Thực trạng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

THS. LƯƠNG NGUYỆT ÁNH - THS. HỒ THỊ MAI SƯƠNG (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Sự phát triển của phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam trong những năm gần đây nằm trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ. Công nghệ thông tin, thương mại điện tử là thế mạnh của giới trẻ và nó cũng lý giải cho sự kết hợp của hai yếu tố “khởi nghiệp” và “nền kinh tế chia sẻ” để trở thành phong trào “khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ” được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là giới trẻ tại Việt Nam lựa chọn phát triển và đã thu được nhiều thành công nổi bật trong phong trào khởi nghiệp, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản luật nào quy định cụ thể về kinh tế chia sẻ và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong kinh tế chia sẻ chỉ nhận được sự hỗ trợ theo các chính sách chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế truyền thống. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.

Từ khóa: Chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp, nền kinh tế chia sẻ, Việt Nam.

1. Thực trạng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Nền kinh tế chia sẻ” là một thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. Kinh tế chia sẻ được manh nha hình thành từ những năm 1990 tại Mỹ nhưng phải đến năm 2008 mô hình này mới thực sự phát triển mạnh mẽ khi kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính, buộc người dân phải thay đổi cách tiêu dùng khi giá cả và tỷ lệ thất nghiệp đều tăng cao, đời sống khó khăn. Nhiều nhà đầu tư nắm bắt cơ hội về một thị trường tiềm năng từ mô hình kinh tế chia sẻ, thực hiện các dự án khởi nghiệp, đem lại những thành công lớn với những điển hình như Uber, Airbnb, Grap… giúp lan tỏa một cách nhanh chóng mô hình kinh tế chia sẻ ra phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, năm 2014 đánh dấu sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ với sự xuất hiện của những hãng taxi công nghệ lớn như Easy taxi, Uber, Grap… Sau gần 6 năm phát triển tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng biết thêm những tên tuổi như Airbnb, Soft Bank,… với những thói quen sử dụng sản phẩm của kinh tế chia sẻ nhờ sự tiện lợi, chi phí thấp… Nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế này cũng gặp phải rất nhiều khó khăn khi cho đến nay hệ thống luật pháp Việt Nam vẫn chưa đưa ra một khái niệm rõ ràng cho thuật ngữ “kinh tế chia sẻ”, chưa có những văn bản điều chỉnh riêng cho ngành kinh tế này. Ngoài “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” mới được ban hành trong Quyết định số 999/QĐ-TTg vào tháng 9 năm 2019 mới đang trong giai đoạn triển khai thì hiện nay, Việt Nam chưa có các chính sách hỗ trợ dành riêng cho hoạt động khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ, sự hỗ trợ nhận được vẫn là từ các văn bản chung của Nhà nước cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

1.1. Hỗ trợ các văn bản quy phạm hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ

Mặc dù kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ từ năm 2014 khi có sự gia nhập của những “ông” lớn trong nền kinh tế này như Uber, Grap với các phương thức hoạt động mới, đặc thù nhưng nhiều năm qua các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế này vẫn nằm trong diện thí điểm quan sát theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 về việc “Ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”.

Theo đó, Quyết định này cho phép thí điểm hoạt động cung ứng dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin được phép hoạt động thí điểm tại 5 tỉnh thành của cả nước (gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh) nhằm mục tiêu đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật, tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai, đặc biệt là sàn giao dịch vận tải. Đây cũng là việc làm đáp ứng theo nhu cầu thực tiễn của người dân về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh. Quyết định này ban đầu đã giúp các hãng kinh doanh dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ như Grap, Uber hay Easy taxi có được cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn nhất và giàu tiềm năng nhất của Việt Nam.

Đây cũng chính là nền tảng giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công nghệ có được sự phát triển trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện thí điểm loại hình xe taxi công nghệ thì ngày 17 tháng 01 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và để thực hiện hóa Nghị định này, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 146/QĐ - BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (taxi công nghệ). Quyết định này đã đưa dịch vụ xe ô tô công nghệ chính thức vào hoạt động như những ngành nghề kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khác trên thị trường.

Mặc dù các hãng kinh doanh dịch vụ vận tải công nghệ không còn bó buộc trong phạm vi 5 tỉnh thành mà được phép hoạt động trong phạm vi cả nước, nhưng buộc phải lựa chọn một trong hai phương án hoạt động: là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải. Như vậy, Nghị định nhằm phân định rõ vai trò của các chủ thể cung ứng phần mềm kết nối vận tải trong lĩnh vực chia sẻ phương tiện đi lại, tạo ra được thị trường cạnh tranh công bằng với các hãng taxi truyền thống.

