Thông tư về hàng hóa "made in Vietnam" giúp loại bỏ tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm, đội lốt hàng Việt

Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt sẽ dần được loại bỏ.
Thông tư về hàng hóa made in Vietnam

Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo xin ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Ngày 25/9/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hoá là sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43), ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Theo quy định của Nghị định, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều phải ghi nhãn cho hàng hóa.

Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

hoi thao xuat xu hang hoa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì hội thảo

Để khắc phục các bất cập trên, Bộ Công Thương đã soạn thảo Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, về cơ bản, dự thảo Thông tư này được xây dựng phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định trong nước về xuất xứ hàng hóa, đảm bảo sự tương thích giữa hàng hóa lưu thông trong nước với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Thứ trưởng khẳng định, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43.

Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

hoi thao lay y kien xuat xu hang hoa
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải nêu ý kiến tại hội thảo

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ, việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là “sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43.

Thực tế, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Để khắc phục các bất cập đó, cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là “sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.

 hội thảo lay y kien xuat xu hang hoa
Nhiều ý kiến góp ý của từ các cơ quan, đơn vị với các góc nhìn đa chiều về mức độ cần thiết phải ban hành Thông tư

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, sau 1 năm trao đổi với các Bộ, ngành hữu quan về cơ sở pháp lý cũng như hình thức văn bản, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo ban đầu dưới hình thức Thông tư. " Thông tư này đưa ra chuẩn mực để giúp doanh nghiệp có thể soi vào đánh giá với hàm lượng, quy trình sản xuất như vậy, doanh nghiệp có thể hoàn toàn tự tin dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam hay chưa.

Doanh nghiệp có thể lấy Thông tư này làm thước đo chuẩn để biết được như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là “sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”" Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Thanh Xuân