Thực tiễn áp dụng pháp luật về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong tố tụng dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

TS. BÙI KIM HIẾU (Khoa Luật - Trường Đại học Đà Lạt), LƯƠNG THỊ THU HÀ (Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột)

TÓM TẮT:

Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu hướng chung của thời đại. Nhiều nước trên thế giới chú trọng sử dụng phương thức này trong việc giải quyết tranh chấp. Chúng ta cần nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân ở Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phân tích tình hình áp dụng pháp luật về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong tố tụng dân sự và những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong tố tụng dân sự.

Từ khóa: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

1. Đặt vấn đề

Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự là hoạt động do Tòa án tiến hành nhằm thừa nhận việc thống nhất ý chí của các đương sự về việc giải quyết vụ án dân sự. Việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự phải được thể hiện bằng một văn bản pháp lý có giá trị bắt buộc, được bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Bản chất công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là thể hiện nội dung quyền tự định đoạt của đương sự. Khi tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, các chủ thể tự do ý chí và tự do bày tỏ ý chí, tự do quyết định, tự do thỏa thuận về việc giải quyết vụ án. Thông qua công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, vụ án dân sự đã được giải quyết nhanh chóng, thời gian tố tụng được rút ngắn, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ nhân dân.

Bên cạnh đó, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu hướng chung của thời đại. Nhiều nước trên thế giới chú trọng sử dụng phương thức này trong việc giải quyết tranh chấp. Chúng ta cần nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân ở Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phân tích tình hình áp dụng pháp luật về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong tố tụng dân sự và những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong tố tụng dân sự.

2. Tình hình áp dụng pháp luật về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong tố tụng dân sự những năm gần đây

Thông qua các báo cáo tổng kết công tác xét xử hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), những năm gần đây, số lượng các vụ án dân sự được giải quyết bằng phương thức công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chiếm tỉ lệ tương đối cao trong tổng số các vụ án dân sự đã được giải quyết. Cụ thể:

Qua các số liệu trên, có thể nhận thấy, nhìn chung số lượng vụ án dân sự thụ lý tăng dần qua các năm, từ năm 2010 đến năm 2015, tổng số vụ án tăng từ 215.741 vụ án đến 327.762 vụ án, trung bình mỗi năm tăng gần 22.404 vụ án. Tổng số vụ án dân sự được giải quyết cũng tăng qua từng năm, từ 194.372 vụ án đến 304.689 vụ án, trung bình mỗi năm tăng khoảng 22.063 vụ án. Số vụ án được công nhận sự thỏa thuận tăng từ 99.713 vụ án đến 163.881 vụ án, trung bình mỗi năm tăng khoảng 12.833 vụ án. Tỷ lệ vụ án được giải quyết bằng phương thức công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có năm chiếm 54% tổng số vụ án được giải quyết, tỷ lệ thấp nhất cũng chiếm 50% tổng số vụ án được giải quyết.

Ngoài ra, báo cáo tổng kết công tác hàng năm của một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) được công nhận cũng khá khả quan.

Kết quả công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi giải quyết các vụ án dân sự của một số Tòa án nhân dân các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua:

Qua số liệu trên, tỷ lệ công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ án dân sự được Tòa án nhân dân giải quyết. Tỷ lệ công nhận sự thỏa thuận của các đương sự giai đoạn 2010 - 2015 của các tỉnh này trung bình khoảng 50%, càng về sau thì tỷ lệ này càng cao.

Có được kết quả này là do trình độ dân trí ngày càng cao, nhân dân ý thức được việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng pháp luật, lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng con đường Tòa án ngày càng phổ biến nên số lượng vụ án dân sự ngày càng nhiều, tăng dần qua các năm. Thỏa thuận của các đương sự không qua thủ tục xét xử cũng cũng chiếm tỷ lệ cao. Điều đó thể hiện rằng, nhân dân đã ý thức hơn trong việc giải quyết các vụ án làm sao cho có hiệu quả nhất.

3. Những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong tố tụng dân sự

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thực tế, hoạt động công nhận sự thỏa thuận của các đương sự do Tòa án tiến hành vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định.

