Thực trạng tổ chức cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng thương mại Việt Nam

NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄM (Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) trong nền kinh tế - xã hội nói chung, qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng đã và đang minh chứng vai trò quan trọng không thể thiếu được của nó trong hoạt động kinh tế - xã hội. Qua hệ thống thanh toán hiện đại đã phản ánh một cách nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời nhất các hoạt động kinh tế - xã hội, được thể hiện bằng các dòng tiền luân chuyển từ các nghiệp vụ phát sinh, đến khi kết thúc quyết toán mỗi giao dịch. Sự ách tắc ở bất cứ khâu nào trong quá trình thanh toán sẽ dẫn đến trì trệ, ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động, thậm chí có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán toàn hệ thống, gây nguy cơ mất ổn định nền kinh tế - xã hội. Hơn nữa, sự mất mất mát, tổn thất trong thanh toán KDTM là rất lớn. Trong bài báo này, tác giả tiến hành nghiên cứu đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ dịch vụ thanh toán KDTM của các NHTM Việt Nam.

Từ khóa: Thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng thương mại, cơ sở hạ tầng.

1. Đặc điểm và của dịch vụ thanh toán KDTM

Sự ra đời của hình thức thanh toán KDTM gắn liền với sự ra đời của đồng tiền ghi sổ và sự phát triển của nó gắn liền với sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Sự tồn tại và lớn mạnh của hệ thống này đã tạo điều kiện cho cá nhân và các tổ chức kinh tế mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và thực hiện việc thanh toán thông qua việc chuyển khoản trong hệ thống ngân hàng. Thanh toán KDTM là một hình thức vận động tiền tệ mà ở đây tiền vừa là công cụ để kế toán, vừa là công cụ để chuyển hóa hình thức giá trị của hàng hóa và dịch vụ. Thanh toán KDTM có một số đặc điểm sau:

- Thứ nhất, thanh toán KDTM sử dụng tiền chuyển khoản (còn gọi là tiền ghi sổ, bút tệ). Đây là đặc điểm cơ bản và quan trọng nhất của thanh toán KDTM, việc thanh toán được thực hiện bằng cách trích chuyển tiền từ tài khoản của người trả tiền sang tài khoản của người thụ hưởng tại các NHTM, trên cơ sở các chứng từ hợp lệ hay bằng cách bù trừ lẫn nhau.

- Thứ hai, trong thanh toán KDTM, mỗi khoản thanh toán có ít nhất 3 bên tham gia, đó là: Người chi trả, người thụ hưởng và các trung gian thanh toán. Hiện nay, các trung gian thanh toán không chỉ bao gồm các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán là NHTW và các NHTM mà còn bao gồm cả các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán là các tổ chức phi ngân hàng.

- Thứ ba, trong thanh toán KDTM luôn có các chứng từ thanh toán. Chứng từ thanh toán là các phương tiện chuyển tải điều kiện thanh toán và được sử dụng làm căn cứ để chi trả. Tùy theo từng hình thức thanh toán cụ thể, mà các chứng từ thanh toán có những quy định khác nhau. Chứng từ thanh toán có thể là chứng từ giấy, hoặc chứng từ điện tử.

- Thứ tư, trong thanh toán KDTM, ngân hàng vừa là người tổ chức vừa là người thực hiện các khoản thanh toán. Chỉ có ngân hàng, người quản lý tài khoản tiền gửi của các khách hàng mới được quyền trích chuyển những tài khoản này theo các nguyên tắc chuyên môn đặc thù như là một nghiệp vụ riêng của mình. Với nghiệp vụ này, ngân hàng trở thành trung tâm thanh toán đối với các khách hàng của mình.

Sơ đồ 1. Mô hình hệ thống thanh toán KDTM qua các NHTM

Với những đặc điểm nêu trên, thanh toán KDTM nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ phát huy được tác dụng tích cực của nó. Trong tương lai, theo đà phát triển của xã hội và theo nhu cầu của thị trường, thanh toán, KDTM sẽ giữ một vị trí quan trọng trong việc lưu chuyển tiền tệ và trong thanh toán giá trị của nền kinh tế.

2. Thực trạng tổ chức cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các NHTM Việt Nam

2.1. Thực trạng công nghệ cho phát triển dịch vụ thanh toán KDTM trong thanh toán nội địa

Đến cuối năm 2016, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 11,63% năm 2010 đến nay còn khoảng 11,57%. Nhiều phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích đã ra đời trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán, cũng như yêu cầu của nền kinh tế. Số lượng thẻ phát hành đã đạt 111 triệu thẻ vào cuối năm 2016. Có 60 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ Internet Banking và 30 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ Mobile Banking. Chính vì vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán ngày càng được tăng cường và nâng cao chất lượng. Số lượng ATM và POS tăng trưởng nhanh so với đầu năm 2012.

Những năm trở lại đây, ngành Ngân hàng cũng đang thúc đẩy hoạt động thanh toán KDTM, dịch vụ thanh toán qua thẻ tại Việt Nam dần phát triển cả về số lượng phát hành thẻ cũng như số lượng máy ATM và POS trên thị trường phục vụ nhu cầu thuận tiện, nhanh chóng và an toàn cho khách hàng trong giao dịch. Công nghệ ngân hàng phát triển, thanh toán KDTM được đẩy mạnh giúp tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí trong việc in ấn, vận chuyển, kiểm kê và bảo quản tiền mặt.

Bên cạnh kênh giao dịch truyền thống, với sự phát triển không ngừng của CNTT, các NHTM đã phát triển và mở rộng nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến như: mobile banking, internet banking, ví điện tử… đem lại lợi ích lớn cho khách hàng. Đến nay, số lượng ngân hàng mà cổng thanh toán này có thể kết nối ngày càng tăng, có sự góp mặt của nhiều ngân hàng lớn như: VCB, VietinBank, BIDV, MB... đạt độ phủ sóng khoảng 90% thị trường tài khoản cá nhân và thẻ ghi nợ nội địa.

Hệ thống core banking (hệ thống ngân hàng lõi hay hệ thống quản trị ngân hàng tập trung) đã được ứng dụng phổ biến ở hầu hết ngân hàng tại Việt Nam. Thông qua hệ thống core banking, khách hàng có thể tiếp cận với các sản phẩm, tiện ích ngân hàng ở bất cứ điểm giao dịch nào trong và ngoài hệ thống ngân hàng. Core banking giúp cải thiện hiệu quả trong hoạt động nội bộ ngân hàng (thanh toán, quản trị rủi ro, đánh giá xếp hạng tín dụng khách hàng…). Hệ thống thông tin, phục vụ quản trị, điều hành của ngành Ngân hàng trong thời gian qua cũng không ngừng được cải thiện tích cực.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tốc độ phát triển, ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng còn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có sự đồng đều, chuẩn mực nên còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên gặp phải đó là việc áp dụng các chuẩn quốc tế trong việc quản trị ngân hàng còn chưa được đồng bộ: Kế toán quốc tế, Hiệp ước vốn Basel… dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ theo chuẩn mực quốc tế trong quản trị ngân hàng tại Việt Nam.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới việc phát triển ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng đó là việc môi trường chính sách kinh tế ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về nguồn lực và nhân lực của mỗi NHTM, mỗi TCTD là khác nhau, ảnh hưởng tới việc chuẩn hóa, chia sẻ, dùng chung hạ tầng kỹ thuật trong toàn ngành. Vấn đề chưa đồng bộ cũng xảy ra với sản phẩm dịch vụ của từng ngân hàng, tuy có đã có nhiều sự cải tiến, phong phú nhưng mức độ phát triển vẫn còn rất khiêm tốn, điển hình như: Dịch vụ bán lẻ, tư vấn và hỗ trợ tài chính, trung gian tiền tệ, trao đổi công cụ tài chính…

Để khắc phục tình trạng này, cần hoàn thiện môi trường pháp lý về công nghệ thông tin; các ngân hàng cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trong đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật công nghệ hoàn chỉnh, tin học hóa hầu hết các mặt nghiệp vụ, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, giúp cho việc quản lý, điều hành của NHNN minh bạch, hiệu quả hơn. Thêm vào đó, việc tập trung nâng cao phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ cao trong các ngân hàng là điều vô cùng quan trọng. Mỗi ngân hàng hay tổ chức tín dụng buộc phải có sự đầu tư mạnh mẽ, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, nhanh nhạy mới có thể đáp ứng nhu cầu triển khai mạnh mẽ và sâu rộng việc ứng dụng CNTT hiệu quả trong lĩnh vực ngân hàng.

2.2. Thực trạng các hệ thống truyền dẫn thanh toán

- Hoàn thiện và phát triển hệ thống thanh toán ngân hàng:

+ Hệ thống thanh toán nội bộ của các NHTM: Các NHTM lớn, đã có sự phát triển vượt bậc, nhờ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng và triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ phục vụ cho các hoạt động thanh toán. Hầu hết các NHTM đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) cho phép các NHTM cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đẩy nhanh việc thanh toán giữa các khách hàng có tài khoản ngân hàng. Mặt khác, hệ thống Core Banking cũng có giao diện với các hệ thống thanh toán bên ngoài như SWIFT, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán song phương, các hệ thống khác để nhận và chuyển các giao dịch thanh toán đi và đến từ ngoài hệ thống.

+ Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử: Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử là một trong những hệ thống thanh toán quan trọng do chi nhánh NHNN quản lý, vận hành. Qua hệ thống này, các NHTM có thể chuyển tiền đến các NHTM khác trên địa bàn tỉnh, thành phố có tham gia hệ thống. Hệ thống này được các NHTM sử dụng nhiều với các khoản chuyển tiền giá trị cao, một phần vì phí chuyển tiền khá thấp. Hiện nay, hệ thống đang hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tốc độ thanh toán trong nền kinh tế, tuy nhiên chưa được triển khai đồng bộ, trong khi thanh toán bù trừ giấy còn mất nhiều thời gian, chưa có chương trình chuẩn trao đổi thông tin dữ liệu thống nhất trên toàn quốc. Thanh toán bù trừ mới chỉ giới hạn từ 1 đến 2 phiên trong ngày, vốn của các NHTM bị phân tán, thời gian xử lý còn chậm, địa bàn giới hạn, thanh toán đi ngoại tỉnh còn mất nhiều thời gian, đường truyền Dial - up làm giảm tốc độ thanh toán và nhiều khi bị lỗi kết nối. Hệ thống này sẽ không tồn tại khi mà các NHTM tham gia đầy đủ vào hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

+ Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được coi là hệ thống thanh toán xương sống, nhưng phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán, các NHTM vẫn phải liên kết song phương, đa phương. Hệ thống này mới chỉ phục vụ thanh toán nội tệ, nên việc thanh toán các đồng tiền khác trong phạm vi quy định giữa các NHTM trong nước phải chung chuyển qua hệ thống SWIFT quốc tế. Các NHTM tự thanh toán ngoại tệ trực tiếp với nhau và chủ yếu thông qua trung gian là Vietcombank, do đó tốc độ thanh toán chậm, phí cao, các NHTM bị phân tán vốn ngoại tệ. Tốc độ xử lý và tần suất sự cố hệ thống tại một số địa bàn còn có hiện tượng bị quá tải, đường truyền đôi khi gặp sự cố, thời gian khắc phục khá lâu. Hệ thống mới kết nối đến các tỉnh, thành phố, chưa vươn tới các chi nhánh NHTM tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; ở một số địa phương số lượng ngân hàng tham gia thanh toán điện tử liên ngân hàng còn thấp. Trong hệ thống, các khoản chuyển tiền chỉ được chuyển tới NHTM cấp tỉnh như chuyển tới các chi nhánh hoặc hội sở đầu mối của một số ngân hàng như Agribank, BIDV, Vietinbank, việc chuyển tiếp tới các chi nhánh xã, vùng sâu, vùng xa của các ngân hàng này bị áp dụng mức phí còn cao. Ngoài ra, hệ thống thanh toán của KBNN chưa tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng làm giảm sự thông suốt, kịp thời khi thanh toán.

+ Hệ thống thanh toán song phương giữa các NHTM: Nhiều NHTM đã tham gia kết nối thanh toán song phương đặc biệt với 4 NHTM lớn là VCB, Vietinbank, BIDV, Agribank. Thanh toán song phương được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện và có sự hỗ trợ tốt của các ngân hàng cùng cấp dịch vụ, đã mang lại hiệu quả đáng kể góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm tình trạng tồn đọng chứng từ thanh toán, đáp ứng tốt yêu cầu thanh toán của nền kinh tế. Các hệ thống thanh toán đa dạng nhưng được giao diện và liên thông với nhau không những tăng tính đa chiều mà còn tạo tính ổn định trong hoạt động thanh toán nhờ các hoạt động dự phòng cho nhau. Song, hệ thống Core Banking của NHTM còn nhiều khoảng cách, khả năng kết nối liên minh giữa các ngân hàng gặp khó khăn. Khi thanh toán song phương, có nhiều phiên bản phải duy trì cùng một lúc do phụ thuộc vào tính tương thích với hệ thống tương ứng với từng ngân hàng; thanh toán song phương chi phí còn cao, bị lệ thuộc vào ngân hàng đối tác, chưa đảm bảo lợi ích công bằng giữa ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn.

+ Các tổ chức trung gian thanh toán: Sự tham gia ngày càng sâu rộng của tổ chức chuyên cung cấp giải pháp, trung gian hỗ trợ thanh toán và sự liên kết giữa các tổ chức này với ngân hàng, công ty điện thoại đang được hình thành cũng góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thanh toán nền kinh tế. Chưa có hệ thống chuyển mạch tài chính thống nhất hoàn chỉnh để kết nối các hệ thống thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các công ty chuyển mạch.

Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán KDTM phát triển chưa đồng bộ, mới tập trung ở các thành phố, đô thị, chưa trang bị đến các vùng nông thôn, miền núi. Nền tảng chung về hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ thanh toán của các NHTM còn chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng về hoạt động thanh toán trong nền kinh tế nói chung và thực hiện các nội dung của Đề án 291 nói riêng, như trong quá trình triển khai Chỉ thị 20 đã nảy sinh một số tồn tại, vướng mắc về chất lượng dịch vụ trả lương qua tài khoản và chăm sóc khách hàng. Hệ thống cơ sở hạ tầng chung chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng hoạt động chưa đảm bảo; hệ thống đường truyền thông tại một số địa bàn thường xuyên bị nghẽn, gây ách tắc cho các giao dịch thanh toán; thiếu một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, thông tin thống nhất. Vốn đầu tư cho hoạt động thanh toán còn thiếu, hiệu quả sử dụng chưa cao; xuất phát điểm của mỗi ngân hàng khác nhau, khả năng đầu tư vốn, công nghệ khác nhau, chỉ có các NHTM lớn có tiềm lực về tài chính mới có khả năng đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thanh toán, mở rộng các phương tiện thanh toán mới.

- Xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất (tái cấu trúc Banknetvn):

Trong xu thế phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tập trung của các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, từ năm 2012, dưới sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ban chỉ đạo tái cấu trúc Banknetvn đã tổ chức triển khai công tác sáp nhập giữa Banknetvn và Smartlink theo kế hoạch “Thực hiện và hoàn thành Đề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất” ban hành kèm theo Quyết định số 1131/QĐ-NHNN ngày 30/5/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 22/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2327/ QĐ-TTg chấp thuận cho hưởng miễn trừ tập trung kinh tế sau sáp nhập đối với Banknetvn và Smartlink. Thời hạn được hưởng miễn trừ tập trung kinh tế là 5 năm và tự động gia hạn sau mỗi 5 năm nếu các bên tham gia tập trung kinh tế không vi phạm các điều kiện và nghĩa vụ cho hưởng miễn trừ. Có thể nói, đây là điều kiện quan trọng nhất cho phép hai công ty thực hiện được việc ký kết Hợp đồng sáp nhập, hoàn tất các thủ tục cuối cùng để Công ty sau sáp nhập đi vào hoạt động trong quý I năm 2015. Việc hợp nhất hệ thống ATM/POS đã được hoàn thành trong tháng 11/2015 và hoàn toàn không ảnh hưởng đến khách hàng như đã cam kết. Khách hàng và ngân hàng không cần thay đổi trong quá trình chuyển đổi, hợp nhất này. Công ty sau sáp nhập sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: Xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip; Xây dựng trung tâm thanh toán bù trừ bán lẻ tự động ACH; Tối ưu hóa hệ thống ATM/POS; Thống nhất tiêu chuẩn kết nối; Phát triển các kênh, dịch vụ thanh toán hiện đại; Đầu mối tổ chức triển khai kết nối thanh toán quốc tế; Cung cấp thông tin phục vụ quản lý.

Kết luận

Đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của các NHTM Việt Nam sẽ giúp cung cấp cái nhìn chính xác về hiện trạng cơ sở vật chất của các ngân hàng. Từ đó, các nhà quản lý của các ngân hàng sẽ có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trần Nguyễn Minh Hải, Lê Công Hội, Dịch vụ Ngân hàng Thương mại Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ hiệp định TPP, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ số 3+4/2015.

2. Đặng Công Hoàn (2011), Một số thuận lợi và thách thức trong quá việc phát triển thị trường thẻ thanh toán Việt Nam, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ.

3. Hoàng Tuấn Linh (2008), “Giải pháp phát triển dịch vụ thẻ tại các NHTM Nhà nước Việt Nam”, Luận án tiến sĩ kinh tế - Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2012), Quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (Automated Teller Machine - viết tắt là ATM), Thông tư 36/2012/NHNN ngày 28/12/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014), Quy định các yêu cầu về an toàn bảo mật trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng. Thông tư số 47/2014, ngày 31/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

6. Nguyễn Thị Thúy (2012), “Hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động thanh toán qua các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ở Việt Nam”. Luận án Tiến sĩ kinh tế -Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

THE STATE OF INFRASTRUCTURE ORGANIZATION SERVING

NON-CASH PAYMENT OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS

NGUYEN THI NGOC DIEM

College of Commerce

ABSTRACT:

Non-cash payment in the economy as well as in society in general, through the system of commercial banks in particular has demonstrated its indispensable role in the socio-economic operation. Through modern payment system, it has reflected comprehensively and timely about the socio-economic activities which are presented by the cash flows from the start to the end of the transaction. The bottlenecks at any stage of the payment process will lead to delays, adverse effects on operations, and may even lead to insolvency of the whole system, which can endanger the stability of the economy. Moreover, the loss in non-cash payment method is huge. In this article, the author conducts research and assesses the current state of the infrastructure system serving the non-cash payment of commercial banks in Vietnam.

Keywords: Non-cash payments, commercial banks, infrastructure.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây