Thực trạng pháp luật về chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014

PHẠM VŨ PHƯƠNG (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Thới Lai, Thành phố Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty nói cung và công ty cổ phần nói riêng nói riêng là hoạt động mua bán, đầu tư kiếm lời. Còn dưới góc độ pháp lý, việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty là một loại giao dịch dân sự, được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật chuyên ngành và các quy định chung khác. Tuy nhiên, pháp luật Doanh nghiệp Việt Nam hiện hành còn chưa quy định rõ bản chất của “thế nào là vốn góp”, “phần vốn góp”, “hành vi chuyển nhượng vốn góp”, cũng như việc quản lý của nhà nước về việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty là điều hết sức cần thiết. Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày thực trạng pháp luật về chuyển nhượng phần vốn góp của công ty cổ phần, cũng như những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.

Từ khóa: Vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, Luật Doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Công ty là một loại hình doanh nghiệp do các thành viên góp vốn thành lập nhằm mục đích kinh doanh. Muốn tiến hành sản xuất, kinh doanh bất cứ ngành nghề, loại dịch vụ nào đều phải cần có vốn. Vốn này do các thành viên góp vào để cùng nhau thực hiện các hoạt động kinh doanh kiếm lời. Vì vậy, "vốn góp" và "phần vốn góp" của thành viên góp vốn sẽ gắn liền với sự tồn tại của công ty cho đến khi công ty giải thể hoặc bị phá sản. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào muốn trở thành thành viên của công ty đều phải đóng góp tiền, tài sản, trí tuệ... của mình. Nói cách khác, việc một thành viên chuyển quyền sở hữu tài sản của mình vào công ty đã làm phát sinh tư cách thành viên công ty của người đó.

Xét ở góc độ kinh tế, việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty là hoạt động mua bán, đầu tư kiếm lời. Còn dưới góc độ pháp lý, việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty là một loại giao dịch dân sự, được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật chuyên ngành và các quy định chung khác. Tuy nhiên, pháp luật Doanh nghiệp Việt Nam hiện hành còn chưa quy định rõ bản chất của "thế nào là vốn góp", "phần vốn góp", "hành vi chuyển nhượng vốn góp", cũng như việc quản lý của nhà nước về việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty là điều hết sức cần thiết.

Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày thực trạng pháp luật về chuyển nhượng phần vốn góp của công ty cổ phần, cũng như những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.

2. Thực trạng pháp luật về chuyển nhượng vốn góp trong công ty cổ phần

2.1. Điều kiện chuyển nhượng các loại cổ phần trong công ty cổ phần

Chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần (CTCP) là việc cổ đông chuyển một phần hoặc toàn bộ số cổ phần mà mình đang nắm giữ cho người khác (có thể là cổ đông hoặc không phải là cổ đông của công ty). Bản chất của hành vi chuyển nhượng vốn là sự dịch chuyển quyền sở hữu của cổ đông đối với cổ phần của họ trong công ty. Cổ đông muốn rút cổ phần của mình ra khỏi công ty thì hoặc là yêu cầu công ty mua lại cổ phần hoặc là chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Chính sự thuận lợi, linh hoạt trong việc chuyển nhượng cổ phần đã mang lại cho nền kinh tế sự vận động nhanh chóng của vốn đầu tư mà không phá vỡ tính ổn định của tài sản công ty.

Khác với pháp luật Việt Nam về tính chuyển nhượng phần vốn góp, pháp luật công ty cổ phần Nhật Bản quy định, trừ một số trường hợp ngoại lệ như khi công ty thay đổi tính trách nhiệm hữu hạn của người góp vốn hoặc trong trường hợp công ty giải thể, phá sản, những người góp vốn không được trả lại phần vốn đã góp. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc thu hồi vốn đầu tư của người góp vốn, tính chuyển nhượng của phần vốn góp rất cao. Pháp luật Việt Nam thừa nhận tính tự do chuyển nhượng của cổ phần, cổ phiếu như một nguyên tắc song cũng có một số giới hạn nhất định.

2.1.1. Các loại cổ phần được tự do chuyển nhượng

Với số vốn đã bỏ ra để mua cổ phần mà công ty chào bán, cổ đông không nhất thiết phải gắn bó lâu dài với công ty nếu họ không muốn. Tính tự do chuyển nhượng cổ phần đem lại cho CTCP lợi thế hơn hẳn so với các loại hình công ty khác. Đối với CTCP quyền chuyển nhượng mà chúng ta cần phải hiểu ở đây bao gồm cả các quyền bán, tặng cho, thừa kế... Có nghĩa là chuyển nhượng vốn trong CTCP không thể chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là việc mua bán, trao đổi.

Một trong những ưu điểm nổi bật của CTCP là mặc dù cổ đông "không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần" (Khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2014) nhưng "được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác và cho người không phải là cổ đông" (điểm d Khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Do xuất phát từ quan niệm coi CTCP là mô hình tổ chức theo hình thức đối vốn, có tính chất đại chúng (phản ánh cấu trúc vốn linh hoạt và khả năng chuyển đổi dễ dàng mà không làm mất đi tính ổn định trong cấu trúc vốn) khác hẳn với mô hình tổ chức theo hình thức đối nhân nên việc chuyển nhượng vốn trong CTCP dễ dàng hơn so với công ty TNHH và CTHD.

Cũng chính vì điều đó, việc chuyển nhượng vốn trong CTCP không phải là một vấn đề gì quá phức tạp và khó khăn. Nghĩa là các cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác một cách công khai trên thị trường chứng khoán theo những điều kiện mà pháp luật cũng như điều kiện của công ty quy định:

- Đối với các cổ phần phổ thông

Các cổ phần phổ thông có thể được coi là nền tảng cơ bản về vốn của CTCP, tổng giá trị loại cổ phần này chiếm tỷ lệ chủ yếu trong công ty. Những người sở hữu cổ phần phổ thông gọi là cổ đông phổ thông - họ là hiện thân về lợi ích của CTCP trên thương trường. Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam, một cổ phần phổ thông sẽ có một phiếu biểu quyết, như vậy mọi cổ đông phổ thông đều có quyền tham gia biểu quyết, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động của công ty. Một đặc trưng nữa của cổ phần phổ thông là quyền tự do chuyển nhượng của người sở hữu nó. Khi không còn nhu cầu đầu tư vào công ty, cổ đông phổ thông có thể chuyển quyền sở hữu của mình đối với công ty cho người khác thông qua việc chuyển quyền sở hữu các cổ phần. Các điều kiện về chào bán, chuyển nhượng loại cổ phần này có thể do Điều lệ công ty quy định hoặc không quy định.

- Đối với các loại cổ phần ưu đãi

Bên cạnh các cổ phần phổ thông, các CTCP có thể quyết định việc phát hành thêm một số loại cổ phần ưu đãi. Bao gồm: cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ữu đãi hoàn lại và một số cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty nếu có quy định. Giống với các cổ đông phổ thông, các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại đều là những người đầu tư vào công ty bằng cách mua cổ phần trong công ty và hoàn toàn có quyền tự do chuyển nhượng các loại cổ phần này. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản giữa các loại cổ phần này là: các cổ đông phổ thông hoàn toàn có quyền biểu quyết thì ngược lại các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức và ưu đãi hoàn lại không có quyền quan trọng đó.

Đối với các loại cổ phần ưu đãi (trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết), việc chuyển nhượng chúng như thế nào hoàn toàn mang tính chất tùy nghi và do Điều lệ công ty quy định. Đương nhiên nếu Điều lệ không cụ thể hóa vấn đề này các cổ đông sở hữu chúng sẽ tự do chuyển nhượng trên thị trường chứng khoán.