3.1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có nội dung khác với biên bản hòa giải thành

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là văn bản ghi nhận nội dung thỏa thuận của các đương sự, thể hiện trong biên bản hòa giải thành đã lập trước đó. Có những vụ án quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có nội dung sai lệch so với biên bản hòa giải, không thể hiện đúng ý chí thỏa thuận của đương sự.

Ví dụ: Ông Châu Xuân Vũ là chủ doanh nghiệp tư nhân Phương Nam. Ngày 15/9/2008, doanh nghiệp tư nhân Phương Nam đồng ý nhượng 51% phần vốn cho ông Phạm Thanh Tùng và chuyển doanh nghiệp tư nhân Phương Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Nam. Ông Tùng đã cam kết góp đủ vốn trong tháng 01/2009. Thế nhưng ông Tùng chỉ mới đóng góp được 3,77 tỷ đồng trong tổng số tiền 22 tỷ đồng ông cam kết phải đóng góp. Chính do sự chậm trễ của ông Tùng nên đã xảy ra tranh chấp.

Ngày 08/01/2010, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành hòa giải. Nội dung biên bản hòa giải ghi: “Nếu sau thời gian 4 tháng, tôi (Ba Vũ) không trả được nợ tôi sẽ giao công ty, giao quyền quản lý cho ông Tùng”. Ngày 18/01/2010, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Quyết định ghi “Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày hòa giải thành là ngày 08/01/2010 nếu ông Châu Xuân Vũ không trả được nợ, thì sẽ giao tài sản của doanh nghiệp tư nhân Phương Nam và công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Nam cho ông Phạm Thanh Tùng để trừ số nợ trên”.

Quyết định trên của Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã làm sai lệch biên bản hòa giải khi đưa gộp cả việc bàn giao tài sản doanh nghiệp tư nhân Phương Nam trong khi biên bản hòa giải chỉ ghi nhận thỏa thuận bàn giao tài sản của công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Nam. Điều này sẽ không thể hiện đúng ý chí của đương sự, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự.

3.2. Công nhận nội dung thỏa thuận trái với quy định của pháp luật

Nguyên tắc để công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Chỉ khi nội dung thỏa thuận của các đương sự đáp ứng được các điều kiện này thì Tòa án mới công nhận thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, trên thực tế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà một số Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi những thỏa thuận này vi phạm các quy định của pháp luật.

Ví dụ: Ngày 29/5/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 147/2012/QĐST-DS ngày 20/8/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đối với vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Trương Thị Mười, bị đơn là Công ty cổ phần Đầu tư Ngọc Quang.

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Ngày 30/12/2011, bà Vũ Thị Kim Thanh - Tổng giám đốc đại diện cho Công ty Ngọc Quang ký vào văn bản xác nhận việc Công ty Ngọc Quang còn nợ bà Trương Thị Mười 205.000.000 đồng, cam kết Công ty sẽ trả tiền chậm nhất vào ngày 15/01/2012, văn bản nhận nợ có đóng dấu của Công ty Ngọc Quang. Do bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ngày 09/7/2012 bà Mười có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột giải quyết buộc Công ty Ngọc Quang trả 205.000.000 triệu đồng nợ gốc và tiền lãi tính từ ngày 15/01/2012 cho đến khi thanh toán xong.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành hòa giải giữa các đương sự, kết quả hòa giải thành.

Tại Quyết định số 147/2012/QĐST-DS ngày 20/8/2012, Tòa án cấp sơ thẩm công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau: “Công ty cổ phần Đầu tư Ngọc Quang có trách nhiệm trả nợ cho bà Trương Thị Mười tổng số tiền 226.525.000 đồng. Trong đó, tiền gốc vay là 205.000.000 đồng và tiền lãi là 21.525.000 đồng tính từ ngày 11/8/2012. Phương thức và thời hạn trả nợ theo trình tự thi hành án. Áp dụng khoản 2 Điều 305 BLDS để tính lãi suất chạm trả trong thi hành án, khi người được thi hành án có đơn yêu cầu”. Ngoài ra, quyết định còn giải quyết về phần án phí và quyền yêu cầu thi hành án của đương sự.

Ngày 27/8/2014, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột có công văn số 3273/CCTHADS đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với quyết định trên.

Ngày 23/3/2015, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Kháng nghị Giám đốc thẩm số 09/2015/KN-DS, đề nghị Ủy ban thẩm phán Tào án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hủy quyết định nói trên, vì Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giải quyết vụ án.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ý kiến của Kiểm sát viên và kết quả thảo luận, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy:

Thời điểm giải quyết vụ án thì lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2012 là 9%, tương ứng 0,75%/tháng. Toà án cấp sơ thẩm buộc Công ty cổ phần Ngọc Quang trả cho bà Mười 21.525.000 đồng tiền lãi, tương đương với mức lãi suất 1,5%/tháng là vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm Điều 476 Bộ luật dân sự, ảnh hưởng tới quyền lợi của bị đơn.

Chính vì vậy mà căn cứ vào khoản 3 Điều 297, Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm số 09/2015/KN-DS ngày 23/3/2015 của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk; hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 147/2012/QĐST-DS ngày 20/8/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một vụ án về trường hợp Tòa án đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi thỏa thuận này trái quy định về lãi suất cho vay không tuân theo quy định của pháp luật dân sự. Theo khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về lãi suất: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Tuy nhiên, ở đây các đương sự đã thỏa thuận mức lãi suất 1,5%/tháng. Mà thời điểm giải quyết vụ án thì lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 9%, tương ứng 0,75%/tháng. Như vậy, mức lãi suất các đương sự thỏa thuận đã vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm Điều 476 Bộ luật Dân sự. Và việc Tòa án cấp sơ thẩm công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đã làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bị đơn.

3.3. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác

Bên cạnh việc một số Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi nội dung thỏa thuận này trái với quy định của pháp luật, thì cũng còn tồn tại việc Tòa án công nhận sự thỏa thuận của các đương sự làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Dưới đây là một vụ án:

Ngày 23/7/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 23/2013/QĐST-DS ngày 29/3/2013 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng đối với vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Thu, bị đơn là ông Trần Văn Trung và bà Nguyễn Thị Lý.

Tại Quyết định số 23/2013/QĐST-DS ngày 29/3/2013, Tòa án nhân dân huyện Krông Năng công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:

“Về số lượng nợ: Bà Lê Thị Thu cùng bà Nguyễn Thị Lý thống nhất tính đến ngày 19/3/2013 bà Lý còn nợ bà Thu 500.000.000 đồng.

Về trách nhiệm và nghĩa vụ thanh toán: Bà Thu và bà Lý thống nhất, bà Lý có trách nhiệm tự mình thanh toán cho bà Thu số tiền 500.000.000 đồng, ông Trung chồng bà Lý không phải chịu trách nhiệm liên đới cùng bà Lý thanh toán nợ cho bà Thu.

Về thời hạn và phương thức thanh toán: Bà Thu đồng ý cho bà Lý được thanh toán số nợ 500.000.000 đồng thành hai đợt:

- Đợt 1: Bà Lý giao phần tài sản là quyền sử dụng dất trong diện tích là một phần hai đã được cầm cố cho bà Thu để khấu trừ một phần số nợ. Phần giá trị quyền sử dụng đất xử lý nợ cho bà Thu thuộc tờ bản đồ số 09, thửa đất số 25a, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B955911 cấp ngày 17/6/1993 cho ông Trần Văn Trung chồng bà Lý đứng tên.

- Đợt 2: Số nợ còn lại sẽ được bà Lý thanh toán sau khi bà Lý hết hạn thi hành án phạt tù. Bà Thu đồng ý giao lại 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P148346 mang tên Nguyễn Văn Đổng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H082569 mang tên Nguyễn Văn Giảng, sau khi bà Lý đã thanh toán được một phần nợ cho bà Thu.

Áp dụng khoản 2 Điều 305 BLDS để tính lãi suất đối với số tiền chậm thi hành án có khi có đơn yêu cầu thi hành án”. Ngoài ra, quyết định còn giải quyết về phần án phí và quyền yêu cầu thi hành án của đương sự.

