Thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

NGUYỄN VIỆT HÙNG (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Với mục tiêu dài hạn trở thành trung tâm tài chính quốc tế đạt chuẩn, Việt Nam đã và đang xây dựng những lộ trình và chính sách hợp lý để thỏa mãn các điều kiện của một trung tâm tài chính mới nổi trong khu vực và quốc tế. Trong đó, sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) với vai trò là kênh huy động nguồn vốn trong nước và nước ngoài là một trong những điều kiện tiên quyết của một thị trường tài chính quốc tế. Bài báo phân tích thực trạng TTCK Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chỉ ra những thay đổi đáng kể trước và sau khi đại dịch bùng phát, qua đó nhận định về tiềm năng trong dài hạn cũng như một số kiến nghị để phát triển TTCK.

Từ khóa: thị trường chứng khoán, tài chính, đại dịch Covid-19, , doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi trong giao thương và các hoạt động kinh tế ở Đông Nam Á. Khá giống với Dubai - một trung tâm tài chính quốc tế rất phát triển ở khu vực Trung Đông, nền kinh tế Việt Nam cũng tập trung vào phát triển ngành nông nghiệp, du lịch, các dịch vụ tài chính và bất động sản. Hơn nữa, Việt Nam cũng có nhiều chi nhánh và văn phòng đại diện của nhiều ngân hàng nội địa, các công ty tài chính, các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán và các tổ chức tài chính quốc tế tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nơi có 2 sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất cả nước (Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội). TTCK là kênh đầu tư trung và dài hạn hiệu quả của mỗi quốc gia với khả năng tìm kiếm lợi nhuận hấp dẫn, TTCK thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đặc biệt là giới đầu tư. Ở nhiều quốc gia  như Dubai, Singapore, TTCK phát triển mạnh mẽ đã tạo ra nguồn vốn linh động cho các hoạt động, dịch vụ tài chính và đóng góp không nhỏ vào GDP quốc gia.

Vai trò quan trọng của TTCK đối với nền kinh tế đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu; TTCK được coi là kênh huy động vốn quan trọng của một quốc gia, nơi diễn ra các hoạt động mua bán trái phiếu, cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) tư nhân và DN nhà nước. Điển hình là nghiên cứu của Soumya Guha Deb (2008) cho rằng việc nguồn vốn huy động được từ TTCK đóng một vai trò quan trọng và đáng kể đối với tăng trưởng của nền kinh tế nước này. Hơn nữa, TTCK tạo nên một môi trường đầu tư phong phú và đa dạng, qua đó các nhà đầu tư có nhiều sự chọn lựa các loại cổ phiếu, trái phiếu, công cụ tài chính phù hợp với khả năng và nhu cầu của mình. Hơn nữa TTCK có chức năng đánh giá giá trị của DN và cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình nền kinh tế đất nước. Theo đó, các chỉ số chứng khoán cao hay thấp sẽ thể hiện được giá trị của DN và nền kinh tế giúp chính phủ thi hành dễ dàng các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tránh thâm hụt ngân sách, điều chỉnh lạm phát, định hướng đầu tư kinh tế hiệu quả.

2. Thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Trải qua 25 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001 - 2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Kể từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008 cho đến năm 2019, chỉ số TTCK Việt Nam (VNINDEX) tăng từ mức gần 250 vào năm 2009 lên mức 1.000 điểm vào năm 2019 trước lúc đại dịch Covid-19.

Sự thay đổi của TTCK Việt Nam trong vài năm gần đây đó là sự đổi mới về luật pháp và chính sách hiện hành liên quan đến kiểm soát đánh giá minh bạch trong báo cáo tài chính và thông tin, cùng một số thay đổi khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Biểu hiện rõ nhất cho hiệu quả của những thay đổi này đó là sự cải thiện về chất lượng và số lượng các thông tin của DN niêm yết.