2.1.2. Một số cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng

Tính tự do chuyển nhượng cổ phần cũng có ngoại lệ, đó là đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập và cổ phần ưu đãi biểu quyết trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Thứ nhất, đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập: Theo Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2015 thì: “Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”. Tuy nhiên, không phải tất cả số cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông sáng lập đều chịu sự hạn chế chuyển nhượng này mà chỉ có “số cổ phần đăng ký tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp lần đầu và đã góp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp” mới bị hạn chế chuyển nhượng theo Khoản 3 Điều 119. Hạn chế chuyển nhượng đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập sẽ được bãi bỏ sau thời hạn 3 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Sở dĩ, pháp luật quy định như vậy, một mặt là nhằm ràng buộc và đề cao trách nhiệm của cổ đông sáng lập trong giai đoạn đầu thành lập công ty; mặt khác có tác dụng ngăn chặn tình trạng các sáng lập viên thành lập công ty nhằm mục đích nào đó như để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người góp vốn, hoặc để có nhân thân tốt chẳng hạn...) và khi đạt được mục đích của mình, họ bán cổ phần của mình và bỏ mặc số phận của công ty cũng như các cổ đông góp vốn khác.

Thứ hai, đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết: Theo Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác”.

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác; nghĩa là tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết mà mình nắm giữ cho người khác. Tuy nhiên, sau thời hạn 3 năm, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển thành cổ phần phổ thông; còn cổ phần ưu đãi biểu quyết của tổ chức được Chính phủ ủy quyền thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa có một quy định rõ ràng tương ứng.

Đối với các cổ phần ưu đãi biểu quyết, trong mọi trường hợp, các cổ đông sở hữu các cổ phần đó không được phép chuyển nhượng cho người khác. Đây là quy định tối bắt buộc. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra trường hợp đặc biệt, khi một cổ đông có quyền ưu đãi biểu quyết chết thì số cổ phần ưu đãi đó sẽ được giải quyết như thế nào? Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của chính các cổ đông này, Điều lệ công ty nên quy định cụ thể những trường hợp đặc biệt, ví dụ để lại thừa kế cho người khác. Trong những trường hợp đặc biệt như vậy, cổ phần ưu đãi biểu quyết chỉ có thể được chuyển nhượng sau khi đã được chuyển nhượng thành cổ phần phổ thông. Có nghĩa là khi một cổ đông có quyền ưu đãi biểu quyết chết thì họ chỉ có thể để lại cho người thừa kế giá trị vật chất của các cổ phần mà họ sở hữu chứ không phải là giá trị pháp lý của những cổ phần đó.

2.2. Thủ tục và hình thức chuyển nhượng cổ phần

Các quy định liên quan tới chuyển nhượng cổ phần được Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định một cách rất cụ thể và rõ ràng như: hình thức chuyển nhượng, trường hợp chỉ chuyển nhượng một số cổ phần trong cổ phiếu có ghi tên... Có thể được thực hiện giữa các cổ đông của công ty với các cổ đông khác trong công ty, hoặc với người khác không phải là cổ đông của công ty. Song, khác với hình thức mua lại cổ phần, chuyển nhượng cổ phần về bản chất không làm thay đổi số vốn của CTCP trên thực tế. Do đó, việc chuyển nhượng cũng không làm ảnh hưởng đến quy mô sản xuất hay năng lực tài chính của CTCP đó trên thị trường.

Việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng văn bản theo cách thông thường hoặc bằng cách trao tay cổ phiếu. Việc chuyển vốn dưới hình thức này rất dễ dàng và thuận lợi thông qua thị trường chứng khoán. Bên chuyển nhượng vẫn là người sở hữu cổ phần có liên quan cho đến khi tên của người nhận chuyển nhượng được đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông. Giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần được quy định như sau:

- Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập:

+ Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

+ Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

+ Tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.

+ Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.

+ Tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định.

- Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông phổ thông:

+ Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

+ Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

+ Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông.

+ Tiến hành đăng ký cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên với Cơ quan đăng ký kinh doanh (nếu có).

- Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý:

Bên chuyển nhượng vẫn là người sở hữu cổ phần có liên quan cho đến khi thông tin của người nhận chuyển nhượng được đăng ký vào Sổ đăng ký cổ đông.

Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua được ghi đúng, ghi đủ vào Sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của CTCP.

Cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.

Quyền chuyển nhượng cổ phần bao gồm mua bán, tặng cho, để lại thừa kế. Trong quan hệ chuyển nhượng cổ phần, người nhận chuyển nhượng trở thành chủ sở hữu cổ phần khi tên của người này được đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông và như vậy người chuyển nhượng vẫn được nhận cổ tức từ công ty trong trường hợp họ chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian giữa thời điểm kết thúc lập danh sách cổ đông và thời điểm trả cổ tức. Luật Doanh nghiệp năm 2014 còn dự liệu cả trường hợp chỉ chuyển nhượng một số cổ phần trong có phiếu có ghi tên thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.

2.3. Hệ quả pháp lý của việc chuyển nhượng cổ phần

Việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông không làm thay đổi cấu trúc vốn điều lệ của CTCP. Nhưng việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông công ty cũng gây ra một số hậu quả pháp lý nhất định đối với công ty như sau:

- Đối với trường hợp chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập: Trong trường hợp này bên chuyển nhượng vẫn là người sở hữu cổ phần có liên quan cho đến khi thông tin của bên nhận chuyển nhượng được đăng ký vào Sổ đăng ký cổ đông. Tuy nhiên, sau khi nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập thì CTCP phải tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định của Khoản 3 Điều 51 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Theo đó, công ty phải gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký.

Kèm theo Thông báo phải có: danh sách thông tin của các cổ đông sáng lập khi đã thay đổi; Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng; Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.

Khi nhận thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận và đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập cho CTCP. Và bên nhận chuyển nhượng cổ phần sẽ trở thành chủ sở hữu của CTCP, có các quyền và nghĩa vụ của một cổ đông sáng lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành.

Ngoài ra, đối với cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình sẽ phải chị thuế thu nhập cá nhân, dựa trên thu nhập mà người này đã nhận được khi tiến hành chuyển nhượng cổ phần của mình với thuế suất 20% tính trên giá trị của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

- Đối với trường hợp chuyển nhượng các loại cổ phần phần khác (trừ các loại cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng) thì việc chuyển nhượng cổ phần sẽ được ghi nhận trong Sổ đăng ký cổ đông, bên nhận chuyển nhượng sẽ trở thành cổ đông của công ty cổ phần, có các quyền và nghĩa vụ y như một cổ đông sở hữu công ty theo quy định của luật và Điều lệ của CTCP đó, cũng như được hưởng các quyền lợi khác từ loại cổ phần ưu đãi mà họ sở hữu trong công ty.

Như vậy, nếu như mức độ chuyển quyền sở hữu của các thành viên trong công ty TNHH được xác định thông qua phần vốn góp thì ở CTCP, đơn vị xác định phần quyền sở hữu của từng cổ đông đối với công ty là cổ phần. Chính vì vậy, việc chuyển nhượng cổ phần có nghĩa là chuyển nhượng phần quyền sở hữu đối với công ty của cổ đông cho người khác. Xuất phát từ tính tự do chuyển nhượng vốn của CTCP nên dễ dàng huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư của các nhà kinh doanh. Họ đầu tư tài sản vào công ty làm ăn có lãi để trở thành cổ đông CTCP đó. Sau một thời gian CTCP kinh doanh phát đạt họ lại chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác để thu lời.

3. Hoàn thiện quy định về chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần

Thực tiễn thi hành pháp luật về vốn trong CTCP vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong thủ tục chuyển nhượng. Do đó, các quy định này cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho CTCP dễ dàng hoạt động và phát huy hơn nữa vai trò là nơi tập trung những nguồn vốn lớn của xã hội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập chỉ áp dụng đối với số cổ phần đăng ký mua tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp lần đầy và đã góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quy định như vậy, là chưa thực sự hợp lý và đảm bảo ý nghĩa của việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập theo tinh thần tại Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Bởi giả sử có cổ đông sáng lập không góp đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày và sau thời hạn đó thì có người khác nhận góp đủ số cổ phần còn thiếu, đương nhiên người này sẽ được coi là cổ đông sáng lập và khi đó cũng phải chịu những hạn chế chuyển nhượng như những cổ đông khác. Như vậy, điều luật chỉ cần quy định là: “Hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập quy định tại Khoản 3 Điều 119 của Luật Doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với số cổ phần đăng ký mua tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp lần đầu tiên kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

