Thực trạng thanh toán điện tử tại Việt Nam và một số kiến nghị

VŨ VĂN ĐIỆP (Khoa Hệ thống thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật)

TÓM TẮT:

Trong bài báo này, tác giả giới thiệu tình hình chung về cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý và thực trạng thanh toán điện tử tại Việt Nam, một số nguyên nhân tồn tại, hạn chế của thanh toán điện tử, từ đó tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển thanh toán điện tử trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Thanh toán điện tử, cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý.

1. Đặt vấn đề

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hằng ngày. Ở khu vực châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tiến hành từ những năm 2003-2004. Ở Đông Nam Á, Malaysia và Singapore là những quốc gia đầu tiên chuyển đổi hệ thống thanh toán thẻ sang chuẩn EMV (Hệ thống các tiêu chuẩn đưa ra bởi Europay, MasterCard và Visa) từ năm 2005, tiếp sau đó là Thái Lan, Indonesia, Philipines và Việt Nam.

Từ năm 2010 trở lại đây, người tiêu dùng có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để chi trả cho những giao dịch trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm… Các hình thức thanh toán phát triển không ngừng, ngoài Visa, Master Card, Paypal còn có các hình thức mới áp dụng công nghệ như QR Code, NFC và mPOS, Internet Banking và Mobile Web Payment.

Tại Việt Nam, thanh toán điện tử ra đời năm 2008 với mô hình đầu tiên là ví điện tử. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp khai thác mô hình ví điện tử nhưng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện chỉ có 9 doanh nghiệp như: Payoo, MoMo, Mobivi, Ngân Lượng… được cấp phép thử nghiệm loại hình dịch vụ này.

Hơn 90% giao dịch thanh toán ở Việt Nam là thanh toán bằng tiền mặt và khách hàng, người tiêu dùng thích COD (Cash On Delivery: Trả tiền mặt khi nhận hàng) hơn thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, thay đổi hành vi thanh toán của người tiêu dùng và các chính sách mới, cũng như sự khuyến khích gần đây của chính phủ để tăng giao dịch không bằng tiền mặt là những yếu tố thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.

Trong năm 2010, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức Tín dụng tại Việt Nam đã bổ sung thêm một số quy định cập nhật để đáp ứng sự thay đổi xu hướng hành vi thanh toán. Ngoài ra, các quy định khác có liên quan như Luật Giao dịch Điện tử, Luật Phòng chống rửa tiền... cũng góp phần xây dựng hệ thống pháp luật giai đoạn một cho dịch vụ thanh toán điện tử an toàn và hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

2. Cơ sở pháp lý và hạ tầng thanh toán điện tử

2.1. Cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử

Đến nay đã có 53 tổ chức phát hành và thanh toán thẻ, số lượng thẻ cũng được các ngân hàng quan tâm phát triển và vẫn tăng trưởng đều qua các năm. Số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo số liệu từ Vụ Thanh toán, đến cuối tháng 12/2016, trên toàn quốc có 17.472 ATM và hơn 263.427 POS được lắp đặt, chưa kể một số lượng lớn các website thương mại điện tử chấp nhận giao dịch thẻ trực tuyến.

Việc sáp nhập thành công Smartlink vào Banknetvn và đổi tên thành Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tạo thuận lợi và hiệu quả hơn trong việc kết nối, chuyển mạch thẻ tại Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo nền tảng kỹ thuật cho việc phát triển thanh toán thẻ.

Ngân hàng Nhà nước cũng quan tâm chỉ đạo phát triển thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS), ứng dụng công nghệ hiện đại với chi phí thấp, dễ sử dụng và đảm bảo an toàn bảo mật, mở ra khả năng mới để phát triển nhanh các điểm chấp nhận thẻ quy mô nhỏ, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ cho khu vực nông thôn.

2.1.1. Hạ tầng viễn thông, Internet

Internet và thiết bị điện tử đóng vai trò quan trọng trong quá trình mua hàng của người tiêu dùng, đặc biệt đối với người tiêu dùng trong độ tuổi 25-34 tuổi. Trong khoảng 92 triệu dân, có hơn 40% sử dụng Internet, trong đó, 58% sử dụng Internet đã từng tham gia mua hàng trực tuyến và 65% sử dụng smartphone để truy cập Internet. Tính đến nay, Việt Nam có hơn 120 triệu thuê bao di động, 95% sử dụng smartphone cho việc nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ trước khi đưa ra quyết định mua hàng và 60% đã từng mua hàng trực tuyến thông qua smartphone. Điều này cho thấy, phương thức thương mại truyền thống cần có sự chuyển dịch, thích ứng với quá trình mua hàng mới hiện nay của người tiêu dùng.

2.1.2. Hạ tầng kỹ thuật thanh toán điện tử

Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng khá nhanh; đến cuối tháng 7/2016, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 107 triệu thẻ (tăng gấp 3,48 lần so với cuối năm 2010). Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến; đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng quan tâm hơn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ, chú trọng tăng độ an toàn của thẻ ngân hàng.

Cơ sở hạ tầng phát triển thanh toán bằng thẻ, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ cũng được cải thiện đáng kể. Việc sáp nhập thành công Smartlink vào Banknetvn và đổi tên thành Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tạo thuận lợi và hiệu quả hơn trong việc kết nối, chuyển mạch thẻ tại Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo nền tảng kỹ thuật cho việc phát triển thanh toán thẻ.

Hiện nay, tại Việt Nam, có khoảng 60 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai các dịch vụ thanh toán qua Internet và gần 40 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Sự phát triển mạnh mẽ của các Công ty Fintech cũng đã giúp tạo ra một môi trường năng động, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao với nhiều sản phẩm dịch vụ mới. Ngày càng có nhiều người dùng dịch vụ, tin tưởng hơn với việc sử dụng các hình thức thanh toán không điện tử.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với vai trò là hệ thống thanh toán xương sống của nền kinh tế, tính đến cuối năm 2016 đã kết nối được với 322 đơn vị thành viên, gồm 64 đơn vị thành viên thuộc Ngân hàng Nhà nước, 258 đơn vị thành viên thuộc 99 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong năm 2016, trung bình mỗi ngày hệ thống này xử lý khoảng 323.000 món với giá trị gần 177.000 tỷ đồng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định nâng cấp Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng áp dụng theo các thông lệ, chuẩn mực, tiến bộ về thanh toán và công nghệ của các nước phát triển trên thế giới, bảo đảm phù hợp với lộ trình độ công nghệ thông tin của các ngân hàng Việt Nam.

Các giao dịch thanh toán đã chuyển dần sang phương thức xử lý tự động, sử dụng chứng từ điện tử, đến việc các giao dịch thanh toán được xử lý điện tử chiếm tỷ trọng lớn, thời gian xử lý hoàn tất một giao dịch được rút ngắn xuống còn vài phút, thậm chí chỉ trong vòng vài giây hoặc tức thời.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-NHNN ngày 30/12/2015 về chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ gắn vi mạch điện tử, chậm nhất đến ngày 31/12/2020 toàn bộ thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam hoàn thành chuyển đổi sang thẻ chip. Ngoài ra ngày 09/06/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1189/QĐ-NHNN thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án xây dựng hệ thống ACH phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ.

2.2. Cơ sở pháp lý thanh toán điện tử

Cho đến nay, chưa có một văn bản pháp lý riêng quy định đầy đủ về quy trình cung ứng các dịch vụ ngân hàng điện tử, tiền điện tử để tạo dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, thống nhất cho việc ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Căn cứ vào Luật các Tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 101) đã đưa ra các quy định mang tính khuôn khổ về các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ cũng như quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Điều 5.3; Điều 15 và Điều 16. Để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101, các Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 về Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT) (Thông tư 23), Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (Thông tư 39) và Thông tư số 46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (Thông tư 46) đưa ra quy định về điều kiện khuôn khổ mang tính nguyên tắc chung, đã tạo ra hành lang pháp lý cơ bản, quan trọng cho các TCCUDVTT khi cung ứng dịch vụ thanh toán giao dịch bằng phương tiện điện tử ở Việt Nam.

Thông tư 39 hướng dẫn chung về dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán điện tử) và dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (hỗ trợ thu hộ, chi hộ; hỗ trợ chuyển tiền điện tử và ví điện tử); đồng thời, cũng đưa ra các quy định về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan.

Thanh toán điện tử ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản lớn, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, đầy đủ và đồng bộ, các chính sách và điều kiện hỗ trợ phát triển dịch vụ thanh toán điện tử còn yếu và thiếu, trình độ phát triển kinh tế, xã hội còn thấp, trình độ công nghệ còn nhiều hạn chế, thói quen thanh toán tiền mặt và sự thiếu tin tưởng của xã hội đối với thanh toán điện tử...

3. Thực trạng thanh toán điện tử tại Việt Nam

3.1. Tình hình chung

Theo thông tin tại Hội nghị thường niên Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam năm 2017 vừa được tổ chức mới đây, các giao dịch qua ATM vẫn chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt, chiếm 86,81% doanh số sử dụng của thẻ nội địa, doanh số rút tiền mặt/ATM/năm vẫn tăng qua các năm (từ 60 tỷ đồng năm 2012 lên 106 tỷ đồng năm 2016), điều đó cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn rất phổ biến.

Theo kết quả khảo sát năm 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, dân số Việt Nam năm 2015 là 91,3 triệu dân, tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 45%, tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến là 62% giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD, doanh số thương mại điện tử (TMĐT) B2C đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng với 91% đối tượng khảo sát cho biết có sử dụng phương thức này, tiếp theo là 48% sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 20% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng các loại thẻ thanh toán.

Theo khảo sát năm 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, 97% doanh nghiệp chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 16% doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng thẻ thanh toán.

Hiện nay, các website TMĐT đáp ứng được cả nhu cầu thanh toán trực tuyến và không trực tuyến của khách hàng. Hai hình thức được sử dụng nhiều nhất là thanh toán trực tiếp tại công ty với 87% website TMĐT chấp nhận và thanh toán chuyển khoản với 77% website chấp nhận. Thanh toán khi nhận hàng (COD) được 64% website chấp nhận. Hình thức thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử, tin nhắn SMS được 25% website sử dụng.

Đối với các website có tích hợp giải pháp thanh toán trực tuyến, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán phổ biến được doanh nghiệp lựa chọn sử dụng là Bảo Kim (40%), Ngân lượng (20%), One Pay (10%), BankNetVN (5%). 4% website lựa chọn công cụ ví điện tử quốc tế Paypal.

Theo kết quả khảo sát, 31% website TMĐT gặp khó khăn do nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển TMĐT, 25% website đánh giá việc khách hàng thiếu tin tưởng vào chất lượng hàng hóa hoặc lo ngại về vấn đề an toàn khi thanh toán trực tuyến gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, 22% website cho rằng chi phí cho dịch vụ vận chuyển giao nhận còn cao. Bên cạnh đó, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cũng gây khó khăn cho 20% website. Các trở ngại khác như khách hàng lo ngại về vấn đề thông tin cá nhân bị tiết lộ, mua bán; an ninh mạng chưa đảm bảo; khó khăn trong việc tích hợp thanh toán điện tử gây trở ngại ít hơn, ảnh hưởng tới khoảng 10 -17% website TMĐT.

Trong số 38% người tham gia khảo sát chưa tham gia mua sắm trực tuyến, khi được hỏi về nguyên nhân chưa mua sắm trực tuyến, 50% cho biết không tin tưởng đơn vị bán hàng, 37% quan niệm mua tại cửa hàng tiện lợi và rẻ hơn, 26% không có thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán qua mạng, 25% lo sợ lộ thông tin cá nhân.

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ website có chức năng đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến lần lượt là 53% và 17%.

Tỷ lệ người tiêu dùng các thiết bị di dộng để mua sắm trực tiếp lựa chọn hình thức thanh toán bằng thẻ (ATM/Thẻ quốc tế) là 47%, có 41% từng thanh toán bằng tin nhắn hoặc thẻ cào điện thoại.

Bảo đảm an toàn thông tin và bảo vệ thông tin khách hàng. Doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử tăng gấp 2 lần từ 23% năm 2012 đến 48% năm 2015.

Việc triển khai các chính sách bảo vệ thông tin cho khách hàng có đến 76% doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách về CNTT và TMĐT tăng qua các năm từ 20% năm 2010 đến 73% năm 2015.

3.2. Những tồn tại và hạn chế trong thanh toán điện tử tại Việt Nam

3.2.1. Một số tồn tại hạn chế

* Hệ thống thanh toán Việt Nam còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới.

* Chi phí phát hành thẻ cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì chi phí bình quân phát hành 1 thẻ vào khoảng 5USD/thẻ trong khi chi phí phát hành thẻ trên thế giới khoảng 1USD/Thẻ.

* Doanh thu thanh toán thẻ chủ yếu vẫn là rút tiền từ ATM chiếm 85% chỉ có 15% là doanh thu từ giao dịch thanh toán và các giao dịch phát sinh từ các điểm chấp nhận thẻ thanh toán.

* Thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp, nhiều trường hợp bán hàng online nhưng khi thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt.

* Thu nộp thuế điện tử vẫn còn nhiều vướng mắc do việc kết nối thanh toán của Kho bạc Nhà nước và hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) của Ngân hàng Nhà nước chưa được mở rộng.

* Giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua POS chưa nhiều, nhất là thanh toán thẻ nội địa qua POS, việc triển khai POS vẫn còn những bất cập cần xử lý, vẫn còn một số đơn vị bán hàng thu phụ phí khi khách hàng thanh toán qua thẻ, một số đơn vị bán hàng còn chưa sử dụng việc thanh toán qua thẻ vì không muốn công khai doanh thu bán hàng.

* Hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện, mặc dù thời gian vừa qua đã được cải thiện nhiều, song vẫn được đánh giá là chưa đầy đủ và đồng bộ.

3.2.2. Nguyên nhân

* Thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn lớn, đặc biệt là khu vực nông thôn và khu vực dân cư.

* Lãi suất cho vay qua thẻ cao cộng thêm các khoản phí dịch vụ theo thẻ như: Phí thường niên, phí in sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ, phí giao dịch… Đối với các điểm chấp nhận thẻ phải trả phí dịch vụ 2% để phục vụ các khoản đầu từ máy POS và 1% cho các tổ chức thẻ quốc tế.

* Thiếu niềm tin, tâm lý lo ngại rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử.

* Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán phân bổ chưa đều, hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… trong khi đó ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày.

* Chưa có chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng cho các điểm bán hàng, hoặc giảm thuế doanh thu mà doanh nghiệp được giao dịch qua thẻ, thuế nhập khẩu các thiết bị POS, ATM, Máy sản xuất thẻ...

* Hiệu lực của chính sách đối với thực tế triển khai còn thấp. Chưa có chính sách, cơ chế cụ thể nhằm khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ thanh toán điện tử.

* Chậm áp dụng xu hướng mới trên thế giới trong thanh toán điện tử. (Sinh trắc học, NFC, QR PAY trên nền tảng QR code và cả mPOS giải pháp chấp nhận thanh toán thẻ thông qua các thiết bị di động.

* Công tác thông tin tuyên truyền cho người dân chưa rộng khắp.

4. Một số kiến nghị

Hoàn thiện và đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới, dịch vụ trung gian thanh toán, ban hành quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng và bên thứ ba, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định, hạn chế rủi ro phát sinh và giám sát các hình thức, công cụ, hệ thống thanh toán mới. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng thương mại và các tổ chức không phải ngân hàng, tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử.

Xây dựng phát triển các hệ thống thanh toán bán lẻ. Tập trung triển khai, hoàn thành xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất theo nội dung của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Nghiên cứu, xây dựng Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) tại Việt Nam.

Bộ Công Thương cần ban hành chính sách khuyến khích để các website thương mại điện tử kết nối với các cổng thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ. Nghiên cứu đưa ra các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ để lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ và ký hợp đồng thanh toán thẻ với ngân hàng để hỗ trợ khách hàng, người tiêu dùng mua sắm, chi tiêu bằng thẻ thanh toán.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử trong khu vực nhà nước và dịch vụ hành chính công. Kết nối cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính, cổng thương mại điện tử của Bộ Công Thương với cổng thanh toán điện tử của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ phát triển dịch vụ nộp thuế điện tử và thanh toán trong thương mại điện tử và các điểm bán lẻ. Các ngân hàng cần có các chương trình khuyến khích, chính sách ưu đãi khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Nghiên cứu, áp dụng các loại tiêu chuẩn, ISO theo thông lệ quốc tế. Nghiên cứu, áp dụng chuẩn tin điện quốc tế ISO 20022 đối với hệ thống IBPS, hệ thống ACH và các hệ thống bán lẻ khác. Hoàn thành xây dựng chuẩn thẻ chip nội địa và xây dựng, thực hiện kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam với lộ trình thích hợp.

Đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán quan trọng. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật (Nhất là C50: Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao).

Xây dựng và thực hiện chương trình tài chính toàn diện. Gắn với việc đẩy mạnh phát triển các hệ thống thanh toán, chuyển tiền ở khu vực nông thôn. Tập trung phát triển, mở rộng các mô hình ứng dụng các phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tổ chức triển khai chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán. Về triển khai công tác giám sát, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám sát, đánh giá tính an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán do Ngân hàng Nhà nước quản lý và vận hành.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyển, công tác truyền thông và phối hợp với cơ quan báo chí để thực hiện các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp về lợi ích và hiệu quả nộp thuế điện tử, thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và các điểm bán lẻ. Quảng bá, phổ biến, hướng dẫn về thanh toán điện tử, giáo dục tài chính, tạo sự chuyển biến căn bản của người dân về thanh toán điện tử và thói quen sử dụng tiền mặt hiện nay.

5. Kết luận

Đánh giá thực trạng thanh toán điện tử tại Việt Nam, cung cấp về tình hình chung về hiện trạng cơ sở hạ tầng và cơ sở pháp lý cho thanh toán điện tử. Từ đó các nhà quản lý sẽ có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2015.

2. Tài liệu Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) ngày 16/12/2015.

3. Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt ban hành ngày 1/7/2016.

4. Đề tài “Hình thức Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, TS. Nguyễn Thanh Mai - Học viện Ngân hàng.

5. Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt.

6. Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14/10/2015.

7. Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán;

8. Thông tư số 46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

9. http://tapchitaichinh.vn/viet-nam-chong-rua-tien,-tai-tro-khung-bo/kien-toan-khuon-kho-phap-ly-cho-hoat-dong-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-101488.html

10. http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/ha-tang-ky-thuat-thanh-toan-dien-tu-phat-trien-nhanh-152330.ict

11. http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=388532

CURRENT SITUATION ELECTRONIC PAYMENT

IN VIETNAM AND A NUMBER OF RECOMMENDATIONS

● VU VAN DIEP

Faculty of Information Systems, University of Economics and Law

ABSTRACT:

In this article, the author introduced the general situation of the current infrastructure and the legal corridors electronic payment situation in Vietnam. Furthermore, he also mentioned a number causes and limitations of electronic payment, from which the author proposed a number of recommendations to promote the development of electronic payment in the current period.

Keywords: Electronic payment, infrastructure, legal corridor.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây