Thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản khi hoàn cảnh thay đổi

ThS. Đỗ Thị Bông (Phòng Thanh tra Pháp chế - Trường Đại học Tây Nguyên)

Tóm tắt:

Sau khi ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, việc thực hiện hợp đồng có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bất ngờ nhất định. Một số sự kiện đặc biệt đáng chú ý bởi vì chúng có thể cung cấp lý do pháp lý cho việc không thực hiện hoặc có thể gây ra hậu quả pháp lý khác. Điều này có thể xảy ra đối với tất cả các loại hợp đồng, một số sự kiện có tầm quan trọng lớn hơn trong sản xuất nông nghiệp. Bài báo này giới thiệu các sự kiện dẫn đến hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản của hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản; việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản khi hoàn cảnh thay đổi theo pháp luật Việt Nam hiện hành; Cuối cùng là những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề trên.

Từ khóa: hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản, thực hiện hợp đồng, hoàn cảnh thay đổi.

1. Đặt vấn đề

Tình huống dự kiến là có một hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được giao kết theo những điều kiện mà các bên đã biết rõ và về nguyên tắc với những điều kiện ấy thì hợp đồng được thực hiện một cách bình thường. Tuy nhiên, sau khi hợp đồng này được giao kết thì các điều kiện cũng thay đổi theo hướng bất lợi và việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của các bên trong điều kiện mới cần được thay đổi về thể thức, nội dung, thậm chí phải chấm dứt.

2. Sự kiện dẫn đến thay đổi hoàn cảnh trong hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt đó là sau khi hợp đồng được giao kết các điều kiện cũng thay đổi theo hướng bất lợi và việc thực hiện hợp đồng trong điều kiện mới cần được thay đổi về thể thức, nội dung, thậm chí phải chấm dứt.  

Các sự kiện ảnh hưởng đến khả năng thực hiện của một bên thường sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng của cả bên kia theo hợp đồng. Học thuyết pháp lý gọi đây là trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Ở góc nhìn tập quán thương mại quốc tế, hoàn cảnh thay đổi được xếp thành 2 nhóm: force majeure (bất khả kháng) và hardship (rất khó có thể tìm ra từ tương ứng trong tiếng việt. Theo học thuyết pháp lý của Pháp (A. Bénabent, sdd, tr 163) force majeure, sự kiện bất khả kháng được ghi nhận một khi đủ 3 yếu tố sau đây của tình huống: 1. Tính không thể khắc phục; 2. Tính không thể dự kiến trước; 3. Tính khách quan hay ngoại lai. Bất khả kháng khiến nguy cơ chấm dứt hợp đồng là không thể tránh khỏi. Hardship, là khái niệm xây dựng để áp dụng trong các trường hợp có những thay đổi hoàn cảnh khiến cho việc thực hiện hợp đồng không phải là không thể được như trong force majeure, nhưng trở nên quá đắt đỏ đối với một bên. Cũng như force majeure, hardship cần có 3 điều kiện: 1. Sự thay đổi hoàn cảnh phải hoàn toàn không tiên liệu được; 2. Thay đổi phải ở ngoài tầm kiểm soát của các bên; 3. Sự thay đổi mang tính cơ bản, nghĩa là có ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu mà một bên hoặc các bên theo đuổi khi giao kết hợp đồng. Hardship là căn cứ, là lý do để điều chỉnh nội dung hợp đồng và được sử dụng trong điều kiện các bên vẫn theo đuổi mục tiêu ban đầu khi giao kết. Còn force majeure được nhắc đến trong bối cảnh hợp đồng không được thực hiện và đứng trước nguy cơ chấm dứt).

Các tình huống trong thực tế rất đa dạng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc biệt dễ bị “tổn thương” bởi các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của nhà sản xuất. Các sự kiện tự nhiên như lũ lụt hoặc hạn hán, thay đổi khí hậu đột ngột hoặc nhiệt độ cao hoặc thấp khác thường là một trong những sự kiện phổ biến nhất có thể phá hủy toàn bộ hoặc một phần sản phẩm nông sản của nhà sản xuất. Về vấn đề này, biến đổi khí hậu và thời tiết khó lường có thể làm phát sinh các sự kiện bất ngờ thường xuyên hơn trước. Các sự kiện tự nhiên cũng có thể bao gồm côn trùng hoặc các bệnh dịch hạch khác ảnh hưởng đến mùa màng hoặc dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, các yếu tố bất ngờ khác, mặc dù không thường xuyên xuất hiện trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện hợp đồng của một trong hai bên. Các sự kiện bất ngờ như vậy có thể kể đến như việc thay đổi luật pháp hoặc chính sách của chính phủ liên quan đến nông nghiệp hoặc các quy định chung chung hơn, có thể được xác định ở cấp độ trong nước hoặc quốc tế. Các quyết định của chính phủ cấm xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp có thể cản trở việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng hiện có; những thay đổi về quy định về sức khỏe hoặc môi trường có thể làm giảm giá trị của một sản phẩm; cấm vận đối với một quốc gia có thể gây trở ngại cho việc thực hiện hợp đồng; sự mất giá đột ngột của tiền tệ hoặc đóng băng chuyển tiền cũng có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ trả giá,… Các yếu tố gây rối khác có thể làm thay đổi mạnh mẽ trạng thái cân bằng hợp đồng ban đầu có thể xảy ra do sự biến động của các điều kiện thị trường ảnh hưởng đến giá cả hoặc nguồn cung.

Tóm lại, các sự kiện ảnh hưởng đến khả năng thực hiện của một bên trong nhóm thường sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của cả bên kia theo hợp đồng.

3. Thực hiện Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản khi hoàn cảnh thay đổi theo pháp luật Việt Nam hiện hành

Việc thực hiện hợp đồng trong hoàn cảnh thay đổi cơ bản được quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, như sau:

1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

2. Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

3. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:

a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;

b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

4. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Có thể thấy, BLDS 2015 không phân biệt hoàn cảnh thay đổi mang tính force majeure hay hardship. Nhà làm luật Việt Nam vận dụng học thuyết hardship nhiều hơn học thuyết force majeure. Cụ thể, người làm luật có xu hướng tập trung xây dựng các quy tắc điều chỉnh trường hợp hợp đồng vẫn có thể thực hiện được trong hoàn cảnh của nhiều thay đổi, với điều kiện phải điều chỉnh một số nội dung. Các điều kiện xây dựng trong điều luật cũng giống như điều kiện hardship. Đây là một điều khoản mới trong BLDS 2015 mới được ban hành năm 2017 giúp giải quyết hiệu quả các tình huống phát sinh trong thực tế. Tuy nhiên, quy định này không chặt chẽ và rõ ràng cụ thể, như sau:

Thứ nhất, trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng, nhưng không quy định rõ việc chấp nhận đàm phán là nghĩa vụ tương ứng của bên kia. Có nên hay không việc mặc nhiên thừa nhận quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia?  Bởi quy định như vậy có thể có bên lợi dụng quy định sơ hở mà từ chối thỏa thuận hoặc vi phạm thỏa thuận vì trái với nguyên tắc thiện chí và trung thực.

Thứ hai, Điều 6.2.3 của PICC quy định: “Lời đề nghị phải đưa ra đúng lúc và đầy đủ cơ sở”. PICC cũng quy định rõ “bên có nghĩa vụ được miễn trừ hậu quả do việc không thực hiện nghĩa vụ của mình, nếu chứng minh được rằng, việc không thực hiện nghĩa vụ là do trở ngại khách quan ngoài tầm kiểm soát”. Và Điều 79 Công ước viên 1980 cũng có quy định trách nhiệm phải chứng minh khi một bên không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào hoặc được miễn trừ hậu quả đó một trở ngại nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Việc yêu cầu chứng minh là hoàn toàn hợp lý trước khi luật có những “đãi ngộ” sau đó. Tuy nhiên, theo quy định BLDS 2015 lại không quy định rõ bên này cần phải có nghĩa vụ chứng minh tình hình, đưa ra các căn cứ cho rằng hoàn cảnh “Hardship” đã xuất hiện.

Thứ ba, một vấn đề đặt ra thời gian hợp lý nên được hiểu như nào khi quy định “các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý,…”. Thời gian để một bên đưa ra yêu cầu đàm phán lại hợp đồng là khoảng thời gian sau khi hoàn cảnh thay đổi xảy ra cho đến trước lúc hợp đồng được hoàn thành. Vì nếu bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã hoàn thành xong các nghĩa vụ của mình, thì xem như hoàn cảnh cơ bản đó không gây khó khăn.

Như vậy, thời hạn hợp lý nên được hiểu là thời hạn sớm nhất có thể mà bên bị ảnh hưởng xác định được hoàn cảnh cơ bản đã xảy ra và gây khó khăn quá lớn cho mình trong quan hệ hợp đồng. Việc trì hoãn, chậm trễ trong việc đưa ra yêu cầu đàm phán sửa đổi hợp đồng, làm cho bên kia tin chắc hợp lý rằng bên  bị ảnh hưởng vẫn chấp nhận tiếp tục thực hiện hợp đồng với hoàn cảnh đó, thì yêu cầu đàm phán sau đó có thể không được chấp thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng với hoàn cảnh đó thì yêu cầu đàm phán sau đó có thể không được chấp thuận.

Như vậy, vấn đề này cần phải có hướng khắc phục “yêu cầu về các cuộc thương lượng lại, phải được thực hiện ngay khi có thể được, sau thời điểm hoàn cảnh khó khăn xảy ra”. Tóm lại, từ những phân tích tại khoản 2 Điều 420 BLDS năm 2015 về những bất cập vẫn đang hiện hữu, gây sự khó khăn trong cách hiểu và áp dụng, quy định này cần được sửa đổi lại như sau: “Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng được quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong khoảng thời hạn hợp lý và có căn cứ xác đáng, các bên buộc phải tiến hành thỏa thuận để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất”.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 420 BLDS năm 2015 chỉ khi các bên có thoả thuận thì mới được tạm ngừng thực thực hiện nghĩa vụ hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của bên còn lại như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Quy định như vậy có phần không hợp lý, nên chăng cần quy định các trường hợp ngoại lệ khác đến từ các chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp như Tòa án hoặc Trọng tài thương mại. Thêm vào đó, trong quá trình giải quyết, nếu bên không có lợi ích bị ảnh hưởng cố ý không thỏa thuận để thu lợi riêng mình mà không quan tâm đến sự khó khăn của bên kia, thì bên có lợi ích ảnh hưởng có quyền yêu cầu cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không? Để bảo vệ tốt hơn cho các chủ thể chúng ta có thể cho phép Tòa án hoặc Trọng tài Thương mại căn cứ vào tình hình thực tế đang diễn ra mà quyết định cho tạm đình chỉ hợp đồng đến khi có quyết định mới, chứ không chỉ dựa vào thỏa thuận giữa các bên.

Như vậy, bổ sung quy định để tạo sự linh động hơn đối với cơ quan giải quyết tranh chấp theo hướng giải quyết dễ dàng hơn của bên bị ảnh hưởng về lợi ích cần được sửa đổi: Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc Tòa án (Trọng tài) có quyết định khác.

Dưới góc độ pháp lý, việc xác định sự “thay đổi cơ bản” của hoàn cảnh phải dựa trên những tiêu chí rất chặt chẽ. Cần phải hội đủ 5 điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 420 BLDS năm 2015.

Có thể lấy một tình huống thực tế để minh họa: Công ty A và hợp tác xã B giao kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó công ty A đặt mua nông sản của HTX B nhưng yêu cầu phân bón và thuốc trồng cho loại hoa màu phải dùng của nước H bởi giống cây được cung cấp rất nhạy cảm và khó chăm sóc, tuy nhiên hiệu quả kinh tế lại cao. Nếu không sử dụng đúng nguyên liệu có xuất xứ từ nước H thì HTX B phải chịu phạt 10 lần giá trị hợp đồng; nếu giao chậm bị tính lãi 10% kể cả trường hợp bất khả kháng.

Tuy nhiên, sau khi giao kết hợp đồng, dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới, trong đó có nước H. Theo chính sách của nước H là đóng cửa biên giới, mọi hoạt động xuất khẩu tạm dừng nên công ty B không thể mua được đầy đủ số nguyên liệu từ nước H như hợp đồng quy định. Trong khi đó, nhiều nhân công của HTX B xin nghỉ không lương để tránh dịch bệnh, một số trong diện cách ly tập trung. Mặc dù chỉ với một phần nguyên liệu mua được từ nước H trước khi có dịch bệnh, HTX B vẫn muốn tiếp tục hợp đồng với công ty A với điều kiện hai bên thương lượng và sửa đổi/điều chỉnh một số điều khoản trong hợp đồng, như nguyên liệu, phạt, điều chỉnh đơn giá sản phẩm hay thời hạn giao hàng trong hợp đồng. Trong ví dụ nêu trên, hoàn cảnh thực hiện hợp đồng của HTX B có thỏa mãn các điều kiện của hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không, yếu tố nào để đánh giá? Sự kiện dịch bệnh Covid-19? Biên giới đóng cửa? Nhân công xin nghỉ không lương? Nhân công bị cách ly?

Yếu tố dịch bệnh lây lan, bùng phát có tính chất khách quan, ngoài ý muốn chủ quan, không lường trước được của HTX B và cả công ty A trước khi ký kết hợp đồng. Sự kiện này có thể được xem là nguyên nhân khách quan khiến cho hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có sự thay đổi khác nhiều so với những gì diễn ra trước khi 2 bên giao kết hợp đồng. Dịch bệnh đã khiến cho nước H phải đóng cửa biên giới, nhân công của HTX B xin nghỉ không lương và cũng khiến một số bị cách ly. Nếu HTX B biết tình huống này xảy ra, HTX B sẽ thương lượng với công ty A về việc sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc có thể không ký hợp đồng với công ty A. Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho HTX B, bởi vì nguyên liệu không đúng vật tư xuất xứ từ nước H, thời gian sản xuất cũng có thể không đáp ứng do nhân công thiếu. Trong khi đó, hợp đồng đã quy định HTX B phải chịu phạt, ngay cả khi xuất hiện sự kiện bất khả kháng. Rõ ràng, HTX B đang rơi vào “tình thế oái oăm” mà không hề biết trước, cũng không thể dự liệu được tại thời điểm giao kết hợp đồng.

4. Kiến nghị hoàn thiện

Một hợp đồng luôn “sống” trong một hoàn cảnh, một môi trường nhất định và khi giao kết hợp đồng, các bên đã cân nhắc các yếu tố môi trường xung quanh để quyết định xem có tham gia vào hợp đồng không và đàm phán các điều khoản của hợp đồng sao cho các bên của hợp đồng đều đạt được mục đích của mình (quyền và nghĩa vụ của mỗi bên là tương xứng với nhau). Nếu hoàn cảnh khách quan thay đổi đến mức làm hợp đồng bị mất đi sự cân bằng vốn có, làm cho nghĩa vụ của một bên tăng lên một cách đáng kể, hoặc làm cho lợi ích của một bên bị giảm sút nghiêm trọng thì việc cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng sẽ giúp hợp đồng lấy lại được sự cân bằng vốn có, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên hợp đồng, hay nói cách khác là đảm bảo công bằng giữa các bên.

Tuy vậy, có thể thấy rõ rằng, khi hardship xảy ra, một bên sẽ chịu thiệt hại, còn bên kia thì không có thiệt hại gì, thậm chí là được lợi từ việc thay đổi hoàn cảnh. Nếu bên này không có thiện chí, thì dù cho bên bị ảnh hưởng có yêu cầu đàm phán, thì quá trình đàm phán sẽ không thể thành công. Khi xảy ra hardship, theo yêu cầu của thiện chí, các bên phải cùng hợp tác, chia sẻ rủi ro, khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng. Bên bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh thay đổi có quyền yêu cầu bên kia đàm phán; và bên kia cần phải tham gia đàm phán dựa trên tinh thần thiện chí. Mặc dù PICC không quy định minh thị, tuy nhiên diễn giải của Unidroit yêu cầu việc đàm phán lại giữa các bên phải được tiến hành theo nguyên tắc thiện chí, trung thực và hợp tác (tại Điều 1.7 và 5.1.3 PICC). Theo đó, bên bị bất lợi phải trung thực trong việc viện dẫn hoàn cảnh hardship và không được lợi dụng việc đàm phán lại. Đồng thời, các bên phải đàm phán lại với tinh thần xây dựng, đặc biệt qua việc chủ động hạn chế các trở ngại và trao đổi tất cả các thông tin cần thiết trong quá trình đàm phán. PECL có quy định minh thị về cơ chế buộc bồi thường thiệt hại đối với một bên không thiện chí trong việc đàm phán sửa đổi hợp đồng (từ chối đàm phán hoặc đã tham gia đàm phán, nhưng không thể hiện tinh thần hợp tác, chia sẻ rủi ro, tức là thiếu đi sự thiện chí).

BLDS Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc thiện chí, nhưng tinh thần, sức sống của nguyên tắc này chưa mạnh mẽ, chưa có nhiều quy định cụ thể trong Bộ luật thể hiện nguyên tắc này. Điều khoản về hoàn cảnh thay đổi cơ bản cần được diễn giải như là một điều khoản thể hiện rõ tinh thần của nguyên tắc thiện chí, cụ thể:

- Đối với bên bị ảnh hưởng:

Bên viện dẫn hardship cần thể hiện sự thiện chí của mình, đó là không được sử dụng hardship như là một công cụ để kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng. Khi viện dẫn hardship, cần đưa ra các căn cứ cụ thể và nếu những căn cứ đó là không hợp lý, thì bên viện dẫn đó phải chịu trách nhiệm đối với bên kia về việc viện dẫn sai hoàn cảnh hardship (thời gian thực hiện hợp đồng bị kéo dài do đàm phán, gây thiệt hại cho bên kia). Bằng cách này, chúng ta có thể hạn chế các trường hợp bên thiếu thiện chí lạm dụng quy định tại Điều 420.

