Thực trạng phát triển du lịch tại khu du lịch quốc gia Mộc Châu

ThS. Dương Thị Hồng Nhung, ThS. Vũ Thị Thu Huyền (Trường Đại học Thương mại)

Tóm tắt:
Bài viết khái quát một số vấn đề cơ bản về thực trạng phát triển du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn của nước ta.
Từ khóa: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, phát triển du lịch.

1. Đặt vấn đề
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu từ lâu là một điểm đến du lịch lý tưởng cho mọi du khách, cả khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. Trong những năm vừa qua, nhờ vào giá trị nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, cả về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, hoạt động du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu cũng có được những thuận lợi nhất định; tuy nhiên, bên cạnh đó, điểm đến này cũng tồn tại một số khó khăn, làm hạn chế không nhỏ tới sự phát triển du lịch tại đây. Do đó, nghiên cứu khái quát một số vấn đề về phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu, trên cơ sở đó giới thiệu một số giải pháp nhằm thúc đẩy Khu du lịch quốc gia Mộc Châu phát triển hơn nữa, tạo thành điểm nhấn trong phát triển du lịch tỉnh Sơn La nói riêng và phát triển du lịch Việt Nam nói chung.
2. Thực trạng phát triển du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
2.1. Khái quát về Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
2.1.1. Vị trí địa lý
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 180 km, cách Thành phố Sơn La 120 km, được Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Quy hoạch là Khu du lịch quốc gia vào tháng 11/2014. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu (mới) và Vân Hồ (gọi tắt là vùng Mộc Châu) được tách ra từ huyện Mộc Châu (cũ) theo Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 10/6/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mộc Châu để thành lập huyện Vân Hồ thuộc tỉnh Sơn La. Đó là 2 huyện miền núi nằm trên cao nguyên đá vôi vùng Tây Bắc với độ cao trung bình hơn 1.000 m so với mặt nước biển, về hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên 2.061 km2, tiếp giáp với các khu vực: Phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Hòa Bình; Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Yên Châu; Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước CHDCND Lào với đường biên giới chung dài 36 km (cửa khẩu Quốc gia Lóng Sập thông với tỉnh Hủa Phăn và cố đô Luông Phra Bang của nước CHDCND Lào); Phía Bắc giáp với huyện Phù Yên.
2.1.2. Tài nguyên du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
- Tài nguyên du lịch tự nhiên: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều những cảnh sắc tuyệt đẹp mà hoang sơ, những cảnh sắc chỉ riêng Mộc Châu mới có. Các danh lam thắng cảnh đã đem đến cho KDLQG Mộc Châu một nét rất riêng biệt, nơi con người có thể tham quan và hòa mình vào với thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, như: Hang Dơi (Động Sơn Mộc Hương), Thác Dải Yếm, Rừng thông bản Áng, Đỉnh Pha Luông, Ngũ động Bản Ôn, Thác Chiềng Khoa…
- Tài nguyên du lịch nhân văn: Mộc Châu không chỉ nổi danh với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mê hoặc lòng người, không chỉ có những đồi chè xanh ngắt, những vườn hoa nở rộ, những cảnh tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng,... Mộc Châu còn có cả những di tích lịch sử nổi tiếng như chùa Vặt Hồng, đồn Mộc Lỵ, văn bia trung đoàn Tây Tiến, di tích lịch sử bia căm thù Km 64, di tích bia căm thù thị trấn Mộc Châu, di tích lịch sử bia căm thù Km 70, di tích lịch sử Văn bia Trung đoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam - Lào,…
2.2. Tình hình phát triển du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
2.2.1. Về đảm bảo kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đang ngày càng được xây dựng và nâng cao. Hiện nay, tại KDLQG đã có những tập đoàn lớn đầu tư và xây dựng cơ sở lưu trú phục vụ trong việc du lịch, những khách sạn và nhà nghỉ xuất hiện ngày càng nhiều đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến tham quan (Bảng 1). Từ Bảng 1, ta thấy tính đến năm 2017, toàn huyện Mộc Châu có 150 cơ sở lưu trú, với tổng số 1.347 buồng, 2.749 giường, tăng so với năm 2015 và 2016. Trong đó có 1 khách sạn đặt tiêu chuẩn năm sao, 1 resort đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao. Nhìn chung, tổng thể hệ thống kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ tại KDLQG Mộc Châu đang bước đầu xây dựng và phát triển, đảm bảo điều kiện lưu trú cho du khách vào mùa cao điểm du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều hạn chế, một số khách sạn, nhà nghỉ chưa tuân thủ chặt chẽ yêu cầu xếp hạng sao theo đúng quy định, lợi dụng lòng tin của khách hàng mà cung cấp các dịch vụ chưa xứng đáng, nên cần được khắc phục và quản lý một cách chặt chẽ hơn trong tương lai.
Các khách sạn, nhà nghỉ, thậm chí cả hình thức homestay xuất hiện ở Mộc Châu ngày càng nhiều. Rất nhiều hộ gia đình đã xây dựng các nhà nghỉ tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Bên cạnh đó có cả các khách sạn từ 1 sao đến 5 sao của các tập đoàn lớn, các công ty đầu tư dần xuất hiện ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, KDLQG Mộc Châu đã xây dựng những hệ thống cơ sở vật chất khác, như:
+ Hệ thống cơ sở vui chơi giải trí: Hệ thống các khu vui chơi giải trí tại các khu điểm du lịch. Đặc biệt, các loại hình vui chơi giải trí tập trung ở Trung tâm Du lịch sinh thái Mộc Châu (các loại hình vui chơi giải trí phổ thông) và Trung tâm Vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu (các loại hình vui chơi giải trí cao cấp); Công viên chuyên đề tại Trung tâm Du lịch sinh thái Mộc Châu và Trung tâm Nghỉ dưỡng Mộc Châu; Các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí ở các khu trung tâm dịch vụ; Khu du lịch vui chơi giải trí đặc biệt: Phát triển ở Trung tâm Vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu.
+ Hệ thống các cơ sở phục vụ ăn uống: Hệ thống các cơ sở dịch vụ ăn uống tập trung phát triển tại các khu du lịch, mang đến cho du khách những món ăn đặc sản mà không nơi đâu có. Khách hàng có thể vừa ngắm quang cảnh tại các điểm du lịch, tận hưởng không khí trong lành, vừa sử dụng dịch vụ ăn uống một cách tốt nhất. Không chỉ có cơ sở dịch vụ ăn uống tại điểm du lịch, KDLQG Mộc Châu còn có hệ thống các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng, chợ văn hóa, du lịch phát triển ở khu vực Trung tâm dịch vụ du lịch (thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu). Du khách có thể đến các chợ văn hóa, được trải nghiệm những nét độc đáo, đời thường của những người dân địa phương . Các nhà hàng chuyên về các món đặc sản của Mộc Châu như thịt bê, thịt ngựa,… đem lại những trải nghiệm mới mẻ về những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
+ Hệ thống các cơ sở phục vụ hội nghị, hội thảo: Hệ thống các cơ sở phục vụ hội nghị hội thảo với tổng quy mô khoảng 5.000 - 10.000 chỗ ngồi tập trung phát triển ở: Trung tâm Du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm Vui chơi giải trí Mộc Châu; Trung tâm Nghỉ dưỡng Mộc Châu; Trung tâm Dịch vụ thị trấn Mộc Châu; Trung tâm Dịch vụ thị trấn Vân Hồ.
+ Hệ thống cơ sở phục vụ nhu cầu thể thao: Các loại hình thể thao cao cấp phát triển ở Khu du lịch thể thao Thảo nguyên; Các loại hình dịch vụ thể thao khác như sân tennis, sân tập golf, bể bơi… phát triển ở các khu du lịch.
2.2.2. Về nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch
Tiềm năng phát triển du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu là rất lớn và đang được rất nhiều các nhà đầu tư quan tâm và có dự án đầu tư nhằm phát triển khu du lịch, như: Dự án đầu tư hạ tầng Khu du lịch Rừng Thông - Bản Áng; Dự án khu trung tâm du lịch Mộc Châu; Dự án đầu tư các bản du lịch cộng đồng tại 2 bản: Bản Áng - xã Đông Sang và bản Nà Bai - xã Chiềng Yên theo đề án phát triển du lịch tại các bản du lịch cộng đồng của tỉnh; Dự án đầu tư hạ tầng điểm du lịch Thác Dải Yếm; Dự án tuyến đường du lịch Chiềng Yên, dài 10,326 km… Bên cạnh các dự án do Nhà nước đầu tư, Mộc Châu đang thu hút được một số nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát và đăng ký đầu tư vào Khu trung tâm du lịch Mộc Châu như khu bách hoa viên, khu trồng cây lưu danh, khu biệt thự, khu trồng cây thuốc quý,... Ngoài ra tại một số điểm du lịch khác trên địa bàn huyện như Khu rừng sinh thái Pó Cốp, khu du lịch Thác Dải Yếm, khu văn hóa tâm linh Ngũ Động Bản Ôn,… cũng được các nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, các dự án đó đều đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa hình thành được các khu du lịch, dịch vụ để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Mộc Châu cũng như thu hút khách du lịch.
2.2.3. Về đào tạo và phát triển nhân lực du lịch
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, lao động trong ngành Du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu còn rất hạn chế và chiếm 1,8% trong tổng số lao động của huyện. Năm 2017, số lao động trong ngành Du lịch (nhà hàng, khách sạn) đạt khoảng hơn 1.500 người. Trình độ lao động trong ngành Du lịch còn nhiều hạn chế, hầu hết lao động chưa được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ chuyên môn. Do đó, để nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động du lịch, hàng năm, Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La phối hợp với UBND huyện Mộc Châu tổ chức khóa tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng, đặc biệt là người làm du lịch. Tại khóa tập huấn, các học viên tại các điểm du lịch và chủ các cơ sở lưu trú đã được các giảng viên của “Chương trình phát triển Năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu tài trợ đã hướng dẫn những kiến thức về du lịch như: Cách nhận biết các sản phẩm du lịch có trách nhiệm để khai thác và phát triển các sản phẩm này; Vấn đề bảo vệ môi trường và cộng đồng địa phương khỏi những tác động tiêu cực của du lịch; Xây dựng lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch có trình độ, kỹ năng; Đánh giá những tác động tự nhiên và xã hội của du lịch đối với cộng đồng, môi trường và kinh tế địa phương. Mỗi khóa đào tạo có khoảng hơn 100 học viên theo học, do vậy có thể nói trình độ đội ngũ lao động du lịch đang từng bước được nâng cao.
2.2.4. Về tuyên truyền, quảng bá du lịch
Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại KDLQG Mộc Châu rất được quan tâm. Để thực hiện nhiệm vụ quảng bá, Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã chủ động xây dựng website http://mocchautoursim.com, website của Ban được xây dựng bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, dịch sang tiếng Lào, cung cấp thông tin bổ ích, đầy đủ về điểm tham quan, nơi ăn, nghỉ, mua sắm cho du khách và các công ty lữ hành.
Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu cũng là điểm đầu mối quảng bá, thông tin để thu hút khách, giới thiệu sản phẩm cho các đơn vị đã khai trương sản phẩm và đi vào hoạt động, như: Khách sạn Mường Thanh Mộc Châu; Tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí Thảo Nguyên resort; Khách sạn Thảo Nguyên; Khách sạn Sao Xanh, Khách sạn Hương Sen, Khách sạn Kim Dung...
Bên cạnh đó, văn phòng thông tin quảng bá du lịch Mộc Châu tại Thanh Xuân (Hà Nội), cũng đã được cải tạo, sửa chữa để các tổ chức, cá nhân tại Hà Nội và các tỉnh đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Mộc Châu. Hằng năm, huyện đều tổ chức Ngày hội hái quả và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của Mộc Châu, Vân Hồ với người dân Thủ đô, mỗi năm có trên 5.000 du khách và các công ty lữ hành đến tìm hiểu thông tin, tiếp nhận các ấn phẩm, tài liệu du lịch...
Cùng với đó, các hình thức quảng bá, giới thiệu du lịch trên các kênh thông tin đại chúng như báo, đài, website du lịch hay tổ chức các cuộc thi ảnh; cập nhật nhiều điểm đến cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, tên đường phố Mộc Châu lên bản đồ thế giới Google maps; xuất bản các ấn phẩm, sách ảnh, tập gấp, tờ rơi, bản đồ, chương trình tour bằng song ngữ Việt - Anh; Việt - Lào... đã góp phần thu hút khách du lịch đến Khu du lịch quốc gia Mộc Châu ngày càng nhiều.
2.3. Kết quả hoạt động kinh doanh du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
a. Số lượt khách
Trong 2 năm 2016 - 2017, lượng khách du lịch đến Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Mộc Châu tăng nhanh (Bảng 2). Theo thống kê từ Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, năm 2016, khách du lịch đến với Mộc Châu ước đạt 1.050.000 lượt khách, trong đó khách trong nước ước đạt 1.000.050 lượt, khách quốc tế ước đạt 49.950 lượt. Năm 2017, khách du lịch đến với Mộc Châu tăng 9,52%, ước đạt 1.150.000 lượt khách, trong đó khách trong nước ước đạt 1.095.000 lượt, tăng 9,49%, khách quốc tế ước đạt xấp xỉ 55.000 lượt, tăng 10,11%. Khách du lịch đến KDLQG Mộc Châu có số ngày lưu trú trung bình đạt 1.86 ngày/khách, khách nội địa thường lưu lại 2 ngày - 1 đêm vào các dịp nghỉ cuối tuần; khách nước ngoài thường lưu lại từ 3 ngày trở lên, chủ yếu tại các bản du lịch cộng đồng; lượng khách nghỉ lại chiếm trên 70%; chi tiêu bình quân 1 khách du lịch khoảng 900.000 đồng. Đặc biệt trong các dịp lễ hội (Tết Độc lập 2/9, Tết Mông, ngày lễ 30/4 - 1/5), số lượng khách đến khu du lịch quốc gia Mộc Châu không dưới 50.000 người.
Về thị trường, các luồng khách chính của Mộc Châu bao gồm: Khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu theo quốc lộ 6 đến Mộc Châu. Thị trường này chiếm tỷ lệ từ 70% - 80% tổng số khách. Khách từ Sơn La và các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình… chủ yếu theo quốc lộ 6 đến Mộc Châu. Thị trường này chiếm tỷ lệ từ 10% - 20% tổng số khách. Khách từ Lào Cai qua cửa khẩu Lóng Sập theo quốc lộ 43 đến Mộc Châu. Thị trường này chiếm tỷ lệ nhỏ từ 15% - 20% tổng số khách.
b. Tổng thu từ khách du lịch
Qua thực tế khảo sát mức chỉ tiêu của khách du lịch đến Mộc Châu hiện nay mới dao động trong khoảng từ 20 - 25 USD/ngày/khách. Nguồn thu nhập du lịch chủ yếu từ các dịch vụ phục vụ khách du lịch như ăn uống, lưu trú, thăm quan… (Bảng 3). Ngoài hoạt động du lịch còn có các hoạt động kinh tế khác của người dân sinh sống tại KDLQG Mộc Châu, các hoạt động này đóng góp khoảng 73 tỷ đồng vào thu nhập của KDLQG này. Tổng lượt khách du lịch đến KDLQG Mộc Châu năm 2017 là 1.050.000 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 962 tỷ đồng, tăng 8,33% so với năm 2016, chiếm gần 93% tổng doanh thu đạt được tại KDLQG Mộc Châu.
3. Giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
3.1. Giải pháp đối với doanh nghiệp du lịch nhằm phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
Các doanh nghiệp du lịch cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh, mang hình ảnh của KDLQG Mộc Châu đến với bạn bè trong nước và quốc tế thông qua các phương tiện truyền thông, cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng kết hợp với giáo dục môi trường; liên kết với cộng đồng địa phương bằng nhiều hình thức như tạo việc làm, giáo dục nhận thức, chia sẻ quyền lợi,… khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch và cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm nghiên cứu và việc triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch, tăng cường hợp tác liên ngành và quốc tế về mọi mặt nói chung và bảo vệ môi trường du lịch nói riêng.
3.2. Một số kiến nghị nhằm phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
3.2.1. Đối với chính quyền địa phương
Chính quyền địa phương là những người đứng đầu lãnh đạo sự phát triển của Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. Bản thân chính quyền nhận thức được tình hình phát triển du lịch tại các điểm du lịch và có những giải pháp nâng cao sự phát triển, như: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch theo hướng “Du lịch có trách nhiệm” trên các phương tiện khác nhau, các loại hình khác nhau; Tích cực đào tạo nguồn nhân lực làm công tác bảo vệ môi trường; Thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân địa phương tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng các lớp nghiệp vụ du lịch,...
Chính quyền địa phương nên khuyến khích người dân tại huyện Mộc Châu đi học, hoặc cử những người tiêu biểu đi học để có thể về phát triển ngành Du lịch. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần có những qui định để đảm bảo quyền lợi cho những người khách du lịch, đảm bảo về giá cả cũng như nhiều vấn đề khác, cần có những biện pháp nghiêm khắc để răn đe, trừng phạt những hành vi xấu ảnh hưởng đến khách du lịch và cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Hiện nay, còn rất nhiều điểm du lịch vẫn còn tự phát, do người dân tự mở ra. Bởi vậy, quy hoạch các điểm du lịch đồng đều là một việc cần thiết. Chính quyền địa phương nên xây dựng và ban hành Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. Ưu tiên xây dựng các công trình xử lý chất thải, cấp nước sạch, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu tại các khu vực ưu tiên phát triển du lịch.
3.2.2. Đối với người dân địa phương
Người dân địa phương là yếu tố quan trọng trong việc góp phần phát triển du lịch tại Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. Người dân địa phương cần đi học các lớp bổ túc về văn hóa, xã hội cũng như các lớp chuyên môn về phục vụ du lịch, nâng cao chuyên môn về ngành Du lịch cũng như bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phát triển du lịch theo mô hình “Du lịch xanh”, “Du lịch có trách nhiệm” không gây ảnh hưởng đến môi trường.
3.2.3. Đối với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch
Với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cần tăng cường huy động các nguồn hỗ trợ trong đầu tư tôn tạo và bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; phục hồi và phát triển các lễ hội dân tộc truyền thống để phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; hỗ trợ kinh phí mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiến thức về du lịch.
Với Tổng cục Du lịch, nên xem xét, ưu tiên thu hút hỗ trợ nhà đầu tư vào thực hiện dự án Khu công viên hồ trung tâm tại Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu; Xây dựng diễn đàn phát triển du lịch dành cho các khu du lịch quốc gia, tổ chức định kỳ hàng năm; Đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh, vùng để phát huy các lợi thế và đặc điểm tài nguyên tạo các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú; Tăng cường phối hợp liên ngành và liên vùng trong việc thực hiện quy hoạch.
4. Kết luận
Với nỗ lực chung của toàn ngành, trong thời gian tới, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức bằng nhiều giải pháp, qua đó duy trì đà tăng trưởng, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tóm tắt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 - Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La.
2. Luật Du lịch 2017.
3. Các website:
http://www.mocchautourism.com/
http://www.sonla.gov.vn/
http://www.itdr.org.vn/

SITUATION OF TOURISM DEVELOPMENT IN MOC CHAU NATIONAL TOURIST AREA

MA. Duong Thi Hong Nhung

MA. Vu Thi Thu Huyen

Thuongmai University

ABSTRACT:

This study covers some basic issues about tourism development in Moc Chau national tourist area, which also suggests some solutions to promote Moc Chau to become one of the best tourist attractions of Vietnam.

Keywords: Moc Chau National Tourism Area, tourism development.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây