Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Việt Nam cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi năng lượng

Ngày 9/8/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc với Tư vấn đặc biệt và Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc - ông Selwin Hart.

Tại buổi làm việc, Ông Selwin Hart đánh giá cao việc Việt Nam đã quyết định đưa ra cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các nước thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) về việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm tiêu thụ điện than trong nước, khẳng định Liên hợp quốc hoàn toàn ủng hộ nỗ lực bỏ dần điện than của Việt Nam vào năm 2040.

Ông Selwin Hart trao đổi tại buổi làm việc

Thứ trưởng Đặng Hoàn An thông tin với Ông Selwin Hart về Quy hoạch điện VIII và đặc biệt là cam kết của Thủ trưởng Chính phủ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam với cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi năng lượng, phát triển nguồn điện năng lương tái tạo, để làm tốt việc này, Việt Nam đang chờ thời điểm thương mại hóa về công nghệ để việc thay thế nguồn điện sơ cấp được đảm bảo.

Thứ trưởng Đặng Hoàn An phát biểu tại buổi làm việc

Về phát triển nguồn điện than, Thứ trưởng An cho rằng, Việt Nam sẽ không phát triển mới các nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch điện VIII, từ nay đến 2030 chỉ triển khai tiếp các dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc đã có cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT. Sau 2030, Việt Nam định hướng đốt trộn than và armonia hoặc biomass để hướng tới chuyển đổi hoàn toàn nhiên liệu.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ chú trọng khai thác và phát triển tiềm năng điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tự nhiên có tiềm năng lớn. Đến 2030, Việt Nam sẽ phát triển 7GW điện gió ngoài khơi và đến 2045 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nguồn này. Vì vậy, Thứ trưởng An cho rằng, Chính phủ Việt nam khuyến  khích các nhà đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi.

Hiện tại, đã có một số nhà đầu tư đến trao đổi về nội dung này. Việt Nam có tham vọng chủ động sản xuất hydrogen từ các nguồn năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi để trong tương lai sau 2050 có thể đáp ứng 70% nhu cầu hydrogen trong nước.

Trao đổi với Ông Selwin Hart vấn đề nguồn vốn, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam không chỉ tìm nguồn tài chính cho phát triển, quan trọng là cần có các cơ chế phù hợp để huy động được các nguồn tài chính đó. Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho các khối tư nhân tiếp cận các nguồn tài chính mà không cần bảo lãnh của Chính phủ. Trong một số trường hợp, vai trò của bảo hiểm đầu tư sẽ phát huy tác dụng để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn cũng như giảm gánh nặng cho Chính phủ.

Nhà nước Việt Nam không thực hiện bảo lãnh chính phủ, các doanh nghiệp chủ động huy động nguồn vốn để phát triển nguồn điên, kể cả EVN. Để thực hiện được Quy hoạch điện VIII vốn là yếu tố quan trọng, Luật Điện lực sửa đổi cho phép xã hội hóa đầu tư phát triển điện năng, trong đó có cả vấn đề truyền tải. Việc chia sẻ rủi ro của các ngành tham gia phát triển điện năng sẽ tính đến phương án các nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp… đều mua bảo hiểm, đó là những điểm khác so với trước đây.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Selwin Hart bày tỏ mong muốn Việt Nam tìm hiểu và tận dụng cơ chế Just Energy Partnership JETP của nhóm các nước G7 cam kết hỗ trợ 8,5 tỷ USD cho các nước khu vực châu phi, châu Á (tuyên bố được nêu trong dịp COP26 tại Glassgow Anh quốc tháng 11/2021) và ETM (Energy Transition Mechanism) của ADB để có được sự hỗ trợ của các nước tiên tiến, các tổ chức quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng.

Thăng Long