Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử

Dưới "sức ép" của Covid-19, thương mại điện tử đã tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành kênh mua sắm quen thuộc và là một xu thế tất yếu hiện nay. Tuy rằng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tận dụng được những lợi thế từ thương mại điện tử thế nhưng đây vẫn là một kênh phân phối khá mới mẻ đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để làm rõ hơn về những cơ hội và thách thức khi đem sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tiêu thụ tại các kênh thương mại điện tử, ngày 23/11, Tạp chí Công Thương tổ chức Toạ đàm với chủ đề "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử".

thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử
Toạ đàm "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử"

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Đặc biệt dưới "sức ép" của Covid-19 đã đưa TMĐT trưởng mạnh mẽ, trở thành kênh mua sắm quen thuộc, đơn vị và trở thành một xu thế tất yếu hiện nay.

Đến nay, việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử đã đem lại một số kết quả nhưng so với tổng nhu cầu tiêu thụ nông sản thì kênh tiêu thụ này mới chỉ bắt đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bên cạnh đó, đối với các hộ sản xuất, kinh doanh hay thậm chí là doanh nghiệp thuộc khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì thương mại điện tử vẫn là một kênh phân phối khá mới mẻ.

Xây dựng thương hiệu đặc sản cho mỗi vùng miền 

Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Nguyễn Bình Minh, Uỷ viên BCH Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, có 2 cách để nông sản cạnh tranh trên các kênh TMĐT là: Giá phải thật rẻ hoặc phải có sự khác biệt. Và sự khác biệt này chính là các sản phẩm đặc sản OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm), đặc sản vùng miền, phải xây dựng được thương hiệu riêng cũng như có đầy đủ các yêu cầu của thị trường từ quy cách đóng gói sản phẩm, tem nhãn sản phẩm và truy suất nguồn gốc.

thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử
Ông Nguyễn Bình Minh, Uỷ viên BCH Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)

Bên cạnh đó, theo ông Minh, việc hầu hết các sàn của Việt Nam đều nằm trong Top 10 sàn lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt, trong 10 sàn lớn nhất Đông Nam Á thì có 7 sàn đang có mặt tại Việt Nam. Điều đó là một cơ hội rất thuận lợi cho bà con nông dân cũng như những sản phẩm của các vùng miền đặc trưng.

Ngoài ra, một lợi thế đáng kể nữa, đó là việc gần đây các cơ quan Nhà nước, cũng như các hiệp hội ngành nghề, cũng như các địa phương đã hỗ trợ bà con rất nhiều trong việc tham gia các sàn quốc tế, ví dụ như Alibaba hay Amazon, hoặc là các sàn của Việt Nam mà có tham vọng mở rộng ra quốc tế, ví dụ như Voso của Viettel, Vietnam Post.

thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử
Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang 

Thực tế, trong thời gian qua, Bắc Giang đã đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản của Bắc Giang thông qua chuyển đổi số. "Chúng tôi đã tổ chức thường xuyên, liên tục, trong tuần có thể làm việc với các bạn hàng của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc với tần suất dày đặc, chúng tôi cố gắng tận dụng, không bỏ sót một cơ hội nào để miễn làm sao sản phẩm Bắc Giang đến được tay của người tiêu dùng trong và ngoài nước" - ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay.

Thời gian tới, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sẽ có các chương trình tham gia các hoạt động đào tạo tại Bắc Giang và cũng có định hướng là trong tương lai bà con cần phải đạt được các tiêu chuẩn của Mỹ, ví dụ như FDA, hay là các tiêu chuẩn của châu Âu để nông sản trong nước có thể dễ dàng xâm nhập vào các thị trường quốc tế.

Khó khăn khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân

Nhận định về những khó khăn trong thời gian vừa qua, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân cho rằng, dù đã được sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước, thế nhưng là một HTX nông nghiệp ở vùng cao, việc tiếp cận với công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, khi tiếp cận với TMĐT kỹ thuật viên và người trực kênh bán hàng vẫn gặp nhiều rào cản.

Bên cạnh đó, quy trình đóng gói và vận chuyển những đơn hàng nhỏ, lẻ theo yêu cầu trên các kênh thương mại điện tử cũng là một khó khăn mà doanh nghiệp hay HTX cần được hỗ trợ trong thời gian tới.

thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường DACE

Đồng tình với những chia sẻ của HTX Hồng Xuân, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường DACE cho rằng "nên chuyên nghiệp hóa việc hình thành chuỗi liên kết từ người nông dân đến người thu gom, đến nhà chế biến rồi phân phối ra thị trường".

Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của rất nhiều bên để hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử, trong đó có việc các đơn vị, các sàn TMĐT đã về hỗ trợ bà con, huấn luyện cách mở gian hàng, cách livestream sản phẩm, cách viết nội dung về sản phẩm.

Về lâu dài thì hoạt động đào tạo và phát triển TMĐT của chúng ta thì cần phải có lộ trình, điều này cũng mong mỏi Sở Công Thương hay các đơn vị quản lý tại địa phương sẽ có một lộ trình phù hợp để trợ giúp bà con trong một thời gian dài liên tục học tập để nâng cao trình độ.

Theo ông Phạm Công Toản: Cơ hội thì rất lớn, tuy nhiên khó khăn thì còn rất nhiều, vấn đề là cần phải vừa làm, vừa điều chỉnh. Cụ thể như chính sách, việc tham mưu chính sách cũng chưa kịp được với sự phát triển công nghệ thông tin về chuyển đổi số.

Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, để có thể phát triển hơn nữa việc tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh thương mại điện tử và tận dụng những lợi thế của thương mại điện tử thì cần các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các kênh TMĐT phải có những chính sách hành động mạnh mẽ hơn nữa, để thực sự mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nói chung cũng như các sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, không chỉ trên các sàn TMĐT trong nước mà còn xuyên biên giới.

Bên cạnh đó các địa phương cũng như các doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức công nghệ và nguồn nhân lực cùng chung tay xây dựng những vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung làm cơ sở cho phát triển sản phẩm hàng hóa tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cũng như là quy định của các sàn TMĐT.

Huyền My