Thực hiện Quy hoạch điện VII: Nút thắt cần tháo gỡ

Sau hơn một năm thực hiện, Quy hoạch sơ đồ điện VII đã bộc lộ một số “nút thắt” dẫn đến nguy cơ một số dự án nguồn và lưới điện có khả năng không đáp ứng tiến độ.

Theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của nền kinh tế và yếu kém trên một số lĩnh vực khác của nước ta. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là việc thiếu quy hoạch đồng bộ hoặc quy hoạch kém ở các ngành kinh tế mà ngành điện là một điển hình. 

Rất nhiều ngành được coi là chủ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, kể cả ngành được nhiều ưu đãi như điện việc thua lỗ, thiếu vốn do kinh doanh ngoài ngành, chèn ép các nhà cung cấp điện, tăng giá điện ...dẫn đến yêu cầu phải tái cơ cấu ngành điện. 

Quy hoạch điện VII (Tổng sơ đồ VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/7/2011. Sau gần một năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy có một số "nút thắt" dẫn đến nguy cơ một số dự án nguồn và lưới điện có khả năng không đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch đã được duyệt bởi vì các lý do sau đây: 

Định hướng quy hoạch 

Chúng ta chưa có luật quy hoạch. Trong chính sách, thể hiện chủ trương khuyến khích tiêu thụ điện năng bằng mọi giá, thậm chí sẵn sàng bao cấp cho cả những công trình thương mại hút điện nhưng chẳng mang lại mấy hiệu quả như năm 2010, Nhà nước đã phải bù chéo 2.547 tỉ đồng cho xuất khẩu thép và ximăng, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài. 

Tình trạng mất cân đối cung cầu kinh niên về điện do sử dụng điện không hiệu quả và tư duy chính sách "thoả mãn mọi nhu cầu" đã tồn tại từ hàng chục năm nay. Tăng GDP bằng mọi giá đã khiến khẩu hiệu "điện đi trước một bước" được sử dụng như tư tưởng chỉ đạo trong quy hoạch điện năng, trong đó tốc độ tăng điện hàng năm luôn duy trì gấp đôi tốc độ tăng GDP, trong khi ở các nước khác tốc độ tăng điện chậm hơn rất nhiều nhưng hiệu quả sử dụng lại cao hơn nhiều. 

Theo GS Phạm Duy Hiển, cùng tiêu thụ 1kWh điện, người Việt Nam chỉ làm ra 3 USD, trong khi người Philippines và Indonesia làm ra 6,5 - 7,5 USD (GDP tính theo sức mua và đôla tính theo giá trị năm 2005). 

Khâu chuẩn bị đầu tư 

Công tác kế hoạch hiện còn bị động. Khâu chủ động rà soát, đánh giá danh mục các dự án để có kế hoạch sắp xếp, ưu tiên, đầu tư kịp thời chưa được chú trọng, dẫn đến một số dự án triển khai đầu tư chậm, không thu xếp được nguồn vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ đưa vào vận hành. 

Công tác lập hồ sơ thiết kế các dự án thường kéo dài do thời gian thực hiện công tác thỏa thuận địa điểm, hướng tuyến với địa phương thường kéo dài, đặc biệt đối với các dự án liên quan đến nhiều địa phương và đi vào khu trung tâm các thành phố lớn. 

Công tác dự báo phụ tải không sát với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh tiến độ các dự án hoặc phải bổ sung quy hoạch. Khi đó phải lập hồ sơ báo cáo xin bổ sung quy hoạch (đối với các dự án mới phát sinh) hoặc hồ sơ báo cáo xin điều chỉnh quy hoạch. Công tác này cũng thường kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. 

Công tác đấu thầu 

Đây là vấn đề "chát chúa" nhất, nhiều ẩn khuất nhất trong việc thực thi các dự án về ngành điện. Trên công luận đã có nhiều bài viết phản ánh về các bất cập trong công tác đấu thầu kể cả các dự án có nguồn vốn ODA. Do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhiều dự án đuợc trao cho nhà thầu Trung Quốc, công nghệ lạc hậu, thi công luôn chậm trễ so với tiến độ đề ra vv... 

Thực hiện giải phóng mặt bằng 

Vướng mắc về cơ chế giá: Hiện nay, tình trạng người dân khiếu kiện, khiếu nại không chấp hành giao đất khi có quyết định thu hồi đất có một phần nguyên nhân phát sinh từ việc xác định giá trị quyền sử dụng đất được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội chưa sát với giá thị trường chuyển nhượng tại địa phương. Vì vậy, khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho việc thực hiện các dự án điện nói riêng gặp không ít khó khăn, góp phần làm chậm tiến độ dự án. 

Vướng mắc về nhà cửa phát sinh: Sau khi đơn vị tư vấn cắm mốc ranh công trình, mốc ranh hành lang tuyến đường dây tại hiện trường, ở một số địa phương phát sinh nhiều nhà cửa nằm trong hành lang an toàn của công trình nhằm vụ lợi đón bồi thường của dự án, việc này dẫn đến vốn đền bù tăng cao đồng thời gây khó khăn trong công tác áp giá đền bù làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. 

Chưa định hướng rõ vùng bố trí dự án: Trong Quy hoạch điện VII có dự kiến một số dự án nguồn mới nhưng chỉ dự kiến thời điểm đưa vào vận hành, mặc dù khá xa thời điểm hiện tại, địa điểm còn rất chung chung như nhiệt điện miền Bắc, nhiệt điện miền Nam. Với quy hoạch địa điểm xây dựng nguồn như vậy thì việc quy hoạch hệ thống lưới điện truyền tải, trạm một cách hợp lý và tối ưu gặp khó khăn, nhất là khi triển khai sẽ vướng vấn đề giải phóng mặt bằng, hành lang tuyến. 

Thu xếp nguồn vốn và bố trí vốn 

Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 48,8 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần thu xếp nguồn vốn khoảng 5 tỷ USD cho đầu tư ngành điện. Đầu tư vào nguồn điện chiếm 66,6%, đầu tư vào lưới điện chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư. Nguồn vốn huy động chủ yếu từ doanh nghiệp ngành điện, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước và vốn vay của các tổ chức nước ngoài. 

Về giá điện chưa theo cơ chế thị trường hoàn toàn mà có sự điều tiết của Nhà nước, chưa đề ra cụ thể các chính sách nhằm thu hút đầu tư và khuyến khích cạnh tranh trong tất cả các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện. Do đó, không thu hút được các nguồn vốn khác ngoài xã hội đầu tư vào ngành điện, khả năng các dự án xây dựng nguồn điện và lưới điện trong Quy hoạch điện VII không bố trí được nguồn vốn, khả năng chậm tiến độ là rất lớn. 

Vướng mắc lớn nhất để thực hiện thành công Quy hoạch điện VII là huy động được nguồn vốn để thực hiện các dự án. Rõ ràng với nhu cầu vốn rất lớn, không có cơ chế nào có thể huy động được vốn nếu các nhà đầu tư không xác định được lợi nhuận và sẵn lòng bỏ vốn ra. Vì vậy, giá điện là nguyên nhân sâu xa nhất cần phải giải quyết. 

Không đưa ra giá điện theo cơ chế thị trường, tiếp tục giữ giá mua-bán điện thấp hơn giá thị trường, bao cấp giá điện để ổn định kinh tế-xã hội như hiện nay (trong khi chi phí đền bù, giải toả tăng rất cao, giá nhập thiết bị, nhiên liệu nhập khẩu cũng theo thị trường, các yêu cầu về môi trường càng khắt khe hơn,...), thì việc huy động được nguồn vốn cho các dự án trong Quy hoạch điện VII là vô cùng khó khăn. 

Giữ giá bán điện dưới giá thành sẽ không khuyến khích thay đổi công nghệ, tiết kiệm điện mà lại khuyến khích những ngành sử dụng nhiều điện. Vì vậy, vấn đề cấp bách nhất là cải cách giá điện sao cho công khai minh bạch, nâng cao hiệu suất, giảm tối đa tổn thất điện để khi tăng giá điện phải có lộ trình rõ ràng, và hợp lý được người dân chia sẻ, ủng hộ. 

Để minh chứng về việc bất cập trong chính sách phát triển điện, có thể lấy Dự án Thuỷ điện Tích năng Bác Ái - 1.200MW, tỉnh Ninh Thuận làm ví dụ cụ thể. 

Theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội ngày 19/6/2010 trong đó có đề cập đến phân loại dự án theo tiêu chí diện tích rừng bị ảnh hưởng đã làm cho quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án đang lập Dự án đầu tư kéo dài hơn kế hoạch. Với tiêu chí dự án ảnh hưởng từ 50ha rừng phòng hộ đầu nguồn thì các dự án đang lập dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 thì tổ máy số 1 (300MW) của thủy điện tích năng Bác Ái do EVN chủ đầu tư sẽ vận hành vào năm 2019. Đến thời điểm hiện nay, nếu trình tự các bước thực hiện quản lý dự án đầu tư áp dụng theo cơ chế thông thường thì chủ trương đầu tư dự án sẽ thông qua Quốc hội vào tháng 12/2012 (sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 232,72 ha); Sau đó thẩm định, phê duyệt Dự án đầu tư và trình Chính phủ xem xét cho phép đầu tư Dự án khả năng vào tháng 6/2013. Như vậy, công tác khảo sát & lập thiết kế kỹ thuật, khảo sát thiết kế & thi công hệ thống cấp điện thi công; Khảo sát thiết kế & thi công hệ thống đường thi công vận hành, công tác giải phóng mặt bằng, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu vv...dự kiến thực hiện trong vòng 2 năm, bắt đầu từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2015. Do đó, việc khởi công xây dựng công trình sẽ vào khoảng quý III năm 2015 và theo tiến độ thi công dự kiến khoảng trên 5 năm, thì tổ máy số 1 sẽ phát điện sớm nhất là vào cuối năm 2020, như vậy chậm so với Quy hoạch điện VII ít nhất là một năm. 

Đặc thù Thủy điện Tích năng Bác Ái là sử dụng hồ dưới là hồ chứa nước sông Cái thuộc dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ do Bộ Nông nghiệp & PTNT làm chủ đầu tư. Công trình Hồ chứa sông Cái đã được khởi công xây dựng từ tháng 8 năm 2010. Theo tiến độ của dự án này thì hồ chứa sông Cái sẽ tích nước vào tháng 4 năm 2013. Vì vậy, nếu tận dụng thời gian phân bổ tiến độ dự án, để có thể làm được một số hạng mục công việc trong lòng hồ sông Cái như khảo sát, thiết kế cụm cửa xả, nhằm kịp tiến độ để thi công hoàn thành trước khi hồ sông Cái tích nước thì có thể tiết kiệm được chi phí đầu tư khoảng hơn 500 tỷ đồng, đồng thời tăng cường chất lượng công trình do được thi công trong điều kiện thuận lợi. 

Thay cho lời kết 

Cả thế giới đều quan tâm đến bài toán an ninh năng lượng, đặc biệt là chính sách và hiệu quả tiêu thụ điện năng. Hệ số đàn hồi điện năng so với GDP của Việt Nam rất cao, hơn 2.0. Nghĩa là để phát triển 1% GDP, cần tăng 2% điện năng. Đó là chưa kể các dạng năng lượng khác. Trong khi thế giới, hệ số đàn hồi năng lượng khoảng 1.0. 

Quy hoạch điện VII hay còn gọi là Tổng sơ đồ điện VII, theo truyền thống, sẽ không được hoàn thành, bởi vì từ trước đến nay đã có Tổng sơ đồ điện nào được hoàn thành đúng tiến độ đâu. Nếu giải quyết tốt các "nút thắt" kể trên thì mức độ hoàn thành (%) của Quy hoạch điện VII sẽ tốt hơn. 

EVN là cơ quan chủ lực thực hiện các nội dung của Quy hoạch điện 7, cần nhanh chóng rà soát, căn cứ vào thực tế, lấy ý kiến tư vấn, phản biện (đặc biệt là tư vấn phản biện độc lập) để trình Thủ tướng những điều chỉnh bổ sung mang tính khả thi cho Quy hoạch điện 7 đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Điều rất quan trọng là Nhà nước, phải có chính sách phù hợp để khuyến khích nguồn phát, nhất là nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo lâu dài cho bài toán an ninh năng lượng của quốc gia./.

  • Tags: