Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành du lịch đồng bằng sông Cửu Long

ThS. NGUYỄN MINH LẦU (Trường Đại học Cửu Long) - TS. NGUYỄN THỊ BÍCH THU (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu phân tích thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngành Du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: doanh thu, số lượng khách, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ du lịch và xác định được một số điểm yếu của vùng ĐBSCL như nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đạt yêu cầu, cơ sở hạ tầng, giao thông còn kém so với khu vực,… Từ đó, nghiên cứu này đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Từ khóa: du lịch, vùng đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, DNNVV đóng góp một vai trò rất lớn đối với nền kinh tế. Theo Tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, DNNVV chiếm 98,1%, đóng góp 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước tạo ra 62% việc làm cho người lao động, đóng góp 49% vào việc tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế”. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2018, tổng doanh thu ngành Du lịch của vùng ĐBSCL đạt 24.000 tỉ đồng đạt 3,87% so với cả nước, lượng khách quốc tế chiếm 19,3% so với cả nước.

Vùng ĐBSCL còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Vùng đã hình thành các điểm du lịch có tầm cỡ quốc gia, như: điểm du lịch Cần Thơ mang sắc thái của vùng Tây Đô, du lịch sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau, du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, du lịch trên đảo Phú Quốc,… Tuy nhiên, du lịch vùng ĐBSCL vẫn đang có nhiều bất cập, bởi khi khai thác, phát triển du lịch chưa nhìn nhận được các giá trị đặc thù, sự khác biệt của từng địa phương, giá trị và tính hấp dẫn trong tương quan du lịch của Vùng với các địa phương trong cả nước, vì vậy chưa phát huy có hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của Vùng.

Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành Du lịch tại của vùng ĐBSCL và đưa ra một số kiến nghị cho Vùng trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập số liệu: Số liệu được thu thập số liệu từ Tổng Cục thống kê Việt Nam, Niên giám thống kê, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Cục Thống kê các tỉnh ĐBSCL, Hiệp Hội du lịch ĐBSCL, Báo cáo thường niên ngành Du lịch, Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam, Báo cáo điều tra lao động việc làm Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh ĐBSCL, Sách chuyên ngành, internet,…

Phương pháp nghiên cứu: Tác giả sử dụng phương pháp phân tích, thống kê, so sánh và phương pháp tổng hợp để phân tích thực trạng về hoạt động kinh doanh của DNNVV ngành Du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

3. Kết quả thực hiện

3.1. Đặc điểm về đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSCL là khu vực kinh tế - văn hóa đặc biệt quan trọng khu vực phía Nam của đất nước, với 13 tỉnh, thành phố. Đây là vùng châu thổ phì nhiêu , được bồi đắp phù sa của sông Cửu Long. Vùng ĐBSCL có diện tích 40.518 km2, dân số hơn 18 triệu người, với 4 dân tộc chính Kinh, Hoa, Khơmer và Chăm. Điều này đã hình thành cho ĐBSCL một hệ sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn. Tuy nhiên, muốn phát triển tiềm năng này của Vùng, cần có một mạng lưới doanh nghiệp để chuyển dịch nền kinh tế theo hướng công nghiệp.

Số liệu thống kê từ Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 cho thấy, lượng DNNVV tại vùng ĐBSCL trong 2 năm 2017, 2018 tăng 3.083 doanh nghiệp, trong đó tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre,… Do đó, việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển DNNVV trong lĩnh vực du lịch được xem là giải pháp có hiệu quả trong huy động vốn, cũng như các nguồn lực khác cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của Vùng.

3.2. Các chỉ tiêu đánh giá kết quả của các doanh nghiệp ngành Du lịch ĐBSCL

3.2.1. Về doanh thu du lịch giai đoạn 2014 – 2018

Bảng 1. Doanh thu du lịch của vùng ĐBSCL và so với doanh thu du lịch của cả nước giai đoạn 2014 – 2018

Doanh thu du lịch của vùng ĐBSCL và so với doanh thu du lịch của cả nước giai đoạn 2014 – 2018

Nguồn: Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

Bảng 1 cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2018, du lịch ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng lẫn doanh thu. Năm 2018, tổng doanh thu du lịch của Vùng đạt 3,87% so với cả nước. Nguyên nhân là do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết và phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của 2 cụm liên kết phía Đông và phía Tây; kết nối, xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường ở phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, các thị trường quốc tế ở Đông Nam Á, Đông Á.

3.2.2. Về lượng khách du lịch

ĐBSCL có lợi thế là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực Đông Nam bộ, tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh - trung tâm thương mại lớn của cả nước, nên có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch. Giai đoạn 2014 - 2018, lượng khách đến Vùng nhìn chung tăng, cụ thể như số liệu ở Bảng 2.

Bảng 2. Số lượng khách du lịch giai đoạn 2014 - 2018

ĐVT: Khách

Số lượng khách du lịch giai đoạn 2014 - 2018

Nguồn: Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

Thị phần khách du lịch đến ĐBSCL qua các năm có nhiều biến động. Giai đoạn 2014 - 2018, số lượng khách du lịch quốc tế đến Vùng tăng 1.382.374 nghìn lượt, tương đương tăng 83,2%. Tuy tổng lượng khách đến Vùng tăng đều qua các năm, nhưng tỷ trọng so với cả nước lại giảm. Số lượng khách quốc tế đến Vùng tăng, nhưng phân bố không đều giữa các tỉnh thành phố, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và Bến Tre. 

Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng là một trong những vùng đón nhiều khách du lịch nội địa, trung bình chiếm khoảng 43% so với tổng lượng khách nội địa của cả nước. Các tỉnh, thành phố có lượng khách nội địa lớn là Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và Cà Mau chiếm hơn 80% tổng lượng khách nội địa đến Vùng.

3.2.3. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch

- Cơ sở lưu trú

Để khai thác các loại hình du lịch của vùng ĐBSCL, hệ thống cơ sở vật chất đã và đang được chú trọng đầu tư tại các địa phương. Năm 2018, toàn vùng ĐBSCL có 2.406 cơ sở lưu trú và 55.888 phòng để phục vụ khách du lịch. Số lượng các CSLT mỗi năm đều tăng và có sự phân bố không đồng đều giữa các tỉnh. Cụ thể như ở Bảng 3.

Bảng 3. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch vùng ĐBSCL năm 2018

Số lượng cơ sở lưu trú du lịch vùng ĐBSCL năm 2018

Nguồn: Tổng cục Du lịch năm 2018

Về chất lượng, các cơ sở lưu trú ở vùng ĐBSCL được nâng dần trên các mặt về tiện nghi phục vụ và các dịch vụ bổ trợ khác. Các buồng phòng đã đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh theo tiêu chí xếp hạng đánh giá cơ sở lưu trú của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhìn chung, cơ sở lưu trú phục vụ khách đến vùng ĐBSCL còn thiếu các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Đa số là cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, số lượng cũng như chất lượng phòng nghỉ chưa đạt chuẩn. Các cơ sở lưu của tư nhân, tập trung chủ yếu ở các trung tâm đô thị,…  Đặc biệt, các dịch vụ phụ trợ như: bể bơi, xông hơi, massage, spa, tennis,...  tại các khách sạn, nhà nghỉ còn hạn chế.

- Các cơ sở ăn uống

Cùng với sự gia tăng nhanh khách du lịch và các cơ sở lưu trú ở ĐBSCL, hệ thống các cơ sở ăn uống nơi đây rất đa dạng và phong phú. Năm 2018, toàn Vùng có khoảng 2.000 cơ sở ăn uống đã được khai thác, phục vụ  tốt cho du lịch. Các cơ sở này nằm trong và ngoài các cơ sở lưu trú, tập trung chủ yếu tại các trung tâm thành phố. Cụ thể, số lượng nhà hàng của một số tỉnh ĐBSCL như sau: Cà Mau (45 nhà hàng), Bạc Liêu (35 nhà hàng), Cần Thơ (52 nhà hàng), Tiền Giang (25 nhà hàng tập trung ở Mỹ Tho), An Giang (44 nhà hàng), Bến Tre (44 nhà hàng),… Bên cạnh đó, còn có hàng trăm cơ sở ăn uống chưa được khai thác tốt hoặc mới được khai thác một phần nằm rải rác tại các tỉnh ở ĐBSCL.

- Khu du lịch - vui chơi - giải trí

Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng hơn 300 khu, điểm du lịch được đưa vào đầu tư khai thác, kinh doanh phục vụ tham quan, vui chơi giải trí của du khách. Tiêu biểu, có thể kể đến như: Khu du lịch Nhà Mát, điểm du lịch sinh thái Hồ Nam, khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu); di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Mahatup - Chùa Dơi (Sóc Trăng); khu lăng miếu Núi Sam, bao gồm lăng Thoại Ngọc Hầu và miếu Bà Chúa Xứ (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang); điểm du lịch Cồn Phụng (Bến Tre); di tích lịch sử địa điểm Nhà tù Phú Quốc và điểm du lịch Mũi Nai (Kiên Giang); cụm du lịch sinh thái Thới Sơn (Tiền Giang) và làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ); rừng ngập mặn Năm Căn (Cà Mau); khu du lịch Vinh Sang (Vĩnh Long),… Nhìn chung, đa số khu du lịch, vui chơi, giải trí ở đây thường có quy mô nhỏ, đơn điệu,… Các khu du lịch và khu vui chơi giải trí tổng hợp có quy mô lớn vẫn còn ít và chưa đồng bộ. 

3.2.4. Phương tiện vận chuyển và các tiện nghi khác phục vụ du lịch

Vùng ĐBSCL có hệ thống giao thông đặc thù, bị chia cắt bởi nhiều kênh rạch chằng chịt và nhiều sông lớn. Về giao thông đường bộ, Vùng có tổng cộng 47.202 km, trong đó có 1.960 km quốc lộ, 3.720 km tỉnh lộ, 8.402 km đường huyện, 33.120 km đường xã. ĐBSCL vận tải thủy chiếm tới 70% và đường bộ chỉ khoảng 30%. Hệ thống giao thông đường thủy của Vùng có tổng chiều dài tuyến sông là 2.035 km. Hiện tại trong Vùng, các tour du lịch đường sông đã được khai thác tốt ở các địa phương như Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng,… Các tuyến đường sông này phát triển sang tận Campuchia. Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn có đường bờ biển dài trên 736 km, có hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, với tổng chiều dài hơn 28.000 km. Trong số đó, 13.000 km có khả năng khai thác vận tải du lịch sông nước nội vùng đã hình thành nhiều tour, tuyến phục vụ du lịch. ĐBSCL có 4 sân bay: 2 sân bay quốc tế và 2 sân bay nội địa với diện tích và công suất tiếp nhận khách khác nhau. Nhìn chung, hệ thống giao thông của ĐBSCL tương đối tốt, đảm bảo nhu cầu đi lại của du khách đến tất cả các địa phương trong Vùng. 

3.2.5. Hoạt động của doanh nghiệp lữ hành

Theo thống kê từ các sở Vvăn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2108, trên địa bàn toàn vùng có 312 công ty du lịch lữ hành. Trong số đó, có hơn 80% công ty trong nước,đa số là các công ty TNHH, còn có một số CTCP nhưng chủ yếu là các chi nhánh của các công ty tại TP. Hồ Chí Minh. Các công ty này phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách gần xa tới vùng ĐBSCL và đặc biệt là du lịch homestay để cảm nhận được văn hóa địa phương tại đây.

3.2.6. Thực trạng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch vùng ĐBSCL

- Số lượng lao động: Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch vùng ĐBSCL, năm 2014, lực lượng lao động trực tiếp phục vụ trong ngành Du lịch của Vùng là 14.729 lao động, đến năm 2018 là 35.408 người. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 -2018 là 28,08%/năm. Trong đó, các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau là các địa phương đầu tàu về phát triển du lịch của Vùng, nên lực lượng lao động trong ngành Du lịch tại 4 tỉnh này chiếm hơn 50% số lao động cả Vùng. Các địa phương này phát triển mạnh du lịch là do có thế mạnh về điểm du lịch hoặc khu du lịch thu hút du khách, có các khách sạn, cơ sở ăn uống, vui chơi giải trí chất lượng tốt. Còn lại các tỉnh khác không có được các thế mạnh trên, nên du lịch kém phát triển hơn.

