TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá thực trạng về lao động và việc làm cho lao động nông thôn ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Tình hình giải quyết việc làm cho lao động nông thôn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông trên các nội dung: Hoạt động đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; Phát triển sản xuất  để  giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; Giải quyết việc làm thông qua chính sách tín dụng nông thôn và xuất khẩu lao động. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất 7 nhóm gợi ý về giải pháp để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới.

Từ khóa: Đắk Glong, lao động nông thôn, việc làm.

1. Mở đầu

Huyện Đắk Glong được thành lập theo Nghị định số 82/2005/NĐ-CP, ngày 27/6/2005 của Chính phủ, với diện tích tự nhiên 144.875,46 ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 60.615,3 ha. Huyện Đắk Glong có địa hình chia cắt mạnh bởi các đồi núi cao và các con sông, suối lớn nhỏ, địa hình dốc, có tài nguyên khoáng sản dồi dào. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt 14%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đắk Glong có dân số đến năm 2019 hơn 72 nghìn người, tốc độ phát triển dân số hàng năm xấp xỉ dưới 1%, có 39.653 lao động, nguồn lao động dồi dào, lao động trẻ, khỏe chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động. Đây là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Tuy nhiên, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2019, tổng số người trong độ tuổi lao động là 39.074 người, số người lao động thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp còn khoảng 2.919 người, chiếm 4,27% dân số trong toàn Huyện. Trướchực trạng về lao động, việc làm của huyện, cũng như tìm giải pháp cho lao động nông thôn là một vấn đề hết sức thiết thực. Vì vậy, bài báo: “Thực trạng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông” là rất cần thiết và có ý nghĩa.

2. Mục tiêu nghiên cứu

- Đánh giá thực trạng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông;

- Đề xuất giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới.

3. Nội dung và Phương pháp nghiên cứu

3.1. Nội dung nghiên cứu

- Thực trạng về lao động và việc làm cho lao động nông thôn ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông ở các xã điều tra;

- Thực trạng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông;

- Các giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

3.2. Phương pháp nghiên cứu       

Bài viết chọn 3 xã là Quảng Sơn, Đắk Som và Đắk Rmăng trong số 7 xã của huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông để nghiên cứu, vì đây là các xã thuần nông về sản xuất nông nghiệp, có thu nhập, điều kiện kinh tế đảm bảo mang tính đại diện. Với dung lượng mẫu 3 xã cần điều tra là: 200 hộ gia đình, bài viết sử dụng phương pháp phân tổ thống kê, bảng thống kê và phương pháp biểu đồ thống kê, biểu diễn kết quả tổng hợp trên cơ sở sử dụng các kỹ thuật tổng hợp từ phần mềm EXCEL và SPSS. 

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Thực trạng về lao động và việc làm cho lao động nông thôn ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông ở các xã điều tra

 Bảng 1. Tình hình chung về lao động ở các hộ điều tra

tinh_hinh_chung_ve_lao_dong_o_cac_ho_dieu_tra

Nguồn: Số liệu điều tra năm 2020.

Lao động nông thôn huyện Đắk Glong tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 25-39 chiếm 45%; tiếp đó là nhóm tuổi từ 15-24 chiếm 27,1%; nhóm tuổi từ 40-60 chiếm 22%. Tuy nhiên, các nhóm tuổi có sự đồng đều giữa 3 xã được điều tra, nhưng ở độ tuổi 25-39 có sự tương đồng cao nhất, đây là một thuận lợi rất lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương. (Bảng 1)

Về trình độ văn hóa: Số lao động nông thôn trong huyện đã tốt nghiệp THCS, THPT chiếm đa số (46,0%), đây cũng là một tín hiệu tốt cho việc giải quyết việc làm sau này cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ người chưa tốt nghiệp tiểu học vẫn còn khá cao, chiếm 13,0%, đây là rào cản lớn cho việc phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay khi yêu cầu về áp dụng khoa học kỹ thuật ngày càng cao.

Về trình độ chuyên môn: Qua điều tra cho thấy trình độ chuyên môn của hầu hết lao động trên địa bàn 3 xã là lao động chưa qua đào tạo (49,0%) trong tổng số khảo sát. Chính vì vậy, đây là một trong những cản trở rất lớn đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động và sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động ở nông thôn. 

Về tình hình thu nhập: Điều tra thực tế cho thấy mức sống của lao động nông thôn hầu hết ở mức thấp. Phần lớn thu nhập của lao động nông thôn huyện Đăk Glong là từ 12 - 24 triệu đồng/người/năm chiếm 45,0%, theo khảo sát thì họ đa phần làm nông nghiệp. 

Bảng 2. Thu nhập của lao động nông thôn ở các xã điều tra thu_nhap_cua_lao_dong_nong_thon_o_cac_xa_dieu_tra Nguồn: Số liệu điều tra năm 2020

Những lao động có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm thường làm những công việc nhỏ lẻ, hoặc bán thời gian làm các nghề thủ công chiếm 25,5%. Do chịu ảnh hưởng rất nhiều của thời tiết, điều kiện trang thiết bị sản xuất thô sơ thiếu thốn, dẫn đến thu nhập thấp. Còn những lao động có thu nhập trên 24 triệu đồng/người/năm chiếm 29,5%, đây là những lao động lành nghề tập trung chủ yếu ở các cán bộ công chức nhà nước, những lao động phi nông nghiệp. Những người này phần lớn đã được đào tạo về trình độ chuyên môn nhất định và tốt nghiệp cấp 3 trở lên.

4.2. Thực trạng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông

4.2.1. Hoạt động đào tạo nghề và giới thiệu việc làm

Mỗi năm, huyện đều chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và triển khai tới 7 xã trong Huyện. Vì thế, số lao động được đào tạo và giới thiệu việc làm càng tăng lên hàng năm. Đến năm 2020, số người được giới thiệu việc làm là 80 người, tính trong giai đoạn 2018 - 2020, số lao động được giới thiệu việc làm tăng thêm 20 người. Như vậy, việc đào tạo và tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu việc làm không chỉ giúp người lao động dễ tìm kiếm việc làm, mà còn giúp người lao động tự tạo việc làm và nâng cao thu nhập, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp trong lực lượng lao động nông thôn.

4.2.2. Phát triển sản xuất  để  giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

4.2.2.1. Phát triển ngành nghề của  Huyện

Hiện nay, toàn huyện Đắk Glong có 32 hợp tác xã nông nghiệp phân bố ở 7 xã (Quảng Sơn, Đắk Som, Đắk R Măng, Quảng Hòa, Đắk Ha, Đắk Plao, Quảng Khê) và 1 khu công nghiệp ở xã Đắk Ha đa dạng các lĩnh vực ngành nghề. Việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn Huyện đã giúp người dân có thêm việc làm, giải quyết được thời gian nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp của lao động nông thôn. Hàng năm, các hợp tác xã nông nghiệp và các cơ sở này đã giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động.

Hiện tại trên địa bàn huyện có 2 làng nghề truyền thống là làng nghề mây tre đan ở xã Quảng Sơn và làng nghề dệt thổ cẩm ở xã Quảng Khê. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch đã có sự chuyển biến, khu du lịch hồ Tà Đùng ở xã Đắk Som với quy mô 225,32 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 90.254 tỷ đồng đã giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, mà còn thúc đẩy được bảo tồn thiên nhiên, môi trường rừng.

4.2.2.2. Phát triển kinh tế trang trại

Bảng 3. Tổng số trang trại và lao động của huyện Đắk Glong

tong_so_trang_trai_va_lao_dong_cua_huyen_dak_glong

 Nguồn: Niên giám thống kê huyện Đắk Glong năm 2020

Đến nay, toàn huyện có 31 trang trại, gồm 13 trang trại trồng trọt, 7 trang trại chăn nuôi, 11 trang trại tổng hợp và nhiều mô hình kinh tế gia đình khác, tổng doanh thu bình quân hàng năm của mỗi trang trại trên 100 triệu đồng. (Bảng 3)

4.2.2.3. Đ ầu  tư  xây  dựng cơ  sở  hạ  tầng  tạo  việc  làm cho lao động nông thôn

Trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết huyện Đảng bộ lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy, trên địa bàn Huyện đã triển khai đầu tư tổng nguồn vốn phát triển toàn xã hội 5 năm đạt hơn 8.770 tỷ đồng. Trong đó, giao thông nông thôn có 85.9% đường thôn được nhựa hóa, bê tông, các tuyến đường liên thôn, liên xã được nâng cấp, tạo sự đột phá cho xây dựng nông thôn mới. Hệ thống hồ đập thủy lợi được nâng cấp, tu bổ xây mới, gia công đảm bảo tưới tiêu, chống hạn cho diện tích cà phê, tiêu, bơ,... Các công trình điện được đầu tư, đảm bảo an toàn, với 90% số hộ được dùng điện, phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn ổn định và phát triển tổng mức bán lẻ hàng hóa 2.124,6 tỷ đồng, hạ tầng thương mại, hệ thống chợ nông thôn, siêu thị mi ni được đầu tư xây dựng, mạng lưới ngân hàng, cửa hàng xăng dầu, nhà hàng, khách sạn phủ khắp, tạo thuận lợi để tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm. Hoạt động du lịch sinh thái được quan tâm đầu tư như khu du lịch sinh thái Hồ Tà Đùng xã Đắk Som, thác Gấu ở xã Quảng Sơn, thủy điện Đồng Nai 3&4, thủy điện Buôn Tua Srah, thủy điện Đắk N’Teng đã thu hút hơn 100.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.

