TÓM TẮT:

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lượng vốn thu hút được của các vùng trên cả nước vẫn có sự chênh lệch và kết quả thu hút chưa xứng với tiềm năng của một số địa phương. Bài viết nhằm làm rõ thực trạng và đề xuất giải pháp góp phần tăng cường hiệu quả thu hút vốn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ.

Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, FDI, FDI vào Phú Thọ.

1. Đặt vấn đề

Tỉnh Phú Thọ hiện đã có 161 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký gần 1.200 triệu USD, chủ yếu thuộc ngành công nghiệp: Sản xuất, lắp ráp linh kiện, phụ kiện điện tử, may mặc, chế biến gỗ và chế biến chè xuất khẩu. Để thu hút vốn FDI hiệu quả, Phú Thọ đã mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư với nhiều nước, chủ động tiếp cận, vận động những tập đoàn, tổng công ty lớn có năng lực tài chính, công nghệ và thị trường đầu tư. Bài viết nhằm khắc họa rõ thực trạng thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và những đóng góp của vốn FDI vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2018. Bên cạnh đó, tác gải phân tích những hạn chế trong hoạt động thu hút FDI và đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút FDI cho địa phương.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý luận về FDI và vai trò của FDI

- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI - Foreign Direct Investment) là hình thức đầu tư mà chủ sở hữu vốn (thường là doanh nghiệp) mang nguồn lực của mình sang một quốc gia khác để thực hiện hoạt động đầu tư, trong đó chủ sở hữu vốn trực tiếp tham gia vào quá trình đầu tư và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư.

Theo tỷ lệ sở hữu vốn,  FDI chia thành 2 nhóm là vốn hỗn hợp (có phần góp vốn của doanh nghiệp ở nước nhận đầu tư) và doanh nghiệp 100% vốn FDI.

- Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài với các nước đang phát triển.

+ Tác động tích cực: FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế; góp phần phát triển các ngành công nghiệp hiện đại; góp phần giải quyết việc làm; chuyển giao công nghệ tiên tiến cho nước nhận đầu tư; mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tiến trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới.

+ Tác động tiêu cực: FDI có thể làm mất cân đối trong đầu tư; doanh nghiệp FDI trốn thuế thông qua hoạt động chuyển giá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách nhà nước; nước nhận đầu tư dễ rơi vào tình trạng phụ thuộc về vốn, công nghệ, thị trường và chính trị do tác động của các doanh nghiệp FDI; làm suy giảm hệ thống doanh nghiệp trong nước; tăng dòng nhập siêu; và các tác động tiêu cực đến vấn đề xã hội.

- Nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động thu hút vốn FDI: Hệ thống luật pháp; sự ổn định về môi trường chính trị; cơ sở hạ tầng; đặc điểm thị trường và các chính sách thu hút trên địa bàn.

2.2. Thực trạng hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Phú Thọ

2.2.1. Khái quát về môi trường đầu tư tại Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng miền núi trung du Bắc Bộ, phía Bắc giáp Tuyên Quang, phía Nam giáp Hòa Bình, phía Đông giáp Vĩnh Phúc và Hà Tây, phía Tây giáp Sơn La và Yên Bái, phía Đông Nam giáp Hà Nội, nằm ở vị trí tiếp giáp giữa Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, và Tây Bắc, là trung tâm tiểu vùng Tây - Đông Bắc.

Với vị trí ở ngã ba sông, cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội và địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc, Phú Thọ là cầu nối các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh miền núi Tây Bắc và Đông Bắc.

Kinh tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2018 tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 theo giá so sánh 2010 ước đạt 40.890,4 tỷ đồng, tăng 8,34% so với năm 2017 (vượt kế hoạch 0,84%). Đóng góp phần không nhỏ vào kết quả GRDP của Phú Thọ, loại hình kinh tế khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2016 đóng góp vào GRDP 8,65% , năm 2017 là 9,8% và năm 2018 là 10,33%. Con số này cho thấy vai trò của dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như thấy được loại hình kinh tế này đang được chính quyền địa phương hết sức quan tâm.

