Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong kiểm sát điều tra, truy tố các tội phạm về hối lộ

VÕ THÀNH ĐỦ (Nghiên cứu sinh Học viện Khoa học xã hội, Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An)

TÓM TẮT:

Trước vấn nạn tham nhũng, hối lộ tràn lan làm thất thoát tài sản của quốc gia, gây mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong hoạt động kiểm sát điều tra, truy tố loại tội phạm về hối lộ hơn bao giờ hết cần phải được tiến hành triệt để,  nghiêm minh nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm nguy hiểm này. Bài viết nêu lên những thành quả và giới hạn đồng thời đề ra một số giải pháp căn bản để nâng cao hiệu quả việc thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố tội phạm về hối lộ.

Từ khóa: Tham nhũng, hối lộ, quyền công tố, kiểm sát, hoạt động tư pháp.

1. Đặt vấn đề

Tham nhũng, đặc biệt là tham ô, hối lộ là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước và pháp luật. Ngày nay, tham nhũng, hối lộ xảy ra khắp nơi trên thế giới và ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở nước ta trong những năm qua tội phạm về tham nhũng nói chung, về hối lộ nói riêng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử có chiều hướng gia tăng nhưng các vụ án mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phát hiện và xử lý chưa phản ánh được thực trạng tình hình tội phạm tham nhũng, hối lộ diễn ra trên thực tế. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê, tội phạm Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong 10 năm từ năm 2007 đến 2016 Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã kiểm sát điều tra 698 vụ/ 1.362 bị can, truy tố 530 vụ/1.353 bị can, xét xử 483 vụ/1139 bị cáo phạm tội về hối lộ. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đấu tranh và áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa nhằm từng bước ngăn chặn và hạn chế loại tội phạm này.

Theo qui định của Bộ luật Hình sự, tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân thì Viện Kiểm sát nhân dân có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, hối lộ. Thực tiễn hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp các tội phạm về tham nhũng, hối lộ trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, thiếu sót cần được khắc phục. Trong phạm vi bài viết, tác giả nêu lên một số kết quả và tồn tại trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án hình sự tội phạm về hối lộ trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2016.

2. Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong kiểm sát điều tra, truy tố các tội phạm về hối lộ trong thời gian qua

2.1. Những kết quả đạt được

+ Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Viện Kiểm sát các cấp đã thực hiện tốt việc kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Viện Kiểm sát cấp tỉnh và cấp huyện đã phân công kiểm sát viên chuyên trách kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tin, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận đầy đủ và thẩm tra xác minh kịp thời đúng theo qui định, trên cơ sở đó khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Viện Kiểm sát và Cơ quan cảnh sát điều tra đã xây dựng qui chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả. Ngoài ra, Viện Kiểm sát các cấp còn tranh thủ được sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng địa phương trong việc giải quyết các tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong những trường hợp người phạm tội là đảng viên hoặc những hành vi tội phạm về hối lộ phát sinh cùng các tội phạm khác về kinh tế tham nhũng có tính chất nghiêm trọng, phức tạp. Số tin báo được khởi tố chiếm tỷ lệ cao so với tin báo, tố giác về tội phạm đã thụ lý, hạn chế được tin báo quá hạn.

+ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong khởi tố vụ án, khởi tố bị can

Đối với các vụ án về hối lộ, kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra phải kiểm sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn tiếp nhận, xử lý tin báo về tội phạm và các hành vi phạm tội khác có liên quan kết hợp với việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá tính hợp pháp và tính có căn cứ của các tài liệu thông qua hoạt động thẩm tra, xác minh của Cơ quan điều tra để xác định việc quyết định khởi tố có căn cứ hay không. Trong thời gian qua quyết định khởi tố các vụ án về hối lộ đều có căn cứ và đúng pháp luật. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có trường hợp phải thông qua khởi tố về một tội phạm khác để tiếp tục điều tra, xác minh mới làm rõ được tội phạm về hối lộ như vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh ban đầu bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 BLHS, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Cơ quan điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra, sau đó khởi tố bổ sung tội Nhận hối lộ theo Điều 289 Bộ luật Hình sự.

Việc xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can: Đối với các vụ án về hối lộ muốn thực hiện được tội phạm phải có sự thống nhất về thời gian, địa điểm, giá trị của hối lộ nên khi xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Viện Kiểm sát phải xét phê chuẩn quyết định về nhiều tội khác nhau. Viện Kiểm sát các cấp đã phân công kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án, các tài liệu, chứng cứ có liên quan, biên bản khám xét, thu giữ vật chứng, biên bản hỏi cung … từ đó báo cáo lãnh đạo Viện ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Đối với trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ phát hiện thấy có căn cứ xác định còn có đối tượng phạm tội khác về hối lộ nhưng chưa được khởi tố thì Viện Kiểm sát yêu cầu khởi tố bổ sung. Điển hình như vụ án Trần Minh Lợi cùng Huỳnh Cao Trí, Nguyễn Xuân An, Nguyễn Thị Lan phạm tội đưa hối lộ xảy ra ngày 15/01/2016 tại xã Thuận An, huyện ĐăkMin, tỉnh ĐăkNông, đây là một vụ án điển hình đã được báo chí và dư luận quan tâm vì trước đó trên trang mạng xã hội facebook, Lợi cho mình là người tích cực đấu tranh chống tham nhũng.

+ Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám xét, thu giữ, kê biên tài sản

Các vụ án về hối lộ việc thu giữ, kê biên tài sản để phát hiện thu giữ tiền bạc, tài sản, tài liệu dùng để thực hiện hành vi phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án và bảo đảm thu hồi ngân sách cho Nhà nước do hành vi chiếm đoạt gây ra. Trong quá trình điều tra các vụ án về hối lộ, Cơ quan điều tra đều áp dụng các biện pháp khám xét, thu giữ, kê biên tài sản và hầu hết là áp dụng biện pháp bình thường phải có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát trước khi thi hành. Khi nhận được lệnh khám xét của Cơ quan điều tra, mặc dù phải nghiên cứu nhiều tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn nhưng kiểm sát viên luôn thận trọng nghiên cứu kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của lệnh khám xét đề nghị lãnh đạo phê chuẩn kịp thời. Sau khi kết thúc khám xét, Cơ quan điều tra thông báo kết quả cho Viện Kiểm sát. Trong những năm qua, việc khám xét các vụ án về hối lộ và các tội phạm có liên quan với nhiều đối tượng, nhiều địa điểm khác nhau, số lượng tài liệu phải kê biên lớn nhưng đều đảm bảo đúng trình tự, thủ tục thu được các tài liệu, chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra, bảo đảm thu hồi tài sản không để xảy ra khiếu kiện. Điển hình vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại tỉnh ĐăkNông vào năm 2011; Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã khởi tố Vũ Việt Hùng - nguyên Giám đốc ngân hàng VDB chi nhánh ĐăkLăk - ĐăkNông, Đăng Thị Ngân cùng đồng bọn đã đề nghị Viện Kiểm sát phê chuẩn lệnh khám xét, trong quá trình khám xét đã thu giữ 524 tỷ đồng do các đối tượng chiếm đoạt đồng thời phong tỏa hơn 12,5 tỷ đồng của Công ty TNHH TM và DV Nhật Bản. Qua vụ án trên cho thấy, việc khám xét, kê biên tài sản được Viện Kiểm sát phê chuẩn kịp thời có ý nghĩa hết sức quan trọng.

+ Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn

Trong quá trình điều tra các tội phạm về hối lộ, việc áp dụng kịp thời, chính xác các biện pháp ngăn chặn không chỉ kịp thời ngăn chặn tội phạm, không để cho các đối tượng có thời gian tiêu hủy chứng cứ gây khó khăn cho công tác điều tra mà còn có ý nghĩa quan trọng là kịp thời bắt giữ không để đối tượng bỏ trốn phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, tạo lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước về đấu tranh chống tham nhũng. Viện Kiểm sát các cấp đã phê chuẩn kịp thời đảm bảo việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn của Cơ quan điều tra đúng pháp luật, không để xảy ra khiếu nại về việc bắt, tạm giữ, tạm giam.

Đối với các trường hợp bắt khẩn cấp, kiểm sát viên đều gặp và hỏi người bị bắt trước khi đề nghị lãnh đạo phê chuẩn. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xét thấy có đối tượng thực hiện hành vi phạm tội yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố và ra lệnh truy nã kịp thời để bắt bị can bỏ trốn phục vụ cho công tác điều tra. Điển hình vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 56 đóng tại tỉnh ĐăkNông; Viện Kiểm sát đã kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh truy nã bắt giữ 02 bị can có liên quan đến hành vi đưa hối lộ là Nguyễn Xuân Tùng quản lý cây xăng số 68 tại huyện ĐăkMin và Nguyễn Trọng Toàn là chủ doanh nghiệp vận tải tại TP. Hồ Chí Minh để thu thập tài liệu phục vụ điều tra vụ án.

2.2. Những tồn tại hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án về hối lộ và các tội phạm khác có liên quan còn một số tồn tại, hạn chế sau:

+ Quan hệ phối hợp giữa Viện Kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra trong việc thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác có địa phương phần lớn còn mang tính hình thức. Các tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đều do Cơ quan điều tra tiến hành, Viện Kiểm sát chỉ kiểm sát việc giải quyết, chưa trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Hầu hết các vụ án về hối lộ có nhiều tình tiết phức tạp phải tiến hành xác minh tại nhiều địa phương dẫn đến hết thời hạn chưa ban hành quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm.

+ Do tính chất phức tạp của vụ án, có nhiều người phạm tội, phạm nhiều tội khác nhau nên thời gian điều tra thường kéo dài, các đối tượng phạm tội có thời gian hợp pháp hóa tài liệu, chứng cứ gây khó khăn cho công tác điều tra. Kiểm sát viên được phân công chưa đề ra yêu cầu điều tra kịp thời, không bám sát tiến độ điều tra nên đến khi truy tố bị Tòa yêu cầu điều tra bổ sung hoặc Hội đồng xét xử hủy án để điều tra, xét xử lại như vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, vụ Phạm Văn Thắng cùng đồng bọn phạm tội hủy hoại rừng tại huyện Buôn Đôn, tỉnh ĐăkLăk. Xét xử sơ thẩm lần 1, Hội đồng xét xử trả điều tra bổ sung yêu cầu làm rõ hành vi nhận hối lộ của Trương Văn Thêm, Đội trưởng Cảnh sát kinh tế Công an huyện nhưng không được bổ sung đầy đủ; xử sơ thẩm lần 2, Hội đồng xét xử tiếp tục đề nghị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét hành vi nhận hối lộ của Trương Văn Thêm.

+ Đối với các vụ án về hối lộ và các tội phạm khác có liên quan có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều địa phương khác nhau do Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố điều tra, các Vụ thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát điều tra đều phải ủy quyền cho cấp dưới truy tố, xét xử nên Viện Kiểm sát và Tòa án cấp tỉnh không nắm chắc được vụ án, các tình tiết có liên quan nên bị động dẫn đến khi truy tố Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung kéo dài thời hạn điều tra ảnh hưởng đến chất lượng điều tra vụ án.

+ Trong kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, đôi khi chưa chặt chẽ chưa kịp thời trong việc yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án như vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Trạm cân xe lưu động số 56 tỉnh ĐăkNông, khi phát hiện hành vi phạm tội của ông Nguyễn Minh Mẫn - Đội trưởng Đội thanh tra giao thông, kiêm Trạm phó Trạm cân 56, Viện Kiểm sát không yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh bắt khẩn cấp mà Cơ quan điều tra chỉ ban hành giấy triệu tập. Tại Cơ quan điều tra, ông Mẫn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, quá trình làm việc do thiếu sự giám sát chặt chẽ đến 17 giờ, ngày 09/10/2014, ông Mẫn nhảy từ lầu 2 trụ sở Cơ quan điều tra xuống đất chết khi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ĐăkNông.

+ Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các tội phạm về hối lộ chưa chú ý tổng hợp nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm về hối lộ để kịp thời kiến nghị với cơ quan, tổ chức yêu cầu khắc phục; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp chủ động đề xuất kịp thời với cấp ủy Đảng chính quyền địa phương trong việc đề ra chương trình kế hoạch và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả trước tình trạng tội phạm đang gia tăng về số lượng lẫn qui mô, mức độ.

3. Một số giải pháp cơ bản

3.1. Tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp

Để thực hiện tốt công tác này, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tập trung thực hiện một số việc sau:

+ Hoàn thiện qui chế tổ chức, hoạt động của đơn vị đảm bảo đúng qui định của pháp luật, nguyên tắc tổ chức của ngành, phương thức làm việc, mối quan hệ giữa cấp trên, cấp dưới và cách thức giải quyết những trường hợp có quan điểm xử lý khác nhau giữa Cơ quan điều tra với Viện Kiểm sát, giữa kiểm sát viên với lãnh đạo phòng, lãnh đạo Viện trong việc xử lý các tội phạm về hối lộ.

+ Hoàn thiện hệ thống các tiêu chí, như: Đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo phải dưới 3%... để đánh giá chất lượng hiệu quả công tác của đơn vị và từng cá nhân được phân công.

+ Đối với những vụ án về hối lộ có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, lãnh đạo đơn vị cùng với kiểm sát viên phải trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra.

+ Thường xuyên kiểm tra việc tác nghiệp của kiểm sát viên để kịp thời phát hiện những thiếu sót, kịp thời chấn chỉnh khắc phục, tổ chức rút kinh nghiệm đối với những vụ án phức tạp, xây dựng cẩm nang kiểm tra, tác nghiệp của kiểm sát viên.

3.2. Kiện toàn công tác tổ chức bộ máy

Xuất phát từ tính chất của các vụ án do Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc Cơ quan an ninh điều tra tiến hành điều tra và các Vụ nghiệp vụ của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thực hành quyền công tố, nên phân tán ảnh hưởng đến chất lượng công tác và không tập trung được đội ngũ kiểm sát viên có năng lực và chuyên môn sâu đề nghị, nên giao cho Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án tham nhũng - chức vụ (Vụ 5) thực hành quyền công tố. Ở cấp tỉnh và cấp huyện nên có kiểm sát viên chuyên trách thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với loại tội phạm này.

3.3. Nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra, giữa kiểm sát viên và điều tra viên

+ Mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát rất quan trọng và cần thiết, quyết định sự thành công, đảm bảo tính hiệu quả trong giải quyết vụ án. Do đó, phải xây dựng qui chế phối hợp trong suốt quá trình tố tụng từ thụ lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm đến khi kết thúc điều tra, truy tố.

+ Kiểm sát viên và điều tra viên tuy thực hiện chức năng khác nhau nhưng cùng chung mục đích là phát hiện kịp thời và xử lý hành vi phạm tội nên phải thường xuyên phối hợp. Khi kết thúc một hoạt động điều tra, kiểm sát viên và điều tra viên phải trao đổi thống nhất với nhau những vấn đề còn mâu thuẫn, những vấn đề cần tiếp tục làm rõ để đảm bảo tiến độ và chất lượng điều tra.

3.4. Nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên

+ Nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, kiểm sát viên là một yêu cầu tất yếu khách quan, nếu không được trao dồi đạo đức và rèn luyện ý thức chính trị rất dễ bị những tiêu cực cám dỗ trong điều kiện nền kinh tế thị trường.

+ Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, kiểm sát viên, thường xuyên cập nhật các qui định của pháp luật; tính chất, thủ đoạn phạm tội; các vướng mắc, bất cập thường gặp khi tiến hành hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra loại tội phạm về hối lộ.

+ Pháp luật tố tụng hình sự cần có qui định kiểm sát viên có đủ quyền năng pháp lý hoạt động độc lập, phát huy hết khả năng và đề cao trách nhiệm cá nhân trong tố tụng hình sự.

3.5. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan tiến hành tố tụng đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm

+ Nhà nước cần đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm như: công nghệ khôi phục dữ liệu máy tính, phương tiện kỹ thuật số, máy ghi âm, ghi hình… để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm.

+ Có chế độ lương, phụ cấp cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán hợp lý để động viên, phát huy được năng lực cán bộ và thu hút cán bộ có trình độ thực hiện nhiệm vụ này.

3.6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

+ Hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực trong đấu tranh chống các tội phạm về hối lộ có yếu tố nước ngoài và tội phạm xuyên quốc gia như: trao đổi thông tin, chuyển giao tài liệu, chứng cứ, tống đạt giấy tờ, thu giữ tài sản…

+ Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ có chức danh tư pháp; mời các chuyên gia có kinh nghiệm sang Việt Nam giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên.

+ Hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ trang thiết bị, công cụ, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lê Hửu Thể. Vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 2014.

2. Phạm Hồng Cử. Tội phạm hối lộ và công tác phòng ngừa, đấu tranh tại các tỉnh, thành phố phía Nam - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp. Đề tài khoa học cấp Bộ, 2004.

3. Vũ Việt Hùng. Một số kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hối lộ”. Viện Kiểm sát nhân dân, 2010.

4. Nguyễn Tiến Sơn. Mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra với Viện Kiểm sát trong tố tụng hình sự Việt Nam. Luận án tiến sĩ, 2012.

5. Nguyễn Xuân Trường. Tìm hiểu về đặc điểm của tội phạm hối lộ hiện nay. Ban Nội chính Trung ương, 2015.

6. Trịnh Ngọc Chính. Tăng cường giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước giảm thiểu hối lộ. Chuyên đề khoa học, Học viện Tài chính, 2016.

EXECUTE PROSECUTION RIGHTS, SUPERVISE JUDICIARY ACTIVITIES IN INVESTIGATION, PROSECUTE OF BRIBERY CRIMES

VO THANH DU

Post Graduate Students - Graduate Academy of Social Sciences

 Head of Office of the People's Procuracy of Long An province

ABSTRACT:

The widespread of corruption and bribery and national property loss causes distrust of the people in the leadership of the Party and the State. The work of executsing the rights of prosecution and supervising judiciary activities in investigating, prosecuting and criminalizing crimes more than ever before must be carried out thoroughly and seriously in order to prevent these dangerous crimes. The paper outlines the achievements and limitations as well as sets out some basic solutions to improve the effectiveness of prosecution, investigation and prosecution of bribery crimes.

Keywords: Corruption, bribery, prosecution, prosecution, judiciary.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây