Thu hút vốn đầu tư tạo tiền đề phát triển du lịch Đồng Nai giai đoạn 2020 – 2030

ĐOÀN THỊ THANH VÂN (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Trong những năm qua, du lịch Đồng Nai không ngừng nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tựu đáng kể. Tỉnh Đồng Nai đã trở thành “lực hấp dẫn” của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước. Hiện nay, Đồng Nai luôn nằm trong Top các địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước. Tận dụng những thế mạnh về du lịch, tỉnh Đồng Nai không ngừng đẩy mạnh đầu tư cho du lịch với nhiều dự án lớn nhỏ được triển khai nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng điểm đến cũng như nhân lực du lịch. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả phân tích thực trạng đầu tư cho phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai, nêu ra những thuận lợi, khó khăn của tình hình đầu tư, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm thu hút đầu tư có hiệu quả cho du lịch tỉnh Đồng Nai nhằm phát triển du lịch Đồng Nai thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từ khóa: Du lịch Đồng Nai, dự án đầu tư, đầu tư du lịch, vốn đầu tư.

1. Mở đầu

Đồng Nai có vị trí chiến lược về giao lưu kinh tế, thương mại, quốc phòng - an ninh ở vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có vị trí thuận lợi giao thương trong nước và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không (khi sân bay Quốc tế Long Thành đi vào hoạt động). Tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch: tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, tài nguyên nhân văn,… tạo điều kiện phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tôn giáo,…; Nguồn nguyên liệu nông nghiệp, lâm nghiệp, nguồn thủy hải sản dồi dào; Nguồn nhân lực trẻ, có khả năng đào tạo phát triển trình độ chuyên môn cao. Công tác đầu tư hạ tầng du lịch, đầu tư sản phẩm du lịch được quan tâm triển khai thực hiện mang lại nhiều kết quả khả quan cho du lịch Đồng Nai.

2. Hiện trạng hoạt động thu hút đầu tư du lịch tỉnh Đồng Nai

2.1. Kết quả du lịch thu được

2.1.1. Về tình hình thu hút khách

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Đồng Nai đã dần định hình và phát triển rõ nét với tốc độ tăng trưởng khá cao. Năm 2019, ngành Du lịch của Tỉnh đạt 4.402.000 lượt người, tăng 12% so với cùng kỳ, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.607 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

2.1.2. Về hệ thống lưu trú du lịch

Đến nay, toàn Tỉnh có 129 cơ sở lưu trú du lịch, tổng số phòng 3.437 phòng. Trong đó có 13 khách được xếp hạng (01 khách sạn 5 sao; 01 khách sạn 4 sao; 01 khách sạn 3 sao; 5 khách sạn 2 sao và 5 khách sạn 1 sao).

2.1.3. Về hoạt động kinh doanh lữ hành

Phát triển chủ yếu tại thành phố Biên Hòa. Đến nay, có 23 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành (trong đó, gồm 9 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 14 doanh nghiệp lữ hành nội địa), 5 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh).

Sự tăng trưởng của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, vận chuyển đã góp phần nâng cao năng lực phục vụ của ngành Du lịch.

2.1.4. Về sự tăng trưởng các điểm đến

Hiện nay, du lịch Đồng Nai được quy hoạch thành 5 tuyến: 1. Tuyến du lịch sông Đồng Nai - Biên Hòa, 2. Tuyến du lịch Long Thành - Nhơn Trạch, 3. Tuyến du lịch Định Quán - Tân Phú, 4. Tuyến du lịch Long Khánh - Xuân Lộc, 5. Tuyến du lịch Vĩnh Cửu - Thống Nhất. Tuy nhiên, các tuyến du lịch hoạt động còn rời rạc, chưa có những sản phẩm độc đáo mang tính liên kết các tuyến.

2.1.5. Du lịch sinh thái là sản phẩm chủ đạo của du lịch Đồng Nai

Tại mỗi tuyến du lịch đều có các điểm du lịch sinh thái với quy mô lớn nhỏ khác nhau, mật độ phân bố khá cao của các điểm, khu du lịch, trải đều trên các địa bàn thuộc tỉnh. Toàn tỉnh có trên 60 điểm, khu du lịch thì các điểm du lịch sinh thái chiếm hơn quá nửa. Hơn nữa, các điểm du lịch sinh thái của Đồng Nai cũng rất phong phú, đa dạng về mặt tự nhiên và sinh học. Do đó, có thể khẳng định, Đồng Nai có thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái.

2.2. Thực trạng đầu tư du lịch

2.2.1. Về thu hút vốn đầu tư

Sức hút đầu tư du lịch của tỉnh ngày càng tăng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số vốn đầu tư vào các dự án du lịch của tỉnh giai đoạn 2015-2030 là 19.730 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2030 đạt 10.780 tỷ đồng (chiếm 54,6%).

2.2.2. Về đầu tư phát triển hạ tầng du lịch

Nhìn chung hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ giữa các hệ thống: công trình xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, năng lượng, cấp thoát nước, môi trường cảnh quan, y tế,… Cơ sở lưu trú du lịch tuy đa dạng và phát triển nhanh nhưng quy mô nhỏ lẻ, chưa theo quy hoạch, phong cách phục vụ chưa chuyên nghiệp.

2.2.3. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch và nghiệp vụ du lịch cho người lao động tại một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn được chú ý quan tâm. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các trường đào tạo về du lịch tổ chức các lớp bồi dưỡng về du lịch. Tuy nhiên, việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của ngành.

2.3. Đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư

Du lịch là lĩnh vực được tỉnh rất quan tâm trong xúc tiến mời gọi đầu tư và quảng bá. Dù có tiềm năng nhưng du lịch Đồng Nai vẫn chưa tạo ra được bước đột phá và các dự án du lịch thường chậm tiến độ, như:

Khu du lịch Sơn Tiên (TP. Biên Hòa) dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2016, do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính liên quan khác. Vì vậy, cho đến tháng 01/2020 mới bắt đầu đi vào hoạt động.

Dự án Tuyến du lịch sông Đồng Nai dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 nhưng đến ngày 01/9/2018, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hoàng Gia Bảo mới khai trương được tuyến du lịch đường sông giai đoạn 1.

Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ các dự án là do điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.

2.4. Những mặt tồn tại

- Những biện pháp triển khai thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ. Việc xây dựng các công trình hạ tầng trong khu quy hoạch còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu đầu tư.

- Trước đây giai đoạn sơ khai phát triển du lịch, nhằm trải thảm kêu gọi đầu tư nên các dự án có quy mô nhỏ. Hiện nay, có một số dự án du lịch lớn nhưng triển khai rất chậm.

- Việc thuê đất, đền bù, giao đất, lập hồ sơ thủ tục để xây dựng chưa được giải quyết triệt để.

- Công tác quy hoạch chi tiết về du lịch chưa kịp thời, chất lượng chưa cao, công tác quản lý, thực hiện quy hoạch chưa chặt chẽ.

- Một số nhà đầu tư không có năng lực đầu tư các dự án, gây lãng phí đất.

- Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, các cụm và tuyến du lịch chưa hình thành rõ ràng, vì các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai do tình hình kinh tế suy thoái.

3. Một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, thực thi các dự án và thu hút đầu tư du lịch tỉnh Đồng Nai

3.1. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Hoàn thiện cơ chế, thực hiện chính sách thuê đất, đền bù, giao đất, lập hồ sơ thủ tục triển khai xây dựng, nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư nước ngoài.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, đơn giản thủ tục hành chính.

- Đảm bảo sự công bằng quyền lợi giữa các chủ đầu tư và cộng đồng địa phương, khai thác tài nguyên du lịch theo quy hoạch.

- Xây dựng chính sách miễn giảm thuế, cho chậm nộp thuế, giảm tiền thuê đất, cho vay lãi suất ưu đãi đối với các dự án ưu tiên đầu tư vào các khu vực chậm phát triển, khó khăn; các dự án có các sản phẩm mới lạ, độc đáo có khả năng tăng thời gian lưu trú, tăng doanh thu du lịch.

- Giảm thuế nhập khẩu các trang thiết bị chuyên dùng cho khách sạn, khu du lịch, cơ sở vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển khách, vật tư phục vụ du lịch mà trong nước chưa sản xuất được, miễn giảm thuế đối với ngành sản xuất hàng lưu niệm phục vụ du lịch.

- Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch dưới các hình thức khác nhau.

- Các sở, ngành, địa phương phải phối hợp, tháo gỡ nhanh những vướng mắc của các dự án du lịch để doanh nghiệp sớm xây dựng và đưa vào khai thác.

- Thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn của Nhà nước, vốn FDI, vốn ODA đầu tư vào du lịch tỉnh, chống lãng phí và thất thoát vốn.

3.2. Giải pháp phân bổ vốn đầu tư

Phân bổ cơ cấu nguồn vốn đầu tư được xây dựng trên quan điểm nhà nước hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng, mang tính thúc đẩy; hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; đầu tư phát triển nguồn nhân lực,…). Các lĩnh vực đầu tư khác chủ yếu phát huy vai trò chủ động của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực ngoài ngân sách.

3.3. Giải pháp đầu tư du lịch

Một là, xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp pháp luật Việt Nam để thu hút và tạo ra các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch của các huyện. Thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú hiện đại.

Hai là, các địa phương trong tỉnh cần có kế hoạch cụ thể trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn mình. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vào các khu du lịch, điểm du lịch cần phải được tiến hành đồng bộ nhằm hình thành được các tuyến du lịch.

Ba là, đầu tư vào hệ thống hạ tầng y tế, văn hóa: Cải tạo nâng cấp và xây dựng mới các hệ thống bệnh viện tại các trung tâm huyện và tiểu vùng của tỉnh; Xây dựng mới các trung tâm điều dưỡng tại các trung tâm du lịch, các khu vực có suối khoáng nóng, thác, hồ,... Nâng cao chất lượng hệ thống bưu chính viễn thông, đặc biệt tại các vùng nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa.

Bốn là, Đầu tư nguồn nhân lực du lịch: Tăng cường nguồn lao động có trình độ chuyên môn, đặt hàng đào tạo nhân lực với các trường có khoa du lịch; Liên kết với các tổ chức đào tạo uy tín để tổ chức các khóa học tu nghiệp tại nước ngoài; Các doanh nghiệp du lịch phải chủ động tự đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trong nội bộ, khuyến khích đội ngũ quản lý, nhân viên có động lực để phấn đấu.

Năm là, định hướng đầu tư các khu du lịch cao cấp, xây dựng các tuyến điểm du lịch quan trọng, các khu vui chơi giải trí hiện đại, các khu du lịch quốc gia. Đầu tư phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của tỉnh, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù độc đáo và mở ra khả năng kết nối các sản phẩm du lịch trong tỉnh, liên vùng, liên quốc gia tạo ra những chương trình du lịch hấp dẫn.

Sáu là, không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư vào những tuyến điểm quan trọng trong tỉnh, tận dụng cách triệt để và có hiệu quả đối với nguồn vốn được hỗ trợ từ các nhà đầu tư để phát triển các tuyến, điểm du lịch có năng lực cạnh tranh. Đưa ra thông điệp rõ ràng về những lĩnh vực thu hút đầu tư cùng những cam kết về môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh.

Bảy là, hoàn thiện công tác quản lý đầu tư theo hướng phát huy trách nhiệm của cơ quan nhà nước về du lịch ở địa phương ngay từ khâu lập dự án, thẩm định, phân bổ vốn và suốt quá trình quản lý, thực hiện dự án. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đầu tư phát triển các khu du lịch: hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuế đất, thuê đất,…

Tám là, đầu tư vào hoạt động du lịch gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường: Khai thác du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác du lịch gắn với bảo tồn và phát triển các làng nghề...; đồng thời chính sách giao đất, cho thuê đất cũng cần linh hoạt để nhà đầu tư có thể chấp nhận được, mà vẫn bảo vệ, bảo tồn được các di tích, danh thắng và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

4. Kết luận

Tình hình đầu tư cho du lịch tại Đồng Nai chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch. Vì vậy, các chính sách cần thiết trong giai đoạn hiện nay cần xoay quanh việc quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông, thu hút nguồn vốn đầu tư và sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Để đạt được hiệu quả của những chính sách trên, cần phải thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong việc đầu tư, bằng việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch, giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, phát huy vai trò quản lý nhà nước, có những ưu đãi nhằm thúc đẩy và thu hút đầu tư. Từ đó, không những đẩy mạnh đầu tư thời điểm hiện tại, mà còn giúp cho du lịch Đồng Nai được phát triển lâu dài, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2019), “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, Báo cáo tổng hợp, Nhà Xuất bản Lao động, Hà Nội.
  2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, (2014). Quy hoạch phát triển ngành Du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, (2019). Báo cáo kết quả hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2019 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.
  4. Chính phủ (2015). Quyết định số 201/QĐ - TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  5. http://svhttdl.dongnai.gov.vn/
  6. http://vietnamtourism.gov.vn/
  7. http://ttxtdldongnai.vn/

ATTRACTING INVESTMENT

FOR THE TOURISM SECTOR IN DONG NAI PROVINCE

IN THE PERIOD FROM 2020 TO 2030

• DOAN THI THANH VAN

Dong Nai University of Technology

ABSTRACT:

Dong Nai Province is located in the Southern key economic region - one of the three key economic regions of Vietnam. Over the past years, Dong Nai Province’s tourism sector has continuously strived to achieve remarkable achievements. Dong Nai Province has attracted many domestic and foreign investors. Currently, the province is always one of the top localities attracting the highest foreign direct investment (FDI) in the country. Dong Nai Province constantly boosts investment in tourism with many projects to develop infrastructure, improve the quality of destinations as well as tourism human resources. However, the province still faces many difficulties and shortcomings. This article analyzes the current situation of Dong Nai Province’s investment in the tourism sector, outlining the advantages and disadvantages of the province’s investment situation. Based on the article’s findings, some solutions are proposed to attract more invesment into Dong Nai Province’s tourism sector and also increase the invesment efficiency in order to making the tourism industry become a provincial spearhead economic sector.

Keywords: Dong Nai Province’s tourism sector, investment projects, tourism investment, investment capital.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]