4. Kết luận

Xu hướng mua bán phần vốn góp trong công ty cổ phần của cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần ngày càng hiện hữu tại nước ta đặc biệt trong hoàn cảnh nền kinh tế hiện nay đang gặp khó khăn và hàng loạt các doanh nghiệp do thiếu vốn, thiếu nhân lực, kinh nghiệm lâm vào tình trạng phá sản hoặc bị thôn tính. Chính vì thế đây là cơ hội cho một số nhà đầu tư có tiềm lực mua lại được phần vốn góp hoặc cổ phần tại các doanh nghiệp tiềm năng mà trong điều kiện bình thường họ khó có thể tiếp cận được.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty là hành vi có ý nghĩa cả về mặt kinh tế và pháp lý. Hệ quả pháp lý của chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty tạo ra khả năng chuyển quyền sở hữu tài sản của thành viên, cổ đông sang cho người khác (có thể là thành viên hoặc không phải là thành viên của công ty), đồng thời ràng buộc nghĩa vụ và mang đến quyền lợi cho các thành viên, cổ đông của công ty đó.

Với cách tiếp cận như vậy, bài viết đã nghiên cứu giải quyết được các vấn đề sau:

- Nghiên cứu khá kỹ lưỡng cơ sở lý luận của việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty cổ phần. Việc chuyển nhượng phần vốn góp tạo ra các hệ quả pháp lý đối với các thành chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng và đối với cả công ty. Sau khi nhận chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng trở thành thành viên, cổ đông và có quyền lợi và nghĩa vụ nhất định đối với công ty.

- Các hình thức chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam hiện tại còn có nhiều khiếm khuyết. Ngoài hình thức chuyển nhượng bằng hợp đồng là chủ yếu, các hình thức chuyển nhượng khác như trao tay (cổ phiếu) cũng là các nhu cầu kinh tế khách quan đòi hỏi có luật điều chỉnh cụ thể hơn nữa. Bản thân khái niệm “vốn góp”, “phần vốn góp”, “tài sản góp vốn” theo pháp luật Việt Nam cũng cần thống nhất và hoàn thiện hơn nữa để ghi nhận chế định quyền tài sản đối loại tài sản là “phần vốn góp”.

- Từ việc đánh giá các khiếm khuyết nêu trên, bài viết nêu một số kiến nghị nhất định nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty cổ phần ở Việt Nam ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lại Thị Hải Yến (2012), Quy chế pháp lý về vốn của công ty cổ phần - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội.

2. Nguyễn Bích Ngọc & Nguyễn Đình Cung (2009), Công ty: Vốn, quản lý và tranh chấp theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, NXB Tri thức.

3. Lê Vệ Quốc (2001), “Tìm hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam về chuyển nhượng vốn đối với công ty TNHH và công ty cổ phần”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (11), tr. 41-47.

4. Phạm Thị Tâm (2015), Pháp luật về bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong công ty cổ phần - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.

CURRENT REGULATIONS OF ENTERPRISE LAW 2014 ON TRANSFERRING CONTRIBUTED CAPITAL AT JOINT STOCK COMPANIES

PHAM VU PHUONG

Center for Career Training Continuing Education of Thoi Lai District, Can Tho City

ABSTRACT:

The transfer of contributed capital within a company in general and at a joint stock company in particular is considered as a trading activity to gain profit. From the legal perspective, the transfer of a member's contributed capital is viewed as a civil transaction that is governed by specialized legal regulations and other general provisions. However, the current Enterprise Law of Vietnam does not specify the nature of definitions about contributed capital and the transfer of contributed capital. It is essential for the state to manage the transferring contributed capital activities at companies. This article is to present the current regulations of transferring contributed capital at joint stock companies and propose recommendations to enhance the effectiveness of regulations on this legal issue.

Keywords: Contributed capital, transfer of contributed capital, Enterprise Law.