Thực thi pháp luật môi trường trong hoạt động du lịch tại tỉnh Hòa Bình - những tồn tại và giải pháp

Nguyễn Hùng Sơn (Văn phòng Luật sư Gia Long)

Tóm tắt:

Du lịch là một trong những lĩnh vực không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, hoạt động du lịch tại Việt Nam nói chung và của tỉnh Hòa Bình nói riêng đã đem lại những giá trị lớn cả về kinh tế và xã hội, song cũng gây ra không ít tác động xấu tới môi trường. Trước thực tế đó, thực hiện tốt các quy định pháp luật môi trường trong hoạt động du lịch là giải pháp căn cơ, nhằm đảm bảo phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Với cách tiếp cận đó, bài viết đánh giá những hạn chế trong thực thi pháp luật môi trường khi tiến hành các hoạt động du lịch tại tỉnh Hòa Bình và đề xuất một số giải pháp khả thi cho việc khắc phục những hạn chế đó.

Từ khóa: du lịch, bảo vệ môi trường, pháp luật môi trường, tỉnh Hòa Bình.

1. Đặt vấn đề

Hòa Bình là một tỉnh miền núi, cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc. Nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng dồi dào cùng nền văn hóa bản xứ dân tộc độc đáo đã tạo nên sức hấp dẫn tiềm năng thu hút khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá. Chính bởi vậy, hoạt động du lịch được phát triển và mang lại nguồn lợi lớn cho kinh tế địa phương và kinh tế khu vực. Ngoài những giá trị tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn cũng có những điều độc đáo như Hòa Bình là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Mông, Dao,… Đây là yếu tố tạo nên sự đa dạng, nét độc đáo của văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình, tạo sức hấp dẫn chủ yếu đối với khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay có khá nhiều bản làng đang khai thác phục vụ du lịch cộng đồng[i].

Tuy nhiên, sự phát triển du lịch đã có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Do vậy, để đảm bảo phát triển bền vững, việc thực thi pháp luật môi trường trong hoạt động du lịch tại tỉnh Hòa Bình là điều vô cùng quan trọng, vừa phát triển du lịch, vừa phải đảm bảo bảo vệ môi trường.

2. Thực trạng thực thi pháp luật môi trường trong hoạt động du lịch tại tỉnh Hòa Bình

Tại tỉnh Hòa Bình, việc thực thi pháp luật môi trường trong hoạt động du lịch đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, những hạn chế vẫn tồn tại trong lĩnh vực này cần được nhìn nhận, đánh giá, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa có sự đồng đều giữa các khu vực, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số còn chiếm phần đa dân cư; việc thực hiện các quy định của pháp luật còn gặp nhiều khó khăn do sự thiếu thốn về điều kiện vật chất cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ quản lý. Trong khi đó, các tiềm năng du lịch lại tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, như: xã Hang Kia - Pà Cò, huyện Mai Châu, các xã vùng ven tại huyện Yên Thủy, Lạc Sơn,… Các khu vực có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dân cư chủ yếu là đồng bào trình độ dân trí mức độ thấp, nên đối với họ việc bảo vệ môi trường còn nhiều lạ lẫm. Ở những vùng này, đồng bào vẫn duy trì những nếp sống, thói quen sinh hoạt xưa cũ gây ảnh hưởng đến môi trường, như: đốt rừng làm nương rẫy canh tác lúa, lấp hồ nhỏ, phá đá bằng mìn và bộc phá,… Bên cạnh đó, việc phổ biến pháp luật đến nhóm những đối tượng này còn gặp nhiều hạn chế, đặt ra cho cơ quan quản lý bài toán khó từ nhiều năm mà vẫn chưa có phương án giải quyết.

Thứ hai, do đặc điểm tài nguyên của Hòa Bình còn mang tính chất phân tán, trải rộng ở nhiều địa bàn khác nhau, tài nguyên du lịch tự nhiên sinh thái thường đan xen với tài nguyên du lịch văn hóa cộng đồng. Hiện trạng này gây rất nhiều khó khăn cho công tác tiếp cận, khai thác, quản lý, đặc biệt là việc triển khai các văn bản quy định, pháp luật. Nhiều khu vực có tiềm năng du lịch, nhưng mới định hình, có nhiều vấn đề không được quản lý chặt chẽ, dẫn đến xuất hiện những hiện tượng gây tổn hại đến môi trường. Nhất là các điểm chưa có điều kiện hình thành các ban quản lý, hoặc có nhưng hoạt động chưa thật sự hiệu quả, việc xây dựng và phát triển quy hoạch để khai thác cho những vực này còn nhiều kẽ hở, khiến cho tài nguyên môi trường khai thác chưa có kế hoạch, rất dễ xảy ra sự cố môi trường nếu các quy định của pháp luật không được triển khai nhanh chóng và đồng bộ.

Thứ ba, số lượng và chất lượng đội ngũ quản lý về pháp luật môi trường trong hoạt động du lịch chưa đồng đều, mặc dù những năm qua hệ thống các cán bộ quản lý, chuyên viên, nhân viên có trình độ được điều động về tuyến huyện, xã đã được lưu tâm. Hệ thống cán bộ nhân viên này số lượng còn mỏng và ít, những cán bộ chuyên viên có kinh nghiệm và trình độ cao chủ yếu tập trung ở huyện, thành phố, còn ở các tuyến thị trấn, xã thôn lại thiếu vắng, thường do các cán bộ chuyên trách kiêm luôn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, giám sát việc thực hiện pháp luật của các chủ thể có liên quan. Tuy nhiên, môi trường là một trong những lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, độ chính xác về mặt số liệu thống kê là điều kiện tiên quyết, việc chỉ để các chính sách quy định này ở mức độ chủ trương mà không áp dụng và thực hiện nghiêm túc trong thực tiễn thì sẽ không đạt được hiệu quả cao như kỳ vọng.

Thứ tư, do việc quản lý áp dụng thực hiện pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, nên vẫn để lọt lưới các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các chủ thể tham gia hoạt động môi trường. Việc thực hiện thanh, kiểm tra, giám sát thường được tổ chức thực hiện mang tính chất định kỳ vào các mốc thời gian cố định trong năm, các số liệu cũng được xác định thường theo kiểu áng chừng vẫn có độ sai số. Việc xây dựng hệ thống các biển hiệu về bảo vệ môi trường vẫn còn phải đốc thúc các ban quản lý điểm, khu du lịch thực hiện. Việc tuyên truyền phổ biến nội quy về bảo vệ môi trường đến du khách tham quan còn yếu.

Thứ năm, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật còn gặp nhiều hạn chế, trang thiết bi đo đạc các thông số môi trường còn thiếu thốn, lỗi thời lạc hậu. Môi trường ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng, trong khi đó các hành vi gây tổn hại môi trường ngày càng tinh vi, hậu quả ngày càng lớn, có những hành vi không thể khắc phục được hậu quả. Do thiếu các trang thiết bị đo lường thông số môi trường, việc cập nhật để sử dụng đo đạc tình trạng môi trường đất, nước, không khí tại các điểm các khu du lịch khó có thể tiến hành. Chính vì thế, việc các báo cáo đánh giá tác động môi trường thiếu số liệu hoặc số liệu không chuẩn đã dẫn tới đánh giá sai về tác động môi trường không thấy rõ được những hậu quả xấu.

Thứ sáu, việc thu hút một nguồn, lượng đầu tư lớn về phát triển các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại phục vụ hoạt động phát triển du lịch trong một thời gian ngắn, địa bàn hẹp cũng có những tác động không hề nhỏ đến môi trường nếu không có kế hoạch. Hoạt động xây dựng các hệ thống trục giao thông vận tải mới để phát triển giao thông giữa Hòa Bình và các địa phương khác cũng gây ra những tác động xấu, như: khoan núi, nổ mìn, ngăn sông, suối, thay đổi dòng chảy,…

Bên cạnh những tồn tại nổi cộm chính đã nêu ở trên, còn một số tồn tại như: công tác quy hoạch giao thông vận tải, và tuyên truyền nâng cao ý thức nhận thức của du khách của người dân địa phương… còn gặp nhiều hạn chế. Cho nên, rất cần thực hiện một số giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế đó.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật môi trường trong hoạt động du lịch tại tỉnh Hòa Bình

Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật môi trường trong hoạt động du lịch tại tỉnh Hòa Bình, cần thực hiện một số giải pháp sau:

(i) Khai thác tối ưu các nguồn tiềm năng phát triển du lịch địa phương gắn với bảo vệ môi trường bằng pháp luật

Để làm được điều đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kế hoạch chủ trương của Nhà nước (các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động, đề án của Trung ương và của Tỉnh) về phát triển du lịch đảm bảo giữ gìn môi trường đến đông đảo chủ thể có liên quan được biết, nắm rõ thuận lợi cho quá trình áp dụng thực hiện. Cụ thể là, cần nhận thức rõ và tiếp tục thực hiện Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động, đề án, Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh; thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển Điểm Du lịch Quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, sao cho hiệu quả, nhanh chóng và phù hợp[ii].

(ii)  Nâng cao nhận thức và vai trò của du khách

Thực hiện các hình thức du lịch có trách nhiệm gắn với trách nhiệm cao của du khách khi đến du lịch ở địa phương bằng các hành động thiết thực với mục tiêu giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, như sau: lắp đặt các panô, áp phích, bảng hướng dẫn trình bày nhắc nhở du khách, nhân viên hướng dẫn du lịch, nhân viên của các công ty lữ hành về việc bảo tồn nguồn năng lượng hiệu quả, ngăn ngừa sự phung phí năng lượng trong sinh hoạt, thu nước thải có thể sử dụng tưới cây, đóng gói thức ăn còn thừa nếu còn sử dụng được,…

(iii)  Phát triển du lịch gắn với bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên môi trường du lịch bao gồm một số hệ thống tài nguyên, như: tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên sinh vật,… Mỗi loại tài nguyên đều có những đặc điểm khác nhau, nhưng tựu trung những nguồn tài nguyên đều hữu hạn, không phải là vô hạn[iii]. Tài nguyên có thể bị cạn kiệt, mất đi khả năng phục hồi tự nhiên nếu không được đưa vào khai thác một cách có hiệu quả, hay có phương án sử dụng, bảo tồn kịp thời. Để thực hiện tốt nội dung này, cần phải quan tâm giải quyết những vấn đề căn bản sau:

Một là, xây dựng kế hoạch khai thác cụ thể, mỗi một chủ thể khi tham gia đầu tư đều cần xây dựng các kế hoạch, xin cấp phép các giấy tờ cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành việc khai thác tài nguyên môi trường. Áp dụng các biện pháp biến đổi, cải tạo phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch. Việc lập kế hoạch khai thác các đối tượng là các tài nguyên môi trường để phát triển du lịch, cần được tiến hành tuần tự theo các bước từ thực hiện công tác khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, đánh giá trữ lượng tài nguyên, độ chịu tải của môi trường, xây dựng báo cáo cụ thể về tình trạng đối tượng của kế hoạch.

Hai là, đánh giá được hạn mức nguồn lợi, khai thác, sử dụng, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi du lịch địa phương. Vì tài nguyên môi trường đều có hạn, vậy nên hạn mức nguồn lợi cần được xây dựng và đánh giá một cách cụ thể và rõ ràng. Hạn mức khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo nguồn lực địa phương cũng cần được đánh giá, quãng thời gian sử dụng, phương thức sử dụng các phương pháp bảo trì, xây dựng theo định mức từ trước để các bước được tiến hành mang tính tuần tự, liên kết với nhau luôn đặt mối quan hệ nguyên nhân kết quả để nhìn nhận hoạt động khai thác có tính tổng cục hài hòa.

Ba là, công tác tái tạo nguồn lực tài nguyên môi trường cũng cần được nghiên cứu thực hiện.Việc đầu tư tái tạo cần nhiều sự đầu tư từ hệ thống cán bộ kỹ thuật, máy móc công nghệ cao, để đo lường thăm dò, báo cáo ngay các sự cố xảy ra để phục hồi kịp thời. Các chế phẩm xử lý môi trường, tài nguyên cũng được đầu tư để phù hợp với tình hình thực tế.

(iv) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật môi trường trong hoạt động du lịch.

Trước hết, tăng cường các đoàn công tác đi kiểm tra việc triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh tại các địa phương. Tăng cường hiệu quả xử lý các vi phạm theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung một số mục tại Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, ngày 24/05/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây là những quy định về chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các hành vi được liệt kê là vi phạm được dự liệu khá đa dạng và đầy đủ nằm trong khung dự liệu của pháp luật về môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng và sử dụng giải quyết các sự cố hậu quả do các hành vi gây nên trong thực tiễn.

Cần thực hiện xây dựng giải pháp hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật môi trường trong hoạt động  du lịch, dự liệu các tình huống cụ thể chi tiết hơn nữa khắc phục điểm tồn tại. Việc xây dựng này cần xây dựng từ điều chỉnh gốc lõi của vấn đề, xác định được gốc của hành vi gây hại, một thực tế chứng minh là pháp luật càng cụ thể hóa bao nhiêu điều luật thì sẽ khiến cho việc áp dụng các điều luật đó trở nên dễ dàng chính xác và hiệu quả.

Về mức phạt cũng là một điều đáng quan tâm. Nhận định chung về mức phạt cho các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch còn khá thấp. Các quy định mức phạt cần xem xét xây dựng lại theo hình thức tăng lên để chủ thể tham gia vì sợ bị phạt cao mà nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch.

4. Kết luận

Thực thi pháp luật môi trường trong hoạt động du lịch đã được thực hiện trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng trong một thời gian dài, song vẫn còn những tồn tại nhất định. Vì thế, cần sớm triển khai các giải pháp phù hợp để đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lợi ích của khách du lịch, cũng như đảm bảo kiểm soát tốt những ảnh hưởng bất lợi của hoạt động du lịch tới môi trường và cộng đồng.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[i] Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (2020). Địa chí tỉnh Hòa Bình. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội,

[ii] Ủy ban nhân dân Tỉnh Hòa Bình (2016). Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10 - NQ/TU, ngày 30/12/2016 về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

[iii] Trường Đại học Luật Hà Nội, (2013). Tập bài giảng pháp luật môi trường trong kinh doanh, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (2020). Địa chí tỉnh Hòa Bình. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.17.
  2. Trường Đại học Luật Hà Nội, (2013). Tập bài giảng pháp luật môi trường trong kinh doanh, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội.
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (2016). Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 10 - NQ/TU, ngày 30/12/2016 về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  4. Quốc hội (2014). Luật Bảo vệ môi trường 2014.
  5. Quốc hội (2017). Luật Du lịch 2017.
  6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường (2013). Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT - BVHTTDL - BTNMT hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch , tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
  7. Chính phủ (2016). Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
  8. Chính phủ (2021). Nghị định số 55/2021/NĐ -CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ - CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
  9. UBND tỉnh Hòa Bình (2020). Quyết định 04/2020/QĐ-UBND tỉnh Hòa Bình, ban hành Quy chế quản lý hoạt động các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

THE ENFORCEMENT OF ENVIRONMENTAL PROTECTION PROVISIONS IN THE TOURISM INDUSTRY OF HOA BINH PROVINCE: SHORTCOMINGS AND SOLUTIONS

Nguyen Hung Son

Gia Long Law Office

Abstract:

Tourism is one of the indispensable fields in the socio-economic development. In recent years, the tourism industry in Vietnam in general and Hoa Binh Province in particular have brought great economic and socio values. However, tourism activities also cause negative impacts on the environment. As a result, the full enforcement of environmental protection provisions in tourism activities is considered a fundamental solution to ensure the sustainable development of tourism industry in Vietnam. Based on this approach, this paper assesses some shortcomings of enforcing environmental protection provisions when tourism activities are conducted in Hoa Binh Province. This paper also proposes some solutions to overcome these shortcomings.

Keywords: tourism, environmental protection, environmental law, Hoa Binh Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]