Thu hút FDI - "mũi giáp công" quan trọng để phục hồi nền kinh tế

Chuyên gia kinh tế cho rằng, chắc chắn sẽ có một làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư, nhưng nếu Việt Nam "ngồi chờ" thì dòng vốn này chưa chắc đã đến.

Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cả nước diễn ra cách đây ít hôm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: Thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong 5 "mũi giáp công" để phục hồi nền kinh tế.

Cần tranh thủ "hút" vốn FDI chất lượng cao 

Cùng với các "mũi giáp công" khác (bao gồm: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa), thì thu hút vốn FDI được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm trong bối cảnh các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư, nhất là trong đại dịch Covid-19, và Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn bởi môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, thời điểm hiện nay là cơ hội "vàng" để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về "sự tin cậy chiến lược", là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút khoảng 12,33 tỷ USD vốn FDI, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019; giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù thu hút vốn FDI có dấu hiệu chững lại trong 4 tháng đầu năm nay, song nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ đón luồng vốn mới sau đại dịch Covid-19 với rất nhiều cơ hội thuận lợi.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc lưu ý, Việt Nam cần tranh thủ cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao từ một số quốc gia. Chẳng hạn, Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn.

Theo Chủ tịch VCCI, năm 2021 sẽ là thời điểm tăng vốn FDI nhờ vào thu hút đầu tư nước ngoài do có thương hiệu, nơi đến đầu tư an toàn và trung thực. Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể hợp tác đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao.

Đề xuất lập tổ công tác đặc biệt để đàm phán thu hút FDI

Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đề xuất Chính phủ có thể lập một tổ công tác đặc biệt để đàm phán, thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển đầu tư sau dịch Covid-19.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chắc chắn sẽ có một làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư, nhưng nếu Việt Nam "ngồi chờ" thì dòng vốn này chưa chắc đã đến, hoặc có thể có vốn đến với Việt Nam, nhưng lại là dòng vốn không chất lượng.

Định hướng thu hút FDI lúc này là có thể chọn lọc và đón được dòng vốn chất lượng. Muốn như vậy thì phải nâng cấp được vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. "Phải hành động, phải đi tìm người ta", TS. Cung nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng CIEM nêu quan điểm: Nếu Chính phủ thấy việc đón dòng vốn FDI quan trọng thì nên lập một tổ công tác đặc biệt, lấy thẩm quyền của Thủ tướng đi đàm phán với các tập đoàn, doanh nghiệp có ý định dịch chuyển dây chuyền sản xuất. Việc hành động như vậy sẽ giúp Việt Nam biết được các tập đoàn đa quốc gia đang như thế nào, họ cần gì. Lúc đó, Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu riêng thu hút vốn như thế nào, cần gì từ các nhà đầu tư.

 "Có tổ công tác đặc biệt sẽ đi mời, đi chào, đi đón đầu, đi gặp gỡ để kéo được những dòng vốn mà mình cần về. Không thể ngồi chờ, nếu ngồi chờ thì các nước khác sẽ hút hết những cái ngon nhất. Những cái còn lại mới đến lượt Việt Nam", TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.