Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN

Ngày 29/8/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Tham vấn quốc gia về đánh giá triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn 3.

Đây là hoạt động do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai các dự án trong Kế hoạch công tác IAI giai đoạn 3 (2016-2020) dựa trên kết quả thực tế tại Việt Nam, xác định vấn đề và thách thức ảnh hưởng đến hiệu quả và tác động của các dự án, qua đó đề xuất nâng cao hiệu quả thực hiện Kế hoạch công tác IAI hiện tại và tương lai.

Tham dự Tham vấn gồm có đại diện Ban Thư ký ASEAN, các chuyên gia tư vấn quốc tế và đại diện các Bộ/ngành, cơ quan, đơn vị tham gia triển khai các dự án hợp tác ASEAN nói chung và các dự án IAI nói riêng tại Việt Nam.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo phát biểu khai mạc cuộc họp.

Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đánh giá cao ý nghĩa của Cuộc họp Tham vấn, khẳng định tầm quan trọng chiến lược của việc thu hẹp khoảng cách đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhắc lại mục tiêu của IAI là thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông  qua các chương trình hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật dành cho 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar (CLMV). Ông Nguyễn Văn Thảo khẳng định Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng và đặt ưu tiên cao đối với việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Cho biết Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, đã tham gia và có những đóng góp quan trọng, tích cực trong việc xây dựng và triển khai các dự án IAI nói riêng cũng như trong thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

 Cuộc Tham vấn lần này là dịp để các Bộ/ngành Việt Nam đánh giá, trao đổi những kết quả cũng như khó khăn, thách thức và đề xuất các khuyến nghị cần thiết cho việc xây dựng và triển khai hiệu quả hơn nữa các dự án IAI trong thời gian tới, đóng góp vào tiến trình thu hẹp khoảng cách phát triển và xây dựng một cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, phát triển đồng đều, một cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Sáng kiến về hội nhập ASEAN được thông qua không chính thức trong năm 2000 với mục tiêu là thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các nước ASEAN, hỗ trợ các thành viên mới là các nước CLMV hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế khu vực và giảm nghèo đói.

Phạm Ân