Thực trạng và giải pháp chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông thôn tại huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre

THS. HÀ THỊ VÂN KHANH (Khoa Kiến thức cơ bản, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Việc phát triển du lịch nông thôn từ các hộ gia đình, cộng đồng địa phương và các khu du lịch tại huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và du lịch của huyện Chợ Lách. Bài viết sẽ đi sâu vào phân tích thực trạng và giải pháp chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông thôn tại huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre nhằm nâng cao đời sống của người dân nơi đây thông qua du lịch.

Từ khóa: du lịch nông thôn, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, du lịch nông thôn Chợ Lách

1. Cơ sở lý luận về du lịch nông thôn

Cho đến nay, Việt Nam chưa có khái niệm về du lịch nông thôn cụ thể, Trong Luật Du lịch Việt Nam năm 2017, vẫn chủ yếu dùng khái niệm du lịch cộng đồng. Do đó, nhóm tác giả đã đưa ra khái niệm về du lịch nông thôn: Du lịch nông thôn được hiểu là bao gồm các hoạt động du lịch, diễn ra tại một khu vực nông thôn mà ở đó, những cư dân nông thôn đứng ra tổ chức, thiết kế, quản lý và điều hành nhằm giới thiệu, cung cấp trực tiếp hoặc qua các tổ chức/cá nhân các hoạt động về sản phẩm/dịch vụ vật chất và tinh thần của hộ nông dân và cộng đồng địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.

1.1. Phân loại du lịch nông thôn

Theo (Barrera & Muratore), có 16 loại hình du lịch nông thôn tại các quốc gia châu Mỹ như : Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch khám phá, du lịch thể thao, du lịch nghiên cứu, du lịch sự kiện, du lịch sức khỏe, du lịch dựa vào cộng đồng thổ dân, du lịch giải trí và nghỉ dưỡng, du lịch học tập, du lịch ẩm thực. Cách phân loại du lịch trên cũng tương đồng với các loại hình du lịch nông thôn Việt Nam.

Wilson, Fesenmaier, Fesenmaier, & Van Es (2001) đã đưa ra 10 yếu tố quan trọng để phát triển du lịch nông thôn bao gồm: 1. Xây dựng chương trình du lịch trọn gói; 2. Người lãnh đạo cộng đồng tốt; 3. Hỗ trợ và tham quan của chính quyền địa phương; 4. Cần có đủ nguồn kinh phí phát triển du lịch; 5. Hoạch định chiến lược phát triển du lịch; 6. Phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp du lịch và lãnh đạo địa phương; 7. Phối hợp tốt giữa doanh nghiệp du lịch và người dân/cộng đồng địa phương; 8. Hỗ trợ công nghệ thông tin, cơ sở vật chất kỹ thuật quảng bá du lịch; 9. Văn phòng hỗ trợ và tổ chức sự kiện giới thiệu marketing tốt; 10. Hỗ trợ cộng đồng địa phương rộng rãi trong hoạt động du lịch nông thôn.

1.2. Mô hình du lịch nông thôn ở Việt Nam

Theo Đào Thị Hoàng Mai (2015), chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông thôn Việt Nam sẽ bao gồm các thành phần sau:

1.2.1. Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý ngành:     

Chính quyền địa phương: Thường chịu trách nhiệm thực hiện chính sách liên quan về du lịch như bảo tồn, tôn tạo, quản lý an ninh, an toàn cho mọi người. Quản lý hệ tài nguyên du lịch nhân văn và thiên nhiên tại địa phương trong quá trình khai thác du lịch nông thôn và cả khi không khai thác vào hoạt động du lịch nông thôn.

Cơ quan quản lý ngành: Ngành Du lịch cần hiểu được đối tượng khách du lịch có xu hướng dịch chuyển, mong muốn gì khi đi du lịch vùng nông thôn, và phản ứng của họ khi đến vùng nông thôn có làm du lịch. Cần phải đưa ra những chính sách, yêu cầu tích cực hoặc tiêu cực đối với khách du lịch nông thôn khi họ tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ tại vùng du lịch nông thôn. Cần có chính sách quảng bá hình ảnh con người, vùng quê, sản phẩm du lịch đặc thù tại vùng nông thôn đến với mọi người, trong đó có cả du khách trong và ngoài nước.

Cộng đồng địa phương: Đây là những người cùng sinh sống trong cùng một vùng địa lý như trong cùng một thôn, làng, xã, huyện... và nếu xét về chức năng, họ là những người có thể không sống trong cùng một vùng địa lý, nhưng có một số yếu tố về tập quán, truyền thống, tính cách, ngôn ngữ,… hỗ trợ vào hoạt động du lịch cộng đồng làm tăng thêm giá trị.

Nông dân: Người nông dân cung cấp các sản phẩm/dịch vụ phục vụ cho khách du lịch nội địa và quốc tế bao gồm: Dịch vụ cơ sở lưu trú; dịch vụ ăn uống và buôn bán các hàng hóa nông sản từ các trang trại của mình cho du khách. Một mặt, họ muốn tạo doanh thu để tái đầu tư, một mặt tạo thêm nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống. Họ tự làm việc bán thời gian, toàn thời gian, hoặc tạm thời cho cơ sở du lịch. Đồng thời, họ cũng là người cung cấp các dịch vụ cho hoạt động dịch vụ du lịch như ăn uống, hướng dẫn viên, dịch vụ vận chuyển, sản xuất ra các sản vật địa phương và bán các sản vật địa phương cho du khách.

1.2.2. Doanh nghiệp du lịch lữ hành nội địa và quốc tế

Được xem là nhà phân phối trung gian thiết kế, tổ chức thực hiện các chương trình du lịch về các vùng nông thôn cho các đối tượng khách khác nhau, công ty du lịch lữ hành có sự gắn kết rất mật thiết với các bên, có mối quan hệ giữa công ty và nông dân, hiệp hội và các nhà cung cấp dịch vụ bổ sung cho việc tổ chức chương trình du lịch.

Qua đó, công ty lữ hành sẽ xây dựng thiết kế chương trình và điều hành chương trình tour du lịch nông thôn, và cung cấp dịch vụ hướng dẫn quốc tế hoặc nội địa; Huấn luyện hướng dẫn viên tại chỗ là người dân địa phương hoặc các chủ hộ kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, tư vấn chương trình tour theo sở thích và mục tiêu của du khách khi du lịch nông thôn.

1.2.3. Khách du lịch

Đối tượng của loại hình du lịch nông thôn chủ yếu là khách nội địa, do cuộc sống hiện đại và môi trường đô thị với nhiều loại áp lực công việc và cuộc sống, họ cần có những nơi nghỉ ngơi, giải trí. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế thường đến với các nông trang thông qua các công ty du lịch, tổ chức xã hội hoặc hiệp hội, đi theo cá nhân, hoặc nhóm nhỏ hộ gia đình hay bạn bè.

2. Thực trạng chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông thôn tại huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre

2.1. Thực trạng về điều kiện tự nhiên, khí hậu

Huyện Chợ Lách nằm trong vùng có khí hậu gió mùa, giữa hai con sông lớn là sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, cùng với nhiều kênh, rạch.,  Hệ thống giao thông, phương tiện đi lại thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ đến các điểm tham quan, liên tỉnh, vì có quốc lộ 57 chạy qua. Hệ động thực vật đa dạng và phong phú, cũng như trên địa bàn huyện có nhiều tuyến, điểm du lịch, điểm tham quan hấp dẫn cả về nhân văn và tự nhiên nằm trong tuyến du lịch của tỉnh và liên tỉnh.

2.2. Thực trạng về nguồn nhân lực

Tính cách của người dân nơi đây chân chất, mộc mạc phóng khoáng cùng với văn hóa bản địa của người Nam bộ đã tạo được ấn tượng với du khách trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, với tay nghề của các nghệ nhân làng hoa kiểng, sự cần cù chịu khó của người nông dân, và sự khéo tay chế biến các món ăn dân dã mang đậm tính địa phương vùng miền đã tạo dấu ấncho du khách khi đến đây. Do chưa xác định thế mạnh về loại hình du lịch nào là chính, dẫn đến nguồn nhân lực chất lượng cao cho từng loại hình du lịch đó còn nhiều hạn chế. Chưa có đội ngũ cán bộ giỏi về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu về cả lĩnh vực văn hóa - du lịch - nông nghiệp.