4.2.2.4. Xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Huyện Đắk Glong đã được tỉnh Đắk Nông quy hoạch khu vực xã Đắk Ha để xây dựng cụm công nghiệp trọng điểm của Huyện khoảng 30ha, khu công nghiệp khai thác quặng Bauxit ở xã Quảng Sơn. Như vậy, khi các cụm công nghiệp Đắk Ha, Quảng Sơn xây dựng hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện, giảm bớt được tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm cũng như giải quyết việc làm cho số lao động nông thôn tăng lên hàng năm của Huyện.

4.2.3. Giải quyết việc làm thông qua chính sách tín dụng nông thôn

Đến nay, nông dân toàn huyện vay vốn của Ngân hàng Agribank huyện đạt 2.005 tỷ đồng, Ngân hàng chính sách xã hội huyện thành lập và quản lý được 200 tổ vay vốn, thu hút hơn 6.780 lượt hộ gia đình tham gia với số vốn được vay 400 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn vay được từ ngân hàng nên nhiều hộ nông dân đã đầu tư sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, mở mang thêm các ngành nghề phụ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

4.2.4. Xuất khẩu lao động

Trong thời gian gian qua với sự chỉ đạo tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân làm công tác xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài liên tục tăng. Năm 2016, toàn Huyện có 2 người đi xuất khẩu lao động, năm 2017 có 10 người, năm 2018 có 18 người, năm 2019 số người đi xuất khẩu lao động 8 người, tăng tổng số lên 38 người. Như vậy, trong 4 năm, từ năm 2016 - 2019 số lao động đi xuất khẩu sang các nước là 38 người, so với lực lượng lao động hiện nay thì tỷ lệ rất thấp.

4.3. Các giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông

4.3.1. Cơ chế chính sách

Tiếp tục đổi mới chính sách đối với người học nghề, nhất là đối với lao động đặc thù như nông dân bị thu hồi đất, hộ di dời, giải tỏa, người nghèo, người có thu nhập thấp, bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trẻ em mồ côi, lang thang cần sự giúp đỡ để hòa nhập với cộng đồng, nhằm đảm bảo thực hiện chủ trương đổi mới trong giáo dục và đào tạo.

Có chính sách khen thưởng, động viên, khuyến khích các mô hình kinh tế có hiệu quả cao mang lợi ích kinh tế thiết thực, bên vững lâu dài có ảnh hưởng lớn đến công tác giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, triển khai trên diện rộng.

4.3.2. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động

Giúp nông dân nhận thức được lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chuyển giao tiến bộ khoa học đến từng hộ nông dân, đưa giống mới và công nghệ sinh học vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích lúa nước ở các xã Quảng Sơn, Đắk Som, Đăk R’măng hình thành vùng chuyên canh cây lúa, nhằm nâng cao giá trị, tận dụng hết những khu vực đất sình lầy bỏ hoang hóa.

Mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng tập trung để xuất khẩu, áp dụng tiến bộ khoa học về giống, chuồng trại, thức ăn, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh,... nâng cao chất lượng đàn bò, chú trọng đàn bò sữa đã được đầu tư từ dự án WB phù hợp với điều kiện sinh thái và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Thực hiện giao đất, giao rừng đúng mục đích sử dụng, phát triển kinh tế rừng theo hình thức hộ gia đình có sự quản lý của nhà nước, trong các khâu khai thác chế biến. Tăng cường giống cây rừng, để cung ứng cho các cơ sở trồng rừng, hình thành 2 - 3 cơ sở chế biến gỗ đảm bảo xuất khẩu và thu hút nhiều lao động.

Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản tận dụng tối đa các lòng hồ thủy điện (Thủy điện Đồng Nai 3&4, Buôn Tuasa, Đăk N’teng,….), đầu tư mạng lưới sản xuất và cung ứng giống, chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tận dụng ao, hồ, đập, ruộng lúa để chăn nuôi phục vụ nội địa và xuất khẩu, đồng thời thu hút lao động và giải quyết lao động nhàn rỗi trong dân cư.

Xây dựng một số cơ sở sản xuất nông nghiệp có trình độ kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp nhất là các vùng trọng điểm nhằm kết hợp khuyến nông, đẩy mạnh hoạt động phổ biến chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân,... đưa máy móc vào thay thế lao động thủ công ở một số nghề truyền thống nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, hướng thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu.