Trong khoảng thời gian đầu năm 2020, khi đại Covid-19 dịch bùng phát và lây lan, nhiều quốc gia thực hiện phong tỏa, cách ly, giới hạn các hoạt động giao thương như những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, chính điều này đã gây ra gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế như làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, lạm phát,… Tâm lý lo sợ về khủng hoảng kinh tế của giới đầu tư làm các thị trường tài chính sụt giảm mạnh các nguồn vốn đầu tư, biểu hiện rõ nhất rõ nhất là ở dòng vốn đầu tư và số điểm (index) tại các TTCK ở các quốc gia trên thế giới cũng giảm sút rất mạnh vào khoảng thời gian này.

TTCK Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi sụt giảm từ mức 1.000 điểm từ trước khi đại dịch bùng phát xuống mức 650 vào tháng 3/2020. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này, trong khi thế giới và Việt Nam từng bước chống lại đại dịch bằng cách kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, thực hiện sản xuất vắc-xin Covid-19 cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng và phục hồi kinh tế sau đại dịch, các TTCK trên toàn thế giới đều đồng loạt ghi nhận sự tăng điểm và phát triển kỷ lục. Trong đó, TTCK Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng với nguồn vốn vô cùng lớn, cùng với tính thanh khoản và số tài khoản mở mới tăng kỷ lục trong năm 2021.

  • Thanh khoản thị trường và số tài khoản mở mới

            Một yếu tố quan trọng được coi là có quan hệ mật thiết đến nền kinh tế quốc gia và khả năng huy động vốn đó là tính thanh khoản của TTCK. Theo Smimou (2014), tính thanh khoản của thị trường được định nghĩa là khả năng giao dịch của tài sản (tức là khối lượng lớn tài sản được giao dịch nhanh chóng ở mức giá hợp lý) (Sarr và Lybek, 2002) hoặc khả năng tiếp thị để xúc tiến việc mua và bán một tài sản mà không đáng kể ảnh hưởng đến giá của nó (Han và các cộng sự, 2016). Cụ thể hơn, TTCK góp phần tạo ra khả năng thanh khoản cho các chứng khoán. Có nghĩa là các nhà đầu tư ngoài việc mua chứng khoán còn có thể bán lại để kiếm lợi nhuận, hoặc đổi thành các loại chứng khoán khác mà theo họ là có khả năng sinh lời cao hơn. Chức năng này giúp đảm bảo tính hoạt động liên tục và hiệu quả cho TTCK. Nghiên cứu của K. Smimou (2014) cũng đưa ra kết luận thanh khoản TTCK là một trong những chỉ số đáng tin cậy cho dự báo phát triển kinh tế. Nhóm tác giả đưa ra kết luận về mối quan hệ đồng biến của thanh khoản TTCK với một số chỉ số kinh tế vĩ mô như như tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tăng trưởng GDP và tăng trưởng tiêu dùng cá nhân.

Với số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh từ giữa năm 2020, tính đến cuối tháng 12/2021, số lượng tài khoản của cá nhân tổ chức mở mới để giao dịch, trái phiếu, cổ phiếu và phái sinh trên TTCK Việt Nam đã ở mức kỷ lục với hơn 4,3 triệu tài khoản, tăng hơn 55% so với cùng kỳ. Hơn nữa, giá trị giao dịch bình quân trên TTCK lập kỷ lục tháng 11/2021 là 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ. Đến tháng 12/2021, con số này giảm còn 45,7 nghìn tỷ đồng (Ủy ban Chứng khoán Việt Nam). Những dữ liệu trên cho thấy, TTCK Việt Nam đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Hơn nữa thanh khoản đang ở mức cao kỷ lục cho thấy thị trường đang rất sôi động và các hoạt động diễn ra khá sôi nổi trên kênh đầu tư này. Lý do ở đây là, khi lãi suất ngân hàng giảm và lạm phát đang tăng thì đầu tư tài chính trên TTCK đang dần trở thành xu hướng chung. Với số lượng lớn các nhà đầu tư tham gia vào thị trường mới nổi có tính thanh khoản cao, dòng tiền chảy vào thị trường sẽ khá linh động và phù hợp cho nhiều hình thức đầu tư trong ngắn hạn và dài hạn. Đây là cơ hội để các cá nhân, tổ chức tìm kiếm cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời cao.

Những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, những thay đổi và biến động của nền kinh tế nói chung cũng như TTCK thế giới và trong nước nói riêng đều có thể xảy ra bất ngờ. Do đó, việc nhanh chóng mua vào và bán ra cổ phiếu để chốt lời trong ngắn hạn là việc làm tất yếu nhằm giảm thiểu rủi ro. (Nguyễn Minh Trí, 2021)

             Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế trong quản lý và vận hành TTCK, đặc biệt là trên nền tảng công nghệ số online, với sự gia tăng đột biến về số lượng tài khoản và các lệnh giao dịch trên các sàn giao dịch làm nghẽn lệnh, lỗi hệ thống, thậm chí ngừng giao dịch trong nhiều giờ, gây ra sự lo ngại cho nhiều nhà đầu tư. Điều đáng đề cập ở đây là tình trạng này diễn ra khá nhiều lần trong vài năm trở lại đây và dường như vẫn chưa có phương hướng giải quyết phù hợp.

  • Vốn hóa và chỉ số thị trường

Cùng với sự gia tăng về số lượng nhà đầu tư tham gia vào TTCK, dòng tiền và lượng vốn đầu tư đổ vào TTCK Việt Nam đã liên tục tăng. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vốn hóa TTCK tính đến tháng 12/2021 là 9,3 triệu tỷ đồng, bằng với gần 150% GDP và tăng gần 40% so với cùng kỳ.. Từ trước đại dịch, chỉ số chứng khoán VNINDEX ở mức 1000 vào năm 2019, sau đó giảm mạnh xuống mức 650 khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, kể từ mốc 650, chỉ số này đã liên tục tăng trong 2 năm trở lại đây.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ số chứng khoán trong nước ở mức cao 1.498 điểm tại thời điểm cuối tháng 12/2021, tăng 35,73% so với cùng kỳ. Mức ghi nhận cao kỷ lục là hơn 1.530 vào tháng 1/2022. Nguyễn Minh Trí (2021) đã đưa ra 2 lý do cho sự thay đổi về dòng vốn của nhà đầu tư, đó là hiệu ứng TINA (There Is No Alternative - không có lựa chọn nào khác) và hiệu ứng Fomo (Fear Of Missing Out - hội chứng sợ bỏ lỡ). Hiệu ứng TINA đưa ra lập luận rằng, trong bối cảnh đại dịch, các kênh đầu tư bị giới hạn và nhiều nhóm ngành trở nên kém hiệu quả, các hoạt động kinh doanh đa phần bị cắt giảm, ngân hàng duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế đã thúc đẩy việc đầu tư chứng khoán như một giải pháp ngắn hạn và không thể thay thế. Lý do thứ 2 là hiệu ứng FOMO - tâm lý đám đông của nhà đầu tư, số đông nhà đầu tư F0 đi theo đám đông tham gia đầu tư vào TTCK trong bối cảnh Covid-19.

            Hai dữ liệu về mức vốn hóa thị trường và chỉ số thị trường cho thấy sự phát triển nguồn vốn huy động và dòng tiền của TTCK Việt Nam trong giai đoạn gần đây  rất lớn. Nguồn vốn và dòng tiền liên tục đổ vào tạo điều kiện cho các DN nhà nước cổ phần hóa, bán trái phiếu chính phủ và các DN tư nhân có cơ hội tiếp nhận nguồn vốn đầu tư dồi dào. Thế nhưng vẫn có nhiều hoạt động tiêu cực trong việc huy động nguồn vốn này. Nhiều công ty - cổ đông lớn và ban lãnh đạo lợi dụng đà tăng của thị trường để chào bán số lượng lớn cổ phiếu mà không thông báo trước, điển hình như vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo vào ngày 10/01/2021 đã gây thiệt hại đáng kể cho cổ đông các nhà đầu tư khi các cổ phiếu họ FLC liên tục mất thanh khoản và giảm sàn trong nhiều phiên giao dịch sau đó.

  • Hệ thống pháp lý về minh bạch thông tin và báo cáo tài chính

Một yếu tố cuối cùng được coi là nền móng phát triển cho TTCK và nền kinh tế chính là các cơ sở pháp lý về minh bạch thông tin và giám sát, đánh giá báo cáo tài chính của các DN niêm yết. Yếu tố này có tác động rất lớn đến khả năng thu hút nguồn vốn đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầu tư tiềm năng trong khu vực, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thu hút các tổ chức nước ngoài đầu tư, do còn nhiều hạn chế trong khâu kiểm tra, giám sát tính minh bạch của thông tin trên thị trường. Theo Cam Hoang và cộng sự (2019), công bố thông tin là quá trình một thực thể trao đổi với các nhà đầu tư. Một công ty thích hợp và đầy đủ công bố thông tin đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường tự do, nơi thị trường phân bổ nguồn lực cho các khu vực khác nhau của nền kinh tế. Điều này có tác động rất lớn đến việc ra quyết định đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nghiên cứu của Vo Xuan Vinh (2017) đã chỉ ra những kết quả cho thấy các DN có thông tin minh bạch, dễ tiếp cận sẽ thu hút được phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài so với các DN địa phương khác.

Luật Chứng khoán số 54, ban hành năm 2019 cùng với các nghị định, thông tư, quyết định ban hành trong vài năm trở lại đây đã chú trọng hơn về vấn đề xử lý vi phạm về tính minh bạch trong báo cáo tài chính, giám sát và xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số công ty, DN niêm yết có báo cáo tài chính và công bố thông tin, kết quả hoạt động kinh doanh tăng từ 685 DN trong năm 2017 đến 1.337 DN trong năm 2019 và tính đến hết quý 1/2021 đã có 953 DN báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh. Đa số các DN niêm yết có báo cáo tài chính (BCTC) đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây trừ thời điểm nửa đầu năm 2020 - khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, tính đến quý I/2021, thời điểm phục hồi kinh tế sau đại dịch, lợi nhuận của các DN niêm yết tăng mạnh, đạt 66,8% cùng kỳ 2020, mức tăng này gấp gần 3 lần so với mức tăng trung bình của 3 năm gần nhất. Mức lợi nhuận của 6 tháng đầu năm 2021 cũng tăng 85,4% so với cùng kỳ.

Songtrên thực tế, các thông tin liên quan đến lý lịch của các thành viên Hội đồng quản trị, chính sách thù lao, lương thưởng cho Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát... hầu như không được đăng tải chi tiết và rõ ràng (Phan Đăng Hải và Nguyễn Phương Thảo, 2021). Số lượng các DN tuân thủ quy định về nghĩa vụ công bố thông tin còn ít so với mặt bằng chung, các sai phạm, gian lận trong BCTC còn xảy ra nhiều. Với số lượng DN niêm yết, đăng ký giao dịch là 2.192 DN tính đến tháng 12/2021, tỷ lệ số danh nghiệp có BCTC vẫn chưa cao so với tổng số lượng các DN niêm yết (chỉ từ 50 - 60%). Ngoài ra, cũng chưa có nhiều DN thực hiện BCTC theo các tiêu chuẩn quốc tế hay báo cáo thông tin bằng ngoại ngữ để tăng tiếp cận đến nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường vẫn chủ yếu có sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước là chính. Đây chính là những hạn chế của hệ thống pháp lý về minh bạch thông tin và BCTC của Việt Nam hiện nay.

3. Một số kiến nghị

            Các kiến nghị cho TTCK Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 nhằm mục tiêu khắc phục một số hạn chế tồn tại, tạo nên một môi trường đầu tư lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trong và ngoài nước, cũng như kênh huy động nguồn vốn lớn cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Một là, tiếp tục hoàn thiện, thay đổi pháp luật, chính sách đầu tư trên TTCK Việt Nam nhằm thu hút, giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài và duy trì nguồn vốn đầu tư trong dài hạn.

Hai là, cập nhật hệ thống pháp luật giám sát, kiểm tra tính minh bạch trong công bố thông tin, xử lý sai phạm trong lĩnh vực tài chính, nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bảo vệ các lợi ích cho DN cũng như giới đầu tư. Kiến nghị này cũng nhấn mạnh về việc xây dựng hệ thống hợp lý từ các cơ quan quản lý nhà nước như  Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm thực hiện thanh tra, kiểm soát tình trạng tạo doanh thu lợi nhuận giả, vốn điều lệ khống, thao túng giá cổ phiếu và các tiêu cực trong thông tin công bố BCTC.

Ba là, cần nâng cấp, đầu tư và cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng nhằm khắc phục những tồn tại trong hệ thống giao dịch online và kiểm tra tính tương thích của hệ thống điện tử, công nghệ trong tình hình mới. Có những sự chuẩn bị về khoa học và công nghệ cho sự đổi mới và mở rộng TTCK Việt Nam trong tương lai.

Bốn là, tháo gỡ những vướng mắc mâu thuẫn trong xây dựng hệ thống luật pháp, nâng cao  hiệu quả của các hoạt động thanh tra, giám sát các DN trong việc huy động vốn.

4. Kết luận

Trong giai đoạn bình thường mới, với nhiều khó khăn trong việc phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế, vai trò của TTCK Việt Nam là không thể phủ nhận khi là nơi tập trung nguồn đầu tư tài chính của quốc gia. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói riêng, khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam hoàn toàn có cơ sở. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam từng bước trở thành trung tâm tài chính quốc tế theo mục tiêu đã đặt ra.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phan Đăng Hải, Nguyễn Phương Thảo (2021). Nghĩa vụ công bố thông tin của DN niêm yết trên TTCK Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, 231, 40-48.
  2. Ngô Thị Phương Thảo (2019). TTCK - Giải pháp huy động vốn cho phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán, 4, 189, 41-43.
  3. Nguyễn Minh Trí (2021). Đại dịch Covid-19 tác động như thế nào đến nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chúng khoán Việt Nam. Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, 9, 16-18.
  4. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2022), Báo cáo thống kê các năm.
  5. Smimou. (2014). Consumer attitudes, stock market liquidity, and the macro economy: A Canadian perspective. International Review of Financial Analysis, https://doi.org/10.1016/j.irfa.2014.02.009
  6. Xuan Vinh Vo, Dang Bao Anh Phan. (2019). Herding and equity market liquidity in emerging market. Evidence from Vietnam. Journal of Behavioral and Experimental Finance, 24. https://doi.org/10.1016/j.jbef.2019.02.002
  7. Ha Thi Thu Le, Ha Giang Tran, Xuan Vinh Vo. (2021). Audit quality, accruals quality and the cost of equity in an emerging market: Evidence from Vietnam. International Review of Financial Analysis, 77. https://doi.org/10.1016/j.irfa.2021.101798
  8. Xuan Vinh Vo. (2017). Do foreign investors improve stock price informativeness in emerging equity markets? Evidence from Vietnam. Research in International Business and Finance, https://doi.org/10.1016/j.ribaf.2017.07.032
  9. Trang Cam Hoang, Huy Pham, Vikash Ramiah, Imad Moosa, Danh Vinh Le. (2020). The effects of information disclosure regulation on stock markets: Evidence from Vietnam. Research in International Business and Finance, 51.
  10. Bao Doan, Duc Hong Vo. (2011). Is there any information content of traded stocks in an emerging market? Evidence from Vietnam? International Economics, 167, 77-87.

 

CURRENT DEVELOPMENT OF VIETNAM’S STOCK MARKET

IN THE CONTEXT OF THE COVID-19 PANDEMIC

NGUYEN VIET HUNG

University of Economics and Business, Vietnam National University -Hanoi

ABSTRACT:

With the long-term goal of becoming a qualified international financial center, Vietnam has been developing reasonable drafts, roadmaps and policies to meet the requirements of an emerging regional financial center. In particular, the development of the stock market as a channel to attract domestic and foreign capital is one of the important prerequisites for the establishment of a big international financial market. This paper analyzes the current situation of Vietnam's stock market in the context of the COVID-19 pandemic. The paper points out significant changes of the Vietnamese stock market before and after the pandemic, presents the potential of Vietnam’s stock market in the long term. The paper also makes some recommendations for the development of Vietnam’s stock market.

Keywords: stock market, finance, the COVID-19 pandemic, impact of COVID-19, enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 4, tháng 3 năm 2022]