Thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đến năm 2025

ThS. NGUYỄN THỊ THANH THẮM - ThS. ĐẶNG THỊ NGỌC ÁNH (Giảng viên Khoa Quản trị  Kinh doanh, Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp đã và đang không ngừng phát triển tại Việt Nam. Việc thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp là một trong các mục tiêu quan trọng. Vì vậy, để đạt được nhiều kết quả thành công hơn nữa, cần có sự hỗ trợ, quan tâm sâu sắc từ các đơn vị bộ, ngành và Nhà nước. Thông qua việc phân tích thực trạng hoạt động khởi nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020, bài viết còn tập trung vào việc đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp trong quốc gia đến năm 2025.

Từ khóa: khởi nghiệp, thực trạng, chính sách hỗ trợ, giải pháp, doanh nghiệp khởi nghiệp.

1. Thực trạng hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020

1.1. Số lượng và các loại hình doanh khởi nghiệp

Tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 110.100 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới, tăng gần 14% so với số doanh nghiệp đăng kí mới trong năm 2015. Các ý tưởng kinh doanh không chỉ được hiện thực hóa dưới hình thức doanh nghiệp, mà còn theo hình thức cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp (hộ kinh doanh), trang trại hoặc cá nhân tự kinh doanh. Về ngành nghề khởi nghiệp có sự phân hóa đa dạng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: bất động sản, nông lâm nghiệp và thủy sản, nghệ thuật vui chơi giải trí, vận tải kho bãi và dịch vụ việc làm. Ngoài ra, các ngành còn lại cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong số lượng doanh nghiệp đăng kí mới, như: khoa học và công nghệ, xây dựng, y tế và hoạt động xã hội, tài chính ngân hàng và bảo hiểm… So sánh giữa các lĩnh vực hoạt động cho thấy, doanh nghiệp về công nghệ khoa học nổi trội hơn so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác. Thực tế này phản ánh đúng với điều kiện thời đại số 4.0, với các đặc điểm: không cần quá nhiều vốn đầu tư ban đầu, doanh nghiệp khởi nghiệp khoa học công nghệ hoạt động chủ yếu dựa vào các ý tưởng sáng tạo và sự trao đổi dễ dàng trong môi trường quốc tế qua các công nghệ hiện đại, làm tăng tính khả thi của các ý tưởng. 

Biểu đồ 1: Tỷ lệ phần trăm các loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp

ty-le-phan-tram-cac-loai-hinh-doanh-nghiep-khoi-nghiep Nguồn: Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, 2015

Một thống kê khác của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho thấy, đến cuối năm 2017,  cả nước đã có khoảng 600.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu tính trên đầu người, số các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia,… Bên cạnh đó, số lượng các nhà đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp có xu hướng tăng dần, mặc dù chưa nhiều, nhưng cũng góp phần tăng sự thu hút cho hoạt động khởi nghiệp.

1.2. Quy mô hoạt động và phạm vi mở rộng

Quy mô doanh nghiệp Việt Nam bao gồm doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá tổng thể, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng cao nhất, với số doanh nghiệp tăng mạnh hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn. Số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2017, cả nước có 10.000 doanh nghiệp lớn, tăng 29% so với năm 2015, tuy nhiên số doanh nghiệp lớn này chỉ chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp vừa tăng 23,6%, số lượng doanh nghiệp nhỏ tăng 21,2%. Xu hướng này cũng tương tự cho quy mô doanh nghiệp khởi nghiệp với hầu hết DN khởi nghiệp có tuổi đời không quá 1 năm, quy mô lao động khá nhỏ bé. Cụ thể năm 2016 có 7% DN khởi nghiệp có trên 50 lao động, DN có 10 đến 49 lao động chiếm 30%, và DN có khoảng 10 lao động chiếm gần 63%. Đa phần các DN khởi nghiệp ít tham gia vào hoạt động xuất khẩu, điển hình khách hàng chính của DN là các tổ chức hoặc cá nhân trong nước, chiếm 81%. 

Biểu đồ 2: Quy mô lao động của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam

năm 2017

quy-mo-lao-dong-cua-doanh-nghiep-khoi-nghiep-viet-nam Nguồn: Báo cáo tổng kết năm 2017 của Tổng cục Thống kê.

Về khả năng gọi vốn và phạm vi mở rộng nhìn chung khá lạc quan và sôi động. Nguồn đầu tư vào khởi nghiệp tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư, tập đoàn lớn, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh,… Các tổ chức, cá nhân này đến từ cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, so với khu vực và thế giới, nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Ngoài ra, triển vọng kinh doanh khởi nghiệp vẫn khá thấp với chỉ 38% DN chắc chắn tăng quy mô, 39% DN giữ nguyên quy mô hiện tại, trong khi 17% DN có thể tăng quy mô và 6% DN có thể đóng cửa.

Tóm lại, thực trạng khởi nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 phát triển khá sôi nổi, tuy nhiên vẫn còn một số tồn đọng làm hạn chế sự phát triển loại hình, quy mô và mở rộng phạm vi hoạt động của DN. Vì thế, để nâng cao chất lượng khởi nghiệp, giúp DN tăng khả năng gọi vốn, rất cần có sự hỗ trợ thiết thực từ phía các tổ chức, ban ngành Nhà nước thông qua các chính sách đặc thù cho khởi nghiệp. Vì vậy, các giải pháp nhằm hoàn thiện các chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp là quan trọng và cần thiết.

2. Đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho giai đoạn mới

Trong quyển sách “The death of competition: Leadership and strategy in the age of business ecosystems” (tạm dịch: Hồi kết của sự cạnh tranh: Tính lãnh đạo và chiến lược trong thời đại của các hệ sinh thái kinh doanh) xuất bản năm 1996, tác giả James F. Moore đã định nghĩa: hệ sinh thái kinh doanh bao gồm tất cả các loại hình cá nhân, tổ chức và luật pháp có liên quan tới hoạt động vận hành doanh nghiệp. Các thành phần này trong hệ sinh thái có vai trò riêng và tác động qua lại, nhờ đó phát huy lợi ích tốt hơn nếu hoạt động riêng lẻ và tạo điều kiện tối đa để hệ sinh thái hoàn thành được mục tiêu.

Khởi nghiệp là một hoạt động phức tạp. Để đạt được mục tiêu theo Đề án 844 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt năm 2016, hướng tới năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và có 100 doanh nghiệp tham gia Đề án 844 gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong sự phối hợp chặt chẽ là điều kiện tiên quyết. Vì vậy, giải pháp không tập trung vào một tổ chức hay cá nhân nào, mà cần được triển khai ở mức độ của một hệ sinh thái đồng bộ ngay ở thời điểm đề án được ban hành. Có như vậy, mới tối ưu khả năng thực hiện mục tiêu đã đề ra. Theo đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho giai đoạn mới như sau.

2.1. Nâng cao năng lực của các doanh nhân khởi nghiệp

Một trong các mục tiêu mà Đề án 844 đặt ra là tập trung nâng cao năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gồm có hỗ trợ các hoạt động như chương trình huấn luyện, thuê chuyên gia, trả tiền công lao động. Năng lực của quản trị và điều hành doanh nghiệp của doanh nhân khởi nghiệp là một yếu tố chủ chốt ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp trên thị trường.

Theo Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam từ năm 2017 - 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2017, cứ 100 người trưởng thành thì có 23 người đang trong giai đoạn khởi sự kinh doanh. So với giai đoạn trước đó (13,7% vào năm 2015) thì con số này thể hiện sự gia tăng đáng kể. Xét về động cơ khởi nghiệp, báo cáo của VCCI cũng cho thấy, có hơn 80% người khởi nghiệp để tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, khi xem xét sâu hơn vào mục đích của việc tận dụng cơ hội thì có gần 1/2 số các doanh nhân khởi nghiệp tập trung cao nhất để tăng thu nhập. Động cơ tài chính quá lớn một mặt sẽ thúc đẩy các công ty khởi nghiệp tối ưu hóa vận hành để tối đa hóa lợi nhuận, nhưng mặt khác cũng có thể cản trở đầu tư nghiên cứu, phát triển, đổi mới và sáng tạo. Trong khi đó, cốt lõi của khởi nghiệp là tính sáng tạo, năng động, sẵn sàng đón nhận rủi ro và tập trung vào phát triển.

Như vậy, việc tổ chức đào tạo để nâng cao năng lực cho các doanh nhân khởi nghiệp có vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động tốt, tạo ra lợi nhuận, đồng thời có tầm nhìn dài hạn và có năng lực để đổi mới dịch vụ, sản phẩm thích nghi với nhu cầu thị trường liên tục thay đổi, đi tắt đón đầu xu thế. Hiện tại,Việt Nam đã có một số tổ chức cung cấp chương trình đào tạo khởi nghiệp, từ đơn vị nhận được tài trợ của ngân sách nhà nước, như: Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (BSSC); các trung tâm đào tạo kinh doanh, khởi nghiệp và nhiều trường đại học đã đưa khởi nghiệp thành một môn học hoặc một chuyên ngành. 

Để nâng cao chất lượng và đạt được lợi ích thiết thực, các chương trình đào tạo cần tập trung nhiều vào tính ứng dụng và có hình thức đa dạng để phù hợp với đông đảo doanh nhân khởi nghiệp và đa dạng ngành nghề kinh doanh. Tại Singapore, bên cạnh các chương trình đào tạo năng lực khởi nghiệp trong trường đại học, học viện, trung tâm đào tạo, còn có các cuộc thi khởi nghiệp từ cấp quốc gia, khu vực đến giải quy mô toàn thế giới thường xuyên diễn ra. Các cuộc thi với các hoạt động bồi dưỡng chuyên đề, trao đổi với ban cố vấn là cơ hội học hỏi nâng cao năng lực thiết thực nhất của tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia.

2.2. Các tổ chức cùng tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp

Vốn luôn là một trong những mối quan tâm chủ chốt của doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo báo cáo năm 2016 của Startup Deals Vietnam từ Topica Founder Institute, có 205 triệu USD đã được đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các thương vụ nhỏ có giá trị dưới 5 triệu USD chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng số thương vụ. Quỹ ngoại đầu từ vào thương vụ nhiều hơn hẳn quỹ nội. Năm 2019, theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020, có 126 thương vụ đã được đầu tư với tổng vốn 874 triệu USD. Sang năm 2020, do diễn biến bất ngờ của đại dịch Covid-19, số lượng thương vụ giảm còn 105 và và giá trị đầu tư giảm xuống mức xấp xỉ của năm 2018. Những con số đáng kể trên vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp. Trên thực tế, nhiều công ty mới thành lập hoặc quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đi vào thị trường đủ lâu để chứng minh và khẳng định tính hiệu quả, nên đã gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Do đó, để kịp thời hỗ trợ và đầu tư vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, cần thiết có sự linh hoạt từ các kênh truyền thống như Ngân hàng và các quỹ của Nhà nước. Bên cạnh đó, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư của các công ty lớn quan tâm đến các dự án khởi nghiệp, càng rất cần một cơ chế thuận lợi hơn để doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm nhiều kênh huy động vốn hiệu quả.

Với tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực của doanh nhân khởi nghiệp như đã đề cập ở trên, vai trò của các tổ chức nghiên cứu, giáo dục cũng là một mắt xích quan trọng trong thúc đẩy hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp. Trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản cho người sắp khởi nghiệp, tạo môi trường để thực hành lí thuyết và nghiên cứu thực tế để họ thường xuyên rút ra các bài học và định hướng tầm nhìn,... là những việc rất hữu ích. Do đó, các cơ sở nghiên cứu, giáo dục cần đẩy mạnh để giúp tạo thành vòng học tập suốt đời cho các doanh nhân khởi nghiệp liên tục cập nhật và làm mới kiến thức, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp mà không phải tốn quá nhiều nguồn lực trong quá trình thử nghiệm hoạt động.

2.3. Xây dựng hành lang pháp lí đồng bộ

Các văn bản luật, nghị định hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tạo được khung pháp lí cơ bản định hướng hoạt động khởi nghiệp. Tuy nhiên, các quy định và chính sách hỗ trợ chủ yếu hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016  2021, bên cạnh Đề án 844, cũng có một số văn bản khác hỗ trợ khởi nghiệp đối với một số đối tượng cụ thể, như: Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ kí phê duyệt năm 2017, Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017,… Tuy nhiên, những nội dung này vẫn chưa đưa rahướng dẫn thi hành cụ thể, dẫn đến thực tế khó triển khai triệt để.

Để hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sâu sát với nhu cầu của doanh nghiệp và thực sự tạo bệ phóng để các doanh nghiệp khởi nghiệp nhanh chóng vươn mình, hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp cần được phân chia rõ ràng mục tiêu và trách nhiệm của từng đơn vị liên quan. Các nội dung hỗ trợ cần đi kèm theo tiêu chí cụ thể, song song với đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian của các bên, cũng như có sự hỗ trợ tiếp cận đúng đối tượng cần. Ngoài ra, sự kiểm tra, đánh giá sau hỗ trợ cũng cần phải được theo dõi sát sao để tránh tạo kẽ hở cho các hành vi sử dụng vốn sai mục đích, đồng thời cũng giúp đánh giá hiệu quả để có thể tiếp tục điều chỉnh các văn bản pháp lí theo hướng tạo điều kiện thiết thực nhất hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp.

Ngoài bản thân doanh nghiệp khởi nghiệp, các đơn vị hỗ trợ rất cần được tạo điều kiện để khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp tiềm năng. Một thị trường vốn đa dạng, dễ tiếp cận là thị trường không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Ngày càng có nhiều quỹ đầu tư quan tâm và đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam. Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, số lượng thương vụ và giá trị đầu tư tuy có giảm, nhưng vẫn là những con số lớn đáng kể. Đây là tín hiệu rất tích cực, vì vậy, hành lang pháp lí cần bỏ bớt rào cản cho hoạt động của các quỹ đầu tư ở Việt Nam. Một trong những biện pháp khuyến khích phổ biến nhất là ưu đãi thuế. Cần dựa trên Luật Đầu tư và danh mục các ngành nghề mà Nhà nước khuyến khích để xây dựng các chính sách miễn, giảm thuế tạo được động lực to lớn để các tổ chức, cá nhân có quan tâm và đóng góp nguồn lực, góp phần mạnh mẽ vào phát triển các lĩnh vực tiềm năng ở Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2016). Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
  2. Inland revenue authority of Singapore. (n.d.) (2021). Angel Investors Tax Deduction Scheme (AITD). Retrieved from: https://www.iras.gov.sg/irashome/Schemes/Individuals/Angel-Investors-Tax-Deduction-Scheme--AITD-/
  3. Moore, J. F. (1996). The death of competition: Leadership and strategy in the age of business ecosystems. New York: HarperBusiness.
  4. Nguyễn Văn Thịnh (2018). Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/hoan-thien-he-thong-phap-ly-ho-tro-doanh-nghiep-khoi-nghiep-138288.html
  5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2018). Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2017/2018. Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội.
  6. Topica Founder Institute: Investment in Startup Business (2016). Retrieved from: https://vebimo.wordpress.com/2017/04/04/topica-founder-institute-investment-in-startup-business-2016/

 

THE STATUS QUO OF ENTREPRENEURSHIP IN VIETNAM

OVER THE PERIOD FROM 2016 TO 2020 AND SOLUTIONS

TO PERFECT SUPPORT POLICIES FOR STARTUPS IN VIETNAM TO 2025

Master. NGUYEN THI THANH THAM

Master. DANG THI NGOC ANH

Lecturer, Faculty of Business Administration, Van Lang University

ABSTRACT:

In recent years, entrepreneurship has emerged strongly in Vietnam. Facilitating and supporting startups are important taks in Vietnam. In order to achieve more results, it is necessary for the Government of Vietnam, ministries and state agencies to pay special attention and conduct more activities to support startups in Vietnam. By analyzing the current situation of startups, this paper proposes some solutions to ỉmprove the effectiveness of support policies for startups in Vietnam.

Keywords: start-up, current situation, support policy, solutions, startup company.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 16, tháng 7 năm 2021]