• Chính sách gia hạn thuế, giảm thuế trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp dẫn đến lượng tiêu thụ tăng, thu ngân sách từ các DN này tăng hơn 4000 tỷ đồng
  • Thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng nóng trong những tháng đầu năm cũng góp phần tăng thu từ lệ phí trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng bất động sản

Tính đến 31/5/2021, tổng thu NSNN trong tháng 5/2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 73.000 tỷ đồng, bằng 6,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 120,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Thu từ dầu thô ước đạt 3.500 tỷ đồng, bằng 15,1% so với dự toán, bằng 2,88 lần so với cùng kỳ năm 2020 trên cơ sở giá dầu thô bình quân dự kiến đạt 66,2 USD/thùng, bằng 147,1% so với giá dự toán, gấp 2,65 lần so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 0,835 triệu tấn, bằng 10,4% dự toán, bằng 97,9% so với sản lượng cùng kỳ.

Thu nội địa ước đạt 69.500 tỷ đồng, bằng 6,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 116,7% so với cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và LNCL và thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của NHNN ước đạt 53.600 tỷ đồng, bằng 6,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất năm 2021, trong tháng 5 dự kiến số tiền gia hạn khoảng 10.500 tỷ đồng, trong đó, thuế GTGT khoảng 6.400 tỷ đồng, tiền thuê đất khoảng 4.100 tỷ đồng.

Tính lũy kế 5 tháng đầu năm 2021Thu nội địa ước đạt 546.404 tỷ đồng, bằng 50% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và LNCL, thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của NHNN ước đạt 437.566 tỷ đồng, bằng 49,6% so với dự toán pháp lệnh, bằng 118,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Thu NSNN trong 5 tháng đầu năm chủ yếu do tăng thu khá từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2020, trong đó một số ngành tăng trưởng nóng như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... 

Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi ở mức cao (khoảng 4%), đồng thời, các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ (dịch vụ ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn…), cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro... đã góp phần tăng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại dẫn đến số thuế TNDN quý IV và nộp sau quyết toán của các ngân hàng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Thị trường bất động sản tăng trưởng nóng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, làm tăng thu đột biến thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản khoảng 6.000 tỷ đồng tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng làm tăng thu đột biến thuế TNDN khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện gia hạn thuế TNDN quý II/2020 của một số DN có năm tài chính khác năm dương lịch theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP thực hiện nộp trong những tháng đầu năm 2021 khoảng 660 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ (theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế TTĐB trong tháng 01/2021), dẫn đến số thu ngân sách từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô quý 1/2021 tăng đột biến khoảng 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ góp phần tăng thu thuế TTĐB trong 5 tháng đầu năm.

Thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng nóng trong những tháng đầu năm cũng góp phần tăng thu từ lệ phí trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng bất động sản.

Nếu loại trừ các yếu tố gia hạn thuế, những khoản tăng thu trong 5 tháng đầu năm thì số thu thuế, phí nội địa (không kể tiền SD đất, cổ tức & LNCL, xổ số và thu chênh lệch thu chi NHNN) tăng 5,8% so cùng kỳ.

Tình hình kinh tế quý I/2021 đạt tốc độ tăng trưởngtạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong những tháng đầu năm.

Thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động kéo theo số thu thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán tiếp tục đạt được những kết quả tích cựcnhờ các yếu tố chính hỗ trợ như kết quả kinh doanh quý I/2021 khả quan, nhiều thông tin tích cực được công bố trong mùa đại hội cổ đông, tỷ lệ thanh khoản thị trường tăng cao, số tài khoản mở mớil iên tục tăng trên 100 nghìn tài khoản, trong đó, đa phần là tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Thêm nữa, hiệu lực thi hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC cũng đã được kéo dài theo Thông tư số 70/2020/TT-BTC ngày 17/7/2020 (kéo dài thêm đến hết ngày 30/6/2021) về việc tiếp tục giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ TTCK trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng tác động không nhỏ tới khối lượng giao dịch TTCK. Hoạt động chuyển nhượng vốn cũng gia tăng, do phát sinh nhu cầu sáp nhập, hợp nhất sau đợt ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước.

Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021, dịch bệnh bùng phát trở lại với quy mô lớn, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước trong đó tập trung tại những địa phương là trọng điểm kinh tế, có số thu NSNN lớn như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Mặc dù số thu tháng 5 (chủ yếu từ phát sinh kinh tế tháng 4/2021) chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt bùng phát dịch bệnh từ cuối tháng 4 đầu tháng 5, theo đó thu ngân sách chưa chịu tác động lớn. Tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi, đặc biệt là trong quý III, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước sẽ tiếp tục tác động không thuận đến tình hình kinh tế xã hội và thu NS trong những tháng cuối năm. bBn cạnh đó, dự kiến những khoản thu từ phát sinh kinh tế của năm 2020 và từ các hoạt động chuyển nhượng vốn, sáp nhập sẽ không còn phát sinh lớn.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2021, ngành thuế sẽ tiếp tục thực hiện một số chính sách. Đó là thực hiện việc gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, theo đó sẽ gia hạn thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 8/2021, thuế GTGT quý I và quý II/2021, thuế TNDN tạm nộp quý I và quý II/2021; gia hạn tiền thuê đất kỳ 1 năm 2020 cho các DN và gia hạn thuế GTGT, TNCN năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực gặp khó khăn do tác động của đại dịch covid-19. Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đang thực hiện tiếp nhận Giấy đề nghị gia hạn và cập nhật giấy đề nghị gia hạn lên hệ thống thông tin quản lý thuế để thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho NNT.

Song song với các giải pháp trên, còn thực hiện một số chính sách hỗ trợ DN và người dân đã triển khai cuối năm 2020, nay tiếp tục có hiệu lực mặc dù làm giảm số thu NSNN trong những tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ nhưng đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ cho DN và người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho tăng thu NSNN. Thể hiện rõ nhất là Nghị quyết số 954/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm làm giảm số thuế TNDN tạm nộp quý IV mà theo quy định nộp trong quý I/2021. Bên cạnh đó, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành vận tải hàng không, ngày 21/12/2020 UBTV Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 về việc tiếp tục thực hiện giảm 30% thuế BVMT đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021. Tiếp tục rà soát cắt giảm đợt thứ 03 đối với 29 loại phí, lệ phí theo Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 cũng làm giảm thu NSNN trong những tháng đầu năm 2021.

 Ngoài các chính sách giảm thu nêu trên, việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 đã kích thích nhu cầu mua xe ô tô trong tháng 12/2020 tăng mạnh,  theo quy định của Luật Quản lý thuế, số thuế TTĐB phát sinh tháng 12/2020 kê khai và nộp thuế trong tháng 1/2021 làm số thuế TTĐB tháng 1/2021 tăng khá, góp phần thúc đẩy tăng thu NSNN những tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ./.

                                                                               Phương Anh