Thực trạng hiệu quả kinh doanh của các công ty cổ phần niêm yết ngành Công nghiệp tại Việt Nam

ThS. ĐỖ TIẾN TỚI (Trường Đại học Tài chính Quản trị kinh doanh)

TÓM TẮT:

Dựa vào số liệu thứ cấp thu thập từ 56 công ty niêm yết ngành Công nghiệp tại Việt Nam, bài viết nhằm tính toán các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh để từ đó so sánh, phân tích và đánh giá về thực trạng hiệu quả kinh doanh đối với các công ty cổ phần niêm yết ngành Công nghiệp tại Việt Nam trong những năm qua (giai đoạn 2011 - 2015). Kết quả chỉ ra rằng hiệu quả kinh doanh của các công ty này trong thời gian qua mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể qua các năm, tuy nhiên mức tăng trưởng trong những năm gần đây là tương đối thấp và không ổn định.

Từ khóa: Hiệu quả kinh doanh, công ty cổ phần niêm yết, ngành Công nghiệp.

1. Mở đầu

Hiệu quả kinh doanh là mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, bản thân doanh nghiệp và cho toàn xã hội. Vấn đề nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng là vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm, đó là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế của nước ta đang ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới với nhiều sức ép tác động đến doanh nghiệp, trong đó có sức ép về cạnh tranh, về nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa… Do đó, lại càng đòi hỏi các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, giúp cho doanh nghiệp phát triển một cách ổn định và bền vững.

Đối với các công ty cổ phần niêm yết ngành Công nghiệp tại Việt Nam trong những năm gần đây, mặc dù hiệu quả kinh doanh đã có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn còn ở mức tương đối thấp, sự tăng trưởng là chưa ổn định đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhà nước.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên cho thấy việc nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các công ty cổ phần niêm yết ngành Công nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này, tác giả sẽ tập trung đề cập đến khái niệm về hiệu quả kinh doanh và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp theo đó, tác giả sẽ tiến hành thu thập dữ liệu nhằm tính toán các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh đối với các công ty cổ phần niêm yết ngành Công nghiệp trong những năm qua, để từ đó so sánh, phân tích, đánh giá về thực trạng hiệu quả kinh doanh của các công ty này và đưa ra những kết luận.

2. Nội dung

2.1. Khái niệm và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

2.1.1. Khái niệm về hiệu quả kinh doanh

Mặc dù hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên trong cơ chế thị trường ở nước ta hiện nay nhìn chung các doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động sản xuất - kinh doanh đều hướng đến mục tiêu bao trùm đó là tối đa hóa lợi nhuận thu được. Để đạt được mục tiêu này các doanh nghiệp cần phải xác định chiến lược kinh doanh trong các giai đoạn sao cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh và cần có sự phân bổ và quản trị các nguồn lực một cách có hiệu quả. Như vậy, hiệu quả kinh doanh là phạm trù phản ánh mặt chất lượng của các hoạt động kinh doanh, phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực sản xuất (lao động, máy móc thiết bị, nguyên liệu, tiền vốn) trong quá trình tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (PGS. TS. Nguyễn Thành Độ & TS. Nguyễn Ngọc Huyền, 2001). Vì vậy, có thể mô tả hiệu quả kinh doanh bằng công thức sau: H = K/C

Trong đó: H - Hiệu quả kinh doanh, K - Kết quả đạt được, C - Hao phí nguồn lực cần thiết gắn với kết quả đó.

Theo đó, có thể thấy rằng hiệu quả kinh doanh là một khái niệm rất rộng, nó bao hàm hiệu quả kinh doanh cả về mặt kinh tế và xã hội. Hiệu quả kinh doanh chính là thước đo tăng trưởng cho các doanh nghiệp, là mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ doanh nghiệp nào và là vấn đề quan trọng nhất trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiệu quả kinh doanh phản ánh trình độ quản lý và sử dụng các nguồn lực của các doanh nghiệp sao cho tối đa hóa kết quả đạt được và tối thiểu hóa chi phí bỏ ra để đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp đã xác định trong các giai đoạn và hướng tới mục tiêu lâu dài là tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp.

2.1.2. Một số chỉ tiêu chủ yếu nhằm đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

2.1.2.1. Chỉ tiêu ROA

Chỉ tiêu này cho biết công ty bỏ ra một đồng tài sản bình quân đầu tư thì thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Chỉ tiêu này càng lớn thì càng tốt. Chỉ tiêu này có thể được đo lường bằng nhuận sau thuế chia tổng tài sản bình quân (Nguyễn Ngọc Quang, 2011).

ROA = Lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản bình quân

Trong đó, lợi nhuận sau thuế thông thường sẽ được lấy từ báo cáo kết quả kinh doanh còn tổng tài sản thông thường sẽ được lấy trong các bảng cân đối kế toán của công ty. Tuy nhiên, tổng tài sản tại một thời điểm không phải là con số đại diện của công ty trong cả một thời kỳ, vì vậy người ta sử dụng tổng tài sản trung bình và được tính bằng đầu kỳ cộng với cuối kỳ chia 2.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu ROA cũng có thể được tính bằng lợi nhuận trước thuế cộng lãi vay (EBIT) chia cho tổng tài sản trung bình (Hu & Izumida, 2008).

ROA = EBIT/tổng tài sản trung bình

Trong đó: EBIT = Lợi nhuận trước thuế + lãi vay

2.1.2.2. Chỉ tiêu ROE

Đây là chỉ tiêu phản ảnh một đồng vốn chủ sở hữu (CSH) đem lại bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu này càng cao càng tốt và nó được đo lường bằng lợi nhuận sau thuế trên vốn CSH bình quân (Nguyễn Ngọc Quang, 2011).

ROE = Lợi nhuận trước sau thuế/vốn CSH bình quân

Trong đó lợi nhuận sau thuế sẽ được lấy từ các báo cáo kết quả kinh doanh, còn tổng vốn CSH sẽ được lấy từ các bảng cân đối kế toán của công ty. Tuy nhiên, tổng vốn CSH tại một thời điểm không phải là con số đại diện của công ty trong cả một thời kỳ vì vậy người ta sử dụng tổng vốn CSH trung bình và được tính bằng đầu kỳ cộng với cuối kỳ chia 2.

2.1.2.3. Số vòng quay của vốn kinh doanh

Chỉ tiêu số vòng quay toàn bộ vốn kinh doanh được tính bằng tổng doanh thu chia cho tổng vốn kinh doanh và được thể hiện thông qua công thức sau: SVvkd = TR/Vkd

Trong đó: SVvkd - Số vòng quay của vốn kinh doanh, TR - Tổng doanh thu, Vkd - Tổng vốn kinh doanh của thời kỳ đó

Chỉ tiêu này cho biết nếu số vòng quay càng lớn thì hiệu quả sử dụng vốn càng cao và ngược lại.

Ngoài chỉ tiêu số vòng quay toàn bộ vốn kinh doanh còn có chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng vốn cố định, vốn lưu động…

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Căn cứ vào một số các chỉ tiêu chủ yếu nhằm đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tác giả tiến hành tính toán dựa trên các số liệu thứ cấp của 56 công ty niêm yết thuộc nhóm ngành công nghiệp trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, từ đó so sánh, phân tích và đánh giá.

2.3. Kết quả và đánh giá

2.3.1. Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng nguồn vốn kinh doanh (ROA)

Bảng 1 cho thấy:

Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế bình quân của một doanh nghiệp ngành Công nghiệp đã tăng lên qua các năm, năm sau tăng hơn so với năm trước. Năm 2011, lợi nhuận sau thuế bình quân một doanh nghiệp là 37754 (triệu đồng); đến năm 2015 chỉ tiêu này là 92716 (triệu đồng). Như vậy, lợi nhuận sau thuế bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đã tăng 245,58% so với năm 2011. Nếu tính bình quân một năm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế bình quân một doanh nghiệp đã tăng 49,11% trong giai đoạn 2011-2015. Như vậy, chỉ tiêu lợi nhuận của ngành công nghiệp trong những năm qua đã có sự cải thiện đáng kể.

Chỉ tiêu tổng nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp đã tăng lên qua các năm trong giai đoạn 2011-2015, năm sau tăng hơn so với năm trước. Năm 2011, tổng nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp là 854237 (triệu đồng); đến năm 2015 chỉ tiêu này là 1443764 (triệu đồng). Như vậy, tổng nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đã tăng 169% so với năm 2011 (trung bình tăng 33,8% một năm).

Chỉ tiêu ROA cũng có xu hướng tăng lên ngoại trừ năm 2013 có xu hướng giảm, năm 2011 cứ 100 đồng đồng vốn bỏ ra của doanh nghiệp tạo ra 4,42 đồng lợi nhuận sau thuế; đến năm 2015, 100 đồng đồng vốn bỏ ra của doanh nghiệp đã tạo ra 6,42 đồng lợi nhuận sau thuế. Điều này chứng tỏ hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã tăng lên rất mạnh trong giai đoạn 2011-2015.

2.3.2. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

Bảng 2 chỉ ra rằng:

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu bình quân một doanh nghiệp ngành Công nghiệp trong giai đoạn 2011-2015 nhìn chung đã tăng lên qua các năm và năm sau luôn cao hơn so với năm trước, tuy nhiên vẫn còn ở mức tương đối thấp. Cụ thể: Năm 2011, tổng nguồn vốn chủ sở hữu bình quân của một doanh nghiệp là 357689 (triệu đồng), đến năm 2015 chỉ tiêu này là 643095 (triệu đồng). Năm 2015, chỉ tiêu này đã tăng 179,8% so với năm 2011 (trung bình tăng 35,95% một năm).

Chỉ tiêu ROE của các doanh nghiệp ngành Công nghiệp có xu hướng tăng lên, tuy nhiên mức tăng này là không ổn định qua các năm. Năm 2011, cứ 100 đồng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tạo ra 10,55 đồng lợi nhuận sau thuế; đến năm 2015, cứ 100 đồng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã tạo ra 14,42 đồng lợi nhuận sau thuế. Điều này chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này đã tăng lên tuy nhiên mức tăng này là không ổn định.

2.3.3. Số vòng quay của vốn kinh doanh

Bảng 3 cho chúng ta thấy: Số vòng quay của vốn kinh doanh đối với các doanh nghiệp ngành Công nghiệp là tương đối ổn định qua các năm, thấp nhất là 0,65 lần và cao nhất là 0,76 lần. Điều này chúng tỏ hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp ngành này trong giai đoạn 2011 - 2015 là tương đối ổn định mặc dù năm 2015 có xu hướng giảm hơn so với các năm trước.

3. Kết luận

Kết quả tính toán, phân tích và đánh giá đã cho thấy rằng, hiệu quả kinh doanh của các công ty cổ phần niêm yết ngành Công nghiệp tại Việt Nam trong những năm gần đây mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể tuy nhiên vẫn ở mức tương đối thấp, sự tăng trưởng là chưa ổn định. Mặc dù các chỉ tiêu ROA, ROE và số vòng quay của vốn kinh doanh tại các công ty này trong những năm qua đã có xu hướng tăng lên qua các năm, hiệu quả sử dụng vốn của các công ty này là tương đối ổn định…, tuy nhiên, trong thời gian tới các công ty này cần nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh, đặc biệt cần duy trì sự tăng trưởng ổn định qua các năm và không ngừng cải thiện đối với các chỉ tiêu ROA và ROE ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. PGS.TS. Nguyễn Thành Độ & TS Nguyễn Ngọc Huyền (2001): Giáo trình quản trị kinh doanh tổng hợp tập 2, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

2. Nguyễn Ngọc Quang (2011): Giáo trình Phân tích hoạt động kinh doanh. NXB Giáo dục Việt Nam. Hà Nội.

3. Hu, Y., and Izumida, S., 2008. Ownership Concentration and Corporate Performance: A Causal Analysis with Japanese Panel Data, Corporate Governance an international review, Volume 16, Issue 4, July 2008,Pages 342 - 358.

4. Số liệu niêm yết của các công ty trên sàn HOSE và HNX giai đoạn 2011 - 2015.

SITUATION OF BUSINESS PERFORMANCE

OF LISTED INDUSTRIAL COMPANIES IN VIETNAM

● MA. DO TIEN TOI

College of Business Administration Finance

ABSTRACT:

Based on secondary data collected from 56 listed companies in Vietnam, this article aims to calculate the performance indicators in order to compare, analyze and evaluate the real status of these companies. In the past five years (from 2011 to 2015), the listed companies had been listed on the Stock Exchange of Vietnam. The results show that the business performance of these companies had improved significantly over the years, but the growth rate in recent years has been relatively low and unstable.

Keywords: Business performance, Listed companies, Industry.