Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp cho việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử tại Việt Nam

ThS. ĐÀO THỊ HẠNH (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại thương mại điện tử trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng tại nhiều quốc gia bởi chính sự ưu việt của nó như tiết kiệm thời gian, giao dịch thuận tiện và chi phí được tối ưu. Tuy nhiên vì là một lĩnh vực còn khá mới đối với Việt Nam nên công tác quản lý nói chung đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Hiện nay, tại Việt Nam, Nhà nước đã có các quy định pháp luật về thuế khá bao quát và cụ thể đối với loại hình thương mại điện tử này. Mặc dù được quản lý nhưng vẫn cần phải có những điều chỉnh về quản lý thuế đối với thương mại điện tử và đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thu thuế.

Từ khóa: quản lý thuế thương mại điện tử, thực trạng, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, sự chuyển đổi từ hình thức bán lẻ truyền thống sang việc kinh doanh trực tuyến là xu hướng không thể tránh khỏi ở các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, theo các chuyên gia đánh giá, mặc dù thị phần thương mại điện tử còn tương đối nhỏ so với các nước ở khu vực và trên thế giới, nhưng đã phát triển đúng với tiềm năng của mình.

Vì sao thương mại điện tử ở Việt Nam lại sẽ phát triển hơn trong tương lai. Có 2 điểm lợi thế nổi bật của thương mại điện tử tại Việt Nam: đó là do Việt Nam có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao và lượng dân số trẻ rất am hiểu kỹ thuật số.

Ngoài ra, Việt Nam được các doanh nghiệp trên thế giới đánh giá là đất nước có tiềm năng phát triển thương mại điện tử. Tại Việt Nam, nhiều công ty trong và ngoài nước đã nhanh chóng đầu tư vào lĩnh vực này để tối đa hóa lợi ích tiếp cận sớm. Do đó, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được đánh giá năng động, mang tính cạnh tranh cao và không có bất cứ doanh nghiệp có thể hoàn toàn chiếm lĩnh được thị trường.

Ngoài thế mạnh như trên, thực tế cho thấy, hoạt động thương mại điện tử rất đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng, có nhiều thay đổi nhanh chóng và đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác quản lý nhà nước về nội dung này, trong đó công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử (bao gồm cả các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới) không chỉ là bài toán khó, mà còn là thách thức đối với công tác quản lý thuế của nhiều quốc gia.

2. Thực trạng

Tại Việt Nam, thương mại điện tử là ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất toàn cầu. Ngoài ra, có rất nhiều loại hình kinh doanh và các doanh nghiệp thương mại điện tử có tên tuổi lớn trên thế giới đều đã xuất hiện tại Việt Nam như: Google, Facebook, Yahoo,... và đặc biệt trong những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới như cung cấp các dịch vụ kết nối vận tải (Uber, Grab,...), đặt phòng trực tuyến khách sạn Agoda, Traveloka, Booking, các hoạt động kinh tế chia sẻ trên nền tảng số.

Theo thống kê, các giao dịch thương mại điện tử bao gồm giao dịch giữa các doanh nghiệp, công ty với khách hàng, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua mạng xã hội, trang mua sắm cá nhân, cửa hàng ứng dụng là rất lớn.

Như vậy, các chủ thể nước ngoài kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam: Luật Quản lý thuế năm 2007 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2012, 2014 và 2016) đã có quy định các chủ thể kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải đăng ký, khai thuế trước khi bắt đầu tiến hành các hoạt động kinh doanh. Căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện các chính sách thuế và công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử phù hợp với từng loại hình hoạt động, từng mô hình hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Có thể nhận định rằng, các quy định pháp luật về thuế của Việt Nam đã được kiện toàn và có tính bao quát, điều chỉnh đối với thương mại điện tử ngay từ khi hoạt động này mới ra đời, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thu thuế. Hiện tại ở Việt Nam, có các chính sách thuế đối với thương mại điện tử như: thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Về thuế giá trị gia tăng (GTGT): Luật thuế GTGT năm 1997; Luật thuế GTGT năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2015 và 2016) và các văn bản hướng dẫn thì các hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT; Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu hàng hóa chịu thuế (gọi chung là người nhập khẩu) là đối tượng nộp thuế GTGT. Vì vậy, các hàng hóa, dịch vụ sử dụng tại Việt Nam được mua, bán thông qua loại hình thương mại điện tử từ các trang mạng điện tử đặt tại Việt Nam hay tại các quốc gia khác thì người bán đều phải kê khai và nộp thuế GTGT theo quy định.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Luật Thuế TNDN năm 2003, Luật Thuế TNDN năm 2008 đã có quy định rõ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập đều phải nộp thuế TNDN. Doanh nghiệp Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam có hoặc không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó. Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

Để tính và xác định số thuế phải nộp cũng như phương pháp thu thuế, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn đã có quy định phù hợp với từng loại đối tượng. Nhà nước đã tạo thuận lợi cho hoạt động khai, nộp thuế cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, đối với trường hợp doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh phát sinh thu nhập tại Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân, không thực hiện chế độ kế toán, chứng từ theo pháp luật của Việt Nam thực hiện việc xác định số thuế phải nộp (thuế GTGT, thuế TNDN) theo tỷ lệ %/doanh thu và tổ chức Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế của doanh nghiệp nước ngoài từ số tiền chi trả cho doanh nghiệp nước ngoài và nộp số tiền thuế này vào ngân sách nhà nước.

Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Theo quy định Luật Thuế TNCN năm 2007 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2012 và 2014), đối tượng nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú có thu nhập thuộc diện chịu thuế quy định phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập thuộc diện chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. Cá nhân công dân Việt Nam hay cá nhân nước ngoài phát sinh thu nhập từ các giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam và tại các trang mạng của Việt Nam cũng như các trang mạng quốc tế đều phải kê khai và nộp thuế TNCN.

Tuy nhiên, quản lý thuế đối với thương mại điện tử có những hạn chế nhất định. Công tác quản lý thuế đối với một số hoạt động thương mai điện tử như trường hợp các công ty có trụ sở tại nước ngoài kinh doanh đặt phòng khách sạn tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến (Agoda, Traveloka, Booking, Expedia,...) đã bộc lộ những hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục.

Một số hoạt động thương mại điện tử chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số hoạt động thương mại điện tử đang trong tình trạng tranh cãi, chưa thuộc vào loại hình kinh doanh nào, dẫn đến cơ quan quản lý thuế rất khó khăn trong việc xác định bản chất, loại hình để đánh thuế hoạt động kinh doanh, trong khi tùy theo loại hình hoạt động mà cơ quan quản lý thuế áp dụng các mức thuế khác nhau. Ví dụ như có nhiều cá nhân thực hiện các giao dịch mua bán tiền “ảo”, chuyển nhượng các vật phẩm “ảo” trong game hay cho thuê ứng dụng để đặt quảng cáo trực tuyến có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng không kê khai, nộp thuế đầy đủ.

Ngoài ra, vấn đề xác định doanh thu, thu nhập của các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử gặp khó khăn. Hiện nay, công tác quản lý thương mại điện tử chưa có các công cụ để kiểm soát tốt, theo dõi lượng hàng hóa cũng như doanh thu phát sinh từ các hoạt động này. Hiện tại, việc xác định doanh thu chủ yếu dựa trên hóa đơn bán hàng và nội dung giao dịch thanh toán. Thực tế, nhiều đối tượng kinh doanh thương mại điện tử khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng thực tế. Ngoài ra, nhiều đối tượng kinh doanh thương mại điện tử khi cung cấp hàng hóa thực hiện chấp nhận phương thức thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, hoặc nếu thanh toán qua ngân hàng thì sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế.

Theo thống kê phần lớn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam không tiến hành đăng ký kinh doanh nên cơ quan nhà nước khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng. Điển hình là đối với loại hình quảng cáo trực tuyến, bán hàng qua mạng xã hội (như thông qua Google, Facebook, Zalo,...). Đối với các hành vi mà doanh nghiệp (như Google, Yahoo,…) vi phạm thường gặp là không kê khai hoặc kê khai sai doanh thu thuế GTGT. Cũng có trường hợp không kê khai thuế nhà thầu đối với dịch vụ của một số công ty đa quốc gia có phát sinh dịch vụ ở Việt Nam. Hiện tại, hoạt động bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân hiện nay đang bùng phát nhanh chóng, trong khi cơ quan quản lý lại thiếu chế tài để tiến hành thu thuế kinh doanh khi phát sinh giao dịch buôn bán.

Nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng tài khoản cá nhân để thanh toán các khoản phí dịch vụ nước ngoài không kê khai doanh thu tính thuế. Trong đó, một bộ phận khá lớn các tổ chức, cá nhân sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNDN. Pháp luật cũng đã có quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong việc cung cấp thông tin giao dịch thanh toán thương mại điện tử, trách nhiệm của các đơn vị cho thuê máy chủ về cung cấp thông tin các doanh nghiệp vận hành các trang mạng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa có công cụ hỗ trợ nên cơ quan thuế còn gặp khó khăn trong quản lý kê khai, xác định doanh thu của các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử. 

Thương mại điện tử có những tính chất đặc thù như: quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet có tính phi biên giới, dễ dàng thay đổi, che dấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch. Vì vậy, vấn đề quản lý thu thuế là khá khó khăn đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới ví dụ như trường hợp cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến, dịch vụ du lịch đăng ký trực tuyến.

Thực tế, chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng chắc chắn nếu tình trạng này kéo dài thì ngân sách nhà nước sẽ bị thất thu. Vì vậy cần có những giải pháp để hạn chế sự thất thoát về thuế, góp phần gia tăng cho ngân sách nhà nước.

3. Giải pháp

Cần tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước và vùng lãnh thổ đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam (trong đó có Điều khoản về trao đổi thông tin). Có khung pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện trao đổi thông tin với các nước phục vụ công tác quản lý thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử qua biên giới.

Thực hiện xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm trang bị cho công chức thuế các kiến thức về thương mại điện tử và công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần đào tạo về kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử để phục vụ hoạt động thanh tra, giảm thời gian thanh tra tại các cơ sở kinh doanh. Tại cơ quan quản lý thuế cần tổ chức đào tạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng thanh tra, kiểm tra bằng phương pháp máy tính cho các công chức; để nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Cơ quan quản lý thuế cần có nghiên cứu thực tế phát triển của công nghệ và những ứng dụng về thương mại điện tử đã và đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ đời sống xã hội. Cơ quan quản lý thuế cần dự báo, xây dựng danh mục cụ thể về những lĩnh vực sẽ tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, đưa ra được những phương án đề xuất những chính sách quản lý thuế vừa có tính căn cơ đối với loại hình thương mại điện tử, vừa phải có những chính sách thuế linh hoạt thích ứng kịp thời với xu thế thanh toán qua mạng ngày càng tăng của xã hội.

Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước...; các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng,… trong việc trao đổi, thu thập thông tin của các đơn vị có hoạt động thương mại điện tử, thông tin về việc đăng ký website sàn thương mại điện tử, đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán qua ngân hàng,... Xây dựng những công cụ hỗ trợ cho cán bộ quản lý thuế có thể quản lý tốt, không để bị thất thu ngân sách ngân nước.

Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online, đăng ký ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần tăng hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, cần có những cải tiến sát với hoạt động kinh doanh thực tế. Ngoài ra, cần nghiên cứu, phát triển công cụ tìm kiếm internet thông minh trên các trang web có hoạt động thương mại để xác định hoạt động thương mại điện tử chưa được kê khai thuế. Ghi chép các kết quả làm bằng chứng để sử dụng trong quá trình tính thuế và thanh tra, kiểm tra,… phục vụ quản lý thuế theo công nghệ tìm kiếm và thông lệ quản lý thuế về thương mại điện tử của các nước phát triển. Tăng cường các giải pháp tạo thuận lợi, giảm thời giảm thời gian tuân thủ về thuế.

Tăng cường công tác rà soát, thanh tra các đối tượng mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh qua mạng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam để xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế. Ngoài ra, thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, tổng hợp các hành vi trốn, tránh thuế phổ biến của người nộp thuế.

Cần có những giải pháp phân loại người nộp thuế theo các nhóm điển hình để có các biện pháp quản lý thuế phù hợp. Đối với người nộp thuế là những doanh nghiệp có rủi ro lớn về thuế, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra; Đối với người nộp thuế là các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ tham gia vào các giao dịch nhỏ lẻ, số lượng lớn và giá trị giao dịch thấp, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để họ chấp hành pháp luật thuế đầy đủ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền rộng rãi như khai thuế, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử để tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển.

4. Kết luận

Thời gian tới, khi kinh tế Việt Nam hội nhập đầy đủ và chuyển từ kinh tế hàng hóa sang kinh tế dịch vụ, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến. Vì vậy, chính sách thuế thương mại điện tử sẽ phải được hệ thống hóa và hợp lý để đáp ứng đầy đủ việc quản lý loại hình thuế này. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ từng cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, tuân thủ và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Cơ quan quản lý thuế sẽ tham mưu, đề xuất Trung ương các giải pháp hiệu quả hơn như khấu trừ tại nguồn hoặc tại các tổ chức tín dụng để thu ngay nghĩa vụ thuế phát sinh trước khi chuyển tiền cho các cá nhân; nghiên cứu, phát triển các công cụ tìm kiếm để rà soát,… nhằm bảo đảm công bằng cho các loại hình kinh doanh và tránh thất thu thuế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2005). Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (có hiệu lực từ ngày 01/3/2006);
  2. Quốc hội (1997, 2008). Luật Thuế GTGT năm 1997; Luật thuế GTGT năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2015 và 2016);
  3. Quốc hội (2003, 2008, 2020). Luật Thuế TNDN năm 2003, Luật Thuế TNDN năm 2008 và Luật Thuế TNDN năm 2020;
  4. Quốc hội (2007). Luật Thuế TNCN năm 2007 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2012 và 2014);
  5. Chính phủ (2006). Nghị định số 57/2006/NĐ-CP tháng 6/2006 về thương mại điện tử;
  6. 6. Chính phủ (2007). Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;
  7. Chính phủ (2007). Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
  8. Chính phủ (2007). Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/03/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng;
  9. Chính phủ (2013). Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử thay thế cho Nghị định số 57/2006/NĐ-CP.

 

CURRENT SITUATIONS AND DIFFICULTIES FOR E-COMMERCE TAX ADMINISTRATION IN VIETNAM

Master. DAO THI HANH

Dong Nai Technology University

ABSTRACT:

Based on the strong development of science and technology, e-commerce has become an important economic field in many countries thanks to its advantages, such as time saving, cost minimizing and convenience. E-commerce is a quite new economic sector in Vietnam, hence, the state management in general and the tax administration of this field have faced many difficulties. Although the Government of Vietnam has carried out quite comprehensive and specific tax regulations for the e-commerce sector, it is still necessary for state agencies to adjust their e-commerce tax administration and ensure the legal basis for tax collection.

Keywords: e-commerce tax administration, situation, solution.

 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 6, tháng 3 năm 2021]