Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Lập quỹ bình ổn giá thép không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ hôm nay (3/6), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn của Bộ Công Thương đã khẳng định vấn đề này, làm rõ một số thắc mắc có liên quan của báo chí.

Nhiều đề xuất giải pháp cho ngành thép, nhưng không có "quỹ bình ổn giá"

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay từ đầu năm 2021 giá thép nguyên liệu và thành phẩm đã tăng cao, trước tình hình đó ngày 5/2/2021 Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng về tình hình cung cầu, biến động giá thép của năm 2020 cũng như dự báo năm 2021, trong đó phân tích các nguyên nhân, đề xuất giải pháp ổn định cung cầu, giá thép trong thời gian tới.

Gần đây, giá thép tiếp tục tăng cao với biên độ lớn, ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp trong ngành xây dựng hay doanh nghiệp sử dụng thép làm đầu vào cho sản xuất. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương

Ngày 8/5/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo về công tác điều hành giá năm 2021, trong đó giao Bộ Công Thương "nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản pẩhm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm".

Ngày 15/5/2021, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép; trong đó yêu cầu đề xuất, kiến nghị các biện pháp kiểm soát, giảm tác động của việc tăng giá thép làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép để nắm bắt tình hình, lắng nghe những đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp. 

Ngày 20/5/2021, Bộ Công Thương đã có báo cáo chính thức gửi lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan có liên quan về tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép. Trong báo cáo, Bộ Công Thương đã đưa ra đánh giá tình hình cung cầu thép và giá thép trên thế giới, khu vực và tại Việt Nam; đề xuất những kiến nghị để tác động tích cực đến giá thép, góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

“Trong báo cáo chính thức này, không hề có đề xuất kiến nghị thành lập quỹ bình ổn thép. Ý kiến thành lập quỹ bình ổn giá thép không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Hiệp hội Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn ngày 11/5/2021, đề nghị rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, tăng nguồn cung, đồng thời hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thép trong nước đang có nhu cầu.

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 6/2021
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 6/2021

Về phía mình, Bộ Công Thương đang báo cáo Chính phủ và triển khai nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng; chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Bộ Công Thương cũng tiếp tục theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Thận trọng và kỹ lưỡng trong sửa đổi biểu giá điện

Liên quan đến việc sửa đổi biểu giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Chính trị đã có văn bản chỉ đạo điều hành về giá điện tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ đạo hoàn thiện chính sách “điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất”.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi các quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm phù hợp với thực tế tiêu dùng điện của người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong các năm 2018-2020, Bộ Công Thương đã phối hợp các đơn vị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 nêu trên. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương

Tuy nhiên, việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ giá bán lẻ điện cho kinh doanh sang sản xuất sẽ làm tăng giá bán cho ngành sản xuất; việc cải tiến điều chỉnh số bậc thang của khách hàng sinh hoạt sẽ làm tăng giá của một nhóm các khách hàng sinh hoạt để đảm bảo cân đối giá bán lẻ điện bình quân chung. Sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, cuộc sống của nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 đang còn diễn biến khó lường.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021 khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, để không ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô.

Để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu, cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN hoàn thiện đề án, đồng thời đề xuất phương án phân bổ chi phí cho các nhóm khách hàng theo từng cấp điện áp; đánh giá tác động của các phương án đến các nhóm khách hàng sử dụng điện so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

“Do giá điện là vấn đề hết sức được quan tâm, nhạy cảm, ảnh hưởng đến người dân và các ngành kinh tế, Bộ Công Thương đang làm hết sức kỹ lưỡng và cẩn trọng, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Người phát ngôn Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Thy Thảo