Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm

Ngày 27/01/2015, Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Theo báo cáo, năm 2014, mặc dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng đư

Hoàn thành nhiều quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng

Năm 2014, Tổng cục Năng lượng (TCNL) đã làm tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đây là công việc quan trọng tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch, giúp cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, góp phần tích cực cho công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương.

Tổng cục đã hoàn thành nhiều quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng như: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than bùn trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát triển lưới điện cấp điện cho các trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2020; Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đang hoàn thiện các quy hoạch quan trọng, như: Quy hoạch địa điểm kho LNG trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...; Làm tốt công tác lập và quản lý quy hoạch sẽ giúp cho ngành năng lượng phát triển có định hướng, nâng cao hiệu quả đầu tư và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Ông Đặng Huy Cường - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2014

Năm vừa qua, TCNL cũng đã có những thành công trong công tác theo dõi, điều phối việc triển khai thực hiện và đàm phán Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ với các Chủ đầu tư của 20 dự án Nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT như: Nghi Sơn 2, Nam Định 1, Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3, Vân Phong 1, Sông Hậu 2..., đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng của các dự án BOT và hướng dẫn các Nhà đầu tư triển khai các dự án theo hình thức BOT; Thường xuyên báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, Ban chỉ đạo Nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận về tiến độ thực hiện dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện các công tác quản lý nhà nước đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TCNL đã nỗ lực phối hợp với các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hướng dẫn công tác lập dự án đầu tư, triển khai đầu tư và đã đưa được điện lưới quốc gia đến với hàng ngàn hộ gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hai huyện đảo Phú Quốc và Lý Sơn đã được cấp điện bằng cáp ngầm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng biển đảo.

TCNL đã thường xuyên kiểm tra, giám sát và đề xuất loại bỏ những thủy điện nhỏ không hiệu quả hoặc ảnh hưởng lớn đến môi trường, sinh thái và cuộc sống của đồng bào, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xử lý những phát sinh trong quá trình xây dựng các Dự án trọng điểm về thủy điện. kịp thời xử lý và phối hợp xử lý những sự cố trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện trên cả nước.

Năm 2014 cũng là năm đạt nhiều thành tích trong hoạt động Hợp tác quốc tế của ngành Năng lượng, kể cả trong hoạt động hợp tác đa phương và song phương. TCNL luôn tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, tham gia chuẩn bị tốt nội dung giúp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công Thương trong các chuyến thăm và làm việc tại nước ngoài.

Xử lý khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Mặc dù đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong năm 2014, tuy nhiên, năm 2015 sắp tới tiếp tục còn nhiều thách thức đối với ngành Công Thương nói chung và TCNL nói riêng. TCNL cũng đã đặt ra các mục tiêu cho năm 2015, như: tiếp tục làm tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ngành Năng lượng, đồng thời tạo hành lang thông thoáng, minh bạch cho các doanh nghiệp; Nâng cao hơn nữa niềm tin của doanh nghiệp đối với chính sách của Nhà nước và góp phần xử lý những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch. Hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các quy hoạch khác, giúp cho ngành Năng lượng phát triển một cách có định hướng, phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Công tác quản lý đầu tư cần được quan tâm chú trọng hơn nữa, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Tiếp tục nắm bắt và báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Bộ những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp tục đàm phán Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ với các Chủ đầu tư của các dự án Nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT. Đồng thời theo dõi, quản lý tốt các dự án BOT đang triển khai thực hiện.

Quản lý và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các đề tài, nhiệm vụ cần đặc biệt chú trọng đến khả năng áp dụng trong thực tiễn, gắn công tác nghiên cứu với thực tế sản xuất. Làm tốt công tác dán nhãn năng lượng theo lộ trình đã được phê duyệt. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tiếp tục rà soát, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết. Tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.