- Chất lượng đội ngũ lao động: Thực tế nhận thấy nguồn nhân lực du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu về số lượng; cơ cấu theo ngành nghề chưa hợp lý; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc ngày càng sâu rộng. Chất lượng nhân lực du lịch phần lớn chỉ qua các khóa học “cấp tốc” ngắn hạn 1 tháng, dài nhất cũng chỉ đến 1 năm, nên kỹ năng nghề còn thấp. Số lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động đã qua đào tạo. Những người được đào tạo đúng chuyên ngành Du lịch rất ít, chủ yếu là từ các ngành khác như ngoại ngữ, khoa học xã hội và tự nhiên.

- Các hình thức đào tạo và cơ sở đào tạo: Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng du lịch trong Vùng cao, công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được tất cả các địa phương quan tâm đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển và gặp rất nhiều khó khăn. Các địa phương trong Vùng đã triển khai đào tạo ngành Du lịch tại các trường đại học, cao đẳngtrên địa bàn, như: Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bạc Liêu, Trường Đại học Bình Dương (Cơ sở Cà Mau), Trường Đại học Cần Thơ, Trường Cao đẳng Bến Tre, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Kiên Giang, Trường Đại học Kinh tế công nghiệp Long An, Trường Đại học Tiền Giang, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Cửu Long,…

4. Kết luận

Qua việc phân tích thực trạng hoạt động của các DNVVN ngành Du lịch vùng ĐBSCL cho ta thấy được những mặt mạnh và hạn chế của ngành Du lịch. Qua bài viết này, tác giả có một số đề xuất giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL như sau: Tăng cường sự liên kết vùng trong phát triển du lịch; Phát triển các sản phẩm du lịch mới, như: du lịch thực tế ảo (Phim 3D, 4D...); Tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên, tư vấn viên về kỹ năng mềm, kỹ năng ứng công nghệ mới, kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ trong hoạt động kinh doanh; Phải xây dựng và số hóa các hoạt động nghiệp vụ, các dữ liệu giới thiệu các điểm đến bằng tiếng Việt và một số ngôn ngữ quốc tế khác; Liên kết nhà trường với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu của doanh nghiệp và xã hội; Đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, tăng thời lượng thực hành, thực tập thực tế tại doanh nghiệp; Nâng cao nhận thức của chính quyền các địa phương trong Vùng về tầm quan trọng của phát triển du lịch; Có chính sách ưu đãi nhà đầu tư trong Vùng đi tiên phong trong việc đầu tư xây dựng các khu du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn với độ rủi ro cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Grant Thornton, (2018). Báo cáo tóm tắt Khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2018. Vietnam Hotel Upscale Lodging - Hotel Survey 2018.
  2. Phan Thị Ngàn, (2018). Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Phát triển du lịch trong cách mạng công nghiệp 4.0 (Tr. 68-73). TP. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  3. Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) do Liên minh châu Âu tài trợ (2015). Phân tích nhu cầu nguồn nhân lực và đào tạo của ngành Du lịch Việt Nam (Manpower and Training Needs Analysis of the Vietnam Tourism Industry Executive Summary). Chương trình ESRT.
  4. Tổng cục Du lịch. Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam.
  5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Hà Nội: NXB Thống kê.
  6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011). Quyết định số 1060/2011/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch 2011 - 2020”.
  7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011). Quyết định số 3066/2011/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Quy hoạch “Phát triển nhân lực ngành du lịch 2011 - 2020”.
  8. Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 2473/2011/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".

THE CURRENT SITUATION OF SMALL

AND MEDIUM-SIZED TOURISM ENTERPRISES

IN THE MEKONG DELTA

• Master. NGUYEN MINH LAU1

• Ph.D NGUYEN THI BICH THU2

1Cuu Long University

2University of Economics, University of Da Nang

ABSTRACT:

This study is to analyze the current situation of small and medium-sized enterprises (SMEs) specializing in tourism in the Mekong Delta in terms of revenue, number of visitors, travel businesses, facilities, human resources for tourism. This study points out some weaknesses of the Mekong Delta such as the lack of high-quality human resources, the poor infrastructure issues, etc. This study proposes a number of recommendations to develop the Mekong Deltas tourism sector in the coming time.

Keywords: tourism, the Mekong Delta, small and medium-sized enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]