Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Đảm bảo hàng hóa trong và sau Tết đầy đủ, thông suốt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong dịp Tết, sẽ cung cấp đủ hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt là vùng có dịch và cả những khu vực lân cận các vùng dịch.

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021 diễn ra chiều 2/2, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc hỗ trợ nông dân vùng dịch như Hải Dương, Quảng Ninh gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là khẩu vận chuyển, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần có giải pháp giúp nông dân lưu thông tiêu thụ nông sản song vẫn phải tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu phòng, chống dịch.

Theo Thứ trưởng, hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, các đơn vị hữu quan, nhất là các địa phương và các doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho dịp trong Tết và cả thời gian sau Tết.

“Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan nhằm tránh tình trạng cấm chợ ngăn sông, đồng thời tuân thủ các quy định chống dịch”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh và khẳng định, trong dịp Tết, sẽ cung cấp đủ hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt là vùng có dịch và cả những khu vực lân cận các vùng dịch.

thứ trưởng bộ công thương
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong dịp Tết, sẽ cung cấp đủ hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt là vùng có dịch và cả những khu vực lân cận các vùng dịch

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, về nguồn cung hàng hóa, công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai sớm. Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào.

Riêng đối với mặt hàng thịt heo, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả heo châu Phi, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán.

Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định.

Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm. Nhu cầu tiêu dùng thị trường cũng đã có xu hướng tăng từ 10-15% so với các tháng thường trong năm.

Tại các địa phương mới phát hiện các ca nhiễm Covid-19 như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... đều đảm bảo nguồn hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay, chúng ta tập trung đến việc chống dịch trước tiên để bảo đảm dịch tại vùng này không lây lan ra sang các vùng khác, như Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đã chỉ đạo quyết liệt.

Cùng thông tin về việc giải quyết khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: đối với vận tải hàng hóa, không có ngăn sông cấm chợ.

“Đấy là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và cũng được thể hiện trong văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh và cho rằng, về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho địa phương có thẩm quyền quyết định trong vận tải  nội tỉnh kể cả hành khách, hàng hóa.

Đối với vận tải ngoại tỉnh, có thể thông báo cho các tỉnh liên quan về vận tải hành khách, tăng cường biện pháp phòng, chống, còn vận tải hàng hóa lưu thông bình thường, tuy nhiên phải kiểm soát dịch.

họp báo chính phủ thường kỳ
Cũng theo Thứ trưởng, bên cạnh các giải pháp giúp nông dân lưu thông tiêu thụ nông sản song vẫn phải tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19

Liên quan đến giải pháp giúp người nông dân vùng có dịch giải quyết khâu lưu thông tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng lưu ý, tinh thần chúng ta dứt khoát không ngăn sông cấm chợ. Chí Linh-Hải Dương khác với Hải Dương, mặc dù TP. Chí Linh phong tỏa nhưng hàng hóa của Chí Linh vẫn được ra vào và phải có biện pháp phòng dịch.

Lái xe ra vào phải có cách ly, kiểm soát. Hàng hóa, nông sản, thực phẩm của bà con nhân dân Hải Dương được vận chuyển qua địa phận Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc tiêu thụ trong địa bàn tỉnh nhưng phải phòng, chống dịch chứ không cấm xe qua.

“Chúng ta không chủ quan khinh suất nhưng không làm quá phức tạp tình hình vì chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống tốt hiệu quả nhưng vẫn phải thúc đẩy phát triển, khôi phục sản xuất, phát triển xã hội”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Hạ An