Thu nhập từ dầu thô của các nước đang phát triển có thể giảm 85% trong năm 2020

IEA và OPEC vừa ra cảnh báo chung, cho biết việc giá dầu thô sụt giảm mạnh có thế khiển thu nhập từ kinh doanh dầu thô và khí đốt của các nước đang phát triển có thể giảm đến 85% trong năm 2020.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa ra cảnh báo chung, cho biết thu nhập từ kinh doanh dầu thô và khí đốt của các nước đang phát triển trên thế giới có thể sẽ chạm mức thấp nhất trong vòng 20 trở lại đây nếu như diễn biến thị trường vẫn ở mức tiêu cực như hiện nay.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol và Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo đã cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự bùng phát của đại dịch virus Covid-19 và cảnh báo dịch bệnh có thể gây ra các hậu quả kinh tế - xã hội sâu rộng.

IEA và khối OPEC nhận định thu nhập từ kinh doanh dầu thô và khí đốt của các nước đang phát triển sẽ sụt giảm từ 50% - 85% trong năm 2020. Điều này sẽ tác động mạnh đến chi tiêu công của chính phủ các nước đang phát triển.

Trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, kéo theo đó là sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô cùng với rủi ro nguồn cung dầu thô gia tăng trong bối cảnh cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga bùng nổ.

Giá dầu thô quốc tế đã liên tục sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây, xuống còn dao động quanh mức 25 USD/thùng (ngày 19/3). Trong phiên giao dịch ngày 18/3, giá dầu thô đã “rơi tự do” xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003.

Tập đoàn khai thác dầu thô Saudi Aramco
 Hãng khai thác dầu thô Saudi Aramco cho biết sẽ nâng sản lượng khai thác lên mức tối đa 12,3 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/4/2020 (Ảnh: Reuters)

Trong ngày 16/3, tập đoàn khai thác dầu mỏ quốc doanh Ả-rập Xê-út Saudi Aramco cho biết đang lên kế hoạch tiếp tục gia tăng sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 4 và tháng 5 tới đây.

Tập đoàn Saudi Aramco dự kiến sẽ tăng sản lượng khai thác từ mức 9,7 triệu thùng/ngày như hiện nay lên mức tối đa 12,3 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/4/2020 và có thể đạt mức 13 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian “nhanh nhất có thể”.

Tập đoàn Saudi Aramco, hãng khai thác dầu thô lớn nhất thế giới xét trên quy mô doanh thu, cũng cho biết hoạt động knh doanh diễn ra ổn ngay cả khi giá dầu thô giảm còn ở mức 30 USD/thùng.

Trong khi đó, Nga cũng cho biết sẽ nâng mức sản lượng khai thác thêm từ 300.000 – 500.000 thùng/ngày trong tháng 4/2020 và khẳng định nền kinh tế nước này có thể chịu được việc giá dầu thô giảm thấp trong hơn 10 năm.

Quan hệ giữa Nga và Ả-rập Xê-út đã chuyển từ vị thế hợp tác nhằm bình ổn thị trường sang vị thế đối đầu giành thị phần sau khi Nga từ chối thoả thuận đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác do Ả-rập Xê-út đề xuất vào đầu tháng 3/2020.

Trong tuần trước, ông Fatih Birol đã cho biết sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô sẽ đẩy các quốc gia như Iraq, Algeria và Nigeria vào tình huống rất khó khăn.

Đặc biệt là Iraq – nước khai thác dầu thô lớn thứ hai trong khối OPEC mặc dù có chi phí khai thác dầu thô thấp nhưng do nền kinh tế nước này phụ thuộc lớn vào giá dầu thô nên việc giá dầu thô sụt giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Iraq.

Quang Đặng (Tổng hợp)