Gần đây, một chính sách quan trọng tác động trực tiếp tới kinh tế chia sẻ chính là Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ”. Đề án được phê duyệt là sự hỗ trợ không nhữngvề mặt chính trị, mà còn mang tới nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ, như:

- Tạo ra nền tảng pháp lý điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế chia sẻ, giúp tạo ra được một sân chơi chung, cạnh tranh bình đẳng với các công ty truyền thống, góp phần đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng.

- Thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ đối với phát triển kinh tế chia sẻ, qua đó góp phần khuyến khích các nhà đầu tư tham gia khởi nghiêp trong nền kinh tế này trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

- Góp phần thay đổi tư duy và cách nhận thức và nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước phù hợp với sự phát triển của kinh tế số, kinh tế chia sẻ và cách mạng công nghiệp 4.0.

- Nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.

Như vậy, mặc dù kinh tế chia sẻ bước đầu đã có được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ nhưng sự đáp ứng của pháp luật hiện hành với mô hình kinh tế mới này còn chưa cao. Ngoại trừ Nghị định số 10/2020 của Chính phủ mới ban hành có yêu cầu xác định rõ vị trí của các đơn vị cung ứng phần mềm kết nối vận tải công nghệ thì Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, chưa có quy định liên quan đến điều chỉnh hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ. Điều này khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn khi đăng ký kinh doanh và thực hiện các hoạt động.

1.2. Chính sách hỗ trợ về vốn, tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ

Đối với bất kỳ một doanh nghiệp khởi nghiệp nào, vốn đều được coi như nguồn sống. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp khi khởi nghiệp chỉ có một nguồn vốn tự thân rất nhỏ so với nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp. Nhu cầu vốn lớn nhưng khả năng vay vốn của các doanh nghiệp này lại thấp do chưa có tài sản thế chấp, doanh nghiệp nhiều khi mới chỉ hình thành trên ý tưởng. Để biến những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực thì những chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có một vai trò rất quan trọng. Nhận định được điều đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Những chính sách này bao gồm cả chính sách hỗ trợ vay vốn trực tiếp hay các chính sách tài chính khác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung. Cho đến nay, vẫn chưa có một chính sách hỗ trợ riêng về vốn hay các ưu đãi tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ mà vẫn tuân theo cơ chế điều chỉnh chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp.

a. Thực trạng chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ. Nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp vượt những khó khăn của giai đoạn khởi nghiệp, nhiều văn bản Luật và Nghị định đã được ban hành, như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP… Theo đó:

- Tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức tài chính nhà nước tại các địa phương, căn cứ vào điều kiện ngân sách của mình thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp.

Theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, các địa phương cần lựa chọn các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đủ điều kiện để cùng đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; nếu khoản vốn đầu tư được lấy từ ngân sách địa phương thì phải đảm bảo không quá 30% tổng vốn đầu tư mà doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn; khoản vốn này phải được chuyển nhượng cho nhà đầu tư tư nhân trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm góp vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

- Luật Chuyển giao công nghệ quy định các doanh nghiệp được phép sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước thực hiện hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

- Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đã giúp quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của Quỹ đầu tư khởi nghiệp, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động của Quỹ.

Theo đó, (1) Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác; (2) Tài sản góp vốn có thể bằng Đồng Việt Nam, vàng, giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Nhà đầu tư không được sử dụng vốn vay để góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; (3). Danh mục và hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo bao gồm: a) Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật; b) Đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư; (4) Toàn bộ số vốn góp và tài sản của các nhà đầu tư tại quỹ phải được hạch toán độc lập với công ty thực hiện quản lý quỹ; (5). Các nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ tự thỏa thuận về thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư và nội dung này phải được quy định tại điều lệ quỹ và hợp đồng với công ty thực hiện quản lý quỹ.

b. Thực trạng chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng của Chính phủ cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ các Quỹ đầu tư khởi nghiệp, các tổ chức tài chính địa phương, các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ nói riêng rất cần những hỗ trợ tài chính khác để có thể vay vốn. Thông thường điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng là khách hàng phải có năng lực tài chính tốt, dự án vay vốn khả thi và có tài sản ảo đảm để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ nói riêng khó có thể đáp ứng được điều kiện trên do quy mô khởi nghiệp ban đầu thường nhỏ và có nhiều rủi ro.

Trước thực trạng trên, nhằm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có quy định về việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho các DNNVV thông qua chính sách tăng dư nợ cho vay theo từng thời kỳ và cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV. Theo đó, các DNNVV sẽ được các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng hay được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ này được quy định cụ thể tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ban hành ngày 08/3/2018. Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ thuộc nhóm các DNNVV còn có thể tiếp cận nguồn vốn theo cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV qua Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) theo Thông tư số 47/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

1.3. Chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ là một ngành kinh tế mới tại Việt Nam có cách thức hoạt động khác với những mô hình kinh doanh truyền thống. Hiện nay, do tính mới của kinh tế chia sẻ nên pháp luật về thuế vẫn chưa có những nội dung liên quan đến ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, do đặc thù về quy mô khi khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong kinh tế chia sẻ là một trong các nhóm đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và vừa nên có thể áp dụng ưu đãi thuế được quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp hiện có theo Luật Doanh nghiệp 2014.

Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các công ty cung ứng phần mềm kết nối trong kinh tế chia sẻ sẽ được hưởng mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm do nằm trong danh mục b) “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm phần mềm…”.

1.4. Chính sách hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp

Trong Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước quý I năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đưa ra mục tiêu: trong năm 2020 sẽ phổ cập smartphone, 100% người dân Việt Nam đều dùng điện thoại thông minh. Khi mục tiêu này đạt được sẽ mở ra một thị trường rộng lớn cho kinh tế chia sẻ với hơn 97 triệu dân Việt Nam. Kinh tế chia sẻ hoạt động dựa trên nền tảng số, kết nối người muốn chia sẻ tài sản mình sở hữu với người dùng có nhu cầu, do đó, việc phát triển nền tảng công nghệ là một trong những yếu tố quyết định tới “sự sống” của các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ nói riêng và toàn bộ nền kinh tế này nói chung. Như vậy, mặc dù chiến dịch phổ cập smartphone của Bộ Thông tin và Truyền thông không phải là một chính sách dành riêng nhằm phát triển kinh tế chia sẻ nhưng lại có tác động rất lớn giúp hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ, tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ.

2. Kiến nghị chính sách nhằm hỗ trợ khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Như vậy, mặc dù kinh tế chia sẻ bước đầu đã có được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, nhưng sự đáp ứng của pháp luật hiện hành với mô hình kinh tế mới này còn chưa cao, chưa có quy định liên quan đến điều chỉnh hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ. Điều này khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn khi đăng ký kinh doanh và thực hiện các hoạt động, khiến nhiều nhà đầu tư “chùn bước” trước ý định khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ. Trước thực trạng trên, để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ, phát triển mô hình kinh tế này, theo Quyết định số 999/QĐ-TTg, hai giải pháp trước mắt cần thực hiện, bao gồm:

Thứ nhất, nên xây dựng và thực hiện khung pháp lý thử nghiệm “Regulatory Sandbox” cho hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ. Trong đó, cần đưa ra các chế tài riêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế chia sẻ do những đặc thù riêng của mô hình kinh tế này, giảm bớt rào cản ra nhập thị trường của các doanh nghiệp khởi nghiệp,… để các doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, dần dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng các yêu cầu quản lý. Trong bối cảnh khung pháp lý thường đi sau thực tế, việc cho áp dụng Sanbox thử nghiệm chính sách là cần thiết giúp các cơ quan nhà nước thích ứng kịp thời đối với những công nghệ mới.

Thứ hai, nên khẩn trương xây dựng “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo” với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ hoạt động. Nga và Thụy Sỹ là hai nước điển hình về thành công của đặc khu công nghệ, đem lại sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ. Các doanh nghiệp hoạt động trong đặc khu này được miễn, giảm thuế, cho phép có những quy chế hoạt động riêng với nhiều ưu đãi. Từ năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương xây dựng đặc khu này, tuy nhiên cho đến nay, đặc khu này vẫn chưa được tiến hành xây dựng. Để có thể tạo điều kiện cho phát triển khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ, việc xây dựng “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo” để đưa các doanh nghiệp công nghệ nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế chia sẻ nói riêng vào hoạt động là một việc làm cấp thiết hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Chuyển giao công nghệ (Luật số 07/2017/QH14) ngày 19/06/2017.

2. Luật Doanh nghiệp (Luật số 68/2014/QH13) ngày 26/11/2014.

3. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (Luật số 04/2017/QH14) ngày 10/07/2017.

The status of policies on supporting star-ups of

Vietnam’s sharing economy

Master. Luong Nguyet Anh

Thuongmai University

Master. Ho Thi Mai Suong

Thuongmai University

ABSTRACT:

In recent year, the start-up movement in Vietnam has occured during the strong development of Industry 4.0 including the rapid growth of sharing economy model. Information technology and e-commerce are the strengths of young people and these factors explains why "entrepreneurship" and "sharing economy" factors become the “sharing economy startups” movement which is greatly attracting attention from investors, especially the youth in Vietnam. This movement has gained achivements and contributed to the country’s economic development. However, there are no specific regulatuions of sharing economy and start-up businesses and sharing economy starups have only received support under the general policies for starups, and small and medium-sized enterprises in the traditional economy. This article focuses on analyzing the development situation of sharing economy startups and proposes a number of solutions to support startups in the sharing economy of Vietnam.

Keywords: Supportive policies, start-ups, sharing economy, Vietnam.