thông tư số 37/TT-BCT gồm 4 Chương 28 Điều, trong đó, nội dung chính gồm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu và bảo mật thông tin, tài liệu trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Cụ thể, theo quy định của Bộ Công Thương, cơ quan điều tra xem xét, chấp thuận đề nghị bảo mật thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, tài chính, thông tin khách hàng, nhà phân phối... của doanh nghiệp trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cung cấp.

Thông tin bảo mật gồm các bí mật kinh doanh liên quan đến tính chất của một sản phẩm hoặc quy trình sản xuất; các thông tin không công khai về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp bao gồm: chi phí sản xuất; chi phí bán hàng; điều khoản bán hàng; giá bán của từng giao dịch cụ thể, giao dịch dự kiến, hoặc các chào bán khác.

Thông tin của các khách hàng, nhà phân phối, nhà cung cấp; thông tin tài chính của doanh nghiệp; thông tin về biên độ bán phá giá của từng doanh nghiệp cụ thể trong vụ việc điều tra chống bán phá giá.

Thông tin về khoản lợi ích mà Bên bị yêu cầu được hưởng đối với từng chương trình trợ cấp đang bị điều tra hoặc rà soát trong vụ việc điều tra chống trợ cấp, ngoại trừ các thông tin mô tả hoạt động của chương trình, khoản lợi ích được ghi trong các tài liệu hoặc được đăng tải công khai; tỉ lệ trợ cấp theo giao dịch bán hàng được tính cho từng Bên bị yêu cầu trong một chương trình.

Các thông tin khác mà cơ quan điều tra xác định rằng nếu công khai có khả năng gây nguy hại đáng kể đến người cung cấp thông tin hoặc người mà người cung cấp thông tin đó thu thập được thông tin hoặc gây ảnh hưởng đáng kể đến lợi thế cạnh tranh của bên cung cấp thông tin.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ Công Thương các tiêu chí xem xét và hình thức miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định miễn trừ đối với hàng hóa thuộc các trường hợp được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định tại Điều 10 Thông tư này trên cơ sở báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị miễn trừ của Cơ quan điều tra.

Trong từng vụ việc cụ thể, việc xem xét hàng hóa được đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong phạm vi quy định dựa trên một hoặc một số tiêu chí như: quy định về danh mục hàng hóa trong nước không sản xuất được, kết luận điều tra, qui chuẩn, tiêu chuẩn, ý kiến cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, các tài liệu kĩ thuật liên quan khác.

Không giới hạn về đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng, khối lượng, số lượng hàng hóa được miễn trừ trong trường hợp phân biệt được sự khác biệt giữa hàng hóa đề nghị miễn trừ và hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; hạn chế về khối lượng, số lượng hàng hóa được miễn trừ, mục đích được miễn trừ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương xem xét không miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp việc áp dụng biện pháp miễn trừ có khả năng dẫn đến hành vi gian lận nhằm lẩn tránh việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. 

Đồng thời, cơ quan quản lí nhà nước phải thực hiện các biện pháp như thanh tra, kiểm tra sau miễn trừ và có thể thu hồi quyết định miễn trừ trong trường hợp tổ chức, cá nhân không tuân thủ các qui định trong quyết định miễn trừ hoặc cung cấp thông tin không trung thực, không đầy đủ, không chính xác hoặc giả mạo các số liệu, hồ sơ, chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của các sản phẩm được miễn trừ...

Thông tư này thay thế cho Thông tư số 06/2018/TT-BC và sẽ chính thức áp dụng kể từ ngày 15/1/2020.

 

Hạ Vũ