Phú Thọ có môi trường chính trị và xã hội ổn định, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo. Chính quyền và nhân dân Phú Thọ thân thiện, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư được thực hiện theo cơ chế một đầu mối, miễn phí, giảm thời gian cho nhà đầu tư. Tỉnh cũng đưa công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền và quảng bá đầu tư thông qua Website, cổng giao tiếp điện tử của tỉnh đế đối thoại với doanh nghiệp cũng như cập nhật và công khai các thông tin.

2.2.2. Thực trạng hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Phú Thọ

- Về quy mô thu hút vốn: Đến hết năm 2018, có 148 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 1180,3 triệu USD. Trong 3 năm nghiên cứu, nhìn chung số dự án tăng, tuy nhiên vốn đầu tư ở mức trung bình, chưa thu hút được những doanh nghiệp, dự án lớn.

So sánh với các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Phú Thọ xếp ở vị trí thứ 6 về quy mô dự án FDI. Tương quan trong khu vực, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lào Cai là những tỉnh có quy mô bình quân một dự án cao nhất.

Có thể thấy Phú Thọ tuy thu hút được số dự án FDI ở mức khá, nhưng các dự án nhìn chung còn nhỏ, với mức trung bình đạt gần 8 triệu USD/dự án. Trong khi con số này của các tỉnh Đông Bắc Bộ là 17,85 triệu USD, các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc là 17,66 triệu USD, và mức bình quân của cả nước là hơn 12 triệu USD/ dự án. Vì vậy, thách thức đối với Lãnh đạo tỉnh là làm sao thu hút được các doanh nghiệp, dự án FDI lớn đến đầu tư trên địa bàn.

- Cơ cấu vốn FDI theo ngành kinh tế

Theo số liệu thống kê vốn FDI của Phú Thọ vẫn chủ yếu tập chung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số 121/138 dự án còn hiệu lực, chiếm 88,04 % tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực tiếp theo là cung cấp nước và xử lí nước thải với 2 dự án còn hiệu lực, chiếm 8,52% tổng vốn đầu tư. Các ngành còn lại có số dự án rất thấp cũng như chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư. Hiện nay, các dự án chủ yếu tập trung ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; các lĩnh vực khác có số dự án rất thấp, đặc biệt là các lĩnh vực đang được ưu tiên thu hút, như: du lịch, dịch vụ; nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực giáo dục đào tạo.

- Cơ cấu vốn FDI theo đối tác đầu tư

Trong các đối tác đầu tư vào Phú Thọ, Hàn Quốc là đối tác lớn nhất với 109 dự án (chiếm 79%), với tổng vốn đăng ký đầu tư là 892,4 triệu USD (chiếm 77,24%). Tiếp theo là Trung Quốc và Nhật Bản đều có 8 dự án (chiếm 5,8%) và số vốn đăng ký đầu tư lần lượt là 113,9 triệu USD và 41,3 triệu USD.

3. Kết quả và hạn chế trong thu hút FDI

Không thể phủ định vai trò và đóng góp của khối DN FDI trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ. Số liệu bảng 3.1 cho thấy  năm 2018, vốn đăng ký của các dự án vẫn hoàn thành vượt kế hoạch, nhưng không đạt chỉ tiêu và số lượng dự án mới đăng ký.Mức độ đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào GRDP cũng tăng dần theo các năm đãkhẳng định vai trò quan trọng của loại hình kinh tế này, cũng như cho thấy nỗ lực của các DN và chính quyền địa phương.

Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đã góp phần rất lớn vào giải quyết việc làm và tăng năng suất lao động. Các dự án đã thu hút lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài, người lao động đã từng bước hình thành tác phong lao động công nghiệp, có ý thức, kỷ luật lao động, học hỏi được các phương thức lao động tiên tiến góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng.

Bảng số liệu trên cho thấy khu vực FDI đã giúp khu vực giải quyết một số lượng lớn công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Số việc làm mà các doanh nghiệp có vốn FDI tạo ra khoảng 7%/năm. Bên cạnh đó, người lao động làm trong khu vực có vốn FDI  trong vùng hiện tại đang là thành phần có mức thu nhập bình quân một tháng đứng thứ hai trong các khu vực kinh tế, đây cũng là một trong những lý do khiến khu vực này có sức hút với người lao động như vậy.

Ngoài các đóng góp nêu trên, nguồn vốn FDI còn đóng góp vào việc gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa của vùng, tăng thu ngân sách, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến góp phần tăng năng suất lao động của vùng.

4. Một số hạn chế

Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng Phú Thọ vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như kết nối giao thông chưa thuận tiện, hạ tầng đô thị, nhất là khu cụm công nghiệp còn yếu kém, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, quỹ đất sạch để xúc tiến đầu tư hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, công nhân kỹ thuật lành nghề nên việc thu hút các dự án đầu tư lớn có khả năng đóng góp cho ngân sách, dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường còn hạn chế.

Hiệu quả tổng thể vốn FDI chưa cao: số dự án thu hút vẫn chưa xứng với tiềm năng của tỉnh và có hiện tượng mất cân đối trong đầu tư FDI (mất cân đối về lĩnh vực và đối tác).

Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo. Quy mô dự án không lớn, ít có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn lớn, các đối tác đến từ Châu Âu, Mỹ,...

Công tác hỗ trợ triển khai ở Phú Thọ thực tế vẫn chưa hiệu quả: Công tác giải phóng mặt bằng là thủ tục tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí đối với nhà đầu tư nhưng tỉnh thực hiện chưa thực sự tốt. Nếu như Hải Dương, Vĩnh Phúc có chế độ hỗ trợ nhà đầu tư bằng tiền rất ưu đãi cho công tác giải phóng mặt bằng thì Phú Thọ chưa làm được điều đó.

Thu hút công nghệ (công nghệ cao và công nghệ nguồn), chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng.

Phú Thọ cũng chưa có những đột phá trong công tác xúc tiến đầu tư, nhằm tạo nên cú huých cho hoạt động thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.

5. Gợi ý một số giải pháp cho các địa phương trong vùng nhằm tăng cường thu hút FDI

- Cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược thu hút FDI của tỉnh: Quy hoạch này phải gắn liền với quy hoạch FDI của cả nước và theo hướng hình thành các khu sản xuất tập trung, đầu tư đồng bộ, lựa chọn kỹ về lĩnh vực và nhà đầu tư nhằm tăng chất lượng và tính bền vững của dòng vốn này.

- Xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, phải quan tâm toàn diện đến hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, các trung tâm văn hoá, khu vui chơi giải trí, khu đô thị,... Đây là những điều kiện bảo đảm cho sinh hoạt thường ngày, tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi họ có ý định làm ăn lâu dài tại địa phương.

- Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thu hút FDI: Trong cơ cấu lao động còn thiếu những lao động có chuyên môn, tay nghề đã qua đào tạo. Ngoài lao động trực tiếp, cũng cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

6. Kết luận

Vốn FDI không chỉ đem lại sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân, mà còn là động lực, “cú huých” quan trọng trong quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của một quốc gia. Do đó, việc làm hết sức cần thiết đó là thu hút vốn FDI một cách hiệu quả. Có như vậy, địa phương mới phát triển bền vững và đúng hướng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ (2016 - 2018), Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Phú Thọ.
  2. Cục Thống kê Phú Thọ (2019), Niêm giám thống kê năm 2016,2017,2018. NXB Thống kê, Hà Nội.
  3. Cục Thống kê các địa phương (2019), Niên giám thống kê các tỉnh 2018.
  4. UBND tỉnh Phú Thọ (2016 - 2018), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ.
  5. Nguyễn Bạch Nguyệt (2007), Giáo trình kinh tế đầu tư, NXB Đại học kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  6. Bộ Khoa học và công nghệ (2018), Kỷ yếu hội thảo quốc gia: Phát triển khu vực FDI trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

 Attracting Foreign Direct Investment into Phu Tho Province

Master. Tran Hoang Thanh Vinh

Hung Vuong University

Le Thuy Nga

Department of Planning and Investment - Phu Tho Province

ABSTRACT:

In recent years, Vietnam has achieved certain achievements in attracting foreign direct investment (FDI). The FDI sector has increasingly affirmed its important role for the country’s socio-economic development. However, there are still disparities in the amount of FDI attracted by regions across the country. In addition, the resuls from attracting FDI are not commensurate with the potential of some localities. This paper is to clarify the current state and propose solutions for enhancing the efficiency of investment attraction of Phu Tho Province.

Keywords: Foreign direct investment, FDI, FDI into Phu Tho Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]