2.3. Thực trạng chính sách và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương

Hiện nay, chưa có sự thống nhất và hợp nhất về khâu quản lý, triển khai và thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp - văn hóa - du lịch. Du lịch nông thôn cần phải có sự hỗ trợ nguồn vốn lớn từ các quỹ, ngân hàng với lãi suất thấp, phù hợp; Cần sự giúp đỡ từ các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hỗ trợ về kinh phí hoặc trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ bảo quản, chế biến, đóng gói các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho người tiêu dùng/khách du lịch.

Chính quyền cần có quỹ hoạt động chung để triển khai một số hoạt động như quảng cáo, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu cho hộ du lịch nông thôn và cộng đồng địa phương cũng như khu du lịch. Để có ngân sách hoạt động, cần có sự đóng góp của các cộng đồng tham gia du lịch nông thôn bằng cách nộp lệ phí bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, quản lý vận hành hàng năm với một mức giá cho các hộ gia đình/khu du lịch.

2.4. Thực trạng sản phẩm du lịch và dịch vụ

Là một huyện thuần nông nghiệp, với các loại cây trồng là chủ yếu, nên sản phẩm/dịch vụ du lịch tại huyện Chợ Lách chủ yếu gồm: Du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch tham quan, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm đời sống nông dân, du lịch nghiên cứu và học tập. Mỗi loại hình du lịch sẽ có những sản phẩm du lịch/dịch vụ du lịch khác nhau.

Sản phẩm văn hóa:

Về di tích lịch sử - văn hóa:Trên toàn huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa trong đó tiêu biểu là Nhà thờ bia tưởng niệm Nhà bác học Trương Vĩnh Ký;

Về làng nghề truyền thống: có nhiều làng nghề truyền thống mang đậm nét nông nghiệp, nông thôn như: Làng hoa kiểng ghép cành, chiết cây, trồng các loại hoa, lai tạo và nhân giống các loại cây ăn trái, nuôi ong lấy mật…;

Về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, huyện Chợ Lách có các điệu hò, hát dân ca, đờn ca tài tử.

Về lễ hộiCác lễ hội như lễ hội trái cây, lễ hội hoa và hoa kiểng thường được tổ chức vào dịp tết và mùa trái cây nở rộ, cùng với các lễ hội truyền thống của người dân địa phương.

Về Phong tục tập quán, lễ nghi; tri thức dân gian địa phương: huyện Chợ Lách sở hữu  nhiều loại kiến trúc phương Đông, phương Tây như nhà thờ cổ Cái Mơn, nhà thờ Cái Chum, tịnh xá Kỳ Viên, tịnh xã Ngọc Thành, và nhiều đình, chùa...

Về các hội thi: Hàng năm, huyện đều tổ chức các hội thi đấu xảo các sản phẩm trồng trọt thi cây cảnh bonsai, trưng bày mô hình kết bằng cây - hoa - trái, chợ cây giống hoa kiểng, giao lưu ẩm thực…

Sản phẩm/dịch vụ du lịch bao gồm:

Về dịch vụ lưu trú: Huyện có nhiều cơ sở lưu trú, có khách sạn từ 1-2 sao và nhiều nhà nghỉ, loại hình homestay cũng đang phát triển, với sức chức chứa có thể hơn 400 khách/ngày và nhiều loại hình lưu trú khác đa dạng và phong phú tại các khu du lịch nằm trên địa bàn huyện.

Về dịch vụ Ẩm thực: Huyện Chợ Lách có nhiều món ăn dân dã hấp dẫn phục vụ du khách như bánh xèo hế, gỏi cuốn hến, cố gạo hấp lá gừng, cháo gà,... uống trà và rượu mật ong.

Về dịch vụ trải nghiệm: Du khách tham gia trải nghiệm cuộc sống của người công nhân nuôi ong lấy mật ở một số hộ gia đình, hoặc trại nuôi ong.;

Về dịch vụ giải trí: Du khách có thể tham gia trải nghiệm bắt cá, câu cá, các trò chơi trên thuyền, ghe…; Dịch vụ hướng dẫn trải nghiệm đời sống nông thôn của các hộ gia đình, hoặc dịch vụ hướng dẫn quy trình làm, thực hành một nghiệp vụ nào đó trong khâu sản xuất, nuôi trồng…

2.5. Thực trạng đối tượng và thị trường khách du lịch

Khách du lịch đến Chợ Lách chủ yếu là khách nội địa, do đó cần phải xác định rõ được đối tượng khách du lịch đến với loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hiện địa phương hiện vẫn chưa xác định được du khách đến với loại hình du lịch này chủ yếu từ những thị trường nào, địa phương nào, chưa phân khúc được thị trường mục tiêu và thị trường tiềm năng đối với sản phẩm du lịch/dịch vụ cho nhóm đối tượng tiềm năng và đối tượng mục tiêu. Chưa nắm bắt được tâm lý du khách đến với địa phương, đối với mỗi dòng sản phẩm/dịch vụ du lịch hiện có.

Du lịch nông thôn là loại hình kinh doanh xuất khẩu tại chỗ mang lại giá trị lớn đối với người dân địa phương và cả chính quyền địa phương trên nhiều phương diện như tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương trong thời gian nông nhàn. Địa phương cần có nhiều giải pháp để doanh thu cho các hộ nông dân, khu du lịch và người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh sản phẩm/dịch vụ du lịch.

2.6. Thực trạng về giá cả dịch vụ và chi phí của khách du lịch

Giá cả về các dịch vụ tại điểm/khu du lịch vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng nhất giá đối với các sản phẩm/dịch vụ du lịch tương tự, dẫn đến khả năng không tin tưởng của du khách. Chi phí cho một chuyến du lịch là rất lớn, chi phí mua một chương trình du lịch chỉ là một phần trong khoản chi phí chuyến tham quan du lịch của khách du lịch. Họ còn tiêu dùng các loại dịch vụ, sản phẩm khác trong chuyến du lịch đó như mua sắm, ăn uống, tham quan… ngoài chương trình tour. Hộ gia đình/khu du lịch sẽ có thêm thu nhập từ việc bán các sản phẩm/dịch vụ khác ngoài chương trình tour mà du khách muốn trải nghiệm. Do đó, cần phải có sự đa dạng về sản phẩm/dịch vụ du lịch.

2.7. Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ và phương tiện vận chuyển

Hệ thống giao thông đường thủy với phương tiện thô sơ chủ yếu là thuyền, ghe, xuồng của người dân làm phương tiện vận chuyển hàng hóa, chưa có phương tiện đạt chất lượng tốt phục vụ cho dịch vụ du lịch đặc thù. Mặt khác, Quốc lộ 57, là hệ thống giao thông đường bộ chính của huyện đi qua và trở thành đường bộ chính liên nội bộ, liên huyện, liên tỉnh đi lại còn khó khăn, nhiều đoạn xuống cấp chưa đạt yêu cầu. Nhiều cầu, cống vẫn còn nhỏ, hẹp và trọng lượng còn thấp, không đáp ứng được đối với những phương tiện vận chuyển có trọng lượng lớn, nhất là các phương tiện vận chuyển hành khách. Hệ thống nước sạch, điện, chưa đáp ứng đủ, người dân vẫn còn sử dụng nước giếng, nước sông để sinh hoạt. Hệ thống mạng công nghệ thông tin, internet cần phủ sóng và đạt chất lượng cao hơn.

2.8. Thực trạng quảng cáo và xúc tiến du lịch

Một số cơ quan báo chí, truyền hình địa phương và trung ương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan ban ngành khác đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm trái cây, hoa kiểng trên mạng xã hội, tại các hội chợ, triển lãm… nhưng để quảng cáo về du lịch và du lịch nông thôn đối với huyện Chợ Lách là chưa nhiều. Quảng cáo, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ du lịch vẫn chủ yếu dựa vào một số kênh thông tin của các cá nhân hộ kinh doanh/khu du lịch đã có những trang thông tin quảng cáo riêng thông qua website, hệ thống mạng xã hội khác. Một số hộ gia đình/khu du lịch đã tự xây dựng hệ thống mạng website, mạng xã hội, nhưng vẫn mang tính tự phát và chưa có sự liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ bổ sung, cộng đồng địa phương, công ty lữ hành.

3. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông thôn tại huyện Chợ Lách, Bến Tre

3.1. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước

Cơ quan quản lý về nông lâm ngư nghiệp: Với chức năng, nhiệm vụ quản lý về diện tích cây trồng, cơ quan này cần giúp người dân về mặt giống, cây trồng, chăm sóc, nhân lực… về lĩnh vực cây trồng (chủ yếu là các loài hoa, cây ăn trái, con giống và hải sản.

Ngành văn hóa: Cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện.

Ngành du lịch: Cần phối hợp với các ngành, lĩnh vực khác để khai thác hoạt động du lịch có sự phối hợp chặt chẽ của người dân địa phương, nhằm quảng bá, thiết kế và tổ chức các chương trình tour du lịch bán cho khách du lịch nội địa và quốc tế hoặc những người dân có nhu cầu đến tham quan, mua sắm và tiêu dùng các dịch vụ tại địa phương.

3.2. Đối với chủ thể hộ gia đình kinh doanh chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch

Đây là đối tượng chủ thể đóng vai trò chính trong chuỗi cung cấp sản phẩm/dịch vụ du lịch như sau:

- Dịch vụ lưu trú: Cung cấp hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, homestay, nhà khách, lều trại…

- Dịch vụ ẩm thực: Cung cấp các món ăn dân giã địa phương, món ăn truyền thống gia đình, đặc sản.

- Dịch vụ vận chuyển: Vận chuyển và cho thuê các phương tiện vận chuyển tham quan, vui chơi, giải trí…

- Dịch vụ mua sắm: Cung cấp các loại hàng hóa giúp du khách có thể mua các sản vật gia đình, địa phương.

- Dịch vụ trải nghiệm: Cung cấp dịch vụ nấu ăn, trồng trọt, chăn nuôi, chăm bón, hái, chế biến… trải nghiệm như một người nông dân.

- Dịch vụ hướng dẫn viên tại điểm: Hướng dẫn viên am hiểu du lịch, văn hóa, nông nghiệp, cây trồng,.. bằng ngôn ngữ tiếng Anh, Trung, đáp ứng nhu cầu khách quốc tế.

3.3. Đối với cộng đồng địa phương nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch

- Đây là cộng đồng dân cư không thể thiếu, họ là những người cung cấp các dịch vụ bổ sung, là chủ thể của vùng đất nơi du khách đến.

- Chủ hộ du lịch nông thôn kết hợp với cộng đồng địa phương tham gia cung cấp một số hạng mục, dịch vụ phục vụ cho khách du lịch cùng với chủ du lịch nông thôn.

- Cộng đồng địa phương là người cung cấp các dịch vụ bổ trợ khác như phương tiện vận chuyển, thông tin liên lạc…

3.4. Đối với các công ty lữ hành, các nhà cung ứng dịch vụ du lịch khác

Các công ty lữ hành là người trung gian cầu nối giữa du khách nội địa và quốc tế với người cung cấp sản phẩm/dịch vụ du lịch là người dân địa phương trong việc lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ như lưu trú, ăn uống, tham quan, đi lại, giá cả, thông tin về sản phẩm…

Các công ty lữ hành cần xây dựng thiết kế chương trình và điều hành chương trình tour du lịch nông thôn, và cung cấp dịch vụ hướng dẫn quốc tế hoặc nội địa; Huấn luyện hướng dẫn viên tại chỗ là người dân địa phương hoặc các chủ hộ kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, tư vấn chương trình tour theo sở thích và mục tiêu của du khách khi du lịch nông thôn.

3.5. Đối với khách du lịch

Đối với khách du lịch quốc tế khi đến với du lịch nông thôn huyện Chợ Lách, họ chủ yếu thông qua kênh trung gian là các công ty du lịch lữ hành quốc tế. Mặc dù du khách quốc tế biết được thông qua hệ thống kênh thông tin website, báo chí… nhưng họ vẫn chọn công ty lữ hành là kênh mua trung gian để đảm bảo an toàn, và hiệu quả.

Khách du lịch nội địa thường đến với du lịch nông thôn Chợ Lách bằng nhiều kênh như: Thứ nhất, du khách nội địa sẽ chọn các công ty du lịch lữ hành là kênh trung gian để thực hiện chương trình tour trọn gói từ các hộ du lịch nông thôn. Thứ hai, du khách nội địa tự tìm đến với các hộ du lịch nông thôn để mua từng loại sản phẩm/dịch vụ mà họ cần thiết nhất, phù hợp nhu cầu của chuyến đi.

4. Kết luận

Phát triển du lịch nông thôn từ các hộ gia đình, cộng đồng địa phương và các khu du lịch tại huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre trở thành một sản phẩm của điểm du lịch hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và du lịch của cả huyện Chợ Lách. Thực trạng phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông thôn đã khái quát được các thành phần tham gia vào việc sản xuất - phân phối - tiêu dùng - quản lý các sản phẩm/dịch vụ du lịch nông thôn một cách hoàn thiện nhất trong giai đoạn hiện nay.

Thông qua chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông thôn tại huyện Chợ Lách Bến Tre sẽ giúp cho các nhà hoạch định chiến lược du lịch thấy sự cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế gia đình từ du lịch nông thôn, đóng góp ngân sách cho địa phương và tăng thu nhập cho người nông dân từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong gia đình và cộng đồng địa phương.

Để phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn không thể thiếu sự đóng góp của các công ty du lịch lữ hành, các hãng dịch vụ và cả cộng đồng địa phương, hội đoàn và chính quyền địa phương cùng nhau xây dựng tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù riêng có của huyện. Đồng thời, huyện cần có chiến lược phát triển, triển khai và quy hoạch đồng bộ các hộ gia đình kinh doanh du lịch, làng nghề liên kết thành chuỗi giá trị du lịch nông thôn để đưa vào khai thác tuyến, điểm, khu du lịch với dòng sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững, thân thiện và hấp dẫn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Công Hoan, Hà Thị Vân Khanh (2019). Nghiên cứu mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp tại làng Bưởi Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tạp chí Công Thương, Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 11(6), 204-209.
  2. Nguyễn Công Hoan (2016). Du lịch homestay tại các làng nghề truyền thống ở Phú Quốc. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 384.
  3. Đào Thị Hoàng Mai (2015). Du lịch nông thôn từ lý luận đến thực tiễn, NXB Khoa học Xã hội.
  4. Quốc hội (2017). Luật Du lịch Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  5. Bùi Thị Hải Yến (2011). Du lịch cộng đồng, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  6. http://www.bentre.gov.vn

TÀI LIỆU TIẾNG ANH

  1. Ashley, C. (2000). The impacts of tourism on rural livelihoods: Namibia's experience: London: Overseas Development Institute.
  2. Fleischer, A., & Tchetchik, A. (2005). Does rural tourism benefit from agriculture? Tourism management, 26(4), 493-501.
  3. Frederick, M. (1993). Rural tourism and economic development. Economic Development Quarterly, 7(2), 215-224.
  4. MacDonald, R., & Jolliffe, L. (2003). Cultural rural tourism: Evidence from Canada. Annals of Tourism research, 30(2), 307-322.
  5. McGehee, N. G., & Andereck, K. L. (2004). Factors predicting rural residents’ support of tourism. Journal of Travel research, 43(2), 131-140.
  6. Wilson, S., Fesenmaier, D. R., Fesenmaier, J., & Van Es, J. C. (2001). Factors for success in rural tourism development. Journal of Travel research, 40(2), 132-138.

Current situation and solutions for the supply chain of rural tourism services in Cho Lach District

Master. Ha Thi Van Khanh

Faculty of Basic Knowledge, Ho Chi Minh City University of Culture

ABSTRACT:

The development of rural tourism activities at households, local communities and tourist areas in Cho Lach District, Ben Tre Province has become an attractive tourism product, playing an important role in the local socio - economic and cultural development. This paper analyzes the current situation and proposes some solutions to complete the supply chain of rural tourism services in Cho Lach District in order to improve local people’s lives.

Keywords: rural tourism, tourism services supply chain, rural tourism activities at Cho Lach.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]