Thực trạng công bố thông tin phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết ngành thực phẩm

THS. NGÔ QUANG TUẤN (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Phát triển kinh tế gắn liền với phát triền môi trường bền vững đang là yêu cầu cấp bách với mọi quốc gia. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp cần có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Nghiên cứu nhằm trao đổi về khái niệm trách nhiệm xã hội và báo cáo bền vững; báo cáo bền vững của các doanh nghiệp thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.Từ đó, tác giả đưa ra một số khuyến nghị để nâng cao chất lượng báo cáo bền vững của các doanh nghiệp thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Từ khóa: trách nhiệm môi trường, trách nhiệm xã hội, báo cáo bền vững, ngành thực phẩm

1. Đặt vấn đề

Sự bền vững của môi trường hiện đang là một vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Gray (2006) đã đánh giá sự cần thiết của phát triển môi trường bền vững bằng cách cung cấp các ước tính về việc con người đã khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, khi môi trường đang ngày càng chịu nhiều tác động tiêu cực, tầng ozone bị ảnh hưởng nặng nề dẫn tới sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp cần phải thay đổi cách kinh doanh. Do đó, khái niệm về tính bền vững của doanh nghiệp đã trở thành một nguồn lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Hội đồng Kinh doanh thế giới vì sự phát triển bền vững (2002) đã xác định tính bền vững của doanh nghiệp là doanh nghiệp phải cam kết hoạt động kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững; cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhân viên, gia đình của họ, cộng đồng và xã hội địa phương nói chung.

Thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh thông tin tài chính, các doanh nghiệp còn phải báo cáo về hoạt động phát triển bền vững. Báo cáo bền vững (BCBV) bổ sung cho báo cáo tài chính, nhằm thông tin đầy đủ về doanh nghiệp trong mối quan hệ với các bên có liên quan khi thực hiện hoạt động kinh doanh. BCBV là thông tin của doanh nghiệp về các cam kết phát triển bền vững và những hoạt động để thực hiện các cam kết này.

Tác giả sẽ trình bày khái quát nội dung BCBV. Từ đó, bài viết sẽ đánh giá về thực trạng BCBV của các doanh nghiệp niêm yết ngành thực phẩm. Bài viết nhằm đạt được các mục tiêu sau: Cung cấp một cái nhìn tổng quan về khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trách nhiệm môi trường, tính bền vững và BCBV; Thực trạng BCBV các doanh nghiệp niêm yết ngành thực phẩm và đưa ra khuyến nghị.

2. Tổng quan về khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và BCBV

Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có nguồn gốc từ những năm 1950, nhưng ý nghĩa của khái niệm này thực sự được quan tâm vào đầu những năm 1970. Theo Choi (2008), trách nhiệm xã hội liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các tác động của nó đến phúc lợi của nhân viên, cộng đồng địa phương và môi trường. ISO 26000 là tiêu chuẩn quốc tế cho trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được công bố vào tháng 11/2010. Trách nhiệm với môi trường là một trong những yếu tố được đề cập tới và tiết lộ tác động của các hoạt động doanh nghiệp đối với môi trường, như ô nhiễm nước, không khí, đất đai và tiếng ồn.

Eccles và Krzus (2010) nhận thấy đã xuất hiện mối lo ngại toàn cầu về tác động tiêu cực lâu dài của các hoạt động công nghiệp đối với môi trường, làm giảm hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp và quốc gia nói chung. Các tác động môi trường bao gồm hiệu ứng nhà kính, các chất độc hại, ô nhiễm phát sinh trong quá trình sản xuất và suy giảm tầng ozone. Yêu cầu các doanh nghiệp công khai thông tin về tác động môi trường, thể hiện sự cam kết của các doanh nghiệp về sự bền vững môi trường. Đã có nhiều nhà nghiên cứu cho thấy tính bền vững là đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.

Theo Elkington (1998), tính bền vững đến từ sự cân bằng trên ba khía cạnh bao gồm: Lợi nhuận (kinh tế), con người (xã hội) và hành tinh (môi trường). Do đó, BCBV là hệ quả tất yếu cho việc các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm trước các bên liên quan về các hoạt động của mình nhằm hướng tới phát triển bền vững. Các doanh nghiệp xây dựng, công bố BCBV đánh giá và công bố những thông tin về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên các khía cạnh môi trường và xã hội, bên cạnh những thông tin về hiệu quả hoạt động tài chính và quản trị. BCBV là cách thức mới để xây dựng và định lượng giá trị của doanh nghiệp. BCBV giúp doanh nghiệp và tổ chức công bố thông tin về tính bền vững theo cách tương tự như báo cáo tài chính.

Thông qua việc báo cáo một cách minh bạch, có tính giải trình và trách nhiệm, các doanh nghiệp củng cố lòng tin của các bên liên quan vào doanh nghiệp và nền kinh tế. Quá trình báo cáo đồng thời thúc đẩy cải tiến nhiều mặt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở mức độ cơ sở, BCBV là công cụ có thể cải thiện khả năng nhận biết của doanh nghiệp về các rủi ro và cơ hội kinh doanh mới. Từ góc độ này, BCBV giúp doanh nghiệp chuẩn bị cho xu hướng phát triển mới, phân cấp trách nhiệm và cải thiện hệ thống quản lý để dần nâng cao hiệu quả hoạt động.

3. Vấn đề công bố thông tin về phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết

Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính là văn bản pháp lý đầu tiên yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên thị trường chứng khoán Việt Nam công bố thông tin về phát triển bền vững. Công ty niêm yết có thể lập riêng BCBV hoặc trình bày tích hợp trong báo cáo thường niên. Nội dung doanh nghiệp phải báo cáo tác động đến môi trường và xã hội, cụ thể bao gồm 6 vấn đề: (1) Quản lý nguồn nguyên liệu; (2) Tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước; (3) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; (4) Chính sách liên quan đến người lao động; (5) Báo cáo liên quan đến trách nhiệm với cộng đồng địa phương; (6) Báo cáo liên quan đến thị trường vốn xanh. Thông tư số 155/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Sau hơn 4 năm, Thông tư số 155/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành cho đến nay, BCBV của các doanh nghiệp niêm yết đã có sự phát triển đáng kể. Năm tài chính 2016 là năm đầu tiên các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo thông tin phát triển bền vững nên nhiều doanh nghiệp còn bị động, nội dung báo cáo sơ sài, thậm chí một số doanh nghiệp còn bỏ qua nội dung này. Tuy nhiên, đến năm 2017, chỉ còn một số ít doanh nghiệp niêm yết chưa thể hiện nội dung phát triển bền vững trong báo cáo. Nội dung báo cáo của các doanh nghiệp đã tập trung vào 5 yêu cầu của Thông tư số 155/2015/TT-BTC, đó là quản lý nguồn nguyên liệu, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, chính sách liên quan đến người lao động, báo cáo liên quan đến trách nhiêm với cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn có nhiều doanh nghiệp không báo cáo nội dung liên quan đến thị trường vốn xanh.

Năm tài chính 2020, tình hình BCBV của các doanh nghiệp niêm yết đã dần đi vào ổn định. Đa số các doanh nghiệp trình bày nội dung BCBV lồng ghép trong báo cáo thường niên và nội dung trình bày đã cơ bản tuân thủ theo yêu cầu của Thông tư số 155/2015/TT-BTC. Một số doanh nghiệp trình bày riêng BCBV, nội dung báo cáo phong phú.

Các doanh nghiệp cung cấp BCBV có chất lượng cao điển hình là Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam-Vinamilk, Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Gemadept… Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã lập báo cáo theo hướng dẫn của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) như Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam… Các báo cáo này đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, thậm chí còn được vinh danh thông qua các giải thưởng cho BCBV.

4. Tổng quan doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam

Nhiều năm nay, thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam bao gồm các phân ngành nhỏ như chế biến và bảo quản thịt, chế biến thủy sản, dầu ăn, rau củ quả, sữa, tinh bột… Các sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú các sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm không nhiều (chiếm gần 1% tổng số doanh nghiệp cả nước) nhưng đây lại là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam, chiếm khoảng hơn 20% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hàng năm. Ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.

Từ 2015 đến nay, công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Trong khi đó, ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm lại chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam có lượng sản phẩm nông nghiệp và nguồn nguyên liệu thô dồi dào, rất thuận lợi cho việc cung ứng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống.

Hiện thực phẩm đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP và đang có xu hướng gia tăng. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng cao và y hứa hẹn sẽ là cơ hội tăng trưởng mạnh cho các công ty sản xuất thực phẩm sạch. Ngoài ra, với dân số gần 100 triệu người, trong đó có trên một nửa dân số dưới 30 tuổi, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng nhất khu vực.

5. BCBV của các doanh nghiệp niêm yết ngành thực phẩm

Để nghiên cứu, tác giả đã tiến hành khảo sát BCBV của các doanh nghiệp ngành thực phẩm niêm yết trên cơ sở các mã chứng khoán giao dịch nhiều nhất hoặc các mã chứng khoán có giá trị cao nhất bao gồm 13 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán VNM), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN), Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB), Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC), Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), Công ty Cổ phần GTNFoods (GTN), Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (HHC), Công ty Cổ phần Bibica (BBC), Công ty Cổ phần Mía Đường Sơn La (SLS), Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Safoco (SAF), Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF)

Kết quả khảo sát cho thấy, tại thời điểm khảo sát năm 2021 vẫn có 4/13 doanh nghiệp thực phẩm niêm yết chưa báo cáo thông tin về phát triển bền vững. Các doanh nghiệp đã báo cáo đều trình bày theo các nội dung yêu cầu mang tính bắt buộc theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC. Hầu hết các doanh nghiệp đã báo cáo đều lồng ghép BCBV trong báo cáo thường niên, nội dung báo cáo trung bình dưới 10 trang, riêng có Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) lập phần BCBV trong báo cáo thường niên lên tới 27 trang. Đặc biệt chỉ có 2 doanh nghiệp đã lập BCBV riêng biệt bao gồm: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), trong đó có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) đã lập báo cáo theo hướng dẫn của GRI lên tới hơn 200 trang. Qua đó cho thấy, các doanh nghiệp thực phẩm niêm yết chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho việc lập BCBV. Các vấn đề thời sự phát triển bền vững liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thực phẩm cũng chưa được đề cập đến trong báo cáo một cách thỏa đáng.

6. Khuyến nghị

Để nâng cao chất lượng BCBV, các doanh nghiệp thực phẩm niêm yết cần nhận thức đầy đủ vai trò của BCBV đối với hoạt động của mình. BCBV là công cụ cam kết, giải trình và kế hoạch hành động phát triển kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Do đó, nội dung của báo cáo cần phát triển rộng hơn để mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong đó, cần xác định bên liên quan nào chi phối đáng kể đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. Nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm đang phải đáp ứng với các yêu cầu khắt khe của khách hàng. Do đó, cần phải có báo cáo, giải trình và có kế hoạch hành động cụ thể trong bối cảnh phát triển bền vững theo yêu cầu của khách hàng và coi đây là một nội dung trọng yếu trong BCBV. Việc cải thiện chất lượng báo cáo sẽ có tác dụng tích cực tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.   

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính, (2015). Thông tư số 155/2015/TT-BTC Hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
  2. Choi, F.D., & Meek, G.K. (2008). International Accounting, 6th ed., USA: Pearson Prentice Hall.
  3. Eccles, R. G., & Krzus, M. P. (2010). One report: Integrated reporting for a sustainable strategy. Hoboken, NJ: John Wiley & Sons, Inc.
  4. Elkington, J. (1998). Cannibals with forks. Gabriola Island, BC, Canada: New Society Publishers.
  5. Gray, R. (2006). Social, environmental and sustainability reporting and organisational value creation? Whose value? Whose creation? Accounting, Auditing & Accountability Journal, 19(6), 793-819.

The current information disclosure on sustainable development of listed food companies in Vietnam           

Master. Ngo Quang Tuan

Faculty of Accounting – Auditing, Banking Academy

ABSTRACT:

Economic development associated with sustainable environmental development is an urgent requirement for all countries. Therefore, organizations and businesses have to bear their social and environmental responsibilities. This paper introduces the concept of social responsibility and sustainability reports and focus on the sustainability reports of listed food companies in Vietnam. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to improve the quality of sustainability reports of listed food companies in Vietnam.

Keywords: environmental responsibility, social responsibility, sustainability report, food industry

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2021]