Ngày 04/11/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhận được đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nguyệt, là người được thi hành Bản án số 90/2013/DSPT ngày 20/6/2013 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa bà Nguyệt và vợ chồng bà Lý, ông Trung.

Ngày 09/01/2015, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2015/KN-DS, đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nói trên, vì Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ý kiến của kiểm sát viên và kết quả thảo luận, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 23/2013/QĐST-DS ngày 29/3/2013 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 23/2013/QĐST-DS ngày 29/3/2013 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng bị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm tuyên hủy là đúng pháp luật. Bởi vì, thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 23/2013/QĐST-DS ngày 29/3/2013 thì vợ chồng bà Lý, ông Trung đang có nghĩa vụ thi hành án trả cho bà Nguyễn Thị Nguyệt số tiền 800.000.000 đồng theo Quyết định của Bản án số 01/2013/DSST ngày 07/01/2013 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng và Bản án số 90/2013/DSPT ngày 20/6/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Như vậy, trong khi vợ chồng bà Lý, ông Trung đang có nghĩa vụ thi hành án trả nợ cho bà Nguyệt thì việc Tòa án cấp sơ thẩm công nhận sự thỏa thuận của đương sự về việc bà Lý dùng quyền sử dụng đất để khấu trừ nợ với bà Thu, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người được thi hành án là bà Nguyệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tòa án nhân dân tối cao (2011), Báo cáo số 01/BC-TA ngày 04/01/2011 về tổng kết công tác năm 2010 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2011 của ngành Tòa án nhân dân.

2. Tòa án nhân dân tối cao (2011), Báo cáo số 36/BC-TA ngày 28/12/2011 về tổng kết công tác năm 2011 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2012 của ngành Tòa án nhân dân.

3. Tòa án nhân dân tối cao (2013), Báo cáo số 05/BC-TA ngày 08/01/2013 về tổng kết công tác năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2013 của ngành Tòa án nhân dân.

4. Tòa án nhân dân tối cao (2014), Báo cáo số 01/BC-TA ngày 09/01/2014 về tổng kết công tác năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2014 của ngành Tòa án nhân dân.

5. Tòa án nhân dân tối cao (2015), Báo cáo số 03/BC-TA ngày 15/01/2015 về tổng kết công tác năm 2014 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015 của ngành Tòa án nhân dân.

6. Tòa án nhân dân tối cao (2016), Báo cáo số 05/BC-TA ngày 11/1/2016 về tổng kết công tác năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2016 của ngành Tòa án nhân dân.

7. Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Báo cáo tổng kết công tác năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015.

8. Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông, Báo cáo tổng kết công tác năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015.

9. Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Báo cáo tổng kết công tác năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015.

10. Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum, Báo cáo tổng kết công tác năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015.

11. Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Báo cáo tổng kết công tác năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015.

12. Số liệu tổng hợp từ các Báo cáo tổng kết công tác năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.

13. “Hòa giải một đằng, quyết định một nẻo”, http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/hoa-giai-mot-dang-quyet-dinh-mot-neo/137100.html, truy cập lúc 21h00 ngày 9/12/2015.

14. Quyết định giám đốc thẩm số 17/2015/DS-GĐT ngày 29/5/2015 về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

15. Quyết định giám đốc thẩm số 06/2015/DS-GĐT ngày 27/3/2015 về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Practical application of law on recognizing the agreement of the conventions of civil action under the civil law procedure of 2015

PhD. BUI KIM HIEU

Faculty of Law – Dalat University

MA. LUONG THI THU HA

Buon Ma Thuot Law Junior College

ABSTRACT:

Recognition of the parties' agreement is a way of settling disputes in line with the general trend of the times. Many countries around the world attach importance to using this method in dispute resolution. We need to study to build and perfect the system of legal provisions on recognition of the agreement of the litigants in resolving civil cases at the People's Courts in Vietnam. Within the scope of this article, we analyzed the situation of application of the law on recognition of the agreement of the litigants in civil proceedings and the limitations in the implementation of the provisions of Vietnamese law on recognition of the agreement of the litigants in civil proceedings.

Keywords: Recognizing the agreement of the litigants; Civil procedure, Civil Procedure Code 2015.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây.