Thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh Đồng Nai

ThS. Nguyễn Thành Công - ThS. Nguyễn Thị Đào (Trường Cao đẳng Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Nghiên cứu này tập trung phân tích chính sách và thực trạng tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Đồng Nai. Tác giả đã đi sâu vào nghiên cứu, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực thi BHTN từ thực tiễn Đồng Nai. Để chính sách được đi vào đời sống, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, hữu hiệu các giải pháp và công cụ chính sách trên cơ sở vận dụng, lựa chọn, kết hợp, đan xen nhiều phương thức, biện pháp một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã lý giải, chứng minh và đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện chính sách BHTN nhằm góp phần giải quyết các vấn đề thực tế; Đồng thời, hoàn thiện chính sách BHTN tỉnh Đồng Nai nói riêng và của nước ta hiện nay.

Từ khóa: Bảo hiểm thất nghiệp, chính sách bảo hiểm, Đồng Nai.

1. Đặt vấn đề

Trong tình hình kinh tế nước ta cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn, suy thoái, lạm phát đe dọa thì tình hình thất nghiệp theo đó xảy ra với xu hướng ngày càng tăng. Tác động của thất nghiệp đến sự phát triển, ổn định kinh tế, chính trị và xã hội của mỗi quốc gia là rất lớn, nó đẩy người lao động bị thất nghiệp vào tình cảnh túng quẫn, lãng phí nguồn lực xã hội, là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho nền kinh tế bị đình trệ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng số người thất nghiệp ở Việt Nam là 926.000 người trong năm 2013, nhưng sau đó có xu hướng tăng lên 1.038.000 người trong năm 2014; 1.045.000 người năm 2015; 1.140.000 người năm 2016; 1.100.000 người năm 2017, 2018. Tỷ lệ thất nghiệp trong tổng số người trong độ tuổi lao động ở nước ta từ 1,99% năm 2013 và có xu hướng tăng lên 2,28% - 2,33% trong giai đoạn 2014 - 2018 [5].

Từ ngày 01/10/2009, chính sách BHTN ra đời đã thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều tác động tích cực, ngày càng rõ nét, góp phần hỗ trợ khó khăn, ổn định cuộc sống của người lao động (NLĐ) khi họ mất việc, từ đó giảm thiểu các tác động lên tình hình kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, chính sách BHTN cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn của xã hội về BHTN trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Do đó, ngày 16/11/2013 Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Việc Làm có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Như vậy, các quy định chính sách trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2006 sẽ hết hiệu lực và chính sách BHTN sẽ chính thức được quy định theo Luật Việc Làm, đồng thời kèm theo rất nhiều thay đổi quan trọng.

Đồng Nai là tỉnh miền Đông Nam Bộ, có diện tích 5.903.904 km2. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính trực thuộc. Là một tỉnh nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều khu công nghiệp nhất nước (đến nay, cả tỉnh có 32 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp với diện tích 9.559,3ha), có khoảng 441.948 NLĐ tại các khu công nghiệp (thu nhập bình quân năm 2017: 91 triệu đồng/người/năm). Hiện nay, Đồng Nai xếp thứ 5 trong cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước như: thu nhập bình quân vùng, xuất khẩu, xuất siêu, thu hút đầu tư trong và ngoài nước...[1].

 Qua 8 năm thực hiện chính sách BHTN (từ ngày 01/01/2009) và ngày 01/01/2015 Luật Việc Làm có hiệu lực, tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ,  song vẫn còn nhiều vấn đề bất cập và khó khăn trong quá trình thực thi chính sách. Vì vậy, nghiên cứu này tập trung phân tích chính sách và thực trạng tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHTN tại Đồng Nai với mong muốn góp phần giải quyết các vấn đề thực tế và hoàn thiện chính sách BHTN của nước ta hiện nay.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Theo chuyên gia Pháp Monique Gaultier, có một định nghĩa vừa đáp ứng được khía cạnh xã hội (dùng cho bảo hiểm xã hội), vừa đáp ứng được khía cạnh kinh tế (dùng cho bảo hiểm thương mại) và vừa đầy đủ về khía cạnh kỹ thuật và pháp lý có thể phát biểu như sau: Bảo hiểm là một hoạt động qua đó một cá nhân có quyền được hưởng trợ cấp nhờ vào một khoản đóng góp cho mình hoặc cho người thứ 3 trong trường hợp xảy ra rủi ro. Khoản trợ cấp này do một tổ chức trả, tổ chức này có trách nhiệm đối với toàn bộ các rủi ro và đền bù các thiệt hại theo các phương pháp của thống kê [2].

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Theo Khoản 4, Điều 3 Luật Việc Làm thì: "BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN" [4].

"Chính sách BHTN không chỉ bao hàm chế độ BHTN (những quy định về mức đối tượng, điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn tìm việc làm, đào tạo nghề và bảo hiểm y tế) mà còn có cả các quy định về đối tượng tham gia, nguồn hình thành quỹ và các tổ chức chịu trách nhiệm triển khai thực hiện chính sách BHTN,..."[3].

2.2. Dữ liệu nghiên cứu

Tác giả tiến hành thu thập tài liệu thứ cấp, gồm: các báo cáo, văn bản chỉ đạo về công tác giảm nghèo của Chính phủ, Bộ, Sở, Ban, Ngành của Tỉnh, Huyện. Niên giám thống kê tỉnh, huyện; báo cáo của các cơ quan, ban ngành có liên quan đến công tác giảm nghèo, các báo cáo, đề tài nghiên cứu về công tác giảm nghèo của các viện, trường và các tài liệu trên internet.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

* Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Phương pháp này được sử dụng trong việc khảo cứu các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài, phân tích những nội dung chính và các kết luận đã đạt được cũng như những điểm cần nghiên cứu trước đó.

* Phương pháp tổng hợp, thống kê, mô tả, so sánh:

- Phương pháp tổng hợp: được kết hợp sử dụng để khái quát hóa các kết quả từ việc phân tích để đưa ra những nhận định và đánh giá chung về thực thi chính sách, bao gồm từ tổ chức bộ máy thực thi chính sách đến tổ chức thực hiện đánh giá quá trình thực hiện chính sách.

- Phương pháp thống kê, mô tả, so sánh: sau khi thu thập từ các tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau và từ các báo cáo của ngành BHXH, ngành Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) của Tỉnh qua các năm, tác giả tiến hành phương pháp thống kê, mô tả, so sánh dựa trên các số liệu được trình bày và tính toán trong nghiên cứu, có thêm minh chứng cho các nhận định để đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp có căn cứ, thiết thực và có tính khả thi.

3. Thực trạng thực thi chính sách BHTN tại tỉnh Đồng Nai

3.1. Thực trạng thất nghiệp tại tỉnh Đồng Nai

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh Đồng Nai thì năm 2018 tình trạng lao động thất nghiệp tại tỉnh chủ yếu phổ biến và đang chiếm tỷ lệ cao trong thời gian qua là lao động giản đơn với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là 86% (8.000 lao động). Trong đó lao động phổ thông chưa qua đào tạo chiếm hơn 95% số lao động này có chuyên môn kỷ thuật thấp, không gắn bó công việc lâu dài, luôn có xu hướng tìm kiếm những công việc khác tốt hơn [8].

3.2. Thực trạng tổ chức thực thi chính sách BHTN tại tỉnh Đồng Nai

Bảng 1. Tình hình nợ đọng BHTN từ 2016 – 2018

Đơn vị tính (Đvt): triệu đồng

Nội dung

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Tổng số tiền thu BHTN

682.902

848.677

962.028

Số nợ đọng BHTN

7.400

7.760

8.074

                                                            Nguồn:[6]; [7]; [8].

Số thu BHTN từ năm 2016-2018 liên tục tăng và tỷ lệ nợ BHTN giảm dần qua các năm; năm 2016 nợ đọng  BHTN là 7.400 triệu đồng, chiếm 1,1% số phải thu; năm 2017 nợ đọng BHTN là 7.760 triệu đồng, chiếm 0,9% số phải thu; năm 2018 nợ đọng BHTN là 8.074 triệu đồng, chiếm 1,1% số phải thu. (Bảng 1)

Bảng 2. Tình hình chi trợ cấp thấp nghiệp (TCTN) từ năm 2016-2018

Đvt: triệu đồng                                                                        

Nội dung

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Tổng số tiền thu BHTN

682.902

848.677

962.028

Tồng số chi TCTN

342.962

398.894

587.851

Nguồn:[6]; [7]; [8]

Số chi BHTN từ năm 2016-2018 liên tục tăng qua các năm; năm 2016 chi là 342.962 triệu đồng, chiếm 50% số  thu; năm 2017 chi 398.894 triệu đồng, chiếm 47% số  thu; năm 2018 số chi 587.851 triệu đồng, chiếm  61% số thu. (Bảng 2)

3.3. Kết quả thực thi chính sách BHTN tại Đồng Nai

Bảng 3. Số người tham gia BHTN và tổng số tiền thu BHTN

Đvt: triệu đồng, người

Nội dung

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Số đơn vị tham gia

5.674

6.453

7.511

Số người tham gia BHTN

658.345

698.940

728.160

Tổng số tiền thu BHTN

682.902

848.058

961.240

Số nợ đọng BHTN

7.400

7.760

8.074

Nguồn: [6]; [7]; [8].

Số người tham gia BHTN hiện nay chiếm gần 44,5% lực lượng lao động toàn tỉnh, chiếm 98% trong tổng số người tham gia bắt buộc (742.646 người). Năm 2016, số người tham gia BHTN là 658.345 người, tổng số thu là 682.902 triệu đồng; Năm 2017, số người tham gia BHTN là 698.940 người, tăng 6,2% so với năm 2016, tổng số thu là 848.058 triệu đồng, chiếm 41,6% lực lượng lao động. Năm 2018, số người tham gia BHTN là 728.160  người, tăng 4,2% so với năm 2017, tổng số thu là 961.240 triệu đồng, vượt 0,4 % so với chỉ tiêu Tỉnh ủy, HĐNĐ, UBND tỉnh giao 43,7%). (Bảng 3)

Sau khi Luật Việc làm có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015, đối tượng tham gia BHTN đã được mở rộng thêm nên số người tham gia BHTN tại Đồng Nai đã dần tăng lên: năm 2016 tăng 7,9% so với năm 2015 (610.698 người); năm 2017 tăng 6,2% so với năm 2016; năm 2018 tăng 4% so với năm 2017, và vẫn có xu hướng tăng nhưng tỷ lệ tăng không cao ở những năm tiếp theo. Tình trạng nợ đóng BHTN vẫn còn khá cao, năm 2017 số nợ là 7.760 triệu đồng và tính đến năm 2018 số nợ đọng là 8.074 triệu đồng. (Bảng 4)

Bảng 4. Số lượng tiếp nhận và giải quyết BHTN

Đvt: người

NỘI DUNG

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Tổng số

Số người nộp hồ sơ hưởng BHTN

35.746

37.719

44.233

117.698

Số người có QĐ hưởng TCTN

33.793

36.558

42.397

112.748

 

Nguồn:[6]; [7]; [8].

Số liệu tại Bảng 4 cho thấy, số lượng người nộp hồ sơ hưởng BHTN bình quân tăng nhanh theo từng năm, cụ thể: năm 2016 số người nộp hồ sơ hưởng BHTN là 35.746; năm 2017 số người nộp hồ sơ hưởng BHTN là 37.719, tăng 5,5% so với năm 2016, năm 2018 số người nộp hồ sơ hưởng BHTN là 44.233, tăng 17,3% so với năm 2017. Điều này cho thấy, mức tăng của đối tượng tham gia tăng cao do mở rộng đối tượng tham gia.

 Bảng 5. Số người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm (GTVL)

 Đvt: người

Nội dung

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Tổng số

Số người TN được tư vấn GTVL

17.446

39.066

45.673

102.185

Số người TN được hỗ trợ học nghề

1.872

1.491

2.171

5.534

Nguồn:[6]; [7]; [8].

Từ năm 2016 đến hết năm 2018, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm là 102.185 người (bằng 86,5% so với số người có quyết định hưởng TCTN). Trong đó, năm 2016 có 17.446  người được tư vấn, giới thiệu việc làm; Năm 2017 có 39.066 người, tăng 123,9% so với năm 2016; Năm 2018 có 45.673  người, tăng 16,9% so với năm 2017. (Bảng 5)

Bảng 6. Số lượng người được hỗ trợ học nghề

Đvt: người, %

Năm

Số người có QĐ hưởng TCTN

Số người được hỗ trợ học nghề

Tỷ lệ

2016

33.793

1.872

5,5

2017

36.558

1.491

4

2018

42.397

2.171

5,1

 Nguồn:[6]; [7]; [8].

Số người hưởng TCTN tham gia học nghề tăng mạnh qua các năm. Tổng số người được hỗ trợ học nghề là 5.534 người. Trong đó, năm 2016, có 1.872 người, bằng 5,5% so với số người có quyết định hưởng TCTN (33.793 người); năm 2017 có 1.491 người, giảm 20% so với năm 2016 và bằng 3,9% so với số người có quyết định hưởng TCTN (42.397 người); năm 2018 có 2.171 người, tăng 45 % so với năm 2017 và bằng 4,9% so với số người có quyết định hưởng TCTN.

Từ số liệu Bảng 6 cho thấy, công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực sau khi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg được ban hành, các đơn vị đào tạo nghề và NLĐ đã chủ động tích cực tham gia đào tạo.

4. Kiến nghị và đề xuất

4.1. Kiến nghị

* Kiến nghị với Chính phủ: Cần xem xét xác định những người làm việc theo định suất BHTN là viên chức hay là NLĐ để quản lý, bố trí, sử dụng phù hợp và tạo tâm lý ổn định cho người thực hiện nhiệm vụ; Cần xem xét sửa đổi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nên có mức hỗ trợ tiền ăn và đi lại cho NLĐ hưởng TCTN khi tham gia đào tạo nghề, nhằm khuyến khích và tạo cho NLĐ có được tay nghề để quay lại thị trường lao động.

* Kiến nghị với Bộ LĐTBXH: Cần xem xét sửa đổi bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/07/2015 của Bộ LĐTBXH. Hướng dẫn, quy định các ngày thông báo tình hình tìm kiếm việc làm hằng tháng trái với quy định thời điểm bắt đầu thời hạn của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội.

4.2. Đề xuất

- Đối tượng tham gia và đóng BHTN:

Thứ nhất, đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng bắt buộc tham gia BHTN (tại Điểm c, Khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm). Hiện nay có một số lao động sau khi thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ dưới 03 tháng, khi thất nghiệp không được hưởng TCTN vì không thuộc đối tượng tham gia.

Thứ hai, theo quy định tại Khoản 2 Điều 12, NLĐ đang đóng BHTN là NLĐ có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Thực tế, rất nhiều NLĐ nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, hoặc các nguyên nhân khác dẫn đến doanh nghiệp chậm quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc dẫn đến NLĐ thất nghiệp không có tham gia tháng liền kề nên không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đề xuất sửa đổi, NLĐ đang đóng BHTN là NLĐ có tham gia BHTN tại đơn vị trước trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Trợ cấp thất nghiệp: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16, hồ sơ đề nghị hưởng TCTN gồm bản chính hoặc bản sao có chứng thực của mốt số giấy tờ theo quy định. Đề xuất bỏ việc chứng thực và sửa đổi thành bản chụp, thực tế khi tiếp nhận hồ sơ cán bộ tiếp nhận đã kiểm tra đối chiếu bản chính và xác nhận.

- Nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN: Đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 17. Thực tế rất nhiều NLĐ ốm đau không điều trị tại cơ sở y tế có thẩm quyền và mất khả năng đi lại nên không trực tiếp hồ sơ được.

- Giải quyết hưởng TCTN:

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 3 Điều 18, thì sau 02 ngày làm việc NLĐ không đến nhận Quyết định về việc hưởng TCTN được xem là không có nhu cầu hưởng TCTN. Điều này khó thực hiện đối với một số trường hợp NLĐ có lý do bất khả kháng hoặc ở khu vực cách xa nơi tiếp nhận giải quyết. Đề xuất tăng lên 05 ngày làm việc.

Thứ hai, theo quy định tại Khoản 6 Điều 18, sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày NLĐ hết thời gian hưởng TCTN nhưng không đến nhận tiền TCTN và không thông báo bằng văn bản với tổ chức BHXH nơi hưởng TCTN thì NLĐ đó được xác định là không có nhu cầu hưởng TCTN và được bảo lưu làm căn cứ cho lần hưởng TCTN tiếp theo. Hiện nay, rất nhiều lao động sau khi nhận quyết định hưởng TCTN và chưa nhận tiền thì đã tìm được việc làm, tâm lý NLĐ chưa nhận thì còn đó, nên đã không thông báo với các cơ quan. Sau 03 lần liên tục không thông báo việc làm, Sở LĐTBXH ban hành quyết định chấm dứt hưởng lý do không thông báo. Điều này làm mất quyền lợi của NLĐ có tham gia vì không nắm rõ quy định.

- Chấm dứt hưởng TCTN:

Một là, theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 21, đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng thì bị chấm dứt hưởng TCTN. Đề xuất bỏ quy định đối với trường hợp học tập trong nước, thực tế hiện nay có rất nhiều người lao động đang hưởng TCTN nhưng đi học tập tại các trường, việc này không phù hợp vì NLĐ vừa học vừa làm được.

Hai là, theo quy định tại Khoản 2 Điều 21, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có việc làm. Thực tế trong vòng 03 ngày làm việc, nhiều trường hợp NLĐ không thể đến trình báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm vì chưa có hợp đồng lao động. Vì vậy, cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

- Chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Một là, đề xuất quy định rõ trong thời gian tạm dừng hưởng TCTN có được chuyển hưởng không vì các quyết định tạm dừng, tiếp tục có thể chưa ban hành kịp thời.

Hai là, theo quy định tại Khoản 5 Điều 22, trong thời hạn 10 ngày làm việc NLĐ phải nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng TCTN cho Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi chuyển đến. Trường hợp NLĐ quá hạn 10 ngày không nộp hồ sơ nơi chuyển đến và cả nơi chuyển đi được, nên không hưởng TCTN và cũng không quy định bảo lưu. Đề xuất, bỏ quy định 10 ngày vì khi nào NLĐ nộp hồ sơ nơi chuyển đến thì TTGTVL tiếp nhận căn cứ vào ngày tiếp nhận để thực hiện công văn chuyển cơ quan BHXH tiếp tục chi trả.

- Hỗ trợ học nghề: Đề xuất một số sửa đổi bổ sung Điều tại Quyết định số 77/QĐ-TTg.

Một là, về thời gian đào tạo nghề: Đề xuất tăng thời gian hỗ trợ học nghề cho NLĐ để NLĐ có thể theo học một số nghề cho phù hợp.

Hai là, về mức phí đào tạo nghề: Nên tăng mức phí hỗ trợ học nghề để tạo điều kiện cho NLĐ.

Ba là,  hỗ trợ thêm: Nên quy định hỗ trợ thêm các khoản khác cho NLĐ như tiền ăn, chi phí đi lại.

Bốn là, mở rộng một số kỹ năng cho phép được đào tạo để NLĐ dễ tìm được việc làm phù hợp sau khi tham gia học nghề.

5. Kết luận

Trên cơ sở phân tích chính sách và thực trạng tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHTN tại Đồng Nai, bài viết đã đi sâu vào nghiên cứu, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực thi BHTN từ thực tiễn Đồng Nai. Để chính sách được đi vào đời sống đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, hữu hiệu các giải pháp và công cụ chính sách trên cơ sở vận dụng, lựa chọn, phối hợp, đan xen nhiều phương thức, biện pháp một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn. Đồng thời, nghiên cứu đã lý giải, chứng minh và đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện chính sách BHTN nhằm góp phần giải quyết các vấn đề thực tế, hoàn thiện chính sách BHTN của tỉnh Đồng Nai và của nước ta hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai (2018). Niên giám thống kê năm 2018, Đồng Nai.
  2. Lê Chi Mai (2001), Những vấn đề cơ bản về chính sách và quy trình chính sách, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Quốc hội (2006). Luật Bảo hiểm Xã hội, Hà Nội.
  4. Quốc hội (2014), Luật Việc làm, Hà Nội.
  5. Tổng cục Thống kê (2017). Niên giám thống kê 2017, Hà Nội.
  6. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai (2016). Báo cáo tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tháng 12 năm 2016, Đồng Nai.
  7. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai (2017), Báo cáo tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tháng 12 năm 2017, Đồng Nai.
  8. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai (2018), Báo cáo tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tháng 12 năm 2018, Đồng Nai.

THE IMPLEMENTATION OF UNEMPLOYMENT INSURANCE POLICIES IN DONG NAI PROVINCE

Master. Nguyen Thanh Cong

Ho Chi Minh City Industry and Trade College 

Master. Nguyen Thi Dao

Ho Chi Minh City Industry and Trade College

Abstract:

This study focuses on analyzing policies and the current situation of implementating unemployment insurance policies in Dong Nai Province. This study conducts in-depth analyses of the factors affecting the implementation of unemployment insurance policies based on the case study of Dong Nai Province. In order to effectively put policies in practice, it is necessary to synchronously and effectively carry out solutions and policy tools on the basis of applying, selecting, combining various methods and measures flexibly and smoothly. Based on that basis, this study explains, demonstrates and proposes solutions to effectively implement unemployment insurance policies as well as perfect these policies in Vietnam in general and in Dong Nai Province in particular.

Keywords: Unemployment insurance,insurance policy, Dong Nai Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]