Thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

HVCH. Trần Văn Tuyên - TS. Phạm Cảnh Huy (Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội)

Tóm tắt:

Công tác quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã mang lại những kết quả rất tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn khá nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động và phát triển CCN. Việc đề xuất phương án, giải pháp phát triển CCN không chỉ giải quyết các hạn chế, bất cập trong hoạt động của CCN mà còn góp phần phát huy được lợi thế và nguồn lực của tỉnh, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư phát triển công nhiệp.

Từ khóa: thực trạng phát triển, đề xuất giải pháp phát triển CCN.

1. Đặt vấn đề

Cùng với xu thế hội nhập và phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, mỗi quốc gia cần phải không ngừng đổi mới, thúc đẩy sự phát triển chuyển đổi cơ cấu kinh tế của mình nhằm bắt kịp và chủ động hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, phát triển công nghiệp được coi được coi là nhiệm vụ trọng tâm của từng địa phương, trong đó phát triển các Khu công nghiệp, CCN. Tuy nhiên, hiện nay việc thành lập các CCN tại các địa phương nói chung và tại Bắc Ninh nói riêng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Việc quy hoạch chưa tốt, thiếu tính định hướng, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa phù hợp đã gây lên những hệ lụy xấu cho kinh tế, xã hội tại các địa phương, nhất là vấn đề môi trường. 

Bên cạnh những mặt đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, việc quản lý các CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như việc còn lúng túng, buông lỏng, chưa theo kịp với đòi hỏi của quá trình phát triển và hoạt động của các cụm công nghiệp. Trong quá trình dài, còn tồn tại nhiều mô hình quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng khác nhau. Công tác quy hoạch phát triển các CCN thời kỳ đầu còn nóng vội, dàn trải, chưa có tầm nhìn về phát triển kinh tế xã hội và đô thị chung của tỉnh nên nhiều CCN không còn phù hợp, nhiều CCN hiện nằm trong giữa các khu vực đô thị phát triển..

Nghiên cứu này sẽ tập trung đánh giá thực trạng phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và đề xuất phương án, giải pháp phát triển các CCN.

2. Thực trạng phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

2.1. Tình hình quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp

Về việc thực hiện xây dựng quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến nay được chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trước khi Quyết định số 105/2009/NĐ-CP có hiệu lực

Tại nhiệm kỳ Đại hội khóa XVI năm 2001: Cụ thể hóa trong nhiệm kỳ Ban chấp hành có Nghị quyết 02 phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để thực hiện chủ trương công nghiệp hoá của tỉnh. Kết quả cụ thể giai đoạn 2001 - 2005 đã triển khai 4 cụm công nghiệp điểm (Châu khê I, Đồng Kỵ I, Đình Bảng I, Phong Khê I). Điểm đáng chú ý thời kỳ này đó là ra nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh để thu hút đầu tư, trong điều hành không quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp một cách bài bản, dẫn đến có nhiều dự án cấp dời với các tên gọi khác nhau như khu phát triển, khu liền kề, khu công nghệ thông tin, điểm công làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề truyền thống, …

Giai đoạn 2: Sau khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg có hiệu lực đến thời điểm Nghị định số 68/2017/NĐ-CP có hiệu lực

Căn cứ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg [3], UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 79/2011/QĐ-UBND ngày 08/7/2011 về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 về việc phê duyệt phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch phát triển 24 cụm công  nghiệp đến năm 2020 [2]. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác quy hoạch đã đề ra trong Quyết định số 396/QĐ-UBND chưa được thực hiện chưa hiệu quả do không có hướng dẫn cụ thể, biện pháp thực hiện và lộ trình để triển khai, xử lý, nhiều giải pháp chưa thực hiện được do thiếu căn cứ pháp lý để tiến hành. Việc thực hiện chuyển đổi các cụm công nghiệp đã hình thành không phù hợp với quy hoạch phát triển chưa thực hiện được.

Tại thời điểm này, Bắc Ninh đã thành lập được thêm 02 cụm công nghiệp có trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN Yên Trung – Đông Tiến, CCN làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn).

Giai đoạn 3: Sau khi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP có hiệu lực

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp bãi bỏ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg. Đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã có tổng số 37 CCN có trong quy hoạch, với diện tích 1141,86ha đã thành lập được 33 CCN với diện tích là 1.057,26 ha, chưa có CCN được chuyển đổi. Trong đó, có 23 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động với diện tích 723,25 ha, 3 CCN diện tích 64,93 ha đang hoàn hoàn thiện hạ tầng chuẩn bị đưa vào sử dụng; 7 CCN diện tích 269,08 ha đang tiến hành thủ tục chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 2 CCN diện tích 35 ha đang tiến hành lựa chọn chủ đầu tư [5].

2.2.Tình hình  đầu tư, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp

Hiện tại, các cụm công nghiệp trên địa bàn tồn tại 3 loại hình chủ đầu tư cụm công nghiệp, gồm:

+ CCN do UBND cấp xã làm chủ đầu tư.

+ CCN hiện không có chủ đầu tư (trước đây do Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp trực thuộc UBND huyện đứng ra làm chủ đầu tư, nay đã giải thể).

+ CCN do Doanh nghiệp làm chủ đầu tư.

Việc thu hút đầu tư hạ tầng đối với các CCN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt với các CCN đã hình thành và đi vào hoạt động. Với các CCN hiện tại không còn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và các CCN do UBND cấp xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, việc đầu tư hạ tầng CCN không đồng bộ, chủ yếu do các tổ chức được thuê đất tự xây dựng. Khi đưa vào sử dụng một thời gian công trình xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà đầu tư trong cụm công nghiệp. Phần lớn các CCN trên địa bàn đều chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước thải công nghiệp sau khi đã được xử lý cục bộ tại các nhà máy và nước mưa được thu gom vào hệ thống mương rãnh dọc theo các tuyến đường trong cụm và được dẫn ra hệ thống thoát nước chung của khu vực hoặc cho chảy tràn tự nhiên nên mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các CCN chưa đạt được. Ở một số địa phương tuy đã có các CCN làng nghề, nhưng hiện nay vẫn còn tình trạng vừa sản xuất trong cụm công nghiệp, vừa sản xuất trong khu dân cư; mục tiêu thành lập CCN để tách sản xuất ra khỏi khu dân cư chưa thực hiện được.

2.3. Tình hình sản xuất - kinh doanh của các dự án đầu tư trong CCN

Thời gian qua, Bắc Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ... Ngành công nghiệp khẳng định vững chắc vai trò “đầu tàu” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Số doanh nghiệp đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh vào các CCN đến tháng 12 năm 2020 là khoảng hơn 800 doanh nghiệp [4].

Các doanh nghiệp trong cụm sản xuất ổn định, thu hút khoảng 50.000 lao động, chủ yếu là người địa phương. Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp của các CCN là 12,4%/năm, đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 9,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (do khu vực FDI tăng trưởng đột phá, chiếm tỷ trọng trên 90%).

2.4. Ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp

Theo Quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các doanh nghiệp trong cụm được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất khi đầu tư sản xuất trong cụm, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, hỗ trợ về tín dụng với cụm công nghiệp làng nghề, hỗ trợ hoạt động phát triển cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi trên chưa được thực hiện.

Các đơn vị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong CCN chưa được hưởng các ưu đãi và chính sách theo quy định.

Điều đó đặt ra yêu cầu về việc xây dựng cơ chế, các bước thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để đảm bảo quyền lợi của các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong các CCN và phát triển hoạt động các CCN trên địa bàn.

3. Đề xuất một số giải pháp phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh

3.1. Quan điểm phát triển

Phát triển bền vững các CCN gắn với chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp địa phương theo hướng tập trung phát triển theo chiều sâu; ưu tiên phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư trong nước. Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp; định hướng các ngành nghề có tính liên kết trong chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ.

Quy hoạch có tính khả thi, đáp ứng nhu cầu diện tích mặt bằng để đầu tư sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất và các nguồn lực khác của địa phương. Đồng thời, phát triển CCN có tính chất ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực và có sự tương đồng về mục tiêu ngành nghề với các KCN lân cận; gắn với việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

Kế thừa các Quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh theo các quyết định: Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh, về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 15/1/2019 của UBND tỉnh Bắc Ninh, về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 26/2/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh, về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 11/6/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh, về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều chỉnh bổ sung danh mục các CCN theo Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh, về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng Phương án phát triển CCN phù hợp với kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng tại địa phương; phù hợp với quy hoạch các ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.

Xây dựng cơ chế chính sách; tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng CCN theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các CCN trên địa bàn.

3.2. Định hướng phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

(i) Mục tiêu phát triển:

Phương án phát triển nhằm mục tiêu sắp xếp, phân bố không gian phát triển các CCN hợp lý gắn với các chính sách, giải pháp quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các cụm CN hiện có trên cơ sở bảo vệ môi trường, tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực khác. Phương án là một nội dung của Quy hoạch tỉnh, được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo pháp luật quy hoạch. 

+ Giai đoạn 2021-2030:

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp; phân bố không gian phát triển các CCN hợp lý; xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN và tổ chức chuyển đổi các CCN trên địa bàn theo lộ trình [5]. Cụ thể như sau:

- Các CCN trong quy hoạch hiện có: 37 Cụm với diện tích 1.141,86ha;

- Giữ ổn định hoạt động các CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp 18 cụm diện tích 665,37ha;

- Chuyển đổi các cụm công nghiệp: 15 CCN với diện tích: 299,46ha.

- Mở rộng các cụm công nghiệp: Mở rộng diện tích 06 CCN gồm: CCN Mẫn Xá - Văn Môn, huyện Yên Phong; CCN Phù Lãng, huyện Quế Võ; CCN Quảng Bố, huyện Lương Tài đến; CCN Cao Đức- Vạn Ninh, huyện Gia Bình; CCN Xuân Lai, huyện Gia Bình; CCN Quỳnh Phú, huyện Gia Bình). Các CCN đã thành lập, đang hoạt động sẽ được mở rộng khi đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Quy hoạch mới 06 CCN.

+ Định hướng giai đoạn 2031 - 2050:

- Chuyển đổi các cụm công nghiệp: 02 CCN.

- Quy hoạch mới các cụm công nghiệp: Quy hoạch mới 01 CCN.

(ii) Định hướng phát triển:

Giữ ổn định các CCN đang hoạt động, đã được thành lập do doanh nghiệp đang làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, điều chỉnh mở rộng quy mô diện tích nếu có điều kiện, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và phù hợp với các quy hoạch hiện có ở khu vực.

Quy hoạch mới các CCN chuyên ngành, đa nghề, làng nghề thực sự cần thiết tại các vị trí địa điểm phù hợp, với diện tích tối đa 75 ha, nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện tiếp nhận các nhà máy phải di dời từ các CCN thực hiện lộ trình dừng hoạt động; chuyển đổi, phát triển mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm công nghiệp. Phát triển các CCN gắn với chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ cho ngành Nông nghiệp; đồng thời, hình thành các CCN hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng danh mục quy hoạch phát triển mới các CCN phải bao gồm: tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, có giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các cụm công nghiệp.

Kế thừa danh mục chuyển đổi các CCN theo các quy hoạch trước, đồng thời điều chỉnh thời gian lộ trình chuyển đổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động và quy trình, thời gian thực hiện.

Định hướng quy hoạch ổn định, chuyển đổi và phát triển CCN giai đoạn năm 2031 - 2050, phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

3.3. Một số giải pháp phát triển đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

3.3.1. Hoàn thiện công tác xây dựng cơ chế, chính sách đối với các cụm công nghiệp

- Quản lý đầu tư phát triển CCN theo Phương án được UBND tỉnh phê duyệt và theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch.

- Sửa đổi, ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với công tác quản lý, để thay thế Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh về quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. [6]

- Yêu cầu các đơn vị thứ cấp hoạt động trong CCN chưa có nhà máy xử lý tập trung phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, đảm bảo đạt tiêu chuẩn để xả thải theo quy định thì mới được phép hoạt động. Đối với các CCN mới thành lập do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, yêu cầu hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, đặc biệt là phải có khu xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường mới được cho nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất thực hiện dự án.

- Hạn chế tiến đến dừng việc cấp giấy phép mới các dự án sản xuất nguyên vật liệu phát thải gây ô nhiễm môi trường cao, như: phôi thép, nguyên liệu tái chế giấy, nguyên liệu có nguồn gốc vật liệu gây ô nhiễm, sơ chế nguyên liệu tái chế tập trung. Các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trước khi thuê đất trong CCN phải được các Sở quản lý chuyên ngành thẩm định chặt chẽ từ dây chuyền công nghệ máy móc thiết bị sản xuất, phương án bảo vệ môi trường và phải có chế tài xử lý kịp thời khi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

- Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm cuối cùng cho tiêu dùng như: sản phẩm tạo hình, sản phẩm cơ khí chế tạo từ nguyên liệu thép, các thành phẩm nguyên liệu từ giấy,...

- Chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật: Doanh nghiệp được lựa chọn làm chủ đầu tư theo quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP. Đồng thời, thực hiện đúng quy định của Nhà nước về trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật và quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỉnh Bắc Ninh.

3.3.2. Chuyển đổi cụm công nghiệp

- UBND tỉnh Quyết định ban hành Kế hoạch chuyển đổi CCN theo lộ trình của Phương án.  

- UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi CCN cấp tỉnh do Sở Công Thương là cơ quan thường trực, để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức thực hiện xây dựng Phương án chuyển đổi và tháo gỡ khó khăn vướng mắc về quy hoạch, đất đai, xây dựng, doanh nghiệp,...

3.2.3. Mở rộng cụm công nghiệp

- Chỉ cho phép mở rộng diện tích CCN khi chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về quản lý CCN và quy định của tỉnh.

- Xem xét, đánh giá năng lực triển khai và công tác quản lý của chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn trước, để kịp thời tham mưu UBND tỉnh giao chủ đầu tư có năng lực, uy tín cao tiếp tục thực hiện quản lý.

3.2.4. Thành lập mới cụm công nghiệp

- Sau khi Phương án được phê duyệt, UBND tỉnh cho phép triển khai các bước lựa chọn doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN để tiếp nhận các dự án sản xuất giấy được di dời từ khu vực phường Phong Khê, xã Phú Lâm do chuyển đổi các CCN này. Đồng thời, lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo đảm năng lực, uy tín để tổ chức thực hiện.

- Quản lý chặt chẽ các CCN được thành lập mới từ quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giá cho thuê đất; tiếp nhận dự án của nhà đầu tư thứ cấp, đặc biệt là quy mô sản xuất và phương án bảo vệ môi trường.  

3.2.5. Cơ chế quản lý chuyển tiếp

- Đối với CCN do UBND cấp xã đang làm chủ đầu tư: Thành lập tổ chức quản lý khai thác hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ công (theo hình thức Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ, công ty cổ phần mà các thành viên là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong cụm); ở nơi có điều kiện có thể thực hiện hình thức đấu thầu, giao doanh nghiệp tư nhân quản lý.

- Đối với các CCN do các doanh nghiệp đang làm chủ đầu tư tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp đang làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trước đây chưa có quyết định thành lập, thì hoàn thiện hồ sơ thành lập như thành lập CCN mới theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; Nghị định số 66/2020/NĐ-CP.

- Đối với các CCN do BQL các CCN huyện, UBND xã làm chủ đầu tư thực hiện chuyển giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư hoặc thống nhất đơn vị đầu mối quản lý hạ tầng CCN của huyện làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các CCN trên địa bàn.

4. Kết luận

Tỉnh Bắc Ninh đã có những bước đi tích cực và đúng đắn trong việc hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với các CCN để đảm bảo hiệu quả phát triển các CCN trên địa bàn theo hướng bền vững. Trong đó, việc tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp trên các phương diện khác nhau, cụ thể là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định liên quan đến phát triển các CCN. Xây dựng những chủ trương, đường lối, chính sách ưu đãi về vốn, về đất đai, lao động cũng như thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại trong các CCN. Đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ từ đường xá, cấp điện, xử lý nước thải, xử lý môi trường. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về CCN một cách tinh gọn, hiệu quả, rõ ràng, tránh bị chồng chéo khi thực hiện kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng quản lý đối với đội ngũ cán bộ có chức năng quản lý lĩnh vực liên quan. Tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời xử lý những hành vi vi phạm và tháo gỡ những vướng mắc cho đội ngũ cán bộ quản lý trực tiếp CCN.

Dựa vào những thực trạng các CCN tại Bắc Ninh, nghiên cứu đã có những đề xuất nhằm hoàn thiện tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các CCN. Các nội dung giải pháp chính mà nghiên cứu đề cập đến xoay quanh chủ yếu các vấn đề, như: Hoàn thiện công tác xây dựng cơ chế, chính sách; Hoàn thiện tổ chức quản lý về đầu tư kết cấu hạ tầng trong các CCN; Chuyển đổi, mở trộng và thành lập mới các CCN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ, (2017). Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
  2. 2. UBND tỉnh Bắc Ninh, (2013). Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 31/10/2013, về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  3. Thủ tướng Chính phủ, (2009). Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp.
  4. Sở Công Thương Bắc Ninh, (2021). Công văn số 1068/SCT-QLCN ngày 26/10/2021 của Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh về việc báo cáo tình hình đầu tư, xây dựng, hoạt động sản xuất - kinh doanh các CCN trên địa bàn.
  5. Sở Công Thương Bắc Ninh, (2022). Công văn số 123/SCT-QLCN ngày 11/02/2022 của Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh về việc tham gia khảo sát lập kế hoạch kiểm toán năm 2022.
  6. Sở Công Thương Bắc Ninh, (2022). Một số đánh giá về hình thành, tồn tại hạn chế của các CCN và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới. Truy cập tại: https://sct.bacninh.gov.vn/news/-/details/57296/mot-so-anh-gia-ve-hinh-thanh-ton-tai-han-che-cua-cac-ccn-va-e-xuat-giai-phap-trong-thoi-gian-toi--37848713
  7. A.N. (2021). Xây dựng 1.704 cụm công nghiệp trên cả nước. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/xay-dung-1704-cum-cong-nghiep-tren-ca-nuoc-585297.html

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR THE DEVELOPMENT OF INDUSTRIAL CLUSTERS IN BAC NINH PROVINCE

Master’s student Tran Van Tuyen1- Ph.D Pham Canh Huy1

1School of Economics and Management, Hanoi University of Science & Technology

Abstract:

The establishment and planning of industrial clusters in Bac Ninh province has greatly contributed to the province’s socio-economic growth. However, besides achievements, the operation and development of industrial clusters in Bac Ninh province still have some shortcomings. This paper proposes some plans and solutions for the development of industrial clusters in Bac Ninh province to help the province overcome these inadequacies and fully take advantage of the provincial resources, creating a breakthrough in attracting investment in industrial development.

Keywords: current development situation, proposed solutions for the development of industrial clusters.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]