4.3.3. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Hướng một số hộ cá thể đi theo nghề truyền thống (cha truyền, con nối) như mây tre, dâu tằm tơ, dệt thổ cẩm, mộc,... vừa giảm lao động trong nông nghiệp vừa phân bổ lại nguồn lực hợp lý.

Kêu gọi đầu tư, hoàn thiện việc xây dựng khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đăk Ha.

4.3.4. Tăng cường, mở rộng thương mại - dịch vụ - du lịch gắn với việc giải quyết việc làm

Xúc tiến thành lập các hiệp hội làm nhiệm vụ xuất nhập hàng hóa sản phẩm, tăng cường tham gia các hội chợ triển lãm của tỉnh, hướng tới gửi sản phẩm tham gia hội chợ triển lãm ngoài nước, hình thành các HTX thương mại - dịch vụ cung ứng vật tư, máy móc, trang thiết bị, đồng thời xây dựng các mạng lưới đại lý phân phối sản phẩm hàng hóa.

Đầu tư khai thác hiệu quả hoạt động du lịch sinh thái Hồ Tà Đùng xã Đắk Som, thác Gấu ở xã Quảng Sơn, thủy điện Đồng Nai 3&4, thủy điện Buôn Tua Srah, thủy điện Đắk N’Teng theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

4.3.5. Đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn Huyện

Gắn đào tạo với thị trường lao động, thực hiện đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, lập sàn giao dịch việc làm kỹ thuật số kết nối với doanh nghiệp.

Ưu tiên mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề trên địa bàn các xã có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chưa đạt tiêu chí trong chuẩn xây dựng nông thôn mới về tỷ lệ đào tạo nghề.

Nâng cao vai trò và có các cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, HTX tham gia đào tạo nghề nông nghiệp và sử dụng lao động nông thôn sau học nghề bằng nguồn kinh phí liên kết và xã hội hóa.

4.3.6. Tăng cường dịch vụ chính sách tín dụng vốn nông thôn

Bổ sung, thêm nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm để cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; điều chỉnh tăng mức cho vay tối đa đối với người lao động và các cơ sở sản xuất - kinh doanh; mở rộng nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi từ dự án hỗ trợ lao động có trình độ nhưng điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn theo tinh thần chỉ đạo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường khả năng cấp tín dụng của các tổ chức cung ứng tín dụng hộ gia đình nông thôn; tăng cường khả năng hấp thụ vốn của các hộ gia đình nông thôn, cần có cơ chế tạo nên sự phối hợp, gắn bó chặt chẽ giữa 4 nhà, hình thành nên những chuỗi giá trị trong nông nghiệp.

4.3.7. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động

Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động;

Tăng cường công tác đào tạo, giáo dục định hướng, trang bị cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài những kiến thức cơ bản cho quá trình lao động ở nước ngoài.

Kết hợp với các cấp ngành, đoàn thể, công ty xuất khẩu lao động tổ chức tư vấn, giới thiệu, tuyển chọn, nhằm tạo niềm tin, sự gắn kết chặt chẽ giữa người lao động, tổ chức, chính quyền. Chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả kinh tế làm điển hình để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng - NXB Chính trị quốc gia năm 2016.
  2. Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông (2017), Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2017-2020;
  3. Hội đồng nhân dân huyện Đăk Glong (2016), Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020, Số 07/2016/NQ - HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2016.
  4. Hội đồng nhân dân huyện Đăk Glong (2017), Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2016 huyện Đăk Glong, số 07/2017/NQ-HĐND, ngày 25/7/2017.
  5. Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glong (2017), Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động huyện Đăk Glong giai đoạn 2017-2020.
  6. Đảng bộ huyện Đắk Glong (2015), Nghị quyết số 01-NQ/HU, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đắk Glong lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
  7. Phòng Tài chính - Kế hoạch Đăk Glong (2019), Báo cáo các chỉ tiêu chủ yếu thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
  8. Phòng Thống kê huyện Đăk Glong (2018), Niên giám thống kê huyện Đăk Glong 2018.

 

THE CURRENT SITUATION OF CREATING JOBS FOR RURAL LABORS IN DAK GLONG DISTRICT, DAK NONG PROVINCE

NGUYEN THI HAI YEN

Faculty of Economics, Tay Nguyen University

TRAN NAM THUAN

The Party Committee of Dak Glong District, Dak Nong Province

ABSTRACT:

This paper assesses the current situation of labors and employment for rural workers in Dak Glong District, Dak Nong Province in terms of vocational training activities and job referral, production development to create jobs for rural workers, creating jobs through rural credit policies, and labor export. Based on the paper’s findings, seven groups of solutions are proposed to create more jobs for rural workers in Dak Glong District, Dak Nong Province in the near future.

Keywords: Dak Glong District, rural labor, job.