- Đối với bên không bị ảnh hưởng:

Việc yêu cầu đàm phán là quyền của bên gặp bất lợi khi xảy ra thay đổi hoàn cảnh và vì thế sẽ trở thành nghĩa vụ của bên còn lại của hợp đồng. Ở đây là nghĩa vụ đàm phán một cách thiện chí để tìm ra giải pháp khắc phục sự thay đổi của hoàn cảnh. Nếu bên kia không tham gia đàm phán, hoặc đàm phán một cách thiếu thiện chí, thì sẽ có thể phải bồi thường thiệt hại cho bên bị ảnh hưởng.

Với ví dụ về hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa công ty A với HTX B trong hoàn cảnh cơ bản, khoản 2 điều 420 của BLDS 2015 quy định trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Việc được quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng có thể là cánh cửa giúp HTX B trao đổi, thảo luận lại về việc thực hiện hợp đồng nhằm tháo gỡ tình thế mà HTX B đang đối mặt.

BLDS cũng dự liệu trường hợp nếu các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý thì một trong các bên có thể yêu cầu tòa án: (i) chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định hoặc (ii) sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Trong đó, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng nếu việc chấm dứt hợp đồng có khả năng gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng (nếu được sửa đổi). Đặc biệt, trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tất nhiên, khi chọn giải pháp đàm phán hay yêu cầu tòa án giải quyết, các doanh nghiệp yêu cầu sửa đổi hợp đồng phải có nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

5. Kết luận

Như vậy, bên cạnh sự kiện bất khả kháng, quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng là một quy định rất có ý nghĩa, tạo thêm giải pháp giải quyết vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn nhất định. Xuất phát từ nguyên tắc của pháp luật dân sự là tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, bên cạnh các quy định về sự kiện bất khả kháng, các bên cũng nên coi trọng quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Theo đó, để dễ dàng cho các bên trong giải quyết tranh chấp, các bên trong hợp đồng nên định nghĩa rõ ràng về hoàn cảnh thay đổi cơ bản; liệt kê nguyên nhân khách quan, chủ quan; quy định rõ trách nhiệm của các bên phải thực hiện khi xảy ra sự thay đổi cơ bản, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoàn cảnh đó. Khi đó, việc giải quyết tranh chấp, dù thông qua thương thảo điều chỉnh hợp đồng hay giải quyết tại cơ quan tài phán có thẩm quyền, sẽ thuận lợi hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2010). Luật Trọng tài thương mại 2010.
  2. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
  3. Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được ký tại Viên (Áo) ngày 14/04/1980, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/1988.
  4. Nguyễn Minh Hằng, Đỗ Văn Đại (và nhóm dịch giả), (2014). Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004 (sách dịch). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Lê Minh Hùng (2009). Điều khoản điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi trong pháp luật nước ngoài và kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (06), tr.41-50.
  6. Joern Rimke. (1999 - 2000). Force Majeure and Hardship: Application in International Trade Practice with Specific Regard to the CISG and the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts. In Review Of The Convention On Contracts For The International Sale Of Goods (CISG) 197, 218 (PACE INT’L L. REV. eds., 1999-2000).

THE IMPLEMENTATION OF CONTRACTS OF PRODUCING AND CONSUMING AGRICULTURAL PRODUCTS WHEN CIRCUMSTANCES OF THE CONTRACT CHANGE

Master. Do Thi Bong

Department of Inspection and Legal Affairs

Tay Nguyen University

Abstract:

The implementation of contracts of producing and consuming agricultural products may be affected by unexpected events. Some events may have legal grounds for the breach of the contract. These events can significantly affect the production of agricultural products. This paper introduces the events that led to the fundamental changes in the implementation of contract of producing and consuming agricultural products. The paper also introduces Vietnam’s regulations on the implementation of contract of producing and consuming agricultural products when circumstances of the contract change. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to improve the effectiveness of Vietnamese regulations on the implementation of contract of producing and consuming agricultural products.

Keywords: contract of producing and consuming agricultural products, implementing contract, circumstances change.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]