TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu phân tích thực trạng triển khai định danh điện tử (eKYC) tại các ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao. Từ các khó khăn và hạn chế trong việc triển khai eKYC tại các ngân hàng thương mại, bài viết đưa ra một số kiến nghị đề xuất nhằm giải quyết các hạn chế còn tồn tại.

Từ khóa: định danh điện tử, ngân hàng thương mại, chuyển đổi số ngân hàng.

1. Đặt vấn đề

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, bên cạnh những biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm, một trong những nguyên tắc vàng trong phòng, chống dịch là hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã tăng cường khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng số, giao dịch số để tránh tiếp xúc, bảo vệ sức khỏe cho chính khách hàng. Xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng là định danh điện tử (eKYC), đây là một trong những biện pháp tối ưu được các ngân hàng thương mại triển khai để vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động giao dịch với khách hàng diễn ra thông suốt.

eKYC (electronic Know Your Customer) là định danh khách hàng điện tử, cho phép các ngân hàng định danh khách hàng 100% online mà không cần gặp mặt trực tiếp tại quầy giao dịch. Với ứng dụng eKYC, việc sở hữu tài khoản ngân hàng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, khách hàng có thể mở ngay một tài khoản thanh toán mà không cần phải đến ngân hàng để thực hiện các thủ tục định danh như trước đây, tạo điều kiện rất thuận lợi cho khách hàng khi có nhu cầu giao dịch với ngân hàng, giúp khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng nhanh chóng, tiện lợi mọi lúc, mọi nơi.

Không chỉ mang đến cho khách hàng sự tiện lợi, quy trình eKYC ngân hàng triển khai được hỗ trợ bởi những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện thực thể sống (Liveness Detection), công nghệ lưu trữ dữ liệu lớn (Big data) và công nghệ học máy (Machine Learning), công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR),... nhằm nhận dạng và xác thực thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay, mống mắt), chữ ký, ký tự quang học, yếu tố thật và giả trên giấy tờ pháp lý, xác nhận người thật, trạng thái cử chỉ theo thời gian thực,… để đảm bảo an toàn giao dịch và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

Việc định danh khách hàng bằng eKYC được thực hiện tự động, sẽ nhanh chóng hơn, rút ngắn thời gian xác minh giúp tiết kiệm thời gian cho khách hàng, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất đồng thời giúp ngân hàng tiết kiệm trong đầu tư vào cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, giảm thiểu chi phí cho hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt, eKYC còn hạn chế được các rủi ro liên quan đến gian lận của khách hàng mà giao dịch viên khó phát hiện được như làm giả chứng minh thư, căn cước công dân, lừa đảo, rửa tiền,…

eKYC là nền tảng thiết yếu đánh dấu quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, thúc đẩy khách hàng thay đổi thói quen từ giao dịch trực tiếp tại quầy sang giao dịch trực tuyến, nhằm hướng đến sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

2. Thực trạng triển khai eKYC tại các NHTM Việt Nam

Từ đầu tháng 7/2020, NHNN chính thức cho phép một số ngân hàng triển khai thí điểm eKYC trong quy trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán. Đến thời điểm hiện nay đã có nhiều ngân hàng triển khai thành công giải pháp eKYC và đạt được những kết quả nổi bật khi số lượng khách hàng mới tăng nhanh, số lượng giao dịch qua kênh Mobile Banking và Internet Banking cũng tăng rõ rệt. Những ngân hàng tiên phong đưa eKYC vào hoạt động và đã ghi nhận những kết quả ban đầu khá ấn tượng như sau:

+ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank): Từ đầu tháng 7/2020, VPBank là ngân hàng đầu tiên triển khai eKYC tại Việt Nam. VPBank xây dựng một nền tảng công nghệ sinh trắc học (biometrics) toàn diện, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhận tạo (AI) và chữ ký điện tử (eSignature). Với bước đi đột phá này, giải pháp eKYC do VPBank phát triển cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán 100% online và chỉ cần 5 phút để hoàn tất đăng ký mà không cần tốn thời gian chờ đợi hay đến bất kỳ chi nhánh nào để hoàn thiện hồ sơ. Khách hàng có thể giao dịch ngay sau khi mở tài khoản, được miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài VPBank và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số của VPBank như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền dịch vụ, liên kết ví điện tử,… với nhiều ưu đãi cực kỳ hấp dẫn.

Sau 1 năm triển khai eKYC, VPBank đã có khoảng 15.000 tài khoản đăng ký mới, VPBank dự tính trong năm 2021 sẽ có thêm khoảng 30.000 tài khoản khách hàng mới đăng ký qua eKYC. Hơn nữa từ ngày 8/4/2021, VPBank chính thức ra mắt sản phẩm eKYC tài khoản số đẹp, khách hàng hoàn toàn có thể mở tài khoản thanh toán số đẹp bằng công nghệ eKYC. Giải pháp eKYC giúp VPBank vượt qua mọi rào cản địa lý và thời gian để định danh khách hàng 100% online ngay từ lần giao dịch đầu tiên. Những tiến bộ công nghệ này sẽ được ngân hàng ứng dụng vào nhiều sản phẩm hơn trong tương lai như quy trình bán thẻ tín dụng và cho vay,…

+ Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank): Đầu tháng 8/2020, HDBank là 1 trong số 5 ngân hàng áp dụng eKYC đầu tiên trong hệ thống ngân hàng, cho phép khách hàng mở tài khoản ngay trên ứng dụng (App) ngân hàng điện tử của HDBank. Để hoàn tất giao dịch, khách hàng chỉ cần nhập trường thông tin số điện thoại bắt buộc, chụp CMND, xác thực khuôn mặt. Trong vòng 2 phút, khách hàng sẽ có tài khoản iMoney và ngay lập tức có thể thực hiện giao dịch trực tuyến với nhiều tính năng như thanh toán hóa đơn và QR Pay, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, vé tàu, đặt phòng khách sạn,…

Sau hơn 1 tháng triển khai eKYC, HDBank đã có thêm 35.000 khách hàng mới đăng ký iMoney trên App HDBank, với 15.000 tài khoản đã thực hiện xác thực điện tử. Theo số liệu thống kê của HDBank, số lượng khách hàng giao dịch thường xuyên tăng 40%, trong đó 30% sử dụng dịch vụ topup điện thoại, 70% sử dụng thanh toán hóa đơn và các giao dịch thanh toán điện tử khác. Tỷ lệ giao dịch tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.

+ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank): TPBank ghi dấu ấn khi có thể định danh khách hàng điện tử trong vòng 5 giây nhờ giải pháp eKYC. Trong tháng đầu triển khai eKYC, TPBank đã thu hút 30.000 khách hàng đăng ký mở tài khoản mới thông qua phương thức mở tài khoản trực tuyến và định danh khách hàng điện tử, tương đương 85% số lượng khách hàng đăng ký mở tại quầy giao dịch hoặc tại LiveBank theo cách truyền thống.

App TPBank đã được tích hợp những công nghệ hàng đầu như: máy học (Machine Learning), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR), công nghệ nhận diện khuôn mặt (Face Recognition), công nghệ nhận diện người sống (Liveness Check), công nghệ nhận diện khách hàng giả mạo, lừa đảo (Fraud detection). Nhờ triển khai eKYC toàn diện trên ứng dụng di động, App TPBank Mobile của TPBank lọt top 1 trên bảng xếp hạng của cả App Store và Google Play, lượt tải App của TPBank có tốc độ tăng trưởng từng ngày khoảng 40-60%.

Với eKYC trên App TPBank, khách hàng chỉ cần thực hiện một vài thao tác đơn giản là đăng ký tài khoản thành công và có thể thực hiện ngay các giao dịch như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua sắm online,… đáp ứng đúng nhu cầu tiện lợi, nhanh chóng và an toàn của khách hàng.

Đặc biệt, TPBank đã ứng dụng thành công công nghệ gọi điện trực tuyến (Video Call) đảm bảo xác thực định danh khách hàng, kiểm tra và xác thực giấy tờ liên quan như chứng minh thư nhân dân hiệu quả như gặp mặt trực tiếp. Công nghệ này cho phép khách hàng có thể mở tối đa hạn mức giao dịch ngay trên App mà không cần đến quầy hay gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng. Hiện tại, TPBank là ngân hàng đầu tiên hoàn thiện tới bước định danh này.

Giải pháp eKYC giúp TPBank tiếp cận khách hàng vượt trội, tiện ích cả về thời gian và chi phí, dễ dàng mang dịch vụ ngân hàng đến khách hàng mới ở xa các thành phố lớn, những khách hàng không thuận tiện khi đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng mà không phải đầu tư thêm vào việc mở rộng mạng lưới chi nhánh.

+ Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank): Viet Capital Bank là ngân hàng đầu tiên sử dụng giải pháp eKYC TrueID để định danh khách hàng. Đây là một bước tiến quan trọng của Viet Capital Bank trong việc sẵn sàng hỗ trợ khách hàng mở tài khoản thanh toán trực tuyến để từ đó thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng, góp phần gia tăng thuận tiện trong trải nghiệm của khách hàng, nâng cao tính an toàn trong quá trình khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt qua kênh ngân hàng điện tử.

TrueID là giải pháp xác thực định danh người dùng tự động qua ứng dụng di động, được chính đội ngũ kỹ sư của VNG xây dựng trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhận diện gương mặt và nhận diện kí tự quang học. Các tính năng chính của TrueID là nhận dạng dấu hiệu giả mạo giấy tờ tùy thân (ID), rút trích thông tin - OCR, nhận diện khuôn mặt và nhận biết người thực trong hình selfie. Đây là giải pháp eKYC made in Vietnam với khả năng chống gian lận hàng đầu được cung cấp ra thị trường hiện nay.

Đến tháng 12/2020, tỷ lệ khách hàng mới đăng ký tài khoản đã tăng gần gấp 3 lần so với hồi tháng 7/2020. Theo thống kê của ngân hàng này, tỷ trọng khách hàng sử dụng các dịch vụ, thanh toán qua ngân hàng điện tử/ví chiếm 50%, chuyển tiền chiếm 40% và gửi tiết kiệm chiếm 10% và cả 3 mảng này đều tăng trưởng mạnh kể từ khi triển khai eKYC đến nay.

Viet Capital Bank là một trong các ngân hàng đầu tiên thực hiện eKYC đồng bộ từ trực tuyến đến giao dịch tại quầy với mong muốn khách hàng đến quầy giao dịch cũng sẽ được phục vụ nhanh nhất và không mất nhiều thời gian chờ đợi và đi lại. Sự đồng bộ về mặt công nghệ không chỉ mang đến sự tiện lợi mà còn cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ đồng bộ trên mọi kênh giao dịch với ngân hàng.

+ Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB): Tháng 3/2020, NCB ra mắt phiên bản mới của ứng dụng NCB iziMobile và áp dụng thành công định danh khách hàng điện tử eKYC vào giao dịch. NCB là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai eKYC phục vụ khách hàng. Hệ thống công nghệ của NCB có thể thực hiện định danh khách hàng qua nền tảng số như smartphones, máy tính bảng với chức năng gọi video trực tiếp. Nhờ đó, NCB có thể thiết lập quan hệ với khách hàng mọi lúc mọi nơi, giảm thiểu thủ tục mà khách hàng phải hoàn tất. Thông qua NCB iziMobile, khách hàng chỉ cần thực hiện một số thao tác eKYC để mở tài khoản thanh toán trực tuyến một cách nhanh chóng và có thể thực hiện giao dịch ngay các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số như: chuyển khoản, thanh toán và nạp tiền dịch vụ, gửi tiết kiệm online,…

NCB triển khai eKYC trên nền tảng công nghệ hiện đại như: trí tuệ nhân tạo (AI), xác thực sinh trắc học, chữ ký điện tử,… giúp cho quá trình xác minh khách hàng đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện hơn. Từ đó, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho khách hàng và ngân hàng, nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng. Mọi trải nghiệm của khách hàng sẽ được số hóa một cách tối đa đây là mục tiêu chính mà NCB đang hướng đến.

Ứng dụng NCB iziMobile đã nhận được sự phản hồi tích cực của khách hàng. Số lượng khách hàng đã tăng lên hàng nghìn khách hàng mỗi tháng. Đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chuyển đổi số của NCB. Với thành công này, NCB đang là một trong những ngân hàng đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào chuyển đổi số.

+ Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBBank): MBBank vừa nhận được giải thưởng Sao Khuê 2021 cho giải pháp định danh trực tuyến (eKYC). MBBank là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai eKYC tại Việt Nam, đồng thời là ngân hàng có tỷ lệ thực hiện eKYC thành công cao nhất, khoảng 80% trong số các ngân hàng áp dụng giải pháp này tại Việt Nam. Đến nay, có khoảng 1,8 triệu khách hàng của MB đã trải nghiệm mở tài khoản ngân hàng thành công bằng eKYC, chiếm 70% trên tổng số khách hàng mới kể từ thời điểm MB chính thức ứng dụng eKYC.

Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép tất cả các ngân hàng chính thức được áp dụng phương thức định danh trực tuyến (eKYC) để mở tài khoản cho khách hàng từ ngày 5/3/2021. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng cũng đang triển khai hiệu quả giải pháp eKYC và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng như VietinBank, Nam A Bank, MBBank, VIB, LienVietPostBank, OCB, MSB,…

eKYC mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng, giúp ngân hàng tiếp cận khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn, giảm chi phí quản lý, nâng cao  hiệu quả kinh doanh. Chính vì vậy, eKYC là xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng, giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững.

3. Những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai eKYC tại các NHTM Việt Nam

Bên cạnh những thành quả đạt được khi triển khai eKYC, các ngân hàng vẫn phải đối mặt những khó khăn, thách thức:

- Từ tháng 7/2020, các NHTM mới triển khai thí điểm áp dụng eKYC trong hoạt động nên việc dự trù được các rủi ro khi vận hành tại Việt Nam là rất khó và gần như không có thông tin.

- Các tài khoản được mở bằng định danh khách hàng điện tử (eKYC) chủ yếu tập trung vào các dịch vụ thanh toán hoặc gửi tiết kiệm nên chưa phong phú bằng tài khoản truyền thống. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn đưa ra hạn mức giao dịch trong ngày... nên giao dịch qua kênh này chưa cao.

- Ngân hàng phải đối mặt với vấn đề liên quan bảo mật rủi ro như người dùng sử dụng công nghệ deepfake để gian lận nhằm bỏ qua bước kiểm tra thực thể sống, ngân hàng phải luôn cảnh giác, đối mặt với các tội phạm công nghệ cao.

-  Khách hàng chưa có nhiều hiểu biết về eKYC cũng như chưa cảnh giác cao trong việc bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng, khi giao dịch trực tuyến nên dễ có thể bị rò rỉ thông tin tài khoản cá nhân, thông tin giao dịch của khách hàng.

- Khi chuyển đổi từ quy trình xử lý truyền thống sang định danh khách hàng bằng eKYC tự động 100% online, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc tái cấu trúc nhân sự, số lượng nhân viên ngân hàng truyền thống sẽ giảm xuống và phải đáp ứng kịp thời, toàn diện khả năng tiếp cận công nghệ của đội ngũ nhân viên.

4. Một số kiến nghị đề xuất

4.1. Đối với các ngân hàng thương mại

- Lựa chọn đối tác cung cấp giải pháp eKYC uy tín, có kinh nghiệm về tư vấn giải pháp eKYC và các giải pháp liên quan đến tái cấu trúc hệ thống hạ tầng của ngân hàng cho chiến lược chuyển đổi ngân hàng số. Đối tác hợp tác phải am hiểu về nghiệp vụ ngân hàng và có thể tư vấn phương án lưu trữ dữ liệu an toàn, ổn định, có công nghệ đảm bảo được các tình huống rủi ro có thể phát sinh.

- Tiếp tục hoàn thiện quy trình triển khai giải pháp eKYC phù hợp với quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, quy định pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng; xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, phải thường xuyên rà soát, hoàn thiện những thông tin, dữ liệu cập nhật trong quá trình triển khai eKYC.

- Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng lưu trữ thông tin, dữ liệu của khách hàng, sử dụng các chuẩn bảo mật quốc tế để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của khách hàng, bảo mật hệ thống tránh các hacker, tội phạm công nghệ cao xâm nhập; kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để hạn chế tối đa việc dùng CMND, căn cước công dân giả mạo.

- Tăng cường công tác truyền thông để khách hàng nắm bắt và hiểu rõ về eKYC, nâng cao hiểu biết tài chính, nhận thức của khách hàng; chủ động thông báo, cảnh báo với khách hàng về những trang web ngân hàng giả mạo có giao diện giống với trang web ngân hàng hợp pháp do các tội phạm mạng tạo ra nhằm đánh lừa khách hàng; hướng dẫn khách hàng các kỹ năng cơ bản về an toàn trên không gian mạng, các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, cảnh giác phòng chống tội phạm công nghệ cao, đề phòng và tránh những bất cẩn để lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, phải luôn cảnh giác với những thông báo về đổi coupon, mã giảm giá hoặc ưu đãi khi giao dịch thanh toán trực tuyến.

- Chủ động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh triển khai ứng dụng eKYC vào tất cả các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, nâng cao trải nghiệm của khác hàng, nâng cao sức cạnh tranh của ngân hàng.

- Chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên không chỉ về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng mà còn phải đào tạo kiến thức về công nghệ ứng dụng eKYC, kiến thức về ngân hàng số để có khả năng thích ứng với bối cảnh bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng công tác tuyển dụng, có chế độ đãi ngộ hấp dẫn, xây dựng đội ngũ nhân viên chất lượng cao, có trình độ công nghệ, liên kết với các đối tác công nghệ hàng đầu trên thế giới để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công nghệ. Nguồn nhân lực ngân hàng có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong triển khai eKYC, chuyển đổi số và phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.

4.2. Đối với cơ quan quản lý

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng cơ chế, chính sách cho phép ngành Ngân hàng được chia sẻ, khai thác thông tin các cơ sở dữ liệu này phục vụ việc kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; xây dựng, ban hành quy chế pháp lý cho việc chia sẻ, công nhận dữ liệu giữa các ngân hàng với nhau, từ đó các ngân hàng có thể sử dụng dữ liệu khách hàng của nhau để tiết giảm chi phí và không lãng phí nguồn nhân lực; nhanh chóng quy hoạch phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất và tạo nguồn dữ liệu dùng chung.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý về ngân hàng số, qui trình triển khai eKYC tại các NHTM; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005, hoàn thiện quy định pháp lý về tranh chấp và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử,... nhằm hướng tới minh bạch và bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người dùng khi tham gia giao dịch trực tuyến.

- Xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm thông thoáng, khuyến khích  các ngân hàng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực eKYC, đổi mới, sáng tạo trong quá trình triển khai eKYC; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng đầu tư phát triển ngân hàng số, phát triển số hóa các dịch vụ ngân hàng để tăng tiện ích phục vụ khách hàng, hướng đến mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.

- Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống các loại tội phạm phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao.

- Xây dựng, phát triển hạ tầng kết nối, hạ tầng số an toàn, phát triển internet tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu lớn; đẩy mạnh triển khai các trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng trên toàn quốc.

- Xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng, nhằm tạo dựng môi trường giao dịch số an ninh, an toàn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dùng trong kỷ nguyên số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngân hàng Nhà nước (2020). Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
  2. Fintech Vietnam (2020). eKYC - Digital Identity Verification - Banking Challenges. [Online] Avalabile at https://innotech-vn.com/ekyc-digital-identity-verification-banking-challenges/
  3. Nguyễn Duy Việt (2021). Kinh nghiệm triển khai định danh khách hàng trực tuyến eKYC và bài học cho Việt Nam. Truy cập tại https://thitruongtaichinhtiente.vn/kinh-nghiem-trien-khai-dinh-danh-khach-hang-truc-tuyen-ekyc-va-bai-hoc-cho-viet-nam-33476.html
  4. Khuê Nguyễn (2020). eKYC sẽ tăng tốc. Truy cập tại https://thoibaonganhang.vn/ekyc-se-tang-toc-108648.html
  5. VA (2021). Đảm bảo hiệu quả, an toàn khi triển khai eKYC. Truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/ portal/vi/links/cm100?dDocName=SBV429608

THE CURRENT ELECTRONIC KNOW

YOUR CUSTOMER (EKYC) IMPLEMENTATION

OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS

• Master. TRAN PHAM HUU CHAU

Faculty of Finance - Accounting, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This study analyzes the current electronic Know Your Customer (eKYC) implementation of Vietnamese commercial banks during the complicated developments of COVID-19 pandemic. By analyzing the difficulties and shortcomings in the eKYC implementation of Vietnamese commercial banks, this paper makes some recommendations to help banks overcome these shortcomings.

Keywords: electronic Know Your Customer, commercial bank, digital transformation in banking.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]