Trong bối cảnh phòng, chống dịch, mục tiêu kép cũng bước đầu được thực hiện tốt, thúc đẩy sản xuất công nghiệp không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh phòng, chống dịch, mục tiêu kép cũng bước đầu được thực hiện tốt, thúc đẩy sản xuất công nghiệp không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội.

 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong bối cảnh phòng, chống dịch, mục tiêu kép cũng bước đầu được thực hiện tốt, tích cực thúc đẩy đầu tư công, xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội.

Quả thực, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giao thương quốc tế.

Nhưng với Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng mạnh do các thị trường xuất khẩu chính của nước ta, gồm Hoa Kỳ, các nước thuộc khối EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều tăng cường các biện pháp phòng dịch, nhưng kết quả xuất khẩu 8 tháng đầu năm cho thấy sự nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2020 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (kể cả dầu thô) đạt 17 tỷ USD, tăng 8%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%.

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ nghiệp có mức giảm thấp nhất
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ nghiệp có mức giảm nhẹ...

 

So sánh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước và FDI, thấy rõ có 2 sự tiến bộ. Một là khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3% (trong khi khối doanh nghiệp FDI giảm 4,5%).

Hai là, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước không ngừng tăng lên. Tính đến cuối năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm 31,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm 68,8% (tỷ trọng giảm 2,5 điểm phần trăm so với năm 2018).

Trong 8 tháng đầu năm, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng lên, tới 34,9%; khối doanh nghiệp FDI giảm về mức 65,1%.

Điều đáng quan tâm là có sự dịch chuyển mạnh mẽ về cơ cấu hàng xuất khẩu. Hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm tỷ trọng lớn và là nhóm duy nhất tăng trưởng dương; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ nghiệp có mức giảm thấp nhất, tiếp theo là nhóm nông sản và thủy sản có mức giảm cao hơn.

Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 92,25 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

... nhưng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đã kịp thời bù đắp
... nhưng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đã kịp thời bù đắp

 

Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 63,21 tỷ USD, giảm 1% và chiếm 36,3% (giảm 1 điểm phần trăm).

Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 13,45 tỷ USD, giảm 2,6% và chiếm 7,7% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 5,20 tỷ USD, giảm 5,3% và chiếm 3% (giảm 0,2 điểm phần trăm).

Như vậy có thể thấy, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đã gánh đỡ cho sự sụt giảm của 3 nhóm hàng xuất khẩu còn lại, góp phần quyết định vào sự tăng trưởng chung, dù nhỏ bé với 1,6%, nhưng vô cùng quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh.