Thừa Thiên Huế: Tăng cường thực hiện các hoạt động khuyến công

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động khuyến công, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025, kịp thời hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 hai năm vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ.

Cụ thể, tại công văn số 8412/UBND-XD, ngày 8/8/2022 yêu cầu Sở Công Thương Thừa Thiên Huế nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức làm công tác khuyến công, năng lực cán bộ làm công tác khuyến công; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vị trí, vai trò của công tác khuyến công trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện các hoạt động khuyến công; tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn.

Sở đã Chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tập trung xây dựng các đề án (đặc biệt các đề án điểm, đề án nhóm) theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương; đồng bộ với các chương trình, chính sách khác. Tăng cường công tác hỗ trợ tư vấn các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nội dung hoạt động, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng các quy định pháp luật hiện hành. Đẩy mạnh triển khai thực hiện lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thuộc ngành Công Thương quản lý: chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại,.... để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp và công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào CCN trên địa bàn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương thực hiện hoàn thành các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) theo quy định về đầu tư;

Đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh các thủ tục đầu tư và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình triển khai dự án đầu tư vào các CCN để các dự án triển khai đảm bảo tiến độ sớm đưa vào hoạt động góp phần tăng năng lực sản xuất CNNT.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế

Chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tham mưu UBND tỉnh bố trí lồng ghép các nguồn vốn từ Trung ương, nguồn vốn từ Chương trình, Dự án có liên quan để thực hiện hiệu quả Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế; chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy phát triển CNNT.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, sở hữu trí tuệ… đối với sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong phát triển tài sản trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng các đề án, kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung chương trình OCOP, chương trình phát triển vùng nguyên liệu, phát triển làng nghề, phát triển nông thôn mới gắn với phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thông qua các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình công tác của ngành,… tổ chức và lồng ghép thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển công nghiệp nông thôn, nhiệm vụ theo Quyết định số 597/QĐ-UBND, Quyết định số 2801/QĐ-UBND.  

Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch giai đoạn và hàng năm của địa phương để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Quyết định số 597/QĐ-UBND, Quyết định số 2801/QĐ-UBND. Tổ chức và thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ phát triển công nghiệp nông thôn với các chương trình, dự án khác có trên địa bàn, đặc biệt là gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và liên tục về chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Bố trí cán bộ làm công tác khuyến công; có chính sách bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện; xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến công làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phối hợp với Sở Công Thương phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình khuyến công trên địa bàn. Triển khai thực hiện hoàn thiện các hồ sơ thủ tục về công tác thành lập, lập quy hoạch chi tiết của các Cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt theo Phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 và các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN để đảm bảo triển khai các dự án theo đúng quy định.

Tích cực hỗ trợ các dự án đầu tư đang triển khai trên địa bàn đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư liên quan để các dự án triển khai đảm bảo tiến độ sớm đưa vào hoạt động góp phần tăng năng lực sản xuất CNNT.

Thăng Long