Thúc đẩy gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm cơ khí

Với sự xuất hiện của nhiều tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, ngành cơ khí trong nước cũng đang nỗ lực bắt kịp dòng chảy này để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tạp chí Công Thương đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Chỉ Sáng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI)
Ông Nguyễn Chỉ Sáng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI)

TCCT: Thưa ông, khoa học công nghệ trong ngành cơ khí nói chung đã có sự thay đổi thế nào những năm vừa qua?

Ông Nguyễn Chỉ Sáng: Trước đây, ngành cơ khí thường có định hướng đầu tư máy móc phục vụ mục đích chung. Chẳng hạn khi chế tạo một sản phẩm như xoong nồi, thì phải có máy dập; hay sản xuất trục thì phải có máy phay, máy tiện.

Nhưng bây giờ công nghệ đã phát triển vượt bậc. Chỉ đầu tư máy móc “vạn năng” như vậy, không có công nghệ chuyên dụng, thì năng suất, chất lượng của chúng ta rất thấp và chúng ta không bao giờ cạnh tranh được.

Ngày xưa, công nghệ gia công bánh răng phải dùng máy phay răng, phay xong nhiệt luyện rồi đến mài răng, quy trình rất dài và phức tạp. Nhưng giờ người ta có thể dùng những công nghệ như dùng dao cắt tốc độ lớn, và gia công ngay cả khi sau khi nhiệt luyện.

Hay tiến bộ của công nghệ in 3D hiện có thể ứng dụng cả trong chế tạo những chi tiết của máy bay. Tất nhiên, công nghệ vật liệu bột và in 3D chưa thể chế tạo ra những chi tiết có độ bền siêu đẳng như công nghệ thông thường (đúc, rèn, dập). Thế nhưng với những bộ phận có hình dạng phức tạp và không đòi hỏi  độ bền cao, trước đây phải dùng rất nhiều chi tiết nhỏ ghép lại, thì giờ hoàn toàn có thể chế tạo bằng công nghệ in 3D với giá thành rẻ và thời gian gia công rất nhanh.

Tôi muốn nói rằng nếu không có khoa học công nghệ trong thiết kế sản phẩm cơ khí thì chúng ta chỉ là người đi làm thuê thông thường và lúc đó giá trị gia tăng trong đơn hàng của chúng ta là rất nhỏ.

Thêm nữa, không ứng dụng khoa học công nghệ dẫn đến không có định hướng tốt trong đầu tư máy móc, thiết bị, kết quả là năng suất, chất lượng của chúng ta sẽ không cao và hàng hóa của chúng ta sẽ không có sức cạnh tranh.

TCCT: Vậy tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã có những đổi mới nào để nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản xuất cơ khí và hiệu quả thu lại là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Chỉ Sáng: Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã thành công tham gia chuỗi cung ứng khi đầu tư công nghệ đúng hướng.

Đơn cử như Diesel Sông Công, cách đây năm bảy năm họ đầu tư máy dập trục khuỷu, không chỉ là một máy đơn lẻ mà là cả hệ thống từ dập, đến nhiệt luyện, khử ứng xuất,… Sản phẩm của họ nằm trong chuỗi cung ứng cho Honda và đã được xuất khẩu đi nhiều nước. Và chỉ một vài năm sau là họ khấu hao sản phẩm.

Một ví dụ khác là sản xuất bộ đồ gá hàn cho thân vỏ xe ô tô. Bộ đồ gá này là tích hợp của gia công cơ khí chính xác, khí nén, điều khiển tự động và yêu cầu độ chính xác gia công rất cao với dung sai 0.02 mm trên cả đồ gá để hàn khung dài tới 4-5m.

Hiện, trên thế giới chỉ có một vài nước có khả năng làm với mức giá cạnh tranh và chất lượng rất cao là Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc. Mỹ và châu Âu cũng làm, nhưng không mạnh về sản phẩm này do không thể cạnh tranh về giá.

Vừa rồi, VinFast khi thiết kế chiếc ô tô đầu tiên thì họ chỉ có bộ đồ gá để hàn chiếc xe đầu tiên thôi. Nhưng ô tô mỗi 1-2 năm lại có sự thay đổi mẫu mã hoặc chi tiết, ra form xe mới, và bộ đồ gá sẽ thay đổi theo các form đó.

Khi đó, một doanh nghiệp Việt Nam từng liên doanh với Nhật Bản là Công ty Đức Chung đã hoạch định rõ hướng đi và nhận sự giúp đỡ từ một dự án hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ để có thể làm chủ công nghệ chế tạo toàn bộ đồ gá.

Những kiến thức, kỹ năng mà nhân viên công ty học được từ các kỹ sư Nhật trong thời gian liên doanh 5-7 năm đã được tổng hợp lại, đưa vào nghiên cứu sâu hơn và áp dụng thực tiễn.

Chỉ trong vòng khoảng ba năm, họ đã trở thành nhà cung cấp tất cả bộ đồ gá cho xe bus của VinFast. Giá trị của đơn hàng chưa phải lớn, nhưng nếu đặt nước ngoài thì một là rất lâu, hai là sẽ rất đắt. Và tôi được biết là có thể họ sẽ tiếp tục nhận được đơn hàng đối với mẫu xe khác của VinFast nữa.

Hay như HTMP, một công ty tư nhân quy mô lớn chuyên về khuôn mẫu và linh kiện nhựa. Sản phẩm của họ 80% là xuất khẩu. Đây cũng là doanh nghiệp có đội ngũ từng làm tại một liên doanh của Nhật Bản với Công ty Dụng cụ Cơ khí số 1. Nếu không có công nghệ từng tích lũy được của một số cán bộ chủ chốt từ chuyên gia Nhật Bản trong thời gian làm việc tại Công ty liên doanh, thì họ chắc chắc không thể phát triển được như hiện nay.

Đối với cơ khí lớn, thời gian trước, một số thiết bị trong nhà máy nhiệt điện như hệ thống cung cấp than, lọc bụi tĩnh điện, thải tro xỉ,… chúng ta chưa làm chủ được công nghệ thiết kế để chế tạo ra bộ sản phẩm hoàn chỉnh. Cũng có đây đó một số công ty chế tạo được một số kết cấu thôi, nhưng giá trị rất nhỏ.

Nhưng sau quá trình miệt mài nghiên cứu và đầu tư về công nghệ thiết kế thì hiện Viện Nghiên cứu cơ khí đã tự chế tạo được một số thiết bị cốt lõi khó nhất. Nhờ vậy, bây giờ chúng ta có thể nội địa hóa được khoảng 70-90% những thiết bị này.

TCCT: Theo ông, giải pháp nào cần được triển khai để thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động tăng cường hơn nữa hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm cơ khí, tham gia chuỗi cung ứng?

Ông Nguyễn Chỉ Sáng: Tôi cho rằng để tham gia chuỗi cung ứng, trước hết cần phải có hạ nguồn, tức phải có đơn hàng.

Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp vừa rồi đã có những động thái quyết liệt, những chương trình về hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ và chế biến chế tạo rất mạnh, như xây dựng triển khai chương trình hợp tác với Samsung và Hàn Quốc, thành lập một website liên kết người mua với người bán, hay hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, tối ưu hóa sản xuất, thúc đẩy sự gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thế nhưng bản thân nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động đổi mới, cải tiến nâng cao năng lực của mình. Người mua có đơn hàng, nhưng yêu cầu nhà cung cấp phải đáp ứng tiêu chuẩn nhất định. Trong khi đó, doanh nghiệp cơ khí lại chỉ bắt đầu nghĩ đến đầu tư khoa học công nghệ khi có đơn đặt hàng. Đây chính là câu chuyện “con gà – quả trứng”.

Do đó, bên cạnh hỗ trợ và vận động doanh nghiệp tự thay đổi, thì cần hoàn thiện hơn nữa chính sách, cơ chế phát triển và bảo vệ thị trường hạ nguồn cho ngành cơ khí trên cơ sở xây dựng các chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia. Từ đó tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị chuyên dụng, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.